Tăng cường phòng, chống dịch ở cơ sở thờ tự

Chia sẻ

Đã thành truyền thống, lễ Vu Lan rằm tháng Bảy hằng năm là dịp người dân Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng thường đến các cơ sở thờ tự làm lễ.

Năm nay, lễ Vu Lan báo hiếu diễn ra trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều cơ sở thờ tự trên địa bàn Hà Nội đã chủ động các biện pháp phòng, chống dịch, hạn chế tối đa nguy cơ lây lan trong cộng đồng nhưng vẫn giữ vẹn nguyên tính hướng thiện, an lành của mùa lễ nhiều ý nghĩa.

Người dân đi lễ tại chùa Hòe Nhai (quận Ba Đình) chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch Covid-19.Người dân đi lễ tại chùa Hòe Nhai (quận Ba Đình) chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch Covid-19.

Bảo đảm thực hiện quy định phòng, chống dịch

Năm nay, trước lễ Vu Lan một tuần, chùa Hà (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) khá vắng người hành hương, lễ Phật. Ngay cổng di tích, một bảng nội quy được dựng ngay ngắn, thông tin rõ những việc phật tử cần làm khi vào chùa hành lễ nhằm ngăn ngừa dịch Covid-19 lây lan. Ông Nguyễn Minh Bài, đại diện Ban Quản lý di tích đình, chùa Hà cho biết, khi dịch Covid-19 tái diễn, Ban Quản lý di tích chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, như: Trang bị nước rửa tay diệt khuẩn, kiểm tra thân nhiệt, nhắc nhở khách vào di tích đeo khẩu trang… Năm nay, nhà chùa không tổ chức lễ Vu Lan tập trung, chỉ thực hành nghi lễ nội bộ, hạn chế tập trung đông người, giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh.

“Có thể thấy, dịch Covid-19 ảnh hưởng đáng kể đến thói quen đi lễ chùa của người dân. Tuy nhiên, để chủ động với các tình huống, cuối tuần này Ban Quản lý di tích sẽ tổ chức họp, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên. Trong trường hợp người đến hành lễ quá đông, khó bảo đảm giãn cách 1m, di tích sẽ đóng cửa, tạm dừng đón khách”, ông Nguyễn Minh Bài thông tin.

Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới tại chùa Hòe Nhai (phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình) lượng người đi lễ khá thưa thớt. Từ cổng chùa, lực lượng bảo vệ đã nhắc nhở khách rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang, không tụ tập đông người. Theo Hòa thượng Thích Tâm Hoan, Trụ trì chùa Hòe Nhai, từ khi dịch Covid-19 tái diễn, các khóa tu học tại chùa tạm dừng. Lễ Vu Lan năm nay, nhà chùa không tổ chức mà vận động người dân hành lễ tại nhà nhằm bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.

Ghi nhận của phóng viên tại nhiều di tích, cơ sở thờ tự khác trên địa bàn Hà Nội, công tác phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện khá nghiêm túc, với cách làm chủ động, hiệu quả. Chiều 26-8, tại chùa Trấn Quốc (phường Yên Phụ, quận Tây Hồ), người dân tham gia lễ cầu siêu - phả độ gia tiên thực hiện ngồi giãn cách theo nhóm gia đình và đeo khẩu trang. Chùa Phúc Khánh (phường Thịnh Quang, quận Đống Đa) thông báo khóa lễ Vu Lan năm 2020 bằng hình thức trực tuyến...

Nhiều địa phương cũng chủ động có văn bản gửi tới các di tích, cơ sở thờ tự đề nghị tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch trong dịp lễ Vu Lan báo hiếu, đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân. Bà Trần Thị Thu Hương, phường Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: "Hằng năm, gia đình tôi đều tới chùa Thiên Phúc hành lễ, nghe các sư thầy tụng kinh, giảng đạo. Tuy nhiên, năm nay gia đình tôi chỉ cử đại diện lên chùa lễ phật nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh".

Gìn giữ nét đẹp mùa Vu Lan báo hiếu

Người dân sử dụng khẩu trang khi đi lễ tại chùa Trấn Quốc (quận Tây Hồ). Ảnh: Đỗ TâmNgười dân sử dụng khẩu trang khi đi lễ tại chùa Trấn Quốc (quận Tây Hồ). Ảnh: Đỗ Tâm

Lễ Vu Lan rằm tháng Bảy hằng năm là biểu tượng của tấm lòng hiếu kính, hàm chứa ý nghĩa giáo dục tốt đẹp, qua thời gian đã trở thành một lễ hội văn hóa tinh thần chung của toàn xã hội. Mùa Vu Lan báo hiếu được người dân thực hành từ đầu tháng Bảy (âm lịch) với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, tạo nên một không khí ấm cúng, tràn ngập yêu thương.

Gìn giữ nét đẹp mùa Vu Lan hướng thiện, an lành, bên cạnh khuyến cáo, nhắc nhở tăng ni, phật tử nêu cao ý thức phòng, chống dịch, các cơ sở thờ tự tiếp tục vận động người dân hạn chế sử dụng đồ mã trong hoạt động thờ cúng, tránh lãng phí tiền của, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Theo Trụ trì chùa Đông Ngàn (xã Đông Hội, huyện Đông Anh) Thích Thiện Tài, lễ rằm tháng Bảy không câu nệ lễ vật, mà quan trọng hơn là tấm lòng hiếu kính với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Thay vì mua sắm lễ vật, vàng, mã tốn kém để cúng tế, đốt, mọi người hãy chuyển nguồn công đức đó làm từ thiện, giúp đỡ người kém may mắn trong xã hội.

“Trên thực tế, đã có nhiều tổ chức, cá nhân hướng theo những lời răn dạy này để có những việc làm mang lại giá trị, ý nghĩa thiết thực hơn cho cộng đồng. Đây cũng là cách loại trừ hủ tục, tập quán không còn phù hợp, gìn giữ, bồi đắp văn hóa truyền thống của dân tộc”, Trụ trì chùa Đông Ngàn Thích Thiện Tài bày tỏ.

Chủ động biện pháp ngăn ngừa lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cho biết, từ nay đến lễ Vu Lan 2020, cơ quan chức năng của Sở sẽ tăng cường phối hợp với các ban, ngành liên quan, các quận, huyện, thị xã tổ chức kiểm tra, nhắc nhở thực hiện các quy định phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn; tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và tuân thủ các yêu cầu phòng, chống dịch, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. 

Sau hiện tượng di tích phủ Tây Hồ quá tải khách hành hương, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong ngày mùng Một tháng Bảy (âm lịch) vừa qua, UBND phường Quảng An đã xây dựng kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự trong dịp lễ rằm tháng Bảy. Theo đó,  lực lượng bảo đảm an ninh thường xuyên túc trực tại điểm di tích. Trong các ngày 14, 15 và 16 tháng Bảy, lãnh đạo và đại diện các đoàn thể sẽ túc trực tại điểm di tích cùng với lực lượng an ninh để kiểm soát, nắm bắt tình hình. Trong trường hợp lượng khách đổ về đông, không bảo đảm giãn cách, sẽ cho đóng cửa, ngừng tiếp đón. Ngay từ vòng ngoài đã yêu cầu khách đo nhiệt độ, rửa tay sát khuẩn và đeo khẩu trang. Trường hợp không đeo khẩu trang trong không gian thờ tự sẽ bị xử phạt.

Theo hanoimoi.com.vn

Tin cùng chuyên mục

Gấp rút đẩy nhanh tiến độ thi công trường Tiểu học Hà Nội – Điện Biên Phủ

Gấp rút đẩy nhanh tiến độ thi công trường Tiểu học Hà Nội – Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Những ngày này, trên công trường xây dựng trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ (TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) ngày cũng như đêm luôn rộn rã, nhộn nhịp hoạt động thi công. Tất cả dồn hết tâm, sức, chạy đua với thời gian, đẩy nhanh tiến độ để kịp khánh thành, sớm đưa công trình vào sử dụng dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).
Hà Nội thí điểm gửi xe không tiền mặt

Hà Nội thí điểm gửi xe không tiền mặt

(PNTĐ) - Hà Nội bắt đầu thí điểm gửi xe không tiền mặt tại 7 vị trí nằm trên các tuyến phố ở quận Hoàn Kiếm. Sau thời gian thí điểm, địa phương sẽ đánh giá kết quả để lên phương án triển khai rộng rãi.
Đối thoại  về chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội

Đối thoại về chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội

(PNTĐ) - Ngày 16/4, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận Hoàn Kiếm tổ chức buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách năm 2024 với chủ đề: “Những điểm mới về chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội”.
Tháng Ba về giỗ Vua Hùng

Tháng Ba về giỗ Vua Hùng

(PNTĐ) - Những ngày này, đông đảo người dân và du khách về với Lễ hội đền Hùng (Phú Thọ). Lễ hội là hoạt động có tính quy mô cấp quốc gia nhằm tưởng nhớ các vua Hùng đã có công dựng nước, hướng mỗi người Việt Nam biết trân quý nguồn cội.