Hỗ trợ cho phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực giới

Chia sẻ

Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam đã cung ứng 3.700 bộ đồ dùng cứu trợ khẩn cấp và tài liệu truyền thông nhằm hỗ trợ Việt Nam phòng, chống bạo lực giới trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Đại diện UNFPA trao quà thông qua Hội Nông dân Việt Nam. Ảnh: VGP/Đỗ HươngĐại diện UNFPA trao quà thông qua Hội Nông dân Việt Nam. Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Chiều 2/11, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam đã cung ứng 3.700 bộ đồ dùng cứu trợ khẩn cấp và tài liệu truyền thông nhằm hỗ trợ Việt Nam phòng, chống bạo lực giới trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Trong đó, 2.800 bộ đồ dùng thiết yếu đã được bàn giao cho Hội Nông dân Việt Nam, chuyển đến những phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực giới tại Đà Nẵng.

Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ các can thiệp nhằm xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam trong bối cảnh khẩn cấp của đại dịch COVID-19” do Chính phủ Australia (thông qua Bộ Ngoại giao và Thương mại - DFAT) tài trợ.

Ngoài 2.800 bộ đồ dùng cứu trợ khẩn cấp đã được bàn giao cho Hội Nông dân Việt Nam, 900 bộ đồ dùng khác đã được chuyển đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để bàn giao cho 17 trung tâm công tác xã hội trên khắp cả nước và Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) để chuyển đến cộng đồng và Ngôi nhà Ánh Dương cho nạn nhân bị bạo lực giới tại tỉnh Quảng Ninh.

Ông Thào Xuân Sùng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, sắp tới, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam sẽ có đường dây nóng để thông tin đến các chị em phụ nữ, nông dân trên cả nước. Sự hỗ trợ ở trong nước kết hợp với sự hỗ trợ của Liên Hợp Quốc sẽ tạo nên một sự giáo dục hiệu quả hơn để xây dựng một xã hội nam nữ bình đẳng.

Cũng tại buổi Lễ, bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện của UNFPA tại Việt Nam cho biết: “UNFPA kêu gọi Chính phủ và các đối tác coi vấn đề sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản của phụ nữ và trẻ em gái là ưu tiên, giải quyết nguy cơ cao về bạo lực giới, đáp ứng kịp thời nhu cầu đặc thù của phụ nữ và trẻ em gái.”

Bà Naomi Kitahara cũng nhấn mạnh: “Hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng nhân đạo là hành động không chỉ đúng đắn, mà còn sáng suốt, giúp cứu sống mạng người và xây dựng sức chống chịu để COVID-19 không tái ảnh hưởng đến nhóm dân số và cộng đồng dễ bị tổn thương trên toàn cầu. Các nhân viên y tế tuyến đầu cũng phải được bảo vệ trước COVID-19 và trang bị bảo hộ cá nhân để điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 và tiếp tục cung cấp các dịch vụ thiết yếu”.

Khủng hoảng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em đã tồn tại từ trước, song càng diễn biến nghiêm trọng hơn trong bối cảnh COVID-19. Các báo cáo gần đây cho thấy hạn chế đi lại, cách ly xã hội và các biện pháp kiểm soát dịch khác, cùng với những áp lực, căng thẳng kinh tế - xã hội vốn có hoặc gia tăng trong gia đình, đã khiến bạo lực gia tăng, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Theo ước tính, bạo lực gia đình đã gia tăng ít nhất 30% tại nhiều quốc gia.

Tại Việt Nam, đường dây nóng 1900 969 680 của Ngôi nhà Bình yên (nhà tạm lánh thuộc Trung ương Hội LHPN Việt Nam) và Đường dây nóng của Ngôi nhà Ánh dương 1800 1769 (do UNFPA hợp tác với KOICA hỗ trợ tại tỉnh Quảng Ninh) đã nhận được gấp đôi số cuộc gọi kêu cứu trong những tháng qua so với cùng kỳ những năm trước.

ĐỖ HƯƠNG/VGP

Theo http://baochinhphu.vn/Doi-song/Ho-tro-cho-phu-nu-co-nguy-co-bi-bao-luc-gioi/412869.vgp

Tin cùng chuyên mục

Báo cáo nhân quyền của Hoa Kỳ nhận định không khách quan về Việt Nam

Báo cáo nhân quyền của Hoa Kỳ nhận định không khách quan về Việt Nam

(PNTĐ) - Báo cáo nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 22/4 mặc dù đã phản ánh các thành tựu và bước tiến của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người, nhưng rất tiếc vẫn tiếp tục đưa ra một số nhận định không khách quan, dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế của Việt Nam.
Tăng cường hợp tác ASEAN trong lĩnh vực thông tin truyền thông

Tăng cường hợp tác ASEAN trong lĩnh vực thông tin truyền thông

(PNTĐ) - Để công chúng hiểu rõ hơn về ASEAN, các cơ quan báo chí Việt Nam cần có những tác phẩm báo chí phân tích, nhận định chuyên sâu hơn về các cơ hội cũng như thách thức và thành tựu mà khối ASEAN đã đạt được. Đặc biệt là trong bối cảnh tình hình thế giới nhiều biến động.