Bỏ quy định đăng ký thường trú có tăng áp lực dân số đô thị?

Chia sẻ

Việc bỏ quy định về điều kiện đăng ký thường trú áp dụng riêng đối với TP trực thuộc Trung ương tại Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) mới đây khiến dư luận băn khoăn rằng, liệu quy định trên có gia tăng áp lực lên cơ sở hạ tầng, làm tăng dân số cơ học, ảnh hưởng quyền, lợi ích của một bộ phận công dân đang sống, làm việc tại các TP lớn.

Áp dụng quy định riêng… vẫn gia tăng dân số ở thành phố lớn

Điều 20, Luật Cư trú (sửa đổi) quy định điều kiện đăng ký thường trú áp dụng chung cho công dân Việt Nam tại tất cả các địa phương, không phân biệt giữa các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương.

Đa phần đại biểu Quốc hội đồng ý với sự thay đổi trên, bởi việc đặt ra các điều kiện riêng này sẽ làm hạn chế quyền tự do cư trú của công dân, tác động đến quyền, lợi ích hợp pháp của một bộ phận công dân đang sinh sống, làm việc tại những TP lớn nhưng không đủ điều kiện đăng ký thường trú.

Chưa kể, quy định đăng ký thường trú áp dụng riêng cho TP trực thuộc trung ương thời gian qua chưa thực sự hiệu quả, chỉ hạn chế được số lượng người đăng ký thường trú, không hạn chế được việc người dân chuyển đến lao động, học tập, sinh sống thực tế tại các đô thị lớn.

Áp lực tăng dân số cơ học lên các thành phố lớn vẫn vô cùng lớn.Áp lực tăng dân số cơ học lên các thành phố lớn vẫn vô cùng lớn.

Chia sẻ bên lề tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, ông Trương Minh Hoàng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội cho biết: Qua thực tế chúng tôi đi khảo sát, nếu không đủ điều kiện đăng ký thường trú, nhưng do cơ hội việc làm, thu nhập cao nên người lao động từ các tỉnh thành vẫn tạm trú hoặc lưu trú tại những TP lớn. Áp lực về y tế, giáo dục, giao thông, môi trường… vì thế vẫn rất lớn.

“Tôi lấy ví dụ tại Hà Nội, dù Luật Thủ đô đã được triển khai, có quy định ràng buộc rõ ràng về điều kiện thường trú, ở như thế nào… nhưng trên thực tế cũng không cản trở được việc người dân về Hà Nội cư trú theo dạng tạm trú” - ông Quốc hội Trương Minh Hoàng thông tin.

Đơn cử tại quận Hoàng Mai, sau khi khu HH đưa vào sử dụng thì phường Hoàng Liệt tăng gấp 7 lần dân cư ở đây. “Quận Hoàng Mai từ khi có Luật Thủ đô cho đến khi Ủy ban Pháp luật tiến hành giám sát cũng không có trường hợp nào đăng ký thường trú theo Luật Thủ đô cả. Như vậy những rào cản chúng ta đưa ra về mặt kỹ thuật cũng không đạt được, rõ ràng điều này cũng cần phải cân nhắc” - đại biểu Quốc hội Phạm Trí Thức (đoàn Thanh Hóa) dẫn chứng thêm.

Thay đổi để thuận tiện cho quản lý

Thực tế, khi có nhu cầu lao động, kể cả không đủ điều kiện đăng ký thường trú, người dân vẫn lưu trú và ở lại. Điều này gây khó khăn trong quản lý cư trú và kiểm soát an ninh, trật tự tại địa phương, cùng với đó cũng là việc đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, nhất là quyền cơ bản của trẻ em được đi học, được chăm sóc y tế đối với những trường hợp không đủ điều kiện đăng ký thường trú và tạm trú, không có nơi thường trú và tạm trú hợp pháp.

Bởi vậy, ông Trương Minh Hoàng khẳng định, việc chúng ta thay đổi, tạo điều kiện để người dân đăng ký thường trú sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho quản lý. Khi có điều kiện đủ, người dân sẽ phải đăng ký thường trú. Nhờ đó, các cấp chính quyền sẽ nắm rõ hơn tình hình dân cư khu vực mình; tạo điều kiện xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng cho phù hợp.

Với nỗi lo giải tỏa áp lực hạ tầng hay giãn dân… ông Trương Minh Hoàng cho rằng chúng ta cần kết hợp nhiều biện pháp chứ không phải chỉ về cư trú. Chẳng hạn triển khai biện pháp về kinh tế như: áp dụng phí gửi xe trong nội đô cao hơn ở ngoại ô, lắp bóng đèn thì phải có cây xanh bù đắp khí thải, muốn lưu trú lâu dài có thể phải chấp nhận cho con em đi học xa… để người dân vẫn được hưởng thụ văn hóa, đảm bảo tự do cư trú.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan (đoàn Hà Nội) cũng Nguyễn Thị Lan - TP Hà Nội nhấn mạnh rằng, nếu áp dụng thêm điều kiện để đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ là phải đảm bảo diện tích nhà ở tối thiểu do hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định, nhưng không thấp hơn 8m2 sàn/người… cũng là giải pháp kết hợp, giúp giải quyết bài toán áp lực về dân cư, cơ sở hạ tầng đối với TP trực thuộc Trung ương.

THẢO HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

(PNTĐ) - Ngày 25/4, Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)”. Ban tổ chức đã nhận được gần 20 tham luận gửi đến Hội thảo đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật.
Đồng bào các dân tộc Điện Biên với tinh thần “cả nước cùng chống giặc”

Đồng bào các dân tộc Điện Biên với tinh thần “cả nước cùng chống giặc”

(PNTĐ) - Phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã chung sức, đồng lòng, cùng với cả nước, tích cực chủ động tham gia phục vụ chiến trường với tất cả tinh thần, sức lực, trí tuệ và của cải, tất cả cho chiến thắng.