Độc đáo những ý tưởng “thích nghi” với COVID-19

Chia sẻ

Trong bối cảnh đại dịch SARS-CoV-2 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, khả năng bùng phát làn sóng dịch thứ 2 đang gây lo lắng cho cả thế giới. Để có thể kiếm kế sinh nhai trong khi vẫn đảm bảo an toàn trước dịch bệnh, rất nhiều ý tưởng độc đáo và thú vị trên khắp thế giới đã trở thành hiện thực.

Khẩu trang “tự đóng - mở”

Ý tưởng độc đáo này đến từ công ty Avtipus Patents and Inventions của Israel trong bối cảnh nước này bắt đầu cho phép mở cửa dần sau khi số ca nhiễm SARS-CoV-2 đang có chiều hướng giảm. Trước đó, các nhà hàng chỉ có thể bán đồ ăn cho thực khách mang về. Nhưng giờ đây, với sự xuất hiện của chiếc khẩu trang độc đáo này, khách hàng hoàn toàn có thể tìm lại được cảm giác “ăn hàng” vốn đã mất từ khi đại dịch bùng phát.

Chiếc “cửa mini” có thể được điều khiển đóng mở bằng một thiết bị cầm tayChiếc “cửa mini” có thể được điều khiển đóng mở bằng một thiết bị cầm tay

Chiếc khẩu trang đặc biệt này về bề ngoài cũng giống với khẩu trang y tế thông thường. Điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất là nó có thêm một chiếc “cửa” mini có khả năng đóng - mở ở ngay vị trí miệng người sử dụng, do đó, người sử dụng chiếc khẩu trang này hoàn toàn có thể vào nhà hàng, thưởng thức các món ăn mà không cần phải tháo khẩu trang. Ông Asaf Gitelis, phó chủ tịch công ty Avtipus Patents and Inventions, cho biết: “Cánh cửa mini này có thể được điều khiển bằng một thiết bị cầm tay, điều khiển từ xa hay thậm chí là hoàn toàn tự động. Người sử dụng chỉ cần đưa thức ăn lên miệng là cánh cửa này sẽ tự mở ra và đóng lại ngay sau khi họ đưa dĩa của mình ra khỏi miệng”.

Chiếc khẩu trang này hẳn là sẽ rất phù hợp nếu như người dùng chỉ sử dụng các loại đồ ăn cứng. Tuy nhiên, nếu dùng các đồ ăn mềm như kem hoặc canh thì sẽ rắc rối hơn một chút. Có rất nhiều ý kiến trái chiều đã được các khách hàng đưa ra khi họ xem quảng cáo về chiếc khẩu trang đặc biệt này. Ofir Hameiri, một sinh viên đã tốt nghiệp, cho rằng: “Chiếc khẩu trang này giúp tôi có thể ăn uống trong khi vẫn đang đeo. Đây là thứ mà mọi người cần phải có”. Trong khi Ron Silberstein, nhạc sĩ 29 tuổi đang thưởng thức cây kem ốc quế, phản đối: “Tôi không nghĩ loại khẩu trang này thích hợp để ăn kem vì nó sẽ dính ra khắp khẩu trang và tôi sẽ phải bỏ nó đi”.

Avtipus Patents and Inventions cho biết họ đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế và sẽ bắt tay vào sản xuất loại khẩu trang đặc biệt này trong vài tháng tới. Giá bán của chiếc khẩu trang độc đáo này sẽ cao hơn khẩu trang y tế thông thường khoảng 0,85-2,85 USD (khoảng 20,000 -70,000 đồng).

Hàng rào điện trong quầy bar

Đây là một ý tưởng cực kỳ táo bạo và có phần “mạnh tay” của một quán rượu danh tiếng ở Cornwall - Anh nhằm bắt buộc mọi người đến quán phải tuân thủ quy định giãn cách xã hội. Johnny McFadden - ông chủ của quán rượu danh tiếng The Star Inn trên phố Just cho biết, ông đã phải đưa ra “hạ sách” này nhằm bắt buộc các khách hàng của mình phải tuân thủ giữ khoảng cách với nhân viên pha chế đồ uống. Trước đó, ông Johnny đã nhận được rất nhiều lời phàn nàn từ các nhân viên của mình về việc khách hàng luôn tự ý làm theo những gì họ muốn mà phớt lờ những cảnh báo về giãn cách xã hội.

“Hàng rào điện” trong quán rượu buộc mọi người phải tuân thủ giãn cách xã hội“Hàng rào điện” trong quán rượu buộc mọi người phải tuân thủ giãn cách xã hội

Một biển cảnh báo cùng dây điện đã được các nhân viên đặt thành một hàng rào ở trước quầy. Hàng rào này được dựng lên chỉ mang tính chất “cảnh báo”, nó hầu như không có điện. Tuy nhiên, theo ông Johnny, thi thoảng nó sẽ được bật lên và một vài khách hàng quá chén đã trở thành nạn nhân của hàng rào này. Họ cho biết mình đã bị điện giật (tất nhiên là không gây nguy hiểm đến tính mạng). Cách thức có phần “mạnh tay” này của ông chủ quán đã phát huy tác dụng rõ rệt. Ông cho biết: “Trước khi có hàng rào này, mọi người thường không chịu tuân thủ việc giãn cách xã hội và luôn thích tự làm theo ý mình. Giờ đây, họ đã chịu chú ý hơn đến các quy định này. Việc làm này của tôi cũng chỉ là vì lợi ích của mọi người”.

Robot “đầu bếp”

Kể từ khi đại dịch bùng phát, nhu cầu mua đồ ăn mang đi và mong muốn không tiếp xúc giữa người với thực phẩm, giữa người với người ngày càng gia tăng. Để giải quyết bài toán này, công ty Miso Robotics có trụ sở tại bang California - Mỹ đã chế tạo thành công một robot nấu nướng mang tên Flippy.

Robot “đầu bếp” Flippy - một giải pháp mới cho các nhà hàng trong mùa dịch COVIDRobot “đầu bếp” Flippy - một giải pháp mới cho các nhà hàng trong mùa dịch COVID

Nhờ có Flippy, các nhân viên người có thể đảm nhận các nhiệm vụ khác nhau như khử trùng bàn ăn hay xử lý số lượng đơn đặt hàng mang đi đang một gia tăng. Flippy được "trang bị" khá nhiều kỹ năng nấu nướng, từ việc lật những chiếc bánh mì kẹp thịt, nướng bánh cho đến khả năng làm khoai tây chiên và các món khác. Ông Buck Jordan, CEO Miso Robotics cho biết: “Kể từ khi đại dịch bùng phát, tiềm năng về lĩnh vực công nghệ robot tự động ngày càng tăng theo cấp số nhân. Các robot vẫn có thể đảm bảo được năng suất làm việc trong khi phải cắt giảm nhân viên, đặc biệt là nó sẽ tạo ra môi trường an toàn hơn cho mọi người.” Mô hình đầu bếp robot đã xuất hiện tại nhiều nơi như các nhà hàng hamburger Creator tại San Francisco (Mỹ) và chuỗi cửa hàng cà phê Dal.komm Coffee tại Hàn Quốc. Ngoài ra, còn nhiều loại máy tự động khác được sử dụng trong lĩnh vực thực phẩm như máy trộn BreadBot của công ty Wilkinson Baking Co có thể tự trộn, nhào nặn và nướng bánh mì hay một ki-ốt tự động có khả năng làm sinh tố tươi từ các nguyên liệu sẵn có của hãng Blendid.

“Giường” làm từ bìa các-tông

Theo quy định, những hành khách khi đến sân bay quốc tế Narita, Nhật Bản đều phải xét nghiệm Covid-19 trước khi được cho về nhà. Tuy nhiên, sự chậm trễ trong công tác xét nghiệm đã khiến cho rất nhiều người phải “ăn chực nằm chờ” từ một đến hai ngày. Để giải quyết vấn đề chỗ ở cho hàng ngàn hành khách đang phải chờ đợi kết quả xét nghiệm tại sân bay mà vẫn đảm bảo giãn cách, người Nhật đã sử dụng những chiếc “giường các-tông”.

“Giường các-tông” một phát minh độc đáo của Nhật Bản“Giường các-tông” một phát minh độc đáo của Nhật Bản

Tuy những chiếc giường được làm từ bìa cứng chỉ là nơi nghỉ tạm cho hành khách nhưng nó vẫn được trang bị đầy đủ chăn gối, xung quanh còn có các tấm bìa dày tạo thành vách ngăn. Thiết kế này không những đảm bảo giãn cách mà nó còn tạo sự riêng tư cho mỗi hành khách khi ở trong không gian của mình. Được biết, giường các-tông từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong bộ công cụ chuyên dụng dành riêng cho các trường hợp khẩn cấp như các thảm họa thiên nhiên, động đất, bão... ở đất nước mặt trời mọc.

ĐỖ HỮU

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.