Cần tăng mức xử phạt sách lậu

Chia sẻ

Gần đây, sách lậu, sách giả không chỉ được bày bán công khai tại các vỉa hè, cửa hàng, hội sách, mà nghiêm trọng hơn chúng còn được đăng bán công khai trên không gian mạng, qua các sàn thương mại điện tử. Đây đang là những mối nguy hại lớn nhất với người làm sách chân chính.

Những cuốn sách giả được công khai “cảnh cáo”Những cuốn sách giả được công khai “cảnh cáo”.

Tràn lan sách giả

Vừa qua, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện và tạm giữ 15.000 xuất bản phẩm và hơn 27.000 cuốn sách giáo khoa không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Trước đó, vào tháng 6, tại Thừa Thiên Huế, Hội chợ sách Viet Nam book fair tour 2020 cũng gây xôn xao dư luận khi hàng loạt đầu sách in lậu gắn logo của NXB Trẻ (TP Hồ Chí Minh) được bày bán...

Mới đây, NXB Kim Đồng cũng lên tiếng phản ánh về tình trạng bộ sách “Kính Vạn Hoa” giả được đăng bán công khai trên mạng xã hội, với chiết khấu cao gần 70% giá bìa kèm nhiều ưu đãi như hỗ trợ phí ship toàn quốc và có quà tặng đi kèm. Đây không phải lần đầu tiên, sách của đơn vị này bị làm giả. Trước đây, sách của NXB Kim Đồng bị làm giả nhiều nhất thường là thể loại tranh truyện như “Doraemon”, “Conan”. Hiện nay, danh sách sách bị làm giả có thêm nhiều bộ sách nổi tiếng thuộc thể loại văn học, sách kĩ năng như “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên”, “Mẹ Đức dạy con kỷ luật”, “90% trẻ thông minh nhờ cách nói chuyện của cha mẹ”...

Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc First News - Trí Việt chia sẻ: Vào năm 1995, trước khi Công ước Berne áp dụng tại Việt Nam năm 2004, First News là đơn vị xuất bản đầu tiên ở Việt Nam mua bản quyền với tập đoàn xuất bản Dorling Kindersley, Anh Quốc để xuất bản bộ sách “Cẩm Nang Chăm Sóc Bà Mẹ và Em Bé”. Ngay từ 22 năm trước, năm 1997, First News đã phải chiến đấu với nạn in sách giả và vi phạm luật pháp tại Việt Nam. Đến nay, đơn vị này đã trực tiếp tham gia cùng các cơ quan chức năng Việt Nam bắt giữ hàng trăm vụ in sách giả, vi phạm bản quyền khắp cả nước.

Tuy vậy, vi phạm bản quyền trong lĩnh vực xuất bản tại Việt Nam ngày một ngang nhiên lộng hành trên quy mô cả nước theo cả chiều rộng (số lượng sách giả trên không gian thật và ảo) cũng như chiều sâu (gia tăng mức độ ngang nhiên vi phạm pháp luật). Các đơn vị xuất bản phối hợp với các đơn vị chức năng để dẹp nạn sách giả, nhưng làm không xuể vì hết vi phạm này lại đến vi phạm khác.

Tăng mức xử phạt, phối hợp phòng chống sách giả

Theo TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Thái Hà Books, hiện nay vi phạm bản quyền trong lĩnh vực xuất bản diễn ra dưới nhiều dạng. Phổ biến là in sách lậu, để giá bìa tăng cao hơn so với sách thật, tăng chiết khấu cao cho khách hàng, trong khi chất lượng giấy mỏng, in ấn kém, mực in ruột kém, dễ mờ; chất lượng gia công kém, gáy sách dễ bong tróc, khổ giấy sách lậu nhỏ hơn so với sách thật. Nội dung bìa và ruột được in từ bản scan nên nội dung bị thiếu, sai, xộc xệch... Bên cạnh đó, sách không có bản quyền vẫn ngang nhiên được cấp phép xuất bản, sử dụng chiêu “bình mới rượu cũ”, chất lượng giấy, in ấn và gia công kém, giá sách bị đẩy lên cao, chất lượng bản dịch có thể không được đảm bảo, nội dung bị cắt xén để giảm chi phí in. Ngoài ra, còn có các website chia sẻ file sách (thường ở dạng pdf hoặc file scan chất lượng thấp), audio book miễn phí, dùng để làm quà khuyến mãi khi mua một sản phẩm khác, hoặc để tăng lượng tương tác trên mạng xã hội, chia sẻ miễn phí nhưng lại nhận quyên góp để gây quỹ duy trì trang web. Có những nơi còn dùng nội dung sách để xây dựng App.

Nguyên nhân cốt lõi của nạn sách giả được chỉ ra là do lợi nhuận từ sách giả quá lớn, khiến những trùm in lậu bất chấp vi phạm. Sai phạm này được cộng hưởng khi người đọc ham rẻ, ham mua sách chiết khấu cao mà không quan tâm đến quyền lợi bảo vệ người sáng tác, đơn vị xuất bản, vô tình họ đã làm môi trường xuất bản Việt Nam bị thu hẹp lại. Có ý kiến cho rằng, cơ quan chức năng giám sát vẫn chưa sát sao trong công cuộc bài trừ sách lậu, sách giả... Đồng thời, sự phát triển của công nghệ cũng giúp cho các hoạt động: chế bản, sao chép, in ấn, làm giả, tiêu thụ xuất bản phẩm giả được dễ dàng, với quy mô, tốc độ hơn trước rất nhiều; khiến vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên mạng internet ngày càng tăng nhanh mà chưa có biện pháp ngăn chặn...

Ông Lê Thành Anh, Phó Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam cho rằng, Nhà nước cần rà soát, bổ sung các quy định, chế tài xử lý hành vi in lậu, in trái phép, tàng trữ, tiêu thụ sách giả… sao cho đầy đủ, bao quát được thực tiễn, với chế tài xử phạt nghiêm khắc, có tính răn đe cao để các đối tượng không dám vi phạm. Cần đưa hành vi sản xuất, in, tàng trữ, tiêu thụ sách giả là sản xuất, tàng trữ, buôn bán hàng giả để có mức xử phạt nghiêm khắc. Bên cạnh đó, đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm của các cơ quản quản lý, cơ quan bảo vệ pháp luật...

Tuy nhiên, việc phòng, chống in và tiêu thụ sách lậu không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước, quản lý thị trường, của chính quyền các địa phương mà cần có sự góp sức chủ động, tích cực của các chủ sở hữu (các NXB, các tác giả) trong nhận diện sách giả và có các biện pháp phối hợp với cơ quan chức năng để dẹp nạn sách giả. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nâng cao nhận thức về phòng, chống in và tiêu thụ sách lậu cho cộng đồng để nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến trong xã hội, từ đó ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn sách giả, sách lậu.

NHIÊN ĐÀO 

Tin cùng chuyên mục

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

(PNTĐ) - Vừa qua, tại tỉnh Điện Biên, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức ra mắt, giới thiệu bộ sách 6 cuốn Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân (tiếng Việt và song ngữ gồm 5 ngoại ngữ: Việt - Anh, Việt - Pháp, Việt - Tây Ban Nha, Việt - Trung, Việt - Ả rập) nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.