“Trấn lột”... chồng

Chia sẻ

Anh Vịnh chở vợ ngồi sau xe máy, dừng lại shop rượu ngoại nhà tôi, gọi mua chai John đen. “Cho cái túi đẹp, đi biếu nhé”, anh vừa nói vừa móc ví lấy tiền. Bỗng anh nhảy ra khỏi xe, chỉ tay vào mặt vợ quát ầm ĩ.

- Cô lại trấn lột của tôi à? Cô định cướp ngày à? Tôi đã đưa hầu hết cho cô, chỉ còn giữ lại chút ít để đối ngoại. Thế mà cô không tha! Như tôi mà đến chai rượu cũng không đủ tiền mua à?

Mọi người xung quanh đều dừng việc mua bán, tò mò nhìn 2 vợ chồng anh Vịnh. Chị vợ có vẻ hoảng, vội vã mở túi:

- Thì để em trả tiền rượu.

Nhưng anh Vịnh chừng đang không kìm được cơn giận, có lẽ nó chất chứa trong lòng anh từ bao nhiêu năm qua, anh sấn sổ ý chừng định cho vợ mấy cái bạt tai, nhưng thấy nhiều người xúm lại gần, anh cố kìm:

- Cô cút đi! Cô cút ngay khỏi đời tôi! Tôi hết chịu nổi cô rồi.

Chị vợ lí nhí:

- Thôi! Em trả tiền rượu rồi. Đi cho được việc đã. Có gì về nhà hãy nói.

Anh Vịnh nghiến răng, thô bạo kéo cánh tay vợ, lôi chị vợ đang ngồi trên yên xuống khỏi xe máy:

- Cô cút ngay! Cút ngay về “nơi sản xuất”!

Rồi anh nổ máy rồ ga đi thẳng. Chị vợ đứng ngẩn một chút rồi lủi thủi quay gót về nhà...

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Chuyện “vợ... trấn lột chồng” như vợ chồng anh Vịnh không phải ít. Shop rượu và bánh kẹo ngoại nhà tôi đã chứng kiến khá nhiều. Nhiều khi là cả 2 vợ chồng đến mua đồ đi đối ngoại thì ông chồng phát hiện ra “bị vợ trấn sạch tiền”, nhưng cũng có lúc chỉ có ông chồng đi một mình, đến mua hàng xong móc vì thì cạn sạch chả đủ tiền thanh toán. Thường thì các ông chồng nổi đóa mắng té tát bà vợ, thậm chí cả những ông “chủ tịch Hô-sơ-vơ” (hội sợ vợ) thì cũng dễ nổi nóng làm ầm ĩ lên, vì bị mất sĩ diện. Anh Lân, anh họ tôi cũng từng xảy ra chuyện tương tự.

Chuyện xảy ra khoảng 10 năm trước. Lần đó, anh Lân ghé qua shop của tôi mua 1 cây thuốc lá để có việc ngoại giao đối tác. Ai ngờ móc ví không còn đồng nào. Anh nóng mặt gọi điện thoại hỏi vợ:

- Tại sao cô lột sạch tiền trong ví của tôi?

- Em có lột sạch đâu! Có 1 tờ 50 ngàn em nhét trong ngăn nhỏ kéo khóa ấy. Anh mở ra xem.

- Hả? 50 ngàn thì tôi ăn sáng bằng gì, đổ xăng bằng gì? Hả!

Anh mở ngăn kéo khóa của cái ví da, quả là có 50 ngàn thật. Anh ngao ngán bảo tôi: “Cho anh nợ cây thuốc. Mai anh trả. Anh có việc phải đi cái đã”. Rồi anh phóng xe đi. Tôi tần ngần thương ông anh họ quá. Anh là một kỹ sư giỏi, làm ra rất nhiều tiền, anh cũng có tư duy đổi mới, dám bỏ cơ quan nhà nước ra mở công ty riêng, làm ăn phát đạt lắm. Thế mà tiền anh bỏ trong ví để chi tiêu lại bị vợ móc sạch, chỉ để lại cho 50 ngàn. Thật đúng như anh hỏi vợ: “50 ngàn thì ăn sáng là thôi đổ xăng”. Sao bà chị dâu tôi lại quản chồng chặt đến thế! Một ông giám đốc công ty, có biết bao nhiêu mối quan hệ cần đối ngoại, trong ví cũng cần phải có tiền để mời bạn bè, đối tác ly bia, đó là chưa kể mời nhau ăn trưa, ăn tối để bàn công việc. Nghĩ lại tôi cũng trách ông anh, các cụ bảo “hiền quá hóa đụt” cũng chẳng sai, dù anh nổi tiếng trong họ mạc là “Chủ tịch Hô-sơ-vơ” nhưng cũng không nên hèn đến thế chứ! Để vợ bắt nạt hết cả đời hay sao? Anh là người tài giỏi, “in ra tiền”, chứ nếu tèng tèng như người khác thì có khi bị vợ đuổi ra khỏi nhà hoặc bắt nhịn ăn chắc chả dám kêu. Nghĩ vậy, nhưng tôi cũng tặc lưỡi, vì mình là em, lại em họ, chả có quyền gì mà góp ý, “ôm rơm rặm bụng” làm gì.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Thế nhưng không ngờ, đêm đó, chị Lân đến nhà tôi. Chị trả tiền cây thuốc lá 3 số. Tôi ái ngại, bảo chị lúc nào trả cũng được, sao chị phải vất vả thế. Chị ấp úng một lúc rồi òa khóc:

- Anh Lân... đuổi... chị ra khỏi nhà rồi...

- Anh đuổi chị? Kệ, chị cứ ngồi chơi nhà em, lát anh hết giận thì chị lại về!

- Không được cô ơi! Anh ấy vừa mắng chị một trận tơi bời. Đuổi chị về “nơi sản xuất”, còn gọi điện thoại cho bố chị, nói rõ từ hôm nay anh trả chị về nhờ ông bà nuôi dạy lại. Mẹ chị hốt hoảng chạy taxi đến xin anh thông cảm, vợ chồng cãi nhau xong thì thôi, sao lại đuổi vợ về nhà ngoại, nhưng anh kiên quyết đuổi...

Vừa thút thít khóc, chị Lân vừa kể lể, rằng chị làm như thế cũng là vì chồng vì con. Anh làm giám đốc, có tiền thì nhiều người theo, người tốt có, kẻ xấu có, ối kẻ lợi dụng lòng tốt của anh, cũng ối cô gái sẵn sàng bám theo cặp kè với anh để móc ví của anh. Chị không “triệt để” thế thì có khi mất cả tiền, mất cả chồng. Như anh Hải bạn của anh Lân đó, làm ăn có tí tiền thì dính ngay vào gái gú, mua cả chung cư cao cấp cho cô bồ ở, trong khi “vợ cái con cột” đồng cam cộng khổ từ thời trẻ thì chả được hưởng. Vừa rồi anh Hải làm ăn thua lỗ, đòi bán chung cư cao cấp lấy tiền trả bớt nợ nần, chuyển cô bồ qua chung cư thấp cấp ở tạm, thì nó ôm luôn đứa con gái 2 tuổi đến trả cho vợ anh Hải. Chuyện vỡ tung tóe ra, bà vợ với mấy đứa con khóc hết nước mắt, hận chồng, hận cha. Thằng con giai đang học lớp 11, chán đời bỏ đi bụi, may mà mẹ nó đi tìm về được. Đấy cô xem, chị không lo cho chồng thì ai lo? Chị mà buông thì anh Lân lại chả giống anh Hải à?

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Chị Lân khóc lóc kể lể nhiều, đêm cũng đã quá khuya, tôi khuyên chị cứ về ngủ đã rồi mai tính. Chị đi rồi, vợ chồng tôi cũng trằn trọc không ngủ được. Chả biết ai đúng ai sai. Thôi chuyện nhà anh chị, họ tự lo, tôi chả biết gì mà can thiệp vào. Không ngờ, 2 hôm sau, chị Lân đến tìm tôi tại shop bán hàng. Chị kể nốt cho tôi câu chuyện chị bị chồng đuổi về ngoại. Đêm ra khỏi nhà tôi, chị không được anh cho vào nhà. Anh thay khóa và cất luôn chìa nên các con cũng không mở được cho mẹ vào. Chị Lân đành về nhà bố mẹ đẻ. Nhưng bố chị cũng kiên quyết không cho chị ngủ lại, ông nói: “Con gái đi lấy chồng, xấu tốt gì cũng theo nhà chồng, không được quay về nhà đẻ. Thằng Lân nó tốt thế, cô còn định gây sự gì với nó? Chuyện vợ làm mà chồng chưa thông thì phải trao đổi, chồng có thông suốt thì vợ mới được làm. Không thể vợ áp đặt chồng như thế được. Cô nói cô làm vì chồng vì con, nhưng chồng cô không chấp nhận. Vậy thì cô phải xem lại xem phương pháp của cô đã đúng chưa? Nếu cứ tiếp tục thì cô có khi mất chồng, chứ không phải giữ chồng. Mà cô mất chồng thì các con cô nguy cơ mất bố. Cô về gác tay lên trán nghĩ cho thấu đi!”.

Đêm đó chị Lân đành ra thuê khách sạn ngủ. Ban đầu chị cũng tức, chị nằm vật xuống khóc. Hết nước mắt rồi, chẳng ngủ được, chị gác tay lên trán suy nghĩ. Thế rồi chị chợt ngộ ra, lời bố chị nói chả sai: “Không khéo thì chị mất chồng, con chị mất cha”. Anh Lân là người chồng tốt, yêu thương vợ con hết lòng. Từ lúc vợ chồng khó khăn, chật vật sinh đứa con đầu lòng. Chị mang thai, nghe người ta nói muốn sinh con có nước da trắng thì mỗi ngày ăn 1 quả trứng gà, nhưng có tiền đâu mà mua trứng. Vợ chồng mới ra trường, lương thấp, chị phải tằn tiện thì 2 ngày mới được ăn 1 quả trứng. Bây giờ nghĩ lại thấy buồn cười cái thời đói khổ đó. Kể lại có khi chả ai tin. Mấy năm nay chồng chị mạnh dạn đổi mới làm kinh tế. Chị có biệt thự, xe hơi, thế mà chị lại đi nghi ngờ chồng, chị đã quản chồng theo kiểu ích kỷ, nhỏ mọn. Nhẽ ra phải lo cho chồng tự tin phát triển sự nghiệp hơn nữa, phải sát cánh với anh trong kinh doanh, phải chăm sóc anh để anh luôn thấy yêu vợ hơn xưa, thế mới đúng chứ!

Một đêm không có nhà để về! Một đêm không ngủ! Tưởng là chị đã mất sạch sau 20 năm làm vợ! Bỗng dưng chị ngộ ra. Và thế là chị vớ điện thoại viết thư cho chồng. Chị viết không dài, nhưng đủ để sáng sớm hôm sau, chồng chị đánh ô tô đến khách sạn đón vợ về nhà...

TRẦN HÀ AN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.