Áo dài ngũ thân, vẻ đẹp Việt!

Chia sẻ

Có lẽ không có một ví dụ nào điển hình về “sự đứt gẫy của văn hóa truyền thống” hơn là câu chuyện về việc nam giới mặc áo dài ngũ thân đang thu hút sự quan tâm của dư luận tuần qua.

Mọi việc bắt đầu từ khi Sở Văn hóa - Thông tin (VHTT) tỉnh Thừa Thiên - Huế ra quy định nam giới trong khối văn phòng của Sở mặc áo dài ngũ thân đi làm vào thứ Hai hằng tuần. Huế xác định áo ngũ thân được xem như “lễ phục” của nam giới.

Trước đó, người đứng đầu chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế - ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch tỉnh - cũng mặc áo dài ngũ thân tiếp các quan khách. Rõ ràng với Huế, quyết tâm "tái xây dựng" Huế là "kinh đô Áo dài" đang dần hiển hiện. Sở dĩ cần dùng từ “tái xây dựng” vì trong lịch sử 200 năm trước, Huế đã từng là “kinh đô Áo dài”.

Áo dài ngũ thân đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều trên mạng xã hội.Nam công chức ngành Văn hóa Huế trong trang phục áo dài ngũ thân. (Ảnh: Thanh Phong).

Với người Huế thì như vậy, nhưng với nhiều bạn trẻ cả nước thì đấy là một sự lạ lùng, thậm chí khôi hài. Hãy thử nhìn trên mạng xã hội. Nhiều comment (dưới bài viết “Khôi phục áo dài nam, xin đừng “thử lửa làm đau lòng vàng” của TS Trần Đoàn Lâm (Giám đốc NXB Thế giới) “khó chấp nhận” như: "Xem ra công chức 13 tỉnh miền Tây Nam bộ chuẩn bị mặc bộ đồ bà ba, đầu buộc khăn rằn để đi làm rồi đây…”. Hoặc: “Văn hóa truyền thống là thứ cần được bảo tồn nhưng không phải lúc nào cũng cứ khoác cái truyền thống đó mãi. Xã hội luôn vận động và phát triển thì mình cũng phải thích nghi theo…”…

Thật ra, những phản ứng tiêu cực này, người ta có thể đoán trước được. Điều đó cho thấy một sự “đứt gẫy truyền thống” rõ ràng, cho thấy cách nhìn nhận vội vã, thiếu chiều sâu văn hoá của đại đa số giới trẻ hôm nay.

Tại sao vậy? Ngày nay, ai ai cũng đồng ý áo dài xứng đáng là “quốc phục” cho giới nữ Việt Nam, là biểu tượng cho vẻ đẹp đầy nữ tính của người phụ nữ, và nó cũng đang trên đường trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.

Trường hợp áo dài nam ngũ thân không phải là mới lạ gì. Nhưng sau 80 năm đứt gẫy văn hóa, khi trang phục Việt Nam bước vào xã hội hiện đại, chiếc áo ngũ thân của nam giới bị “bỏ rơi”, thậm chí có thời kỳ đã từng bị biến tướng về mặt thẩm mỹ. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, áo ngũ thân nam giới được hình thành từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1744) sau đó được sử dụng thống nhất như một thứ lễ phục đến tận năm 1945. Nhưng kể từ sau năm 1945, áo dài ngũ thân của nam giới đã không có được vị trí như lẽ ra nó phải có, thậm chí người ta dần quên mất đó là trang phục mặc trong những dịp lễ quan trọng của đàn ông Việt xưa nay. Chính điều đó đã khiến cho dư luận từng băn khoăn khi áo dài trở thành Quốc phục của phụ nữ thì Quốc phục của nam giới sẽ là gì?

Tuy nhiên, cũng từng những băn khoăn đó mà các nhà thiết kế Việt đã đồng loạt khôi phục lại áo dài ngũ thân cùng với hàng loạt những kiểu dáng phù hợp với xã hội hiện đại hôm nay. Áo dài ngũ thân cho nam giới đã thực sự trở lại và được ghi nhận là trang phục mặc đời thường, lễ phục… rất phù hợp, mang bản sắc riêng của nam giới Việt. Vừa truyền thống vừa hiện đại. Việc dư luận trái chiều đối với áo dài ngũ thân ở Huế có lẽ chỉ đơn giản bởi vì người ta còn chưa quen mắt. Điều cần thiết có lẽ là cần để dư luận hiểu hơn về vẻ đẹp từ nội dung đến hình thức của áo dài ngũ thân, mỗi người sẽ biết trân trọng hơn giá trị của những chiếc áo dài.

Áo dài ngũ thân là một sáng tạo công phu về mặt trang phục. Sao lại gọi là áo dài 5 thân? Bởi vì thời đó, khổ vải chỉ rộng từ 35 - 55cm, buộc phải gá viền, nối sống vải lại với nhau, bao gồm 2 thân trước, 2 thân sau và 1 thân con bên trong phía tay phải. Về tạo hình, tấm thân con (thân thứ 5) nhỏ hơn thân bên ngoài, có chức năng kéo tấm vải phủ trùm hết vai phải, ôm khít lấy vai và ngực bên phải. Về thẩm mỹ, sau khi cài đủ 5 khuy, ngực của người đàn ông trở nên vạm vỡ hơn. 5 thân cũng là hình ảnh mang tính biểu trưng: gồm tứ thân phụ mẫu và bản thân. Một chiếc áo nhưng gói gọn cả đạo hiếu của người Việt.

Nếu hiểu được vẻ đẹp của áo dài ngũ thân thì người ta sẽ không còn chê trách nó cổ hủ, lạc hậu, bất tiện nữa. Hiểu được vẻ đẹp của áo ngũ thân cũng là hiểu về một truyền thống, và mặc áo ngũ thân chính là nối tiếp cái mạch truyền thống đó sau hàng chục năm “đứt gẫy”. Chúng ta nên hoan nghênh Huế đang là địa phương tiên phong trong việc tôn vinh giá trị, bản sắc văn hoá truyền thống trong đời sống hôm nay. Và chúng ta hãy thử tưởng tượng, nếu cả nước cùng làm được việc như Huế, chắc chắn trong tương lai gần, chúng ta sẽ có những trang phục là Quốc phục mặc đi làm, mặc trong các sự kiện quan trọng rất đậm đà bản sắc Việt. Nhiều quốc gia giàu bản sắc văn hoá truyền thống trên thế giới, đặc biệt là các nước châu Á đã làm được điều đó, tại sao chúng ta lại không thể?

MỸ NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục

Nữ GenZ với mong muốn mang tài năng của mình giúp ích cho cuộc đời

Nữ GenZ với mong muốn mang tài năng của mình giúp ích cho cuộc đời

(PNTĐ) - Lọt vào top 25 Hoa hậu Thế giới Việt Nam và là Hoa hậu tuổi teen châu Á năm 2019, nhưng Phan Anh Thư không bước chân vào làng giải trí mà theo đuổi con đường hội họa, trở thành họa sĩ trẻ. Cô từng chia sẻ: "Tôi nghĩ mình có nhiều con đường để đạt được mục đích sau cùng. Tuy nhiên con đường tôi cảm thấy tốt nhất, hạnh phúc nhất là vẽ tranh, làm việc góp sức cho cộng đồng".
Minh chứng về sự kế thừa thành công của gia đình truyền thống nghệ thuật

Minh chứng về sự kế thừa thành công của gia đình truyền thống nghệ thuật

(PNTĐ) - Từ 20-25/4/2024, 100 tác phẩm hội hoạ đặc sắc của họa sĩ Văn Chiến sẽ được trưng bày tại triển lãm “Kỷ niệm và trải nghiệm: 100 tác phẩm nghệ thuật từ họa sĩ Văn Chiến”. Đây không chỉ là một triển lãm sưu tầm các bức tranh, tác phẩm nghệ thuật như thông thường, mà còn là buổi triển lãm được đúc kết từ khát vọng tôn vinh di sản nghệ thuật của cha, cũng như gìn giữ giá trị văn hoá.
Khi “Mỗi đứa trẻ là một triết gia“

Khi “Mỗi đứa trẻ là một triết gia“

(PNTĐ) - Trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc 2024, nhân dịp bộ sách "Thưởng thức triết học" ra mắt độc giả Việt Nam, Nhà xuất bản Kim Đồng và Viện Pháp tại Hà Nội tổ chức chương trình giao lưu và ra mắt bộ sách với chủ đề "Mỗi đứa trẻ là một triết gia".