Bảo đảm đưa, đón học sinh đi học an toàn

Chia sẻ

Chỉ còn ít ngày nữa, học sinh các cấp học sẽ tựu trường, khai giảng, bước vào năm học mới 2020-2021. Vì vậy, nhu cầu dịch vụ đưa, đón học sinh đi học bằng các loại phương tiện, nhất là ô-tô, ngày càng tăng cao.

Thực tế những năm gần đây, dịch vụ đưa, đón trẻ mầm non và học sinh các cấp học phổ thông đi học bằng xe ô-tô nở rộ không chỉ ở thành phố mà cả ở khu vực ngoại thành, nông thôn. Theo báo cáo mới đây của Bộ Giáo dục và Ðào tạo, cả nước có 8.511 xe ô-tô dịch vụ đưa, đón học sinh; trong đó, có 7.990 xe đủ tiêu chuẩn, 521 xe không đủ tiêu chuẩn theo quy định.

Mùa tựu trường cần lưu ý việc đưa đón trẻ để không xảy ra những sự việc đau lòng.Mùa tựu trường cần lưu ý việc đưa đón trẻ để không xảy ra những sự việc đau lòng.

Ðáng chú ý, việc triển khai đưa, đón học sinh không theo một quy chuẩn thống nhất mà vẫn theo hình thức "mạnh ai nấy làm". Bên cạnh một số địa phương như Hà Nội, Ðà Nẵng, Nghệ An… có 100% số xe đưa đón do các nhà trường hợp đồng thì ở nhiều nơi, số lượng xe nhiều nhưng phần lớn không do các nhà trường mà do các chủ thể khác ký hợp đồng thuê dịch vụ đưa đón. Ðiển hình như tỉnh Bắc Ninh có 243 xe nhưng chỉ có 10,29% số xe do các nhà trường hợp đồng; tỉnh Bình Dương có 595 xe nhưng chỉ có 12,77% số xe do các nhà trường hợp đồng; tỉnh Ðồng Nai có 1.096 xe nhưng chỉ có 13% số xe do các nhà trường hợp đồng dịch vụ đưa, đón… Tính chung trên cả nước, trong tổng số xe ô-tô dịch vụ đưa, đón học sinh, có 3.745 xe (44%) do nhà trường hợp đồng, còn lại 4.766 xe (56%) do các chủ thể khác thuê đưa, đón học sinh.

Dịch vụ ô-tô đưa, đón học sinh tạo thuận lợi cho cả phụ huynh và học sinh, bảo đảm sức khỏe tốt cho các em. Tuy nhiên, quá trình triển khai ở một số nơi xảy ra tình trạng không bảo đảm an toàn cho học sinh như xe không bảo đảm chất lượng, lái xe thiếu các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định, chưa thực hiện đúng quy trình đưa, đón học sinh... Thậm chí, có trường hợp học sinh bị ngã văng khỏi xe ô-tô trên đường đi học hay việc bỏ quên học sinh nhiều giờ trên xe ô-tô dẫn đến tử vong, gây lo lắng và bức xúc trong dư luận xã hội.

Ðể bảo đảm an toàn trong triển khai dịch vụ đưa, đón học sinh, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã yêu cầu các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng và các quy định của pháp luật về an toàn giao thông cho giáo viên, học sinh; trong đó, lưu ý các quy định về an toàn khi ngồi trên xe ô-tô, kỹ năng thoát hiểm lúc gặp sự cố, kỹ năng xử lý tình huống nguy hiểm khi không có người trợ giúp... Ðối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông có sử dụng dịch vụ đưa, đón học sinh đi học bằng xe ô-tô, phải lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ có đủ điều kiện kinh doanh vận tải; lái xe phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn theo quy định. Nhà trường phải phân công giáo viên hoặc nhân viên có kinh nghiệm đã được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng về an toàn giao thông tham gia đưa, đón học sinh bằng xe ô-tô. Giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm phối hợp quản lý học sinh, thông báo kịp thời cho gia đình khi học sinh vắng mặt chưa rõ lý do. Bộ Giáo dục và Ðào tạo cũng yêu cầu hiệu trưởng (hoặc người đại diện pháp luật của trường) chịu trách nhiệm trước pháp luật, gia đình học sinh về toàn bộ hoạt động đưa, đón học sinh của nhà trường, về sự an toàn của học sinh…

Tuy nhiên, chỉ nhà trường là chưa đủ, bởi cả nước có tới 56% số xe ô-tô đưa, đón học sinh do các chủ thể khác thuê thực hiện. Vì vậy, để bảo đảm an toàn cho học sinh sử dụng dịch vụ đưa, đón bằng xe ô-tô thì cần tăng trách nhiệm của chính các phụ huynh học sinh đối với việc đưa, đón con em mình. Về cơ sở pháp lý, dù có nhiều văn bản quy định quản lý với loại hình vận tải hợp đồng nhưng chưa quy định rõ tính chất đặc thù và yêu cầu khắt khe về an toàn đối với loại hình vận chuyển học sinh. Vì vậy, cần có những quy định cụ thể trong các luật, nghị định, thông tư liên quan, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng về quản lý hoạt động đưa, đón học sinh bằng xe ô-tô. Cần xác định vận chuyển học sinh là một loại hình vận tải đặc biệt, kèm theo các quy định chặt chẽ hơn và có tính đặc thù, bảo đảm an toàn mức cao nhất cho hành khách là trẻ em. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý các cấp cần thường xuyên kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật và hợp đồng vận chuyển kinh doanh vận tải đưa, đón học sinh bằng xe ô-tô, phát hiện, có hình thức xử lý nghiêm các sai phạm nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối khi thực hiện đưa, đón học sinh đi học.

Theo nhandan.com .vn

 

Tin cùng chuyên mục

2 giờ hữu ích giúp chị em chăm sóc sức khỏe sinh sản

2 giờ hữu ích giúp chị em chăm sóc sức khỏe sinh sản

(PNTĐ) - Sáng ngày 27/8/2023, Hội LHPN quận Đống Đa phối hợp với Viện Phát triển Sức khỏe Cộng đồng Ánh sáng-LIGHT tổ chức “Truyền thông chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ trên địa bàn quận Đống Đa”. Sau hơn 2 giờ diễn ra, chương trình đã đem tới cho gần 300 chị em phụ nữ rất nhiều kiến thức bổ ích để có thể tự chăm sóc sức khỏe sinh sản, vì hạnh phúc của bản thân, gia đình và cộng đồng.
Truyền thông pháp luật về phòng, chống mua bán người và bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động

Truyền thông pháp luật về phòng, chống mua bán người và bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động

(PNTĐ) - Sáng ngày 22/7/2023, Hội LHPN Hà Nội tổ chức Chương trình truyền thông pháp luật về phòng, chống mua bán người và bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động tại huyện Mê Linh nhân dịp hưởng ứng “Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người” và ngày “Toàn dân phòng, chống mua bán người” – 30/7.
Từ trẻ 4 tuổi đến người cao niên 70-80 tuổi học tiếng Anh bằng siêu trí nhớ

Từ trẻ 4 tuổi đến người cao niên 70-80 tuổi học tiếng Anh bằng siêu trí nhớ

(PNTĐ) - Nhân dịp hè, Trung tâm giáo dục SGROUP Academy trong chuỗi hệ thống Trung tâm Toán tư duy – Tiếng Anh siêu trí nhớ đã khai trương cơ sở đầu tiên tại số 2, ngõ 2 Quang Trung, Hà Đông. Đây là giải pháp giáo dục toàn diện dành cho trẻ em Việt Nam có thể tiếp cận tới các phương pháp mang lại hiệu quả học tập cao.