“Thức lâu, mới biết... đêm dài”

Chia sẻ

Hơn 20 năm về làm dâu, lần đầu tiên nghe mẹ chồng bênh mình trước mặt cả gia đình khiến trong lòng Hồng dấy lên một niềm vui khó tả.

Nhưng đâu đó, chút tủi hờn, trách cứ vẫn ẩn hiện. Hồng cứ nghĩ, giá như trước đây mẹ chồng chịu hiểu tấm lòng và đối xử bình đẳng với con dâu như bây giờ… hẳn cô đã không phải sống những tháng ngày “nuốt nước mắt ngược vào trong”.

Quả thật, dù sống khá thoáng, cũng không phải dạng “thù dai, nhớ lâu” nhưng cứ nghĩ tới cách mẹ chồng đối xử với mình từ cách đây 20 năm trước, Hồng lại thấy rùng mình, ớn lạnh. Bà không quá ác tính, nhưng tham tiền, phân biệt đối xử ra mặt giữa giàu – nghèo. Trong nhà, chồng Hồng là con út, bên trên còn một anh trai cả. Vì chị dâu cả buôn bán giỏi, ăn nói khéo léo, lại không sống cùng bố mẹ chồng, đôi ba tháng mới về thăm một lần nên được mẹ chồng coi trọng lắm.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Chẳng thế mà quà con dâu cả mua lúc nào cũng là ngon nhất, xịn nhất. Tiền con dâu cả biếu dù chỉ vài trăm ngàn cũng là giá trị nhất. Trong khi đó, vợ chồng Hồng ở cùng, dù chỉ làm công chức, thu nhập bình thường nhưng ngoài lo chợ búa, chi trả tiền điện nước cho cả gia đình, mỗi tháng còn đều đặn gửi biếu bố mẹ chồng 1 triệu để tiêu vặt. Chưa kể đồ đạc nội thất từ sàn nhà, bộ sofa, chiếc ti vi màu đời mới… cũng một tay vợ chồng cô sắm sửa. Vậy mà mẹ chồng chẳng những không coi trọng tình cảm, công sức của vợ chồng Hồng, hở ra cô còn bị bà mang đi bêu riếu với hàng xóm là vụng về, không bằng dâu cả.

Còn nhớ ngày Hồng mang bầu con so 2 tháng cũng là lúc chớm hè. Buổi trưa vừa nhễ nhại dựng xe đạp ngoài sân, cô đã nghe thấy mẹ chồng gọi: “Hồng đi lấy nón đội vào rồi ra đồng chở củi đót về giúp bố đi con. Bố mẹ đi chặt, bó từ sáng tới tận bây giờ mà mới được một góc ruộng. Mẹ bảo bố con là mẹ về trước nấu cơm, không mấy đứa đi làm về thấy củi khô bếp lạnh lại trách móc”. Giọng mẹ chồng nhẹ nhàng, ngọt sớt, nhưng Hồng thừa hiểu bà đang cố kể khổ với con dâu, đâu đó xen chút mỉa mai, ý là cô không biết việc nhà nên mẹ chồng phải làm cho hết. Biết vậy, cô khẽ “vâng” rồi nhờ mẹ chồng nấu cơm giúp, đội nắng ra đồng.

Vừa phải bê, kéo, lại chở nặng khiến tối về bụng Hồng râm ran đau. Lo quá, hôm sau cô tranh thủ xin nghỉ ở cơ quan đi siêu âm thai, kết quả được bác sĩ khuyên nên nghỉ ngơi vì nếu làm nặng có thể động thai bất cứ lúc nào. Trưa đó, Hồng cầm tờ phiếu khám về thưa chuyện, xin phép ông bà cho ở nhà cơm nước thay vì ra đồng. Ai ngờ, cô bị mẹ chồng đay nghiến: “Ngày xưa mẹ làm đến lúc đẻ cũng có sao đâu. Càng giữ quá càng dễ hỏng. Con không làm thì thôi, cũng không phải lo, bố mẹ tuy có tuổi, sức không bằng bọn trẻ các con nhưng chịu khổ quen rồi, mấy việc này lo được hết”. Ấm ức tới muốn khóc nhưng vì đứa con trong bụng, Hồng đành nghiến răng chịu đựng.

Chẳng biết có phải vì chuyện Hồng không ra đồng làm giúp hay không mà lúc cô sinh mổ ở viện, mẹ chồng chẳng buồn lên thăm, cũng không cho một đồng nào. Vậy nhưng bà đi khoe khắp nơi là cho con dâu, cháu nội tiền của này nọ, rồi bịa chuyện con dâu không nhận, coi thường mẹ chồng với hàng xóm. Hiểu tâm tư trong lòng Hồng, chồng cô động viên: “Ngày kia ra viện, anh sẽ đưa em về nhà ngoại luôn. Em chịu khó ở đó 2 tháng cho thoải mái, cũng để giữ gìn, chăm sóc sức khỏe thật tốt rồi về nhà sau. Về phần ông bà nội anh sẽ thưa chuyện, em cứ yên tâm”. Hồng không nghĩ mẹ chồng vui vẻ đồng ý, nhưng vì không thấy chồng nhắc tới nên cô cũng chẳng để tâm nhiều.

Tới mãi sau này khi Hồng từ nhà ngoại về, thấy mẹ chồng luôn tỏ thái độ với mình, cô mới được nghe chị dâu kể lại rằng, bà rất tức giận khi con trai dám đưa thẳng con dâu về nhà đẻ khiến bà bẽ bàng. Trước mặt các con trong nhà (khi đó không có Hồng), bà đã thẳng thừng tuyên bố: “Nếu đã coi thường mẹ như vậy thì các con đi đâu cứ đi, cần gì phải về nhà này”. Miệng nói thế nhưng khi vợ chồng Hồng xin ra ở riêng mẹ chồng lại không cho, bắt ở chung, còn chỉ thẳng mặt con dâu nói: “Cô muốn đi đâu mặc xác cô, đừng lôi kéo con trai tôi đi theo”.

Nhìn chồng làm ngày làm đêm, cuối tuần cũng không nghỉ ngơi… để kiếm tiền, mà Hồng thấy xót xa. Cô không muốn chồng ở giữa khó xử nên nín nhịn hết mức. Bất luận bị mẹ chồng nói gần, nói xa hay móc máy như nào cô cũng không than vãn với ai một câu, kể cả nhà ngoại. Đến khi thấy con mình mới 9 tháng tuổi, vì sự thờ ơ, vô tâm của ông bà nội mà bị thương, thì cô không thể chịu đựng thêm nữa.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Chuyện là có đám ong vò vẽ làm tổ ngay ngoài hiên nhà, phía trước lối vào phòng của vợ chồng Hồng. Từ khi tổ ong mới hình thành, Hồng đã đề xuất bố mẹ chồng nên phá đi, tránh sau này to lên sẽ khó dỡ. Ông bà bảo: “Nó tự làm rồi tự đi, mình không chọc nó, nó chả đốt mình, cứ để cho có lộc”, nên cô không nói thêm gì. Nhưng vài tháng sau, tổ ong to bằng cái ca đựng nước, đường kính cũng phải trên 20cm bỗng dưng Hồng thấy bố chồng mặc áo mưa, đốt rơm phá tổ ong… chỉ để lấy nhộng bên trong.

Ong mất tổ bay đầy trong nhà. Hồng sợ nên mắc màn cả ngày, cho con chơi trong đó. Sau 3 hôm, tưởng ong đã bay đi hết, ai ngờ trưa đang cho con ăn sữa, từ đâu 2 con ong bay vụt ra chích vào má và ngón tay út đứa bé. Chỗ ong đốt sưng phồng, con Hồng thì khóc tới tím người. Sợ nọc của ong độc với trẻ nhỏ, cô chạy ra nhờ bố mẹ chồng đưa cháu đi trạm xá kiểm tra mà ông bà coi như không biết gì. Hồng ôm con sang nhà hàng xóm, nhờ chở đi trạm, mẹ chồng cô còn đi theo, không cho ai giúp và bảo: “Mấy người chở cháu tôi đi, ra đấy lỡ họ tiêm hay uống thuốc gì, cháu tôi chết thì tôi bắt tội mấy người”. Hồng nước mắt giàn dụa, ôm con quỳ xuống xin mẹ chồng đừng nói nữa, để mọi người giúp cô mang con ra trạm xá.

7 năm sau, vợ chồng Hồng tích lũy được một khoản, xin phép bố mẹ chồng xây nhà trên mảnh đất ông bà hứa cho sau đám cưới. Lúc đầu ông bà đồng ý nên vợ chồng cô bỏ tiền ra trả nợ ngân hàng và các khoản thuế phí liên quan đến đất đai. Đến khi nhà đang xây dở, bố mẹ chồng đột ngột tuyên bố tất cả tài sản ông bà dành cho con trai cả, giờ con út muốn ở thì phải mua lại. Vợ chồng Hồng như bị dội gáo nước lạnh, ức lắm nhưng nghiến răng vay mượn bạn bè để trả ông bà tiền.

Có lẽ, Hồng sẽ phải tiếp tục chịu nhiều uất ức như thế nếu như trong gia đình không có biến cố xảy ra. Bố chồng cô chẳng may bị cảm, qua đời đột ngột. Anh chị chồng ở xa nên những lúc mẹ chồng buồn rầu, chán nản chỉ có Hồng ở bên động viên, chăm sóc. Cô luôn bảo với chồng, dẫu bố mẹ có quá đáng thế nào đó cũng là người sinh thành, dưỡng dục anh. Lúc khó khăn, phận làm con không được so đo, phải làm tròn đạo hiếu.

Rồi chẳng may công việc của anh chồng Hồng cũng gặp khó khăn, vợ chồng mâu thuẫn trầm trọng. Vợ anh cả vốn cũng trọng tiền bạc hơn tình nghĩa nên coi khinh chồng ra mặt, lôi kéo các con về phía mình. Bỗng chốc, con trai, con dâu cả và cháu trai trưởng của mẹ chồng Hồng quay lưng về phía bà. Nhìn lại, bên cạnh chỉ thấy cô con dâu thường ngày bà coi khinh, nhiếc móc nay vẫn tận tụy ở bên chăm mình, bà ứa nước mắt.

Chẳng thế mà hôm rồi họp gia đình, khi anh chồng lên tiếng nạt nộ Hồng, mẹ chồng cô đột ngột đứng lên bênh vực: “Thức lâu mới biết đêm dài, ở lâu mới biết đâu người tri ân”, cái Hồng đã hy sinh và đóng góp rất nhiều cho gia đình này, các con là anh, là chị từ nay phải trân trọng và biết ơn vợ chồng em nó”. Nghe mẹ chồng nói vậy, Hồng thấy trong lòng như trào lên sự xúc động lạ kỳ. Cuối cùng, mẹ chồng cũng chịu hiểu và biết được tấm lòng của cô.

HẠ CHÂU

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.