Độc thân trong hôn nhân

Chia sẻ

Độc thân là từ dùng để chỉ những người đàn ông chưa vợ, phụ nữ chưa lấy chồng. Vậy nhưng trong thời hiện đại, không hiếm những cặp vợ chồng kết hôn nhiều năm lại sống không khác gì người độc thân trong hôn nhân của mình.

Độc thân trong hôn nhân - ảnh 1 (Ảnh: minh họa)

1 Anh chị kết hôn đến nay gần 10 năm. Cưới xong, chị ra nước ngoài làm nghiên cứu sinh, anh ở trong nước thực hiện kế hoạch mở phòng khám tư chất lượng cao. Mỗi người theo đuổi một ước mơ, mục tiêu riêng nên trì hoãn chuyện sinh con, ai cũng bảo chưa sẵn sàng cho nhiệm vụ làm cha, mẹ.

Thời gian xa vợ, anh lủi thủi một mình, cơm hàng cháo chợ. Cuộc sống sau khi có vợ so với thời chưa có vợ chẳng khác gì nhau. Bên kia, nửa vòng trái đất, chị cũng sống cảnh độc thân, ngoài thời gian học tập, lại vùi đầu vào công việc làm thêm để có kinh tế.

Cứ ngỡ, họ chỉ tạm thời chịu cảnh độc thân trong thời gian xa nhau, nhưng chị về nước rồi, cuộc sống của hai vợ chồng cũng chẳng khác trước là bao. Lực hút từ mưu cầu sự nghiệp quá lớn khiến anh chị chẳng còn thời gian cho nhau. Từ ngày anh mở phòng khám riêng, thời gian cuốn hết vào đó. Chị cũng mê mải với những dự án riêng. Chuyện sinh con sau nhiều năm trì hoãn giờ trở nên khó khăn vì cả hai đều nảy sinh vấn đề về sức khỏe sinh sản.

Hàng ngày, họ ra khỏi nhà và trở về trong những khung giờ khác nhau. Hai vợ chồng hiếm hoi mới có bữa cơm cùng nhau, còn lại đa phần ăn với đối tác, bạn bè bên ngoài. Ngày nghỉ, vợ chồng ở nhà nhưng cũng trong cảnh mỗi người ôm một máy tính. Về kinh tế, tiền ai kiếm được người nấy quản. Của chung duy nhất trong hôn nhân là đứa con thì họ vẫn chưa có. Nhiều năm nay, với họ, căn nhà giống như nhà trọ thay vì là một tổ ấm hạnh phúc.

2 Anh và cô kết tóc se duyên đến nay đã 8 năm, có hai đứa con. Cuộc hôn nhân xuất phát từ tình yêu ấy bỗng một ngày nổi giông gió khi anh có tình nhân bên ngoài. Từ đó, hôn nhân của họ nguội lạnh, nhưng cả hai không thể phá vỡ hôn nhân bởi con cái ràng buộc.

Nhìn bên ngoài, hôn nhân của họ vẫn lý tưởng vì vợ chồng có công việc ổn định, kinh tế dư dả, con cái đủ trai gái. Vậy mà mấy năm nay, họ sống cạnh nhau chẳng khác gì hai người độc thân. Hàng ngày, mỗi người một xe đưa một đứa con đi học rồi đến công sở. Hết giờ làm, con cái đưa về bàn giao cho giúp việc và gia sư lo ăn uống và quản học hành. Cả vợ lẫn chồng tự do với nhu cầu cá nhân bên ngoài của mình. Thời gian họ gặp nhau duy nhất là mấy tiếng trên giường ngủ. Nhưng, khoảng thời gian ít ỏi đó cũng dành cho nhau không trọn vẹn. Bởi có hôm, anh trở về nhà trong tình trạng say mềm, mệt mỏi, không cần biết vợ còn nằm chung giường hay không. Phần cô, ác cảm về sự phản bội của chồng vẫn luôn ẩn hiện trong tâm trí nên nhu cầu chăn gối chẳng mặn mà gì. Dần dần, chẳng ai có nhu cầu quan tâm đến đối phương, cứ mạnh ai nấy sống.
Một ngày, hai đứa con của họ đều mắc hội chứng trầm cảm. Đi khám, bác sĩ bảo, bố mẹ cần có sự giao lưu với con cái nhiều hơn, nhất là phải tạo được không khí yêu thương, vui vẻ, kết nối trong gia đình. Cuộc hôn nhân lâu nay tồn tại vì con nay trở thành vô nghĩa, bởi các con lại bị ảnh hưởng từ cuộc hôn nhân rỗng ruột đó.

3 Anh làm giám đốc một công ty, chị làm trưởng phòng kinh doanh của tập đoàn lớn, họ có một con trai. Khi con trai lên lớp 10, anh chị cho con sang Úc du học. Từ ngày vắng con, vợ chồng chị sống cùng nhau nhưng giống như "ngưu lang chúc nữ". Cả hai ra khỏi nhà từ sáng, anh trở về nhà sớm nhất là 9 giờ tối, muộn nhất là nửa đêm, có hôm còn không về nhà. Chị cũng bận với công việc ở công ty. Thời gian vợ chồng dành cho nhau rất ít ỏi dù cả hai vẫn sống chung nhà, ngủ cùng giường.

Chị kể, bữa cơm gia đình của họ "biến mất" kể từ ngày con đi du học. Căn bếp nhà chị hầu như không "đỏ lửa" mỗi ngày. Đa số, mỗi người tự ăn uống bên ngoài, vì chẳng thể chờ đợi nhau trong những bữa cơm muộn. Bây giờ, cả nhà chị chủ yếu sum họp trên mạng. Đó là khi con trai ở nước ngoài gọi video nhóm cho bố mẹ.

Chị nhẩm tính, con trai du học 3 năm cấp 3, 4 năm đại học. Nếu học xong, con về nước làm việc sống cùng bố mẹ thì cuộc sống gia đình quây quần may ra còn được duy trì. Còn nếu con ở lại nước ngoài lập nghiệp thì có lẽ hết chặng đường còn lại, hai vợ chồng vẫn cứ như hai đường thẳng song song sống cạnh nhau. Hạnh phúc hôn nhân nhìn tưởng đầy nhưng hóa ra lúc nào cũng trong tình trạng vơi tới đáy. Có người khuyên anh chị nên điều chỉnh để cuộc sống vợ chồng có ý nghĩa hơn. Chị chưa biết tìm cách nào để điều chỉnh thì anh đã rẽ lối đến bên người phụ nữ biết cách tạo cho anh cuộc sống vợ chồng đúng nghĩa.

Ngẫm lại, hôn nhân không phải là chiếc áo để ai mặc kiểu gì cũng được. Những người vợ, người chồng không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh sống, hay mải mê chạy theo nhu cầu cá nhân để rồi biến mình hoặc bạn đời thành người sống độc thân trong hôn nhân. Lúc đó, hôn nhân sẽ không còn giá trị, và hạnh phúc gia đình mãi mãi chỉ là ảo ảnh mà thôi.

THU VÂN

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.