Cảnh giác trẻ mắc bệnh tay chân miệng

Chia sẻ

Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội, từ đầu năm đến ngày 12/7/2020 đã ghi nhận 329 ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM), và lượng trẻ đến khám, điều trị ở một số bệnh viện tại Hà Nội có dấu hiệu gia tăng trong các tuần gần đây.

Đáng lưu ý có các trẻ nhập viện khi đã diễn biến nặng (sốt cao liên tục không hạ, li bì). Bệnh TCM hiện tại chưa có vắc-xin phòng bệnh đặc hiệu, vì vậy bạn cần phòng tránh các nguy cơ lây nhiễm.

Dấu hiệu trẻ mắc TCM trở nặng cần nhập viện

Theo các chuyên gia y tế, TCM thường gặp ở trẻ nhỏ hơn người lớn, nhất là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Các yếu tố thuận lợi để lây truyền bệnh là sinh hoạt tập thể như: trẻ đi học tại các nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, các nơi tập trung đông trẻ em đều là các yếu tố nguy cơ cao.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

TCM do virus đường ruột (Enterovirus) gây nên, với hai loại thường gặp nhất là Coxsackie A16 và Enterovirus 71. Virus gây bệnh TCM có thể phát tán từ cơ thể người bệnh ra môi trường qua đường phân, các nốt phỏng nước, hoặc dịch tiết từ đường hô hấp. Dịch bệnh này rất dễ lây lan. TCM được chia làm bốn mức độ, làm căn cứ xác định thời điểm trẻ cần nhập viện điều trị nội trú:

Ở mức độ 1, trẻ có các dấu hiệu ở da, niêm mạc bao gồm: phỏng nước lòng bàn tay, bàn chân hay ở các nếp gấp như: khuỷu tay, đầu gối, mông, kèm theo nốt ở miệng. Mức độ này, trẻ mắc bệnh TCM có thể điều trị tại nhà.

Ở mức độ 2, bệnh TCM bắt đầu có biến chứng trên thần kinh và biến chứng tim mạch nhẹ. Ở độ 2 được phân chia thành hai phân độ nhỏ 2A và 2B: Độ 2A, trẻ có một trong các dấu hiệu sau: giật mình dưới 2 lần/30 phút và không ghi nhận lúc khám bệnh, sốt trên hai ngày hoặc sốt trên 390C kèm theo nôn, lừ đừ, khó ngủ, quấy khóc vô cớ.

Độ 2B, trẻ được phân ra nhóm 1 hoặc nhóm 2: Nhóm 1, trẻ giật mình hơn 2 lần/30 phút, hoặc bệnh sử có giật mình kèm theo dấu hiệu như: ngủ gà, nhịp tim nhanh, sốt cao trên 390C không đáp ứng với thuốc hạ sốt. Nhóm 2, trẻ có triệu chứng thất điều như run chi, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng.

Ở mức độ 3, bệnh TCM có biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp nặng. Trẻ bị vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc khu trú; nhịp thở nhanh; thở bất thường (có cơn ngưng thở, trẻ thở bụng, thở nông, xuất hiện rút lõm ngực, khò khè, thở rít thanh quản); xuất hiện rối loạn tri giác.

Ở mức độ 4, bệnh TCM xuất hiện triệu chứng sốc, phù phổi cấp, tím tái hoặc ngưng thở, thở nấc.

Khi trẻ mắc bệnh từ mức độ 2 trở lên theo các dấu hiệu nhận biết bệnh nêu trên, bạn cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ khám, hướng dẫn. Bởi nếu chủ quan, dịch bệnh sẽ bùng phát do chúng ta đã có bài học trong đợt dịch năm 2013, nhiều trẻ mắc bệnh TCM, bị di chứng rất nặng nề, có trẻ bị di chứng thần kinh, bại não.

Phòng bệnh ở trẻ em

Các chuyên gia khuyến cáo, cơ thể trẻ có thể mắc nhiều chủng virus TCM khác nhau qua mỗi năm. Vì vậy, trẻ mắc TCM vẫn có thể tái mắc sau đó. Hiện nay, TCM chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó phòng bệnh cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn hoặc cho trẻ ăn, trước khi bế trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi làm vệ sinh cho trẻ.

Cần thực hiện tốt vệ sinh ăn uống. Bạn không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi. Trẻ cần có đồ dùng riêng (khăn ăn, khăn tay, cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi). Ở mỗi gia đình cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, mặt bàn/ghế, sàn nhà... bằng xà phòng, hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Khi nghi ngờ trẻ mắc TCM, bạn cần cho con đi khám để được hướng dẫn theo dõi, tư vấn và điều trị kịp thời.

BS MINH HẢI

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.