Dẹp ngay những cuộc thi “ao làng”

Chia sẻ

Cho đến hôm nay, scandal đường dây hoa hậu, người đẹp bán dâm giá hàng chục ngàn đô vẫn chưa hết xôn xao. Bên cạnh những tờ báo chính thống, đưa tin theo nguồn tin của lực lượng phòng chống tệ nạn xã hội, hay từ cơ quan bảo vệ pháp luật, thì cũng có không ít các trang tin, trang mạng xã hội tung ra đủ kiểu tin đồn, suy đoán.

Công an lấy lời khai của một cô gái bán dâm bị bắt quả tang tại khách sạn. (Ảnh: Báo CAND)Công an lấy lời khai của một cô gái bán dâm bị bắt quả tang tại khách sạn. (Ảnh: Báo CAND).

Không ai đồng tình với việc các cô người đẹp có chút danh vị sa chân vào con đường bán dâm. Trước pháp luật, mọi công dân đều bình đẳng, các cô người đẹp có danh vị kia và những cô gái bán dâm khác đều phải bị pháp luật xử lý như nhau. Tất nhiên, về khía cạnh đạo đức, các cô người đẹp thường bị lên án mạnh mẽ hơn, bởi họ vốn là người của công chúng. Ở khía cạnh nào đó, họ là từng được coi là biểu tượng của vẻ đẹp phụ nữ. Nhưng, họ bán dâm vài ngàn, vài chục ngàn đô là vì muốn ngồi mát ăn bát vàng, chứ không phải vì cuộc sống ở bước đường cùng.

Làm sao để giảm bớt những câu chuyện “phản cảm” về các người đẹp, người mẫu – những người có danh vị hẳn hoi, lại sa vào thứ tệ nạn “bẩn thỉu” kia? Đây là câu hỏi cần được các cấp chính quyền xem xét lại trong việc quản lý các danh hiệu “người đẹp”, “người mẫu”.

Có thể nói rằng, nguyên nhân sâu xa trước hết là bởi sự đổ đốn, sa ngã của những người đẹp hư hỏng, nhưng, bên cạnh đó còn ở cả những cuộc thi, những cách thức đã đưa các cô gái hư hỏng này lên bệ phóng vinh quang một cách dễ dãi.

Công bằng mà nói, ở các cuộc thi sắc đẹp đã tạo được thương hiệu, người ta luôn chọn được các cô gái tài sắc vẹn toàn để trao danh hiệu, nên hầu như ít có chuyện đáng tiếc nào xảy ra. Nhưng ở các cuộc thi “ao làng” chuyên mua bán giải và nhiều cuộc thi sắc đẹp ở nước ngoài thường được tổ chức trong cộng đồng người Việt vốn dĩ chỉ là một show giải trí, là nơi các cuộc ngã giá về giải thưởng được các bầu show “bắn tiếng bán giải” xuyên quốc gia, dung túng cho rất nhiều người đẹp muốn có chút danh vị… thì lại khác. Đó chỉ là lớp men tráng để một số cô gái đang từ “vô danh tiểu tốt” có thể leo lên những nấc thang danh vọng nhờ cái danh hiệu được mua bằng tiền.

Cho nên, việc cần làm lúc này là “dẹp” bớt những cuộc thi sắc đẹp kiểu “ao làng”, mang tính kinh doanh để trả lại bầu không khí trong sạch cho “làng” người đẹp.

Ngày 14/7 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo nghị định quy định về hoạt động biểu diễn, khi bàn về quản lý các cuộc thi sắc đẹp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã nhận xét là "vừa qua loạn quá".

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết các quy định hiện hành về hoạt động nghệ thuật biểu diễn đã phát sinh một số hạn chế, vướng mắc, thiếu thống nhất với các quy định trong lĩnh vực khác. "Biện pháp quản lý đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ tổ chức thi người đẹp, người mẫu và hoạt động dự thi người đẹp, người mẫu ở nước ngoài chưa phù hợp với thực tiễn" - ông Thiện nêu ví dụ.

Bên cạnh đó, cần phải có biện pháp quản lý chặt chẽ về mặt hành nghề biểu diễn… cũng vô cùng cấp thiết, nhằm tạo ra môi trường biểu diễn chuyên nghiệp, trong sạch và chống mạo danh người mẫu, người đẹp để bán dâm như vừa qua, gây bức xúc cho những người làm nghề biểu diễn chân chính.

Hy vọng rằng, khi Nghị định về hoạt động biểu diễn mới được ban hành, việc quản lý các cuộc thi người mẫu, người đẹp chặt chẽ hơn, quản lý hoạt động biểu diễn tốt hơn… sẽ góp phần hạn chế phần nào những “con sâu” làm “bẩn” cả “nồi canh”.

MỸ NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục