Cần một trật tự dựa trên luật pháp quốc tế ở Biển Đông

Chia sẻ

Tình hình Biển Đông đang nóng lên với một loạt diễn biến mới. Đáng chú ý là Tuyên bố ngày 13/7 của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về chính sách mới của Mỹ về Biển Đông, trong đó bác bỏ hầu hết yêu sách hàng hải vô lý và phi pháp của Trung Quốc.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Nimitz của Mỹ tham gia cuộc tuần tra gần đây ở Biển Đông. (Nguồn: Hải quân Mỹ)Tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Nimitz của Mỹ tham gia cuộc tuần tra gần đây ở Biển Đông. (Nguồn: Hải quân Mỹ)

Khung chính sách mới

Được đưa ra trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung gia tăng trên tất cả các mặt trận, từ kinh tế, công nghệ và các vấn đề Hong Kong, Tân Cương, Biển Đông… chính sách này đã định vị lập trường của Mỹ về Biển Đông sát với phán quyết của Tòa trọng tài ở La Haye về vụ kiện của Philippines với Trung Quốc năm 2016. Theo đó, yêu sách "đường 9 đoạn" của Trung Quốc ở Biển Đông là phi pháp chiểu theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh "các yêu sách của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi ở hầu khắp Biển Đông, cũng như chiến dịch bắt nạt của họ nhằm kiểm soát những nguồn tài nguyên đó là hoàn toàn bất hợp pháp".

Theo giới quan sát, tuyên bố của ông Pompeo đánh dấu lần đầu tiên Washington có phát biểu đanh thép, khẳng định các động thái của Trung Quốc ở Biển Đông là vi phạm các nguyên tắc ứng xử và luật pháp quốc tế. Qua đó, Mỹ đã tạo cho mình một khung chính sách mới rõ ràng hơn đối với các hoạt động nhằm ngăn chặn cái mà Mỹ cáo buộc là các nỗ lực nhằm thiết lập một “đế chế trên biển” của Trung Quốc ở Biển Đông và ủng hộ các quyền và sự tự do trong các vùng đặc quyền kinh tế tương ứng của các quốc gia ven biển Đông Nam Á.

Thực tế thời gian gần đây, Mỹ đã có nhiều động thái tăng cường sự hiện diện của hải quân và không quân ở Biển Đông.

Phản ứng của các nước

Trong cuộc họp báo ngày 16/7, khi được đề nghị bình luận về Tuyên bố lập trường của Mỹ về các yêu sách ở Biển Đông, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết: “Australia đóng vai trò xây dựng trong các vấn đề liên quan đến Biển Đông và chúng tôi tiếp tục ủng hộ tự do hàng hải tại các vùng biển trong khu vực này”.

Cũng trong ngày 16/7, tại cuộc họp báo thường kỳ tại thủ đô New Delhi, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava cho biết: “Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải và hàng không cùng các hoạt động thương mại hợp pháp, không bị cản trở tại các tuyến đường hàng hải quốc tế, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982”.

Trong thông cáo báo chí về quan điểm của Malaysia đối với tuyên bố ngày 13/7 của Ngoại trưởng Mỹ về Biển Đông, Bộ trưởng Ngoại giao Hishammuddin Hussein nhấn mạnh lập trường nhất quán của Malaysia rằng các bên cần hợp tác nhằm đảm bảo hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông. Malaysia sẽ tiếp tục đóng vai trò tích cực trong việc đảm bảo Biển Đông là vùng biển của hòa bình và thương mại. Các vấn đề liên quan đến Biển Đông phải được giải quyết một cách hòa bình dựa trên các nguyên tắc được thừa nhận của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Trả lời câu hỏi của các nhà báo nước ngoài tại họp báo trực tuyến ngày 16/7, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã nêu rõ việc tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982, là mấu chốt để biến Biển Đông thành vùng biển hòa bình và ổn định.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Philippines khẳng định “nhất trí cao” với Mỹ sau Tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo. Trong thông cáo ngày 14/7, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana cho biết: “Chúng tôi nhất trí cao với lập trường của cộng đồng quốc tế rằng, cần phải có một trật tự dựa trên luật pháp quốc tế ở Biển Đông”.

Ngày 15/7, liên quan đến Tuyên bố lập trường của Mỹ đối với các yêu sách biển ở Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông là nguyện vọng và mục tiêu chung của các nước ở Biển Đông, khu vực và cộng đồng quốc tế. Việc tôn trọng trật tự pháp lý trên biển và thực thi đầy đủ, thiện chí, trách nhiệm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 có ý nghĩa quan trọng để thực hiện các mục tiêu đó. Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và chia sẻ quan điểm, như đã nêu trong tuyên bố dịp Hội nghị cấp cao ASEAN 36, rằng UNCLOS 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương”.

VINH HÀ

Tin cùng chuyên mục

Bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

(PNTĐ) - Ông Phạm Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á, Bộ Ngoại giao vừa được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam. Đáng chú ý, ông Phạm Thanh Bình được tiến cử làm Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc với thời hạn nhiệm kỳ 5 năm thay cho ông Phạm Sao Mai.
Công dân Việt Nam vẫn an toàn giữa căng thẳng Iran-Israel

Công dân Việt Nam vẫn an toàn giữa căng thẳng Iran-Israel

(PNTĐ) - Đại sứ quán Việt Nam tại Israel và Iran tiếp tục ra thông báo khuyến cáo công dân các biện pháp bảo đảm an toàn trước tình hình xung đột leo thang phức tạp giữa Israel và Iran. Đồng thời, Đại sứ Israel tại Việt Nam khẳng định, Israel cam kết bảo đảm an toàn cho công dân Việt Nam.