Tuổi già cậy... con gái

Chia sẻ

Ngày ông bà Bình quyết định sống cùng vợ chồng con gái, nhiều người ở quê có ý chê trách hai người con trai rằng: Trách nhiệm phụng dưỡng bố mẹ tuổi già là của con trai, không phải của con gái.

Bà Bình chửa đẻ hai lần, sinh được 3 người con. Lần thứ nhất, bà sinh con gái, lần thứ hai sinh đôi hai cậu con trai. Ai cũng bảo, vợ chồng bà Bình sinh khéo, vừa có con gái lẫn con trai, thậm chí còn có hai con trai đề phòng đứa này hỏng còn có đứa khác nên. Tóm lại, trong suy nghĩ của nhiều người, tương lai già của ông bà được đảm bảo chắc chắn.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Vợ chồng bà Bình làm kinh doanh, buôn bán nên cũng có của ăn của để, thoải mái lo cho các con ăn học đàng hoàng, còn để dành cho mỗi đứa một mảnh đất khi lấy vợ, lấy chồng. Đến giai đoạn ba đứa con lần lượt thành gia lập thất, ông bà bước vào cuộc sống già. Bấy giờ, các con đều sống riêng bên ngoài, việc sống già lúc ốm đau bệnh tật đã trở thành vấn đề lớn của họ. Bởi hai vợ chồng sống lủi thủi ở quê, con cháu đều ở thành phố cả, chẳng đứa nào về quê để sống cùng bố mẹ được.

Cuối cùng, ông bà nghĩ đến chuyện đến sống chung cùng các con trai. Nhưng đây cũng là vấn đề vô cùng nan giải của họ. Bởi hai cô con dâu đều là người nước ngoài. Dù lấy chồng sống ở Việt Nam nhưng các cô con dâu nước ngoài vẫn giữ quan điểm con cái trưởng thành phải sống độc lập với bố mẹ. Đó là lý do, ngay sau khi cưới, chúng đều đề cập chuyện sống riêng, không sống chung với bố mẹ.

Thời điểm đó, ông bà Bình vẫn còn khỏe mạnh, tự lập được nên chẳng để ý đến chuyện sống cùng các con. Nhưng họ vẫn nghĩ đến lúc già yếu sẽ chuyển về sống cùng với một hai con. Chẳng ngờ, ý định đó của ông bà lại không được các con ủng hộ, nhất là các con dâu người nước ngoài.

Cuộc họp gia đình diễn ra theo ý nguyện của con cháu, giải pháp được hai cặp vợ chồng con trai đưa ra là ông bà vẫn sống già ở quê, chúng thuê người giúp việc chăm sóc bố mẹ. Ở giai đoạn "già cậy con", ông bà chẳng thể đưa ra được ý kiến nhiều vì lực bất tòng tâm. Họ chấp nhận thực hiện theo phương án đó. Nhưng con cháu họ đã không ngờ đến tình huống bố mẹ mình bị bạo hành bởi chính người giúp việc mà họ đã bỏ tiền ra thuê về. Chồng bà Bình bị bệnh tai biến, ăn uống, sinh hoạt khó khăn do bị liệt một nửa người. Ông trở nên khó tính, suốt ngày chê trách người giúp việc vụng về không biết chăm sóc người bệnh. Biết con cháu ông bà ở xa, chẳng quản được người giúp việc chăm sóc bố mẹ mình như thế nào nên những người giúp việc ấy đã bạo hành lại "chủ nhân" của mình. Các con thì ở xa, có kêu cũng chẳng thấu, nên họ đành cam chịu cuộc sống già bất tiện và khổ sở đó.

Cho tới một ngày, vợ chồng con gái ông bà đột xuất nghỉ phép về thăm bố mẹ một tuần. Trong thời gian đó, họ nhận ra vấn đề mà bố mẹ đang gặp phải. Cô đã sa thải người giúp việc không có tâm ấy, tìm thuê một người khác. Nhưng người mới vẫn không được như ý cô.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Cuộc họp gia đình nhà bà Bình lại diễn ra sau lần bà đổ bệnh. Cảnh bố mẹ ốm đau, già cả sống một mình lại được các con đưa ra bàn tính. Chuyện dọn về sống chung với hai con trai vẫn không thông suốt dù ông bà rất muốn. Các con dâu ông bà bảo bố mẹ lên chơi một thời gian ngắn thì được còn sống chung lâu dài thì không thể. Họ viện cớ công việc, nếp sống của gia đình nửa Việt nửa Tây ấy không phù hợp để sống cùng bố mẹ già. Và rồi, giải pháp họ đưa ra lần này là để bố mẹ vào nhà dưỡng lão sống. Ở đó, ông bà có dịch vụ y tế chăm sóc luôn thể, như thế vừa đảm bảo về cuộc sống hàng ngày, lại đảm bảo về sức khỏe. Trách nhiệm phụng dưỡng bố mẹ già của họ sẽ được thể hiện bằng việc lo kinh tế để trả cho bố mẹ khi sống trong nhà dưỡng lão.

Vợ chồng bà Bình là người vẫn còn nặng tư tưởng tuổi già cậy con cái nên không chấp nhận vào nhà dưỡng lão sống. Vợ chồng con gái thấy vậy đã đưa ra ý kiến bố mẹ về sống chung cùng mình. Họ sẽ có trách nhiệm lo cho bố mẹ đến lúc trăm tuổi về với tổ tiên. Điều đó có nghĩa là tuổi già của ông bà từ nay sẽ cậy con gái chứ không phải con trai. Việc này sẽ hợp lý nếu như ông bà không có hai cậu con trai - nhiều người nói vậy. Không ít người quay sang chỉ trích hai cậu con trai của ông bà đã bỏ bê trách nhiệm phụng dưỡng tuổi già của bố mẹ.

Cuộc sống già đau ốm triền miên chẳng cho phép ông bà Bình từ chối việc về sống cùng con gái. Vậy là mặc cho ai nói gì thì nói, ông bà chấp nhận bán nhà về sống già cùng vợ chồng con gái, con rể. Sau một thời gian sống già cùng con gái, ông bà được đả thông tư tưởng nhiều điều. Trước hết là cởi bỏ được nỗi oán trách hai cậu con trai đã "bỏ bê" nghĩa vụ sống chung phụng dưỡng bố mẹ tuổi già lâu nay trong lòng ông bà. Cuộc sống hiện đại, trách nhiệm con cái đối với bố mẹ là bình đẳng bất kể con trai hay con gái. Không hà cớ gì trách nhiệm đó chỉ dồn lên cho mỗi con trai, còn con gái đứng ngoài cuộc. Hai là, tư tưởng có con trai nối dõi tông đường, sinh con trai chỉ nhằm mục đích "bảo hiểm" tuổi già của mình là quá lạc hậu. Từ thực tế của ông bà, dù có con trai nhưng ông bà vẫn không thể sống chung với chúng khi về già. Ngược lại, họ lại cậy nhờ con gái. Và, con gái cũng thực hiện việc chăm sóc, phụng dưỡng cuộc sống già của bố mẹ rất chu đáo. Vậy không có lý do gì, bố mẹ lại chỉ trông chờ và kỳ vọng vào mỗi con trai khi về già. Để rồi, khi sinh con, họ thực hiện các biện pháp lựa chọn giới tính để sinh bằng được con trai. Thậm chí, trong cách nuôi dạy con hàng ngày bố mẹ có phần đầu tư, thiên vị cho con trai hơn con gái, khiến cho con gái chịu nhiều thiệt thòi.

Cuộc sống hiện đại đã khiến cho các mô hình gia đình thay đổi. Các con sống độc lập với bố mẹ thay vì sống chung như trước đây ngày càng phổ biến. Vì thế, đã đến lúc chúng ta cần thay đổi quan niệm già cậy con trai. Thay vào đó, con nào có hiếu cũng đáng được ghi nhận. Và cha mẹ già hãy thoải mái, đón nhận việc sống cùng con gái như một niềm hạnh phúc chứ không phải là chuyện bất đắc dĩ.

NGUYỄN THỊ YẾN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.