Khi con gái ghen hộ mẹ

Chia sẻ

Lê đang cuống lên vì đống công văn giấy tờ chờ chị giải quyết, thì chuông điện thoại reo. Nhìn số di động lạ, chị quá sợ mấy người mời mua chung cư, biệt thự, nên chị ấn tắt chuông. Nhưng số điện thoại đó cứ bền bỉ réo hết cuộc này qua cuộc khác...

Lê nhấc máy. Chị vừa alo, đã nghe bên kia tuôn ra xối xả:

- Cô Lê ạ, cô buông tha bố cháu cho mẹ con cháu! Cô là người có học, có chức vụ, sao cô nỡ cướp chồng người?

Lê còn chưa kịp hiểu chuyện gì thì bên kia đã cúp máy.

Giọng bé gái non choẹt. Cô bé này là ai? Sao lại nói Lê cướp bố nó? Lê suy nghĩ rất nhanh, cô quyết phải tìm cho ra lẽ. Cô bấm điện thoại gọi ngược lại. Cô bé bên kia có vẻ chần chừ, cuối cùng cũng a-lô. Lê nhẹ nhàng hỏi:

- Có phải cháu vừa gọi cho cô Lê không? Cháu con ai? Sao lại hỏi cô chuyện của bố cháu? Bố cháu là ai? Có liên quan gì đến cô sao?

- Cháu là Hòa, con bố Chí. Mẹ cháu nói bố vừa đi gặp mặt lớp đại học mấy ngày cuối tuần qua với cô. Cô còn cãi gì chứ?

Nghe giọng con bé cũng không đến nỗi hư hỗn lắm, Lê nhẹ nhàng:

- Này cháu, các cô chú và bố cháu gặp mặt lớp sau 20 năm tốt nghiệp. Các cô chú rất đàng hoàng, không làm chuyện gì xấu cả. Cháu không nên suy đoán, hay mẹ cháu suy đoán, rồi xúc phạm bố và các cô chú nhé...

Lê đang cố giải thích cho con bé, thì bên kia có giọng phụ nữ:

- Tắt đi con! Không thèm nghe! Chắc sợ rồi nên phải giải thích!

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Điện thoại bên kia tắt phụt. Lê bực vì thấy mình bị xúc phạm, cô bấm gọi lại. Gọi mãi nhưng bên kia có vẻ kiên quyết không nghe. Chắc vợ của Chí ghen lồng lộn nên không cho con gái nghe. Lê tặc lưỡi, thôi kệ, mình phải lo giải quyết đống công văn giấy tờ ách lại mấy ngày cuối tuần vừa rồi đã. Xử lý công việc xong, chắc phải gọi cho cậu Chí xem nhà có chuyện gì mà lại để con cái nhúng vào chuyện người lớn. Công việc cuốn Lê đến tối mịt. Chị cũng quên béng cuộc điện thoại không vui của con gái cậu Chí. Nhưng không ngờ, lúc 23h đêm, thấy có tin nhắn, chị mở ra xem thì cái cục tức nó lại ập đến: “Cô Lê, cô nhớ buông tha bố cháu!”. Lê bực lắm, chị định gọi hoặc nhắn tin lại, nhưng sợ chồng không hiểu lại phức tạp, nên chị cố kìm chế. Nhưng cả đêm đó Lê gần như không ngủ vì cái cục tức nó ậm ạch. Chị nằm trăn trở, suy nghĩ mãi nguồn cơn...

Thời sinh viên, Lê xinh đẹp lại học giỏi và năng nổ làm công tác Đoàn, nên nhiều chàng trai theo đuổi, trong đó có Chí. Chí cũng hàng điển trai, mồm miệng văn vở (dạo đó bọn cùng lớp đại học gọi Chí là “ho ra nhạc, khạc ra thơ”, còn hơn cả “đi 7 bước làm một bài thơ” ấy chứ). Anh cũng khiến khối cô chết, nhiều cô bị thương, nhưng Chí lại chỉ theo đuổi Lê. Nhưng Lê không yêu Chí, vì Chí chưa phải mẫu hình tượng của Lê và chị còn mải mê học với đọc hàng núi sách trong thư viện. Thế rồi ra trường, mỗi người còn mải tìm kiếm công việc, phấn đấu sự nghiệp, rồi lấy vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái. Sau 20 năm, khi công việc từng người cũng khá, gia đình cũng ổn, ông lớp trưởng mới tìm bà bí thư đoàn là Lê, bàn chuyện tổ chức họp mặt lớp nhân 20 năm ra trường. Cuộc gặp mặt sau 20 năm tốt nghiệp, ai cũng mừng vui, hớn hở, hồ hởi hẹn nhau 5 năm nữa gặp lại. Có ai ngờ đâu Lê lại gặp sự cố bực mình này chứ! “Thôi mình cố ngủ đi, sáng mai phải gọi điện ngay cho cậu Chí, nói cậu ấy dẹp ngay cái vụ vợ con ghen vớ vẩn đi”...

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Miên man vậy đến gần sáng thì Lê ngủ thiếp đi. 6 giờ chuông báo thức mà chị không thể mở được mắt. Nghe tiếng con gái chào đi học, Lê lấy hết sức bật dậy đi làm. Vừa vào đến phòng làm việc, Lê đã nghe tiếng tít của tin nhắn. Lại con bé Hòa lại “khủng bố” yêu cầu Lê “tha cho bố nó”, chị điên tiết ném cái điện thoại ra bàn. Chị Thu đồng nghiệp thân của Lê thấy thế, hỏi:

- Sao mới sáng ra đã cáu bẳn thế?

Lê nhặt điện thoại đưa chị Thu:

- Chị đọc cái tin này hộ em! Ghen tuông vớ vẩn này, em chịu không nổi.

Chị Thu xem xong tin nhắn, thở dài. Lê bộc bạch:

- Em chả làm gì sai. Cả lớp gặp mặt sau 20 năm, ai cũng vui vẻ. Chả hiểu lão Chí này về nhà kể với vợ lão chuyện gì, thế mà để vợ nhờ con gái ghen hộ mẹ nó thế này! Nó hành em, đêm qua em đã không ngủ được vì nó nhắn tin.

- Em cứ bình tĩnh. Em điện thoại hỏi cậu Chí đầu đuôi xem.

Lê gọi Chí. Anh giải thích rằng hôm qua vợ lấy điện thoại ra xem. Thấy mấy bức ảnh chụp với bạn bè, trong đó có Lê. Thế là làm ầm lên, nào là “tình cũ không rủ cũng tới”, nào là anh có cơ hội gặp lại “người trong mộng”. Chí giải thích mãi mà vợ không chịu hiểu, còn xúi con gái ghen hộ! Chí cũng đau đầu ghê gớm. “Con với cái. Thật xấu hổ vì làm phiền bạn. Thật sự mình rất xin lỗi Lê nhé!” - Chí nói.
Nghe Chí giải thích xong, Lê quả thật chả biết làm thế nào. Chị Thu có vẻ càng buồn hơn. Bỗng chị hỏi:

- Lê có biết vì sao chị không lấy chồng không? Nay chị đã 50 tuổi và cũng không còn cơ hội nữa...

- Vâng, chúng em chưa bao giờ dám hỏi chị.

Chị Thu nén tiếng thở dài, chậm rãi kể. Và câu chuyện cuộc đời chị Thu khiến Lê hoàn toàn không ngờ... Chị thành đạt trong sự nghiệp, là con gái một gia đình danh giá, thế mà lại bất hạnh trong hôn nhân. Bởi vì bố chị Thu là một nhà khoa học nổi tiếng, lại vốn là một chàng công tử Hà Nội tài hoa, đàn hay, nhảy đầm giỏi, ông lắm học trò và nhiều mối quan hệ, mẹ chị lại hay ghen. Mỗi lần bà nghi ngờ chồng với cô này hay cô khác, thì bà đều kéo con gái “vào cuộc”. Ngay từ lúc còn bé, chị Thu đã phải đi cùng với mẹ đến gặp cô này cô kia để “dằn mặt”, để yêu cầu họ tránh xa chồng bà, buông tha cho bố của các con bà. Khi Thu lớn hơn một chút thì chị phải đưa mẹ đi, phải “bảo vệ mẹ” để “mẹ bảo vệ bố cho cái gia đình này”. Cứ thế, cuộc sống của Thu chỉ có 2 thứ: học thật giỏi để xứng là con nhà trí thức lớn bao đời ở đất Hà Thành, và luôn sát cánh bên mẹ để ghen tuông, dằn mặt những phụ nữ khác, buộc họ phải tránh xa bố của chị! Cuộc sống như vậy đã khiến chị không biết đến tình yêu và không thể yêu ai.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Bất cứ người đàn ông nào cũng khiến chị nghi ngờ không chung thủy giống như nỗi khổ, sự dằn vặt hàng ngày của mẹ với bố mà chị đã phải chứng kiến thường xuyên. Tuổi xuân vụt qua, mặc dù mẹ chị cứ giục con gái phải kiếm tấm chồng, nhà mình danh giá mấy đời, có bao người xứng đáng, con nên chọn lấy một người. Nhưng trái tim chị khô lạnh. Nhìn anh nào cũng thấy không đáng tin. Thế rồi cái tuổi nó đuổi xuân đi. Thế mà đến bây giờ, bố chị ngoài 80, mẹ chị đã gần 80, mà bà vẫn gọi chị bảo điện thoại hoặc nhắn tin “nhắc nhở” cô này cô kia vì “có vấn đề với bố”. Bây giờ chị không khuyên nổi mẹ đừng ghen tuông vô lối nữa, vì có khuyên thì bà cũng không nghe, và bà luôn khẳng định “nếu mẹ không dữ dằn như vậy thì các con có còn bố không? Hay là ông ấy tuột vào tay ả nào đó rồi!”. Bố chị cũng nhiều lần ra sức thanh minh giống như anh Chí này, nhưng càng thanh minh thì mẹ chị càng không tin, càng làm ầm ĩ. Nhiều lần chị chứng kiến bố bỏ về phòng làm việc khóa trái cửa. Chắc ông chỉ muốn được yên tĩnh một lát, nhưng mẹ chị không chịu, bà khóc lóc đập cửa, ông không mở thì bà gọi các con đập cửa gọi bố, “không nhỡ bố mày mà tử tự trong đó thì sao?”. Thế là “chạy trời không khỏi nắng”, nên từ đó ông cứ im lặng chịu trận. Chịu suốt từ thời trai trẻ cho đến nay thành ông giáo sư già lụ khụ mà vợ vẫn chưa yên, bà vẫn làm toáng lên nếu ông hướng dẫn hay chấm luận án cho nghiên cứu sinh là nữ, nhất lại là “nữ sồn sồn tuổi hồi xuân”, các học trò thường hay đến thăm hỏi thầy và nghe thầy góp ý sửa luận án.

- Cái giá mà chị phải trả cho sự ghen tuông vô lối của mẹ chính là cuộc đời không hôn nhân của chị. Giá như hồi trẻ, chị sớm nhận ra, biết đâu chị đã có thể vượt qua nó. Nhưng nhìn lại, chị vẫn không hiểu sao bố chị có thể chịu đựng cơn ghen cả đời của vợ như vậy? Mà mẹ chị cũng đâu có sung sướng gì! Bà cũng là một phụ nữ có học thức cao, có sự nghiệp hẳn hoi, thế mà cả đời bà chỉ loanh quanh lo giữ chồng, lo mất chồng một cách vô lối. Hôm nay chị biết chuyện bé Hòa này bị mẹ nó lôi vào cuộc cũng vì ghen vô lối. Em đưa chị số điện thoại của bé, chị sẽ chủ động gặp bé và mẹ bé, chị sẽ cố gắng dùng cuộc đời sai lầm của chị và mẹ chị để đưa ra lời khuyên hữu ích cho 2 mẹ con bé Hòa. Hy vọng họ hiểu ra để tự cứu mình, em ạ!

TRẦN THÁI HÒA

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.