Liên ngành vào cuộc phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em

Chia sẻ

Tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em ở nước ta trong những năm gần đây có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, đòi hỏi các cấp, ngành cần vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt hơn.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực, Hội LHPN TP Hà Nội phát biểu tại hội thảoBà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực, Hội LHPN TP Hà Nội phát biểu tại hội thảo

Đây chính là nội dung đưa ra tại hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em tại nơi công cộng” do Hội LHPN Hà Nội tổ chức ngày 22/10.

Phụ nữ, trẻ em gái muốn an toàn thì nên... ở nhà?

Bà Đào Bảo Thư, điều phối viên Dự án “Thành phố an toàn và thân thiện với trẻ em gái”, tổ chức Plan International công bố một đoạn phim ngắn với camera giấu kín. Trong đó, Kim Chi, 20 tuổi, là sinh viên tại một trường đại học ở Hà Nội - nhân vật chính tham gia trải nghiệm cho biết, cô đã có một ngày dài với nhiều cảm xúc khó chịu.

Cùng với nhóm quay phim bằng camera giấu kín, cô vào vai một nữ sinh với những hoạt động bình thường như đi xe khách liên tỉnh về nhà, tập thể thao ở công viên, đứng ở cổng bệnh viện chờ người thân đến đón với những trang phục phù hợp. Suốt cả thước phim, Chi nhận được không ít lời trêu ghẹo, bông đùa khiếm nhã, thậm chí cả hành vi cố tình đụng chạm vào cơ thể, trong khi đó, những người xung quanh thì thờ ơ và cho rằng đó là chuyện bình thường…

Theo bà Đào Bảo Thư, ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia, có sự khác biệt rõ ràng giữa an toàn của trẻ trai và trẻ gái, của đàn ông và phụ nữ ở nơi công cộng. “Thực tế, trẻ em gái luôn gặp phải một số nguy cơ thiếu an toàn khi tham gia vào các hoạt động công cộng. Chắc chắn, mọi người sẽ đổ lỗi cho các bé gái bị trêu chọc, xâm hại… là do các em ăn mặc hở hang, gợi cảm, hay đến nơi vắng vẻ, đi đêm muộn… Nhưng các em có quyền ăn mặc theo sở thích hoặc tự do tham gia các hoạt động xã hội như trẻ em trai” - bà Đào Bảo Thư nói.

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, từ tháng 1/2015 đến tháng 6/2019, trên địa bàn thành phố xảy ra 322 vụ xâm hại, bạo lực đối với trẻ em. Đánh giá của TAND TP Hà Nội cuối năm 2019 cũng cho thấy, tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em trong những năm gần đây có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em diễn ra tại gia đình, nhà trường, nơi làm việc và nơi công cộng, nơi có đông người chứng kiến. Nhiều vụ việc mà người gây án sử dụng hung khí gây ra mức độ tổn thương nghiêm trọng cho nạn nhân.

Cần sự chung tay của cả cộng đồng

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN TP Hà Nội cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến cho tình trạng bạo lực, xâm hại vẫn còn tiếp diễn. Trong đó, công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành trong phòng, chống bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ, trẻ em còn chưa chặt chẽ, hiệu quả. Tổ chức Hội còn gặp khó khăn trong tiếp cận, làm việc với cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình tham gia phối hợp giải quyết các vụ việc xâm hại, bạo hành phụ nữ, trẻ em…

“Xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, phòng chống các nguy cơ bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, đòi hỏi sự vào cuộc trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, sự phối hợp triển khai các giải pháp đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở, giữa các cấp, ban, ngành và toàn xã hội” – PCT Thường trực Nguyễn Thị Thu Thủy khẳng định.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Tạ Đức Giang, đại diện Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cho rằng, Sở đã có nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ lái xe, phụ xe buýt về các hành vi quấy rối tại nơi công cộng, đồng thời xây dựng tuyến xe buýt thân thiện cho các lái xe, phụ xe và cơ chế xử lý đối với các phụ, lái xe vi phạm. “Bên cạnh việc tuyên truyền nhận thức của những ngươi tham gia điều hành, thực hiện các phương tiện công cộng, chúng tôi cũng kiến nghị cần phải tăng mức độ xử phạt đối với các hành vi bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em tại nơi công cộng” – ông Giang nói.

Đại diện TAND TP Hà Nội khẳng định, đối với các vụ án hôn nhân gia đình, xâm hại và bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em được Hội gửi công văn đến, Tòa án đều khẩn trương giải quyết theo trình tự tố tụng và đảm bảo quyền và lợi ích cao nhất cho phụ nữ và trẻ em.

Còn bà Đặng Ngọc Hà, Phó phòng Bình đẳng giới, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội khẳng định, trước hết, cần đẩy mạnh công tác phòng ngừa bạo lực, xâm hại, đừng để khi vụ việc xảy ra rồi thì cơ quan chức năng mới vào giải quyết. “Chúng tôi đã và đang triển khai mô hình thí điểm địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh tại quận Hoàn Kiếm – một trong những giải pháp quan trọng nhằm phòng ngừa và ứng phó hiệu quả với bạo lực trên cơ sở giới. Sau 3 năm thực hiện, mô hình đã in ấn, phát hành, hơn 40.000 tờ rơi, tờ gấp, tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại trẻ em, chung tay xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” – bà Ngọc Hà cho biết.

Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã tích cực triển khai nhiều hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình và xâm hại phụ nữ, trẻ em. Hội đã triển khai thực hiện hiệu quả Đề án 938 “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em”, triển khai thí điểm mô hình “làng quê an toàn” năm 2020 tại xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên; Phối hợp thực hiện dự án thành phố an toàn, thân thiện đối với trẻ em gái tại 6 quận huyện gồm Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Xuân, Long Biên, Đông Anh, Ứng Hòa…

Đến nay, Dự án đã tiếp cận tới hơn 11.000 đối tượng được hưởng lợi trực tiếp và 190.000 đối tượng hưởng lợi gián tiếp. Các cấp Hội cơ sở đã tổ chức 825 buổi tọa đàm, truyền thông trang bị kỹ năng sống cho trẻ em vị thành niên, phòng chống bạo lực học đường, chăm sóc sức khỏe sinh sản, giáo dục giới tính, phòng chống xâm hại tình dục…

HỒNG NHUNG

Tin cùng chuyên mục

Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.