Ngoại giao Việt Nam 75 năm đồng hành cùng dân tộc

Chia sẻ

Suốt 75 năm đồng hành cùng dân tộc, ngoại giao Việt Nam đã ghi đậm dấu ấn trong những thắng lợi lịch sử của sự nghiệp giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Việc đăng cai thành công hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 khẳng định vị thế của Việt Nam.Việc đăng cai thành công hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 khẳng định vị thế của Việt Nam.

75 năm trước, Sắc lệnh do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 28/8/1945 thành lập Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chính thức khai sinh ra nền ngoại giao Việt Nam hiện đại.

Bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ

Trong phát biểu tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 (tháng 8/2018), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao công tác đối ngoại như một “điểm sáng” trong thành tựu chung của đất nước. Thành tựu đầu tiên mà Tổng Bí thư nhắc đến, đó là “công tác đối ngoại đã đóng góp rất quan trọng vào việc duy trì, củng cố môi trường hoà bình, ổn định, tạo thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với quốc phòng, an ninh trong việc bảo vệ vững chắc an ninh, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Việt Nam đã chủ động, tích cực vận động, thúc đẩy đàm phán, hợp tác giải quyết những bất đồng và vấn đề tồn tại liên quan đến việc phân định ranh giới biển. Đồng thời cùng các nước khác tiến hành công tác cắm mốc giới, mở các cửa khẩu mới quản lý đường biên giới và các hoạt động hợp tác xuyên biên giới, làm cho các đường biên giới trên bộ vừa là đường biên giới hoà bình, hữu nghị vừa là đường biên giới phát triển.

Đặc biệt, ngoại giao giành được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế đối với lập trường chính nghĩa và các lợi ích chính đáng của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, các nguyên tắc cơ bản của quan hệ quốc tế theo Hiến chương Liên Hợp Quốc cũng như các nguyên tắc hoạt động của ASEAN cùng chủ trương kiên quyết, kiên trì đấu tranh trên các vấn đề liên quan đến Biển Đông tiếp tục là cơ sở thực tiễn và pháp lý để chúng ta đấu tranh giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên biển.

Nâng tầm vị thế đất nước trên trường quốc tế

Từ chỗ bị bao vây về kinh tế, cô lập về chính trị và chỉ có quan hệ với các nước trong phe Xã hội chủ nghĩa, đến nay Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 thành viên của Liên Hợp Quốc, quan hệ kinh tế thương mại với hơn 230 nước và vùng lãnh thổ, có khuôn khổ đối tác chiến lược và toàn diện với hơn 30 nước. Đặc biệt, chúng ta đã xây dựng được khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với tất cả cả nước lớn, trong đó có 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Việt Nam là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong ASEAN và nhiều cơ quan quan trọng của Liên Hợp Quốc. Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN năm 1998, 2010 và 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021. Việt Nam thể hiện xuất sắc cương vị nước chủ nhà của nhiều hội nghị quốc tế quan trọng như Hội nghị Thượng đỉnh các nước nói tiếng Pháp (Francophonie) lần thứ 7 năm 1997, Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu (ASEM) lần thứ 5 năm 2005, Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2006 và 2017, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) năm 2015, Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) năm 2018, Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 năm 2019…

Như đánh giá của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, sau 35 năm đổi mới, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với các mặt trận khác, ngoại giao đã góp phần đưa Việt Nam từ một đất nước mờ nhạt trên bản đồ thế giới đến vị thế đàng hoàng của một quốc gia đóng vai trò ngày càng lớn ở khu vực, được bạn bè quốc tế khâm phục và tín nhiệm.

VINH HÀ

Tin cùng chuyên mục