Mùa hoa ở suối Yến

Chia sẻ

Mùa hoa súng kéo dài hơn 2 tháng, bắt đầu từ giữa tháng 7 đến hết tháng 10 âm lịch; thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước. Ngoài vãn cảnh chùa, dâng hương lễ Phật thì nhiều tay máy yêu nghệ thuật nhiếp ảnh; chị em phụ nữ ở mọi lứa tuổi, các đôi uyên ương chọn suối Yến để lưu lại những bức ảnh đẹp.

Chùa Hương Tích - di tích quốc gia đặc biệt nằm trên địa bàn xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội và là ngôi chùa có lễ hội kéo dài 3 tháng (từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch) - dài nhất trong hàng ngàn lễ hội của cả nước. Tuy nhiên, những năm gần đây, với vẻ đẹp tự nhiên được ban tặng, chùa Hương đón thêm du khách ở mùa nữa trong năm: Mùa thu khi hoa súng nở rộ nhuộm hồng dòng suối Yến.

“Vẻ đẹp tiềm ẩn” của danh thắng

Mùa thu đông - mùa không chính hội, đến với cụm danh thắng nổi tiếng chùa Hương, du khách có cảm nhận đặc biệt. Không còn không khí náo nhiệt với những đoàn khách đông đúc nườm nượp trẩy hội và hành lễ, thuyền sắt tấp nập ngược xuôi. Sau mùa lễ hội, thời gian còn lại trong năm, giữa không gian rộng lớn của núi non và sông nước, chùa Hương trở nên thanh tịnh, vắng vẻ, khoáng đạt và lãng mạn, nhất là khi mùa hoa súng nở; dòng suối Yến từ cầu Hội vào đến bến Hương Tích được nhuộm hồng bởi sắc màu đặc trưng của hàng ngàn bông súng khoe sắc trên mặt nước.

Mùa hoa ở suối Yến - ảnh 1

Suối Yến dài khoảng 4km, là con đường thuỷ độc đạo từ bao đời nay đưa du khách từ bến Đục vào bến Hương Tích để tiếp tục đến các đền, chùa nổi tiếng của cụm danh thắng. Con suối chảy ra sông Đáy được gọi với cái tên kiều diễm: Yến Vỹ. Theo người dân Hương Sơn, tên gọi này xuất phát từ hình dáng của con suối; trên chiều dài 4km, thỉnh thoảng con suối có những nhánh rẽ toả ra tựa như chiếc đuôi xòe rộng của một con chim yến hướng về phía chân núi.

Ở chính vụ lễ hội, dù đón hàng triệu lượt du khách nhưng ai đều cảm nhận: Nước suối Yến trong và mát đến mức có thể nhìn thấu lớp rong rêu bồng bềnh ở dưới làn nước. Vào mùa hoa sen trong những tháng hè và hoa súng trong mùa thu đông, nước trong dòng Yến càng trong vắt tựa như chiếc gương soi. Chị Đồng Thị Thanh Mai - Chủ tịch Hội LHPN xã Hương Sơn cho biết: Hoa sen, hoa súng thuộc loại cây thuỷ sinh nên thích hợp trồng trên hồ ao, suối. Loại hoa này tuy sống trong bùn lầy nhưng lại có tác dụng làm trong sạch môi trường, giúp nước trên suối luôn trong vắt, sạch sẽ, không có mùi bùn và bị ô nhiễm. Do phát triển tự nhiên nên hoa súng ở suối Yến không mọc theo cụm dày đặc mà tập trung chủ yếu ở khu vực hang sơn thuỷ hữu tình, cửa chùa Thanh Sơn Hương Đài. Năm nay, khi vẻ đẹp của suối Yến được ngày càng nhiều du khách biết đến, một số hộ dân trông coi mặt nước và có đất ở đây đã bắt đầu nhân giống, trồng thêm củ dưới bùn để tạo thành những cụm hoa lớn, tăng thêm sự lãng mạn và rực rỡ cho dòng Yến Vỹ.

Hoa súng nhân giống nhanh, không tốn nhiều tiền, chăm sóc đơn giản và sống lâu năm. Loài hoa này có mùi thơm ngát và mang vẻ đẹp đặc biệt: Vừa kiêu sa, dịu dàng vừa e ấp nhưng lại có chiều sâu với các cánh hoa hình thuyền xếp đều từ tâm ra ngoài theo tầng. Từ bến Đục, chỉ sau hơn 10 phút ngồi đò, suối Yến hiện ra trước mắt với vẻ đẹp khác mang lại cảm xúc bất ngờ, thích thú và mãn nhãn. Du khách như lạc vào không gian khác: Trong tiết thời thu se lạnh lúc bình minh, sương sớm còn bảng lảng, nắng thu vàng xiên qua những kẽ lá, giữa làn gió mát nhẹ và không khí trong lành, những bông súng to bung nở, vươn mình mạnh mẽ trên làn nước trong vắt. Du khách về Hương Sơn thời điểm này quả đúng là trở về chốn cửa thiền thinh không để tận hưởng cảm giác thư thái và tĩnh tâm, bỏ lại sau lưng những căng thẳng, áp lực; những bộn bề lo toan thường ngày để cân bằng cuộc sống.

Hồ Quan Sơn – điểm đến hấp dẫn nằm trên địa bàn huyện Mỹ ĐứcHồ Quan Sơn – điểm đến hấp dẫn nằm trên địa bàn huyện Mỹ Đức

Điểm đến hấp dẫn cho mùa du lịch thu đông

Mùa hoa súng kéo dài hơn 2 tháng, bắt đầu từ giữa tháng 7 đến hết tháng 10 âm lịch; thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước. Ngoài vãn cảnh chùa, dâng hương lễ Phật thì nhiều tay máy yêu nghệ thuật nhiếp ảnh; chị em phụ nữ ở mọi lứa tuổi, các đôi uyên ương chọn suối Yến để lưu lại những bức ảnh đẹp. Trang phục thích hợp và đẹp nhất khi chụp hình cùng hoa súng là bộ áo dài truyền thống của dân tộc. Chị Đồng Thị Thanh Mai cho biết thêm: Ngay cả người dân xã Hương Sơn và huyện Mỹ Đức cũng bị lôi cuốn trước vẻ đẹp sơn thuỷ hữu tình khi mùa hoa về. Vì thế, dù có bận bịu đến mấy, mỗi năm chị em đều cố gắng thu xếp để một lần được tạo dáng, làm đẹp bên hoa.

Để có bộ ảnh đẹp bên dòng suối hoa, du khách phải đi sớm. Vì là loài hoa tránh nắng nên hoa súng chỉ bung nở và khoe sắc rực rỡ vào buổi sáng; đến 9h30 khi ánh nắng chiếu rọi không gian, hoa súng cụp lại và màu sắc của hoa bắt đầu nhạt dần. Vào mùa hoa, mỗi ngày danh thắng này đón từ 500 - 700 khách nên Ban quản lý danh thắng bố trí đò, các dịch vụ để phục vụ du khách vãn cảnh chùa và chụp hình. Một số gia đình sinh sống ở đây đã bắc cầu tre, bố trí thêm một số đạo cụ, ngắt sẵn hoa súng trang trí trên các thuyền độc mộc để thuận tiện cho việc chụp hình và tạo góc ảnh đẹp. Dịch vụ này có giá khoảng 100.000 đồng/người hoặc thuê riêng đò để chụp với giá khoảng 300.000 đồng/đò. Ngoài ra, do không phải mùa lễ hội các dịch vụ ăn uống ở khu vực bến Đục không nhiều nên một số hộ sinh sống trong khu vực nhiều hoa súng đã mở thêm dịch vụ ăn trưa với một số món đồng quê, được chế biến đơn giản từ nguyên liệu vườn nhà như gà thả núi, vịt, cá nướng, cua, ốc…

Mùa hoa súng ở suối Yến thu hút rất đông du khách đến tham quan, chụp hìnhMùa hoa súng ở suối Yến thu hút rất đông du khách đến tham quan, chụp hình

Cụm danh thắng Hương Tích nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 65km. Với hệ thống đường giao thông được cải tạo và mở rộng, du khách chỉ mất 60 phút để di chuyển đến Hương Sơn. Con đường dễ và nhanh nhất đưa du khách đến đây là đường 21B. Vào dịp này, xe khách đến chùa Hương không nhiều như chính vụ, du khách có thể di chuyển bằng xe buýt (tuyến 103A và 103B xuất phát từ bến xe Mỹ Đình với tần suất xe xuất bến là 20 phút/chuyến), xe máy và thuê xe ô tô (với đoàn đông). Để không bị chặt chém tiền đò và khoản dịch vụ khác, du khách không nên nghe theo lời chỉ dẫn của những người làm dịch vụ hoặc cò mồi, nên đi thẳng đến điểm bán vé của Ban quản lý danh thắng để được mua vé đò đúng giá, gửi xe đúng chỗ với giá niêm yết.

Với khoảng cách gần và tiện như vậy, 1 ngày cuối tuần dành để khám phá vẻ đẹp huyền bí và hấp dẫn của cụm danh thắng Hương Tích là hợp lý. Du khách vừa có thể chụp hình vừa vãn cảnh chùa. Ngoài danh thắng Hương Tích, du khách có thể kết hợp thăm quan các điểm du lịch khác cũng rất nổi tiếng và nên thơ quanh khu vực này. Với nhóm các bạn trẻ hoặc gia đình, hồ Quan Sơn là một sự lựa chọn hợp lý. Nằm cách cụm danh thắng Hương Tích không xa, hồ Quan Sơn được ví như vịnh Hạ Long thu nhỏ tại Hà Nội với mặt hồ nước rộng lớn, trong vắt và mát lành. Trên hồ có gần 20 ngọn núi lớn nhỏ với nhiều hình dáng lừng lững trên mặt nước cùng với thảm thực vật xanh mướt vô cùng phong phú. Tại đây, sau khi đi thuyền chiêm ngưỡng toàn cảnh hồ, du khách có thể cắm trại trên đồi cây đầy màu xanh, thả mình giữa thiên nhiên khoáng đạt.

Với những du khách lớn tuổi hoặc những người yêu thích du lịch tâm linh, rời danh thắng Hương Tích, chỉ cần đi thêm khoảng 4km nữa là có thể tham quan chùa Tam Chúc tại huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Chùa Tam Chúc là một điểm đến tâm linh rất đặc biệt. Với tổng diện tích gần 5.000ha, trong đó diện tích hồ nước là 1.000ha; núi đá rừng tự nhiên là 3.000ha; 1.000ha còn lại là các thung lũng, chùa Tam Chúc có cảnh quan hùng vĩ, phía sau chùa là núi Thất Tinh, phía trước là hồ Lục Nhạc, trong hồ có 6 hòn đảo nhỏ theo tương truyền chính là 6 chiếc chuông mà ông trời đã ban cho nơi đây.

HẠNH LÊ

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.