Đưa người đi lao động ở nước ngoài: Nhà nước không “ôm” nhưng phải quản

Chia sẻ

Thảo luận về một số nội dung của dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng đơn vị công lập được đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhưng e ngại phát sinh bộ máy tổ chức, nhà nước “ôm” việc khi có thể xã hội hóa, và liệu có tạo ra cạnh tranh hay không?

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương thảo luận tại hội trườngĐại biểu Nguyễn Thị Mai Phương thảo luận tại hội trường

Thêm cơ hội cho người lao động

Theo dự thảo, phương án một là giao trung tâm dịch vụ việc làm do Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành lập thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực thi thỏa thuận quốc tế. Đồng thời cũng quy định rõ điều kiện không thu tiền dịch vụ của người lao động và bảo đảm không làm phát sinh bộ máy.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai) cho rằng, để có thêm cơ hội lựa chọn cho người lao động tìm kiếm và đi làm việc ở nước ngoài cần có nhiều hình thức và nhiều tổ chức có chức năng cung cấp dịch vụ. Việc hạn chế các hình thức tổ chức cung cấp dịch vụ ở một góc độ nhất định, một mặt là hạn chế cơ hội của người lao động, mặt khác là chưa phù hợp với quy luật chung của thị trường. Bà Phương cũng đề nghị là không nên hạn chế số lượng chi nhánh của các doanh nghiệp dịch vụ.

Đồng quan điểm trên, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) nhấn mạnh, việc mở rộng đối tượng điều chỉnh này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tiếp cận thông tin khi có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời, chính quyền các tỉnh, thành phố cũng sẽ chủ động trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện các thỏa thuận quốc tế cấp địa phương, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân ở những khu vực khó khăn, nơi mà các doanh nghiệp chưa thể hướng tới, hoặc không muốn hướng tới vì lợi nhuận.

Dẫn chứng từ thực tiễn tại địa phương, đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) khẳng định: “Hà Tĩnh đã được giao và thực ra thỏa thuận này trực tiếp ký kết với Đức, Hàn Quốc rồi một số nước, giao các đơn vị này làm rất trách nhiệm, hiệu quả và không hề tăng biên chế cũng như các yếu tố khác. Người lao động hết sức tin tưởng”.

Cần xã hội hóa và có chế tài xử lý

Không đồng tình với phương án giao trung tâm giới thiệu việc làm đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) nêu, hiện nay, Đảng, Nhà nước đang nhất quán với quan điểm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, trong đó thị trường lao động là một trong những thị trường quan trọng cần phải đảm bảo hoàn thiện để vận hành đầy đủ theo đúng các quy luật của kinh tế thị trường.

Theo đại biểu Trần Văn Lâm, trong luật này lại cho phép một chủ thể không mang yếu tố thị trường vào tham gia để thực hiện các hoạt động như các doanh nghiệp, tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng và nhiều yếu tố phi thị trường, những quyết định hành chính có thể can thiệp, làm méo mó thị trường lao động chúng ta đang nỗ lực cố gắng xây dựng và hoàn thiện thể chế hiện nay.

Cùng quan điểm trên, đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) nêu vấn đề: Bộ máy hiện nay của trung tâm dịch vụ việc làm đang thực hiện 7 nhiệm vụ theo Luật Việc làm. Nếu thực hiện thêm một nhiệm vụ này thì có đảm đương được không, bởi vì việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải thực hiện việc chuẩn bị nguồn, tiếp cận khách hàng, đào tạo, lập hồ sơ, quản lý con người từ khi đi trong suốt thời gian lao động và hết hợp đồng về nước và tiếp tục lao động.

Đại biểu Lê Thị Nguyệt tỏ ra e ngại: “Theo đánh giá của doanh nghiệp qua giám sát của Ủy ban thì giải quyết được 500 lao động thì bộ máy phải có 100 người để thực hiện được nhiệm vụ đó. Vậy lấy biên chế ở đâu? Nhân lực ở đâu? Chưa nói là phải qua đào tạo đội ngũ để đạt được tiêu chuẩn như quy định trong dự thảo luật và doanh nghiệp đang phải ràng buộc rất nhiều các quy định ở dự thảo này”.

Trao đổi với phóng viên Báo PNTĐ bên hành lang Quốc hội, đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) cho rằng: “Chúng ta đang thực hiện xã hội hóa, đặc biệt những gì doanh nghiệp làm được thì mở ra, nhà nước không nên ôm, đã cho doanh nghiệp làm thì làm theo luật một cách minh bạch”. Vì vậy, tại sao lại quy định doanh nghiệp chỉ được có 3 chi nhánh? Sao chúng ta không đưa ra các quy định vốn điều lệ là 5 tỷ đồng, mở thêm chi nhánh thì thêm vốn. Quan trọng nhất là điều kiện vốn, quản trị, nhân lực quản trị và chế tài xử lý”.

Theo đại biểu Đỗ Văn Sinh, có rất nhiều người lao động ký hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài rồi bỏ trốn. Vậy trước khi đi, ký hợp đồng phải có tín chấp, gia đình ở nhà cũng phải ký cam kết bảo lãnh và phải có quy định nếu người lao động sang nước ngoài có vi phạm thì xử lý, thậm chí truy tố.

Bài và ảnh: VÂN NGA

Tin cùng chuyên mục

Hội LHPN Hà Nội tập huấn công tác đối ngoại năm 2024

Hội LHPN Hà Nội tập huấn công tác đối ngoại năm 2024

(PNTĐ) - Chiều 19/4, Hội LHPN Hà Nội tổ chức tập huấn công tác đối ngoại năm 2024 với chuyên đề: "Hiệp định Giơnevơ - Ý nghĩa lịch sử với tình hình Việt Nam và thế giới hiện nay”. Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Thị Thiên Hương đến dự.
 Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

(PNTĐ) - Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04 - Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, lực lượng chức năng phát hiện nhiều gói ma túy được đóng gói và có thiết bị định vị, để rồi sau đó các đối tượng buôn bán trục vớt mang đi tiêu thụ.
Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

(PNTĐ) - Biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX là hình ảnh kết hợp cấu trúc chữ tượng hình từ số lần Đại hội, biểu hiện thông qua chữ số IX, là sự tích hợp các hình tượng tiêu biểu xoay quanh biểu trưng Thanh niên Việt Nam.