Ký ức của người thương binh khởi xướng phong trào vượt ngục

Chia sẻ

Những chiến công vang dội của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX có sự góp sức của biết bao thế hệ tù chính trị từng bị giam trong các “địa ngục trần gian”. Những chiến sĩ cách mạng kiên trung quyết tâm trở về với cách mạng, với nhân dân bằng những cuộc vượt ngục quả cảm.

Ông Nguyễn Hà Long – người thương binh khởi xướng phong trào vượt ngụcÔng Nguyễn Hà Long – người thương binh khởi xướng phong trào vượt ngục

Ông Nguyễn Hà Long, thương binh hạng 2/4 là người khởi xướng phong trào đào hầm vượt ngục tại phân khu A2, trại giam tù binh Phú Quốc đêm 19/1/1969. Với ông, những tháng ngày gian khổ mà thiêng liêng ấy mãi không thể nào quên.

10 tuổi, ông đã cùng gia đình đi tản cư khắp các tỉnh Bắc Bộ, nhìn thấy cuộc sống và con người ở nhiều nơi lầm than, cơ cực. Trở về quê hương sau 7 năm xa cách, ông được giao phụ trách Đội Thiếu niên Hợp tác xã Ái Quốc, rồi làm phó ban phụ trách thanh niên xã Tân Ước. Những viên gạch đầu đời ấy đã xây nên trong suy nghĩ của Nguyễn Hà Long một ý chí chiến đấu kiên cường, nhưng cũng rất thông minh.

Ông Long bị địch bắt vào tháng 4/1965 khi tham gia chiến dịch phá đồn bốt của địch. Ông đã bị địch đưa vào các nhà giam khác nhau, nếm đủ các đòn tra tấn của địch như điện giật, cho người vào thùng phi gõ đến long óc. Dù vậy, ông vẫn giữ vững tinh thần không khai một chút thông tin nào về cách mạng cho địch.

Ông kể, tháng 11/1967, ông nằm trong số gần 40.000 tù binh bị đưa ra nhà tù Phú Quốc. Và, “gần 1 năm sau, tháng 8/1968, sau nhiều vụ vượt ngục “lành ít, dữ nhiều”, mọi người nhất trí cùng nhau tổ chức cuộc vượt ngục bài bản. Đồng chí Nguyễn Trọng Dư vốn có nghề cơ khí, được giao nhiệm vụ làm xẻng đào sâu vào lòng đất để vượt ngục. Từ cà mèn, ca uống nước, anh làm ra những chiếc xẻng bé xíu. Từ dây thép gai, anh đem về nắn thẳng, đan thành nắp hầm. Đêm đêm, anh em chia nhau, người chui xuống đào, người đứng canh kẻo địch phát hiện, những đường hầm ngày càng vươn ra, như những cánh tay đang vươn tới tự do.

Cách đào hầm cũng phải tổ chức, phân công kỹ lưỡng: Cứ 3 người 1 ca, người thứ nhất đào, người thứ hai chuyển đất vào túi làm bằng ống quần xé ra, người thứ ba dùng dây kéo ra ngoài. Cứ 15 - 20m, chúng tôi đào thêm một hàm ếch rộng làm nơi trung chuyển đất và để chỗ cho người ngồi kéo. Đường hầm dài 120m, số đất mang lên khoảng 20m3. Mở màn vào ngày 2/9/1968, sau hơn 150 ngày, đến đêm 19/1/1969 thì chúng tôi đào hầm thành công (đường hầm nhà tù Phú Quốc ngày nay), đã được tính toán kỹ lưỡng, không để xảy ra ngạt khí. Tôi trườn ra khỏi đường hầm thành công cũng là lúc địch hò hét vì đã phát hiện ra. Trời khi ấy vừa hửng sáng, có 21 người lên khỏi hầm trọn vẹn”.

Được tự do, Nguyễn Hà Long cùng các đồng đội thành lập Đơn vị Biệt động Phú Quốc trừ gian, đánh địch. Tháng 9/1969, nghe tin Bác mất, họ cồn cào ruột gan vì thương tiếc. Anh em quyết đánh địch lập công dâng Bác. Đêm 14/9/1969, trung đội tổ chức 2 mũi đánh trận cao điểm 176, chỉ trong 10 phút đã làm chủ trận địa. Tháng 12/1971, đánh quận Dương Đông. Địch bị tiêu diệt chỉ sau 15 phút, tạo nên một làn sóng tin tưởng trong quân và dân Phú Quốc. Chẳng ai nghĩ những tù binh vượt ngục ấy lại có thể sống sót trở về. Và, cũng vào thời điểm năm 1971, ở quê nhà, mẹ ông nhận được giấy báo tử con trai mình.

Sau khi vượt ngục thành công, tháng 7/1972, ông Nguyễn Hà Long được Bộ Chỉ huy miền Nam điều về đoàn 182, Bộ Chỉ huy miền. Ngày ông trở về quê nhà, bà con làng xóm không dám tin, họ kéo đến rất đông để được thấy ông “bằng da bằng thịt”. “Ngày đất nước toàn thắng, tôi đứng ở quê mình và khóc. Bao nỗi nhớ anh em, những ngày khổ cực, gian lao dội về. Máu xương của đồng đội tôi đã trở thành bất tử!” – ông Long nhớ lại.

Sau đó, ông Nguyễn Hà Long chuyển về công tác tại địa phương (Tri Lễ, Tân Ước, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) đến khi nghỉ hưu. Vào những ngày kỷ niệm, ông luôn được mời làm nhân chứng kể lại cuộc chiến hào hùng mà mình đã trải qua để truyền lửa đến các thế hệ trẻ. Ông luôn tự hào và ghi nhớ mình là người thanh niên của xã hội chủ nghĩa và mong muốn thế hệ trẻ sẽ tiếp bước tinh thần cách mạng để các thế hệ cha ông để xây dựng đất nước phát triển.

MAI CHI

Tin cùng chuyên mục

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

(PNTĐ) - Ngày 25/4, Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)”. Ban tổ chức đã nhận được gần 20 tham luận gửi đến Hội thảo đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật.
Đồng bào các dân tộc Điện Biên với tinh thần “cả nước cùng chống giặc”

Đồng bào các dân tộc Điện Biên với tinh thần “cả nước cùng chống giặc”

(PNTĐ) - Phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã chung sức, đồng lòng, cùng với cả nước, tích cực chủ động tham gia phục vụ chiến trường với tất cả tinh thần, sức lực, trí tuệ và của cải, tất cả cho chiến thắng.