Hà Nội cần tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng cho loại hình thương mại điện tử

Chia sẻ

Chiều 13/8, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã chủ trì buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương về kết quả phối hợp công tác và đề xuất các cơ chế, chính sách, tháo gỡ các vướng mắc trong lĩnh vực công thương của TP Hà Nội; đề xuất các nội dung cần thúc đẩy triển khai trong thời gian tới.

Dự hội nghị có các đồng chí: Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP; Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy; Nguyễn Văn Sửu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP phụ trách, điều hành hoạt động của Ban Cán sự Đảng UBND và UBND TP; các đồng chí lãnh đạo Bộ Công Thương và TP. Hà Nội.

Thay mặt Ban Cán sự Đảng UBND TP báo cáo về kết quả phối hợp giữa Bộ Công Thương và UBND TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản cho biết: Trong giai đoạn 2016-2020, TP Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong quá trình xây dựng và tổ chức triển khai các Chương trình, Đề án phát triển công nghiệp trên địa bàn.

Kết quả sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đã chuyển dịch theo hướng tích cực, đóng góp ngày càng cao vào mức tăng trưởng GRDP thành phố. Năm 2016 đóng góp 1,02 điểm %, chiếm 15,2%, đến năm 2019 đóng góp 1,42 điểm %, chiếm 18,64%. Thành phố hiện có 8 khu công nghiệp với tổng diện tích 1.228 ha, 70 cụm công nghiệp tích 1.686 ha đang hoạt động ổn định; Thành phố đã ban hành quyết định thành lập, hiện đang triển khai thủ tục đầu tư hạ tầng kỹ thuật 43 cụm công nghiệp với tổng diện tích 753,3 ha; Hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp được phát triển tại 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 305 làng nghề được công nhận. …

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận buổi làm việc.Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận buổi làm việc.

Về thương mại nội địa, kết quả hoạt động thương mại trên địa bàn thành phố đạt mức tăng trưởng khá, đóng góp ngày càng cao vào mức tăng trưởng GRDP thành phố. Năm 2016 chiếm 10,4%, đến năm 2019 chiếm 11,7%; giá trị tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn hàng năm đều tăng, dự kiến 5 năm 2016-2020 tăng 10,54%. TP Hà Nội hiện có 28 trung tâm thương mại, 142 siêu thị, gần 2 nghìn cửa hàng tiện ích... Về xuất nhập khẩu: Kim ngạch xuất khẩu thành phố tăng trưởng đều với tốc độ ngày càng cao qua các năm; dự kiến đạt 9% trong 5 năm 2016-2020; kim ngạch nhập khẩu giai đoạn này tăng trưởng theo xu hướng giảm dần, dự kiến tăng 3,8% năm trong 5 năm qua và mức nhập siêu cũng có xu hướng giảm dần.

Thời gian tới, Thành phố Hà Nội đề nghị Bộ Công Thương phối hợp rà soát, điều chỉnh, cập nhật bổ sung quy hoạch phát triển cụm công nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030; giới thiệu các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sản xuất các sản phẩm có uy tín, thương hiệu, có tính dẫn dắt, nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp chủ lực; công nghiệp hỗ trợ…, từ đó hỗ trợ Hà Nội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thành phố cũng đề nghị Bộ Công Thương phối hợp hỗ trợ thành phố trong công tác thẩm định, phê duyệt điều chỉnh, bổ sung một số công trình trạm biến áp, đường dây 110kV, 220kV vào Quy hoạch phát triển điện lực thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035, bảo đảm mục tiêu cấp điện đáp ứng nhu cầu phát triển của Thủ đô.

Với lĩnh vực bán lẻ, thành phố đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị cùng Hà Nội mời các doanh nghiệp phân phối uy tín, tiềm lực mạnh tham gia hoạt động kết nối đưa hàng hóa vào các kênh phân phối lớn, góp phần xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm bền vững.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá cao hoạt động hợp tác giữa TP Hà Nội với Bộ Công Thương. Qua đó đã hỗ trợ Bộ Công Thương trong công tác chỉ đạo, điều hành, xây dựng cơ chế chính sách ngành công thương.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ cụ thể hóa hoạt động phối hợp với Hà Nội thông qua việc đề nghị TP xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN), cải cách hành chính (CCHC), xây dựng hệ thống logistics, hạ tầng năng lượng, giao thông...

Riêng về lĩnh vực thương mại điện tử và chuyển đổi số mặc dù còn tồn tại, bất cập về thể chế, chính sách nhưng thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, gắn với hạ tầng thương mại truyền thống. Vì vậy, Bộ Công Thương mong muốn Hà Nội tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng cho loại hình thương mại này. Đồng thời, hỗ trợ DN bán lẻ nội địa tiếp cận mặt bằng, logistics để qua đó thâm nhập sâu rộng vào hệ thống bán lẻ quốc tế.

Đại diện lãnh đạo TP Hà Nội và Bộ Công Thương ký kết Quy chế phối hợp trong giai đoạn tiếp theo.Đại diện lãnh đạo TP Hà Nội và Bộ Công Thương ký kết Quy chế phối hợp trong giai đoạn tiếp theo.

Kết luận cuộc làm việc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đồng tình và thống nhất với những nội dung hai bên sẽ đẩy mạnh, tiếp tục phối hợp trong thời gian tới. Trong đó, về lĩnh vực công nghiệp, Bộ Công Thương phối hợp với TP xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp của Hà Nội theo hướng hiện đại, phát triển các ngành sản xuất công nghiệp có chọn lọc, đột phá. Nhất là những ngành công nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, hàm lượng chất xám cao. Phấn đấu trong nhiệm kỳ tới, tỷ trọng ngành công nghiệp, thương mại, xây dựng chiếm khoảng 23% trong tổng GRDP của TP.

PHẠM HẰNG

Tin cùng chuyên mục

17 tác phẩm xuất sắc được trao giải thưởng sáng tác tranh cổ động về Điện Biên Phủ và Bộ đội Trường Sơn

17 tác phẩm xuất sắc được trao giải thưởng sáng tác tranh cổ động về Điện Biên Phủ và Bộ đội Trường Sơn

(PNTĐ) - Tại Lễ tổng kết và trao giải thưởng cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn, Ban tổ chức đã trao giải cho 17 tác phẩm xuất sắc.