Chủ động thích ứng với "già hóa" dân số

Chia sẻ

Việt Nam là nước có tốc độ già hóa dân số thuộc hàng nhanh nhất thế giới, và sẽ là quốc gia siêu già vào năm 2050. Để chủ động ứng phó với vấn đề “già hóa” dân số, ngay từ bây giờ các giải pháp đã được hoạch định để thay đổi quan niệm người cao tuổi (NCT) là một gánh nặng, và nhìn thấy cơ hội, tiềm năng phát triển từ những người già.

Kinh tế phát triển mạnh mẽ cùng những thành tựu quan trọng về kinh tế, an sinh xã hội là nền tảng nâng cao tuổi thọ của người dân Việt Nam trong những năm gần đây. Công tác chăm sóc sức khỏe cho NCT luôn được Đảng và Nhà nước coi là một nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước và ứng phó với tình trạng già hóa dân số đang diễn ra.

Tốc độ già hóa dân số của Việt Nam thuộc hàng nhanh nhất thế giới

Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh. Theo Tổng cục thống kê, năm 2019 tỷ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên là 11,8%, tức có hơn 11,3 triệu NCT. Riêng nhóm dân số từ 80 tuổi trở lên đã hơn 2 triệu người. Đến năm 2050, con số này sẽ là 22,3 triệu người, chiếm hơn 1/5 tổng dân số. Chỉ mất 20 năm – quá nhanh để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang dân số già, nhưng việc chăm sóc sức khỏe cho NCT ở nước ta đang gặp rất nhiều thách thức.

Tại Hội thảo quốc tế “Tăng cường Hợp tác giữa các bên nhằm thúc đẩy già hóa năng động và sức khỏe tâm thần trong khu vực ASEAN” vừa diễn ra tuần qua với sự tham gia của 150 đại biểu thuộc 10 quốc gia ASEAN và các đối tác, Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Trương Quốc Cường cho biết, tốc độ già hóa dân số của Việt Nam thuộc hàng nhanh nhất thế giới.

Những vấn đề chính về tình hình chăm sóc sức khỏe NCT ở Việt Nam hiện nay là sự chênh lệch tuổi thọ giữa khu vực nông thôn và thành phố khá lớn. Khu vực nông thôn có tuổi thọ trung bình cao hơn ở thành phố. Tiếp đó, mặc dù tuổi thọ của người dân cao lên nhưng bệnh tật của NCT cũng gia tăng, trở thành một sức ép với ngành y tế. Cùng với đó, do số lượng thành viên của mỗi gia đình có xu hướng ngày càng giảm, nên số người thân chăm sóc cho người già cũng ít đi. Trong khi đó, mô hình trung tâm dưỡng lão cho NCT của Việt Nam lại chưa bắt kịp mức độ già hóa dân số này, nên NCT vẫn phải phụ thuộc vào con cái và gia đình để trợ giúp các sinh hoạt hằng ngày.

Khám sức khỏe miễn phí cho NCT – một hoạt động thường niên do Hội LHPN phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy phối hợp với Ban Dân số - KHHGĐ phường thực hiệnKhám sức khỏe miễn phí cho NCT – một hoạt động thường niên do Hội LHPN phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy phối hợp với Ban Dân số - KHHGĐ phường thực hiện

Một vấn đề nữa, là dù Luật Người cao tuổi đề cập tới việc phải có hệ thống cơ sở y tế chăm sóc cho NCT nhưng số lượng bệnh viện chuyên về lão khoa trên cả nước so với tỉ lệ NCT chỉ đếm trên đầu ngón tay.

PGS.TS. Giang Thanh Long - Viện trưởng Viện Chính sách Công và Quản lý, trường đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, Việt Nam có rất nhiều chính sách hỗ trợ NCT. Tuy nhiên, các chính sách dành cho người cao tuổi ở Việt Nam vẫn chỉ giới hạn ở việc quan tâm đến an sinh xã hội cho nhóm đối tượng này, chứ chưa thực sự tính đến đời sống tinh thần của họ, khi người cao tuổi thường bị gắn liền với bệnh tật, phụ thuộc và là gánh nặng của xã hội.

Có thể kể đến một vài bất cập như: Để đảm bảo cho người già yếu, khuyết tật có thể di chuyển dễ dàng, năm 2014, Bộ Xây Dựng đã ban hành bộ quy chuẩn 10 về xây dựng công trình đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng, trong đó hướng dẫn chi tiết về thông số kỹ thuật, tiêu chuẩn xây dựng bãi đỗ xe, đường dốc, cửa, thang máy, biển báo, lối thoát hiểm… Tuy nhiên, cho đến nay các công trình xây dựng vẫn chưa được thực hiện. Một ví dụ khác là dù Luật Người cao tuổi quy định là tất cả các bệnh viện (trừ chuyên khoa nhi) phải tổ chức khoa Lão hoặc dành từ 10% giường bệnh trở lên để phục vụ người bệnh cao tuổi, nhưng đến nay thực hiện vẫn rất nan giải.

Sẵn sàng cho một xã hội “già năng động”

Bác sĩ Nguyễn Xuân Trường, Vụ trưởng Vụ Cơ cấu và Chất lượng dân số, Tổng cục Dân số-KKHGĐ, Bộ Y tế cho biết, để có thể chuẩn bị được cho một xã hội “già” thì trước hết cần có ý thức “dành chỗ” cho NCT.

Sinh kế là vấn đề cần được ưu tiên và có giải pháp cụ thể cho từng đối tượng. Không phải tất cả NCT đều cần chính sách hỗ trợ về sinh kế, nhất là những NCT làm chủ doanh nghiệp, có nguồn thu nhập cao, ổn định. Nhưng đối với nhóm NCT còn khả năng tham gia hoạt động kinh tế, cần có thu nhập để bảo đảm cuộc sống và thực hiện quyền sống độc lập, như NCT thu nhập thấp, NCT thuộc diện nghèo sống độc lập, người cao tuổi cư trú ở các xã đặc biệt khó khăn… Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về sinh kế cụ thể cho họ.

Giải pháp cho vấn đề này là cần phải đồng bộ từ cơ sở y tế, nguồn lực (nguồn tài chính) cung cấp cho cơ sở y tế hoàn thiện, giúp đào tạo nguồn nhân lực thầy thuốc, điều dưỡng, đẩy mạnh cơ sở dưỡng lão. Với nhiều NCT, con cái cũng không thể phục vụ thường xuyên 24/24 vì còn phải đi làm, vì thế cần thêm nhiều trung tâm dưỡng lão để NCT được nhân viên y tế có chuyên môn chăm sóc.

Chính phủ mặc dù có hỗ trợ tiền mua bảo hiểm y tế cho NCT song mức chi trả chỉ thực hiện với người có bệnh. Những người đang được chăm sóc tại trại dưỡng lão không thuộc diện được chi trả. Người vào trung tâm dưỡng lão vẫn phải có tiền của bản thân hoặc của gia đình để chi trả. Vì thế, chúng ta cần cả những nguồn kinh phí hỗ trợ cho NCT ở các trung tâm dưỡng lão này.

Giám đốc Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Bách Niên Thiên Đức Nguyễn Tuấn Ngọc cho biết, hệ thống chăm sóc sức khỏe cho NCT trên thế giới đều dựa vào các dịch vụ tư nhân để giảm gánh nặng cho nhà nước và xã hội. Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm hoạt động và tổ chức các cơ sở chăm sóc NCT của các nước tiên tiến. Nhà nước cần có cơ chế thu hút các tổ chức, cá nhân trong xã hội chung tay xây dựng các trung tâm chăm sóc NCT có chất lượng, nhân rộng mô hình trong tương lai.

Một buổi tập dưỡng sinh của NCT quận Ba ĐìnhMột buổi tập dưỡng sinh của NCT quận Ba Đình

Theo ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ NCT, giải pháp trước mắt là cần nâng cao năng lực của hệ thống y tế trong chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi, ngoài việc thành lập khoa Lão khoa tại các bệnh viện với quy mô khoảng 10% giường, cơ sở vật chất phù hợp với NCT, tiếp nhận các bệnh nhân có nhiều bệnh phức tạp, có các hội chứng lão khoa điển hình (thường là trên 80 tuổi)... cần thành lập bộ môn Lão khoa tại các trường đại học Y, tăng cường đào tạo chuyên ngành lão khoa cho bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế khác, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực Lão khoa, tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học về lão khoa. Mô hình bệnh tật ở người già có những đặc thù riêng. Do đó, muốn quản lý điều trị tốt đối tượng này đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa nhiều chuyên khoa, có hệ thống chăm sóc sức khỏe Lão khoa đồng bộ. Mặt khác, các bác sĩ lão khoa cũng cần được đào tạo chuyên sâu và phải có kinh nghiệm trong phối hợp điều trị.

Tất cả các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam, phải chuẩn bị cho già hóa dân số, khi quy mô gia đình ngày càng nhỏ. Việt Nam cần phải tính đến một mô hình mới có thể đồng bộ hóa vấn đề già hóa dân số với tăng trưởng kinh tế và xã hội, đồng thời đảm bảo hòa nhập xã hội cho NCT.

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA)

Để NCT là tài sản thay vì là gánh nặng xã hội

Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Hiện 100% xã, phường, thị trấn đã thành lập Hội Người cao tuổi cơ sở với trên 9,1 triệu hội viên, đạt 74% số NCT trên toàn quốc. Thời gian qua, các cấp Hội Người cao tuổi đã thành lập 76.200 câu lạc bộ ở các loại hình, tạo sân chơi bổ ích, hấp dẫn NCT; trong đó có 1.600 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau ở 55 tỉnh, thành phố, thu hút 70.000 NCT tham gia.

Cả nước có gần 400.000 NCT làm kinh tế giỏi; 130.000 NCT làm chủ trang trại, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, tạo nhiều việc làm, đóng góp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. NCT trên cả nước đã hiến hàng triệu mét vuông đất, hàng triệu ngày công trị giá nhiều tỷ đồng, góp phần quan trọng xây dựng nông thôn mới...

Một trong những hoạt động được đánh giá cao là mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau do Trung ương Hội Người cao tuổi phát động thực hiện từ năm 2005. Đây là một tổ chức dựa vào cộng đồng, tập hợp từ khoảng 50-70 NCT, liên kết các thành viên nhằm phát huy vai trò của NCT trong cộng đồng dân cư, giúp họ cải thiện cuộc sống của bản thân, gia đình, tăng cường thu nhập, bảo đảm sức khỏe và phát triển cộng đồng. Đến nay, cả nước có khoảng 500 câu lạc bộ đang hoạt động hiệu quả, góp phần phát huy vai trò NCT ở Việt Nam.

Để có thể tiến đến một xã hội “già hóa thành công”, đầu tiên chúng ta phải coi NCT là tài sản thay vì là gánh nặng xã hội như trước, sau đó mới định hướng việc chuẩn bị, và chuẩn bị ngay từ hôm nay. Cùng lúc đó, mỗi người dân cũng phải vận động và có ý thức chuẩn bị cho tuổi già của mình ngay từ khi còn trẻ, về cả thu nhập, sức khỏe và đời sống xã hội. Chúng ta phải tự biết đảm bảo cuộc sống tuổi già cho chính mình từ khi còn trẻ, khỏe thay vì trông chờ vào con, cháu.

Bài và ảnh: MAI CHI

Tin cùng chuyên mục

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.