Điểm chuẩn sẽ cao?

Chia sẻ

Hơn 88.000 thí sinh Hà Nội đã hoàn thành kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2020-2021. Nhìn chung, đề thi năm nay được đánh giá là “dễ thở” nên dự báo điểm chuẩn vào các trường THPT sẽ ở mức cao so với các năm trước.

Thí sinh dự thi vào lớp 10 THPT năm 2020-2021Thí sinh dự thi vào lớp 10 THPT năm 2020-2021 (Ảnh: Việt Khôi)

Dự báo có nhiều điểm cao

Theo thầy Hồng Trí Quang, giáo viên môn Toán hệ thống Giáo dục HOCMAI, năm nay, cấu trúc đề thi Toán từ bài 1-4 khá giống đề thi năm 2019 nhưng không có nội dung về đồ thị hàm bậc hai cũng như tam thức bậc hai. Mặc dù đây là đơn vị kiến thức rất quan trọng trong chương trình học kỳ II, nhưng năm nay có thể do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên Sở GD-ĐT đã không đưa vào trong đề thi. Đề thi chưa mạnh dạn đưa ra nhiều bài toán ứng dụng mang tính thực tế hơn. Mức độ đề thi nhẹ nhàng hơn so với năm ngoái nên dự báo phổ điểm năm nay sẽ cao hơn, phổ biến ở mức 7-8 điểm.

Thầy Nguyễn Mạnh Cường, giáo viên Toán trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cũng đánh giá đề thi năm nay có cấu trúc tương tự các năm trước, phù hợp với đa số học sinh. Theo thầy Cường, năm nay sẽ có nhiều điểm cao, phổ điểm sẽ rơi nhiều vào 7,5-8 điểm. Cụ thể, học sinh dễ dàng lấy điểm ở bài 1 về biểu thức cơ bản. Ở bài 2, học sinh chỉ cần nắm công thức là làm được. Bài 4 khá dễ và thường hay ra trong đề thi vào 10 những năm trước.

Đối với đề tiếng Anh theo cô Nguyễn Thị Mai Hương, giáo viên tiếng Anh trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm đề thi tiếng Anh ra vừa sức học sinh với các chủ điểm từ vựng phổ biến và cơ bản, nằm trong chương trình SGK. Chủ đề từ vựng tập trung vào danh lam thắng cảnh và hoạt động cộng đồng. Đây là 2 chủ đề phổ biến trong chương trình SGK lớp 8 và 9. Phần khó tập trung vào một số câu ngữ pháp ở phía cuối và phần bài đọc. Phổ điểm học sinh có thể đạt được rơi vào 6-7 điểm, học sinh giỏi sẽ có nhiều điểm 10.

Về môn Ngữ văn, theo tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Ngữ văn trường THPT Chu Văn An Hà Nội, nhìn tổng thể, đề thi không có thay đổi từ cấu trúc tới tính chất, mức độ, kiểu dạng các câu hỏi so với những năm gần đây. Câu hỏi số 1 ở mức độ nhận biết, kiểm tra về kiến thức tiếng Việt cũng là câu hỏi giúp thí sinh hoàn toàn có thể đạt điểm tuyệt đối. Câu hỏi 2 ở mức độ thông hiểu, nhưng cũng như câu thông hiểu ở phần 1, câu này tương đối đơn giản cho suy luận của thí sinh nên các em hoàn toàn có khả năng đạt điểm tối đa.

Điểm chuẩn sẽ biến động?

Nhìn lại mức điểm chuẩn trong kỳ tuyển sinh lớp 10 THPT vài năm gần đây cho thấy, đứng đầu các trường THPT ở Hà Nội là THPT Chu Văn An, sau đó là nhóm các trường THPT Kim Liên, Trần Phú, Việt Đức, Phan Đình Phùng, Thăng Long, Nhân Chính. Một số trường như THPT Cầu Giấy, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Quý Đôn - Hà Đông, Lê Quý Đôn - Đống Đa cũng là những cái tên thu hút được sự chú ý 3 năm gần đây.

Năm nay, thí sinh chỉ thi 3 môn Ngữ văn, Ngoại ngữ và Toán thay vì 4 môn như năm trước. Vì thế, mức điểm chuẩn vào các trường sẽ không giống với các năm. Tuy nhiên, theo ông Đào Tuấn Đạt, Hiệu trưởng trường THPT Anhxtanh, năm nay, đề thi được cho là “dễ thở” không có nghĩa là việc trúng tuyển vào các trường THPT công lập sẽ dễ hơn các năm trước. Đó là bởi chỉ tiêu vào các trường này luôn có giới hạn. Nếu nhiều thí sinh cùng làm được bài thi thì phổ điểm sẽ cao, dẫn tới điểm chuẩn vào các trường sẽ tăng và ngược lại. Vấn đề quan trọng là đề thi phải phân hóa được thí sinh giỏi, khá, trung bình để làm cơ sở cho các trường chọn được thí sinh đầu vào phù hợp.

Kỳ thi lớp 10 THPT năm nay, các trường THPT công lập dự kiến tuyển 66.492 học sinh vào lớp 10, tương đương với khoảng 62%. Như vậy sẽ có khoảng hơn 22.000 thí sinh bị loại khỏi các trường công lập. Theo ông Phạm Quốc Toản, trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT, Hà Nội vẫn sẽ có đủ chỗ học cho các học sinh. Hiện, 105 trường ngoài công lập, tự chủ tài chính đang tiến nhận đơn đăng ký dự tuyển lớp 10 năm học 2020- 2021 từ nay đến hết ngày 31/7. Trong số này, chỉ có 12 trường xét tuyển dựa trên kết quả thi, 91 trường sẽ chỉ xét tuyển bằng học bạ, 2 trường sử dụng kết hợp hai phương thức. Như vậy, ngay cả khi không trúng tuyển kỳ thi lớp 10 THPT, học sinh vẫn có thể vào học tại trường ngoài công lập, công lập tự chủ tài chính dựa trên kết quả rèn luyện, học tập cấp THCS.

Ngoài ra, học sinh còn có thể vào học tại trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và tham gia học nghề.

Ngay sau khi kết thúc kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT (bao gồm cả hệ không chuyên và chuyên), Sở GD-ĐT sẽ tiến hành chấm thi. Hà Nội sẽ thành lập một Ban Chấm thi, một Ban Làm phách. Để đảm bảo an toàn, hạn chế tiêu cực, gian lận, phòng chứa bài thi, phòng chấm bài thi trắc nghiệm, tự luận sẽ có camera an ninh giám sát, ghi hình 24/24h. Cán bộ chấm thi gồm 50% là giáo viên trung học cơ sở, 50% là giáo viên trung học phổ thông. Riêng bài thi Ngoại ngữ làm theo hình thức trắc nghiệm được chấm trên máy. Dự kiến, việc chấm thi sẽ hoàn tất vào 31/7. Trước ngày 3/8 công bố kết quả thi. Thí sinh xác nhận nhập học từ ngày 3 – 5/8.

HOÀNG LAN

Tin cùng chuyên mục

Phát động Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước“

Phát động Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước“

(PNTĐ) - Sáng 16/4, Tạp chí Công dân và Khuyến học tổ chức lễ ra mắt chuỗi tọa đàm và phát động cuộc thi viết "Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước". Chuỗi tọa đàm và Cuộc thi viết là diễn đàn kết nối các chuyên gia, nhà báo, nhà giáo, phụ huynh, học sinh, sinh viên…
Tăng tốc học thi

Tăng tốc học thi

(PNTĐ) - Xưa nay, thi cử được xem là thước đo đánh giá mức độ hiểu biết cũng như khả năng nhận thức của mỗi người đối với các lĩnh vực trong đời sống xã hội. Những áp lực trong giai đoạn thi cử là tình trạng chung của hầu hết các sĩ tử và người thân.
Quận Ba Đình đạt thành tích xuất sắc trong Hội thi Giáo viên dạy giỏi Thành phố cấp Tiểu học năm học 2023-2024

Quận Ba Đình đạt thành tích xuất sắc trong Hội thi Giáo viên dạy giỏi Thành phố cấp Tiểu học năm học 2023-2024

(PNTĐ) - Sáng ngày 11/4, tại Hội nghị tổng kết Hội thi "Giáo viên dạy giỏi Thành phố cấp Tiểu học năm học 2023-2024" của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình đã được tặng giấy khen tập thể xuất sắc trong công tác chỉ đạo Hội thi; 5/5 giáo viên của quận tham dự cấp Thành phố đều đạt giải với 2 giải Nhất và 3 giải Nhì.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn là Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước nhiệm kỳ 2024-2029

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn là Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước nhiệm kỳ 2024-2029

(PNTĐ) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 300/QĐ-TTg ngày 11/4/2024 thành lập Hội đồng Giáo sư Nhà nước nhiệm kỳ 2024 - 2029. Theo Quyết định này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước nhiệm kỳ 2024 - 2029.