Đổ đời bên rừng đại thụ

Chia sẻ

Tôi và chúng ta đều không ưa gì hai từ “nghiện ngập” cả. Nghe đã thấy đổ đời lệ thuộc và có gì thật tha hóa khi mất kiểm soát với cơn nghiện nào đó. Nghĩ cho cùng, cũng khối thứ đổ đời vẫn được người đời khuyến khích nghiện đó thôi. Nào là nghiện đi làm từ thiện, nghiện du lịch, nghiện đọc sách làm thơ...

Các gốc chè cổ thụ nhiều năm tuổi ở miền núi phía BắcCác gốc chè cổ thụ nhiều năm tuổi ở miền núi phía Bắc

Người đàn ông, như ông nội tôi sinh thời hay đọc mỗi lúc hứng chí (bất chấp bà nội làu bàu oán trách), rằng có lắm cái nghiện đến là khổ sở: “Một chè một rượu một đàn bà/ Ba cái lăng nhăng nó hại ta/ Bỏ được thứ nào hay thứ ấy/ Có chăng chừa rượu với chừa trà”. Nông thôn Việt Nam lâu nay nghiện thuốc lào và chè đặc cắm tăm là phổ biến nhất: “Nhớ ai như nhớ thuốc lào/ Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”. Trong các cái nghiện kia, thì ít bị lên án nhất, ít tốn tiền bạc nhất, ít ảnh hưởng đến sức khỏe nam nhân nhất, có vẻ như chỉ có anh chè mạn.

“Chú tôi hay tửu hay tăm/ Hay uống chè đặc hay nằm ngủ trưa”

"Cánh cò trắng bạc như vôi/ Có về làm lẽ chú tôi thì về/ Chú tôi hay tửu hay tăm/ Hay uống chè đặc hay nằm ngủ trưa". "Làm trai biết đánh tổ tôm/ Uống trà Mạn Hảo ngâm nôm Thúy Kiều". Với cái người đàn ông đòi cánh cò trắng về làm vợ lẽ kia, hay uống chè đặc được coi là một “đức tính”, nói theo cách teen hơn thì coi nó là “điểm cộng”. Cái hồi đánh tổ tôm còn là thú chơi tao nhã, thì uống trà Mạn Hảo được coi như thứ hào hoa phong nhã, “lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa”, như ngâm Kiều của cụ Nguyễn Du vậy.

Tản mạn dài dòng một chút như thế, là tôi vẫn có ý ngụy biện rồi thiên vị bênh chằm chặp cho các vị nghiện chè mạn, dĩ nhiên cũng là vì trong số các kẻ đổ đời đó có tôi. Khối cô vợ trách chồng nghiện chè, lúc nào cũng kè kè “ấm tích ấm ủ”, bình thủy, chè nụ, chè hoa, chè búp, chè bồm, rồi lại còn chè đóng bánh lên men ủ mấy thập niên, thêm trà bỏ vào ống nứa thơm một cách rừng rú như cơm lam rồi đem gác bếp đời nọ qua đời kia. Đen kịt bồ hóng.

Việc nghiện chè là có thật và có lẽ cũng phải mượn lời một đại văn hào người Mỹ để nói thế này: “Bỏ nghiện chè là thứ rất dễ, vì chính tôi đã làm điều đó nhiều lần”.

Thân cây chè cổ thụ một người ôm không xuểThân cây chè cổ thụ một người ôm không xuể

Tôi nghe tiếng gọi của hương chè thơm đến bủn rủn chân tay, nó thơm tinh và mát. Thơm khó nắm bắt. Chứ không sực kiểu hoa nồng nàn hay nước hoa sậm vị dạn dĩ. Mỗi lần tráng chè, nước nóng bốc lên; hương chè lăn lơ tơ mơ như các cục bông vô hình lăn ùa ập vào khắp không gian. Cái vị thảo mộc tinh túy đổ đời ấy như là còn trinh trắng lắm. Lá lẩu sống trong mây, tự luyện mình thành một thứ xá lỵ thật thà. Nó được các sơn nữ sao tẩm một cách nâng niu. Mẹ truyền con gái nối, các nàng sống sau nách núi đang thi triển một thứ đạo vinh danh sự nhiệm màu của cây cỏ. Họ cứ làm, bàn tay sần chai của các em cảm nhận độ nóng của đáy chảo, với từng li từng tí quá trình lên hương và quyện khói của trà shan tuyết.

Cọng chè loăn xoăn khô ron, cái màu trắng phủ tuyết shan mơ hồ đáng đồng tiền bát gạo dậy lên khiến ít có nam giới Việt Nam nào không thấy thèm thuồng. Và, kể từ khi được hạ sinh dưới gầm trời này, các cọng chè móc câu kia mới lần đầu được đụng mềm mượt vào nhũng nhẵng bình nhỏ nước nóng. Tất cả, len lén thúc mãi vào cái lúc đang đỉnh điểm cơn của thèm ta-lanh (chất gây nghiện trong trà) của người pha. Kẻ nghiện, là phải hào hển pha, nhập tâm mà hà hít đợi chờ. Trong cảnh huống mở màn cuộc uống trà đó, trà Mạn Hảo luôn khiến tôi rùng mình thèm thuồng. Lớp gai ốc sởn nhẹ trên hai cánh tay và chỗ yết hầu.

Và lắm lúc, đường xa, tôi ý nhị mở nắp cái bình trà giữ nhiệt thỉnh từ Nhật Bản về, hương trà mạn ngược do chính tay mình hái từ đại thụ shan tuyết bay lơ mơ, người khác trong xe, không phải dân nghiện, không biết được. Cái lúc thưởng trà, mình cũng chẳng biết mình là tao nhân mặc khách kiểu “tiên trà” nhâm nhi hay mình là “ngưu ẩm”, uống như như trâu uống nước ngoài khe suối nữa.

Chỉ biết là màu chè hơi sậm nhẹ, mắt uống, mũi uống kiểu bủn rủn chân tay. Vị chát của trà, đôi khi nhằng nhặng đắng, vị sít của nó nữa, lắm lúc khiến nhiều người bị “nghiền” rồi đổ đời theo kiểu một thói quen. Quen đến mức không thấy là nhớ, nhớ là luống cuống đi tìm. Đôi khi người ta tưởng người ta yêu nhau, song thật ra họ chỉ cần nhau như một thói quen thôi.

Cái gây nghiện thật sự, đôi khi người nghiện cả một đời không gọi thành tên được, cũng không biết thuật ngữ nó gọi là gì kia, chính là ta-lanh (tannin), rồi caffeine. Tôi không phải nhà khoa học, chỉ biết: hình như, hai chất tannin và caffeine kia là chất gây nghiện. Nhưng, nó là những thứ nghiện lành lẽ nhất mà khái niệm “đổ đời” của người ta có thể nghĩ đến.

Quê tôi Đường Lâm cổ ấp, cả làng uống chè tươi (bỏ lá chè ngay khi vừa hái vào nước giếng đun lên hoặc ủ trong nước nóng) từ thượng cổ. Nhà nhà đều uống và ngày nào cũng uống, đủ cả xuân hạ thu đông. Chè đặc “cắm tăm” vào được, lá chè tươi ủ trong ấm với lớp giữ nhiệt cổ xưa (có khi là trấu, có khi là vải vụn) bao quanh. Một lần ủ có khi uống đủ 24 giờ. Nước pha trà phải là nước giếng trên “đất đá ong khô nhiều ngấn lệ” như nhà thơ Quang Dũng viết trong “Đôi mắt người Sơn Tây/ u uẩn chiều lưu lạc”. Làng có câu: “Nước giếng Hè, chè Cam Lâm”, giếng xóm Hè đỉnh đồi nhiều đá ong thanh lọc, đun với lá chè cây khá to ở vùng gò đồi Cam Lâm (cái làng đã sinh ra cho Việt Nam hai ông vua/ anh hùng dân tộc: Phùng Hưng và Ngô Quyền). Có lẽ vì bị ướp ủ trong thế giới của chè từ hồi tổ tiên còn ở trong bụng mẹ, nên tôi nghiện chè lúc nào không hay.

Lớn lên, khi còn vất vả uống trà đá vỉa hè - mà lúc sao tẩm người ta lén bỏ đường, mì chính tạo vị ngọt, pha nước ve quét nhà vào tạo màu xanh… - thì không nói, lúc có chút điều kiện mua ấm lớn ấm bé, chè đồng bằng và chè miền ngược, chè Việt Nam và chè Trung Quốc, Đài Loan rồi, thì cái trò nghiện ngập nó mới giở giói ra. Cứ nhặng xị cả lên trong đầu, khi nghĩ đến một chén trà sau bữa cơm nào đó, nhân lúc gặp cảnh đẹp nao lòng nào đó, lúc gặp gỡ tri âm tri kỉ nào đó. Mà mọi thứ nó cứ ánh ỏi dấy lên, tự đáy lòng và đôi khi muốn giấu nhẹm đi mà không được.

“Sống ở đời ăn miếng dồi chó/ Chết xuống âm phủ biết có hay không”

Giấu, tự giấu cả mình, cố ngụy biện rằng mình chưa nghiện đâu, song cái kim trong bọc cứ lòi mãi ra. Rồi đánh đường đi tìm chè, với suy nghĩ rất xôi thịt: Các cụ ăn thịt chó, bảo nhau “sống ở đời ăn miếng dồi chó/ chết xuống âm phủ biết có hay không”. Mình không ăn chó, thì mình nghiện chè. Uống một chút, chứ hoãn cái sự sung sướng ấy lại, nhỡ lên thiên đàng hay xuống âm phủ nhỡ không có thì sao. Thế là chiều chuộng cái cảm xúc của mình mãi, rồi vị ta-lanh của chè nó kéo mình đi.

Đổ đời bên rừng đại thụ - ảnh 3

Ám ảnh nhất, vẫn là lúc hà hít các hương sắc của thói đời nhiều tục lụy. Có gì đó ích kỉ và sống gấp, có gì đó ngất ngư “cuộc hành lạc vui bao là lãi bấy/nếu không chơi thiệt nấy ai bù” như cụ Nguyễn Công Trứ dạy. Tôi rùng mình khi nhìn các cây chè cổ thụ ở Suối Giàng, ở Tủa Chùa, ở Hà Giang, ở Na Hang, Tuyên Quang. Cứ như nhìn một ông lão râu tóc đang lom lom nhìn thương hại cái sự đổ đời của tôi vậy. Tôi ngước lên sum suê cành lá của các tán chè cổ thụ. Sờ sợ nghĩ tới mộc tinh với những giọt máu màu xanh như hồi thần cây mơ bị Tào Tháo đâm nhát kiếm vào cây mơ cổ thụ trong Tam Quốc.

Đi bộ nửa ngày sau vài ngày lái ô tô, để lên với các gốc chè to một hai người ôm. Nhiều nơi họ huấn luyện khỉ leo lên hái chè, tôi chưa thấy cảnh đó. Nhưng cả nhóm thiếu nữ mặc áo người Dao, người Mông đi hái chè vắt vẻo về cho thượng khách nghiện ngập là tôi thì có nhiều rồi đấy. Lúc đó lại lơ tơ mơ mỉm cười nghĩ đến câu chuyện ai đó gạn nước mắt của những người mòn mỏi nhớ thương mình để pha trà.

Cô nàng răng trắng như ngô nếp bánh tẻ ở bản Dao lưng chừng núi đang nổi lửa, mất gần hai tiếng đồng hồ mới chế xong một mẻ chè. Và má đỏ hây hây, tóc mai sợi ngắn sợi dài. Bàn tay em ấy vuốt quanh cái chảo ám khói, bên trên là la liệt các ống lam trà gác bếp đen kịt. “Em đi rừng, đẵn nứa bánh tẻ và hơ nó lên lửa cho nước của cây nứa tươi chảy ọc ạch trong ống. Bấy giờ em mới chọn đúng lứa trà xuân, bỏ chè móc câu shan tuyết đúng cây “chúa rừng” to nhất vào. Nút lá chuối đạy lại. Nước “cơm lam” của ống nứa ngấm vào chè thành cục, thành bánh, thành chất lên men qua nhiều năm”. Uống trà ấy, cái tôi nghiện nhất là mùi của khói. Về đô thị ở chung cư, nước có mùi cờ-lo sau khi gặn lọc, ướp ủ. Lại nấu bếp từ, nên nước pha trà không có được cái mùi khói đặc trưng kia bếp củi, thấy nôn nao là nhớ.

Lúc nghiện, thì nước sái luộc ống tẩu cũng ngon. Chè pha bằng nước sôi để nguội, bỏ chè vào đi rừng vài ngày không thiu, trà cũng không bị nồng do ngâm lâu trong bình giữ nhiệt. Chè nguội cũng uống được. Lúc bí, ở trời Tây uống, ăn bơ sữa, nhúng chè túi lọc, uống nước lá cô ca với chè bồm (lá chè khô) nghiền ra. Uống phí cả mồm. Khi ấy, gã nhà quê “hay uống chè đặc hay nằm ngủ trưa” bèn bỏ vài cánh chè vào miệng nhá rồm rộp rồi chiêu thêm ít nước suối, nước đóng chai cũng được. Méo mó, có hơn không, thỏa cơn nghiền ta-lanh là quý lắm rồi.

Tôi đón mẻ chè mới nhất của Mỷ, cô gái ở bản Dao xa xôi ấy. Chẳng tài nào quên được những mái nhà ủ trong mây mù, rêu vàng óng xanh rì trên lớp tranh ẩm ướt ở bản Khuổi Ty (Hà Giang), lại nhớ vùng chè Cao Bềnh với các gốc cổ thụ đứng như đoàn lính dõng bảo vệ biên thùy. Lại nhớ những ngày người bên kia biên giới sang gạ gẫm dân nghèo bán cả gốc chè cổ thụ để chúng bứng về miền xa xứ… Mỷ bảo, anh pha ngay, uống chè khi nó vẫn còn nóng từ trong chảo gang bốc ra, không chờ nó nguội được nữa sao. Tôi nhìn em hây hây má hồng vì củi lửa: “Uống, cảm như có cả hơi ấm bàn tay em. Đã sơn nữ, lại còn 17 tuổi, lại còn đẹp ở trong mây nữa”.

Cô bé cười, chúng tôi ngồi đầu sàn uống đủ loại trà, mây vón cục đuổi nhau ngoài thung lũng, các mái nhà gianh vẫn vàng ruộm, rêu dày như ngủ mơ từ tiền kiếp mà chưa một mảy may nghĩ đến chuyện thức giấc…

Tôi ngâm lưỡi mình trong vị trà chan chát, đăng đắng khúc đầu, vài giây sau thì ngọt nhẹ một cách mơn man. Ngọt nhẹ chát nhẹ nhưng vị đọng lại thì sâu thăm thẳm. Có gì đó lạ lùng không lời lẽ hay bút mực nào tả xiết. Chỉ biết là vị đê mê, ham hố tràn khắp. Nó là trà, là vị thơm và chút ngấm quăn đọng khô ráp trong chân lưỡi, nhưng nó là xác thịt cuồng liệt hẳn hoi, chứ không phải cái cảm giác chót lưỡi đầu môi đâu. Mọi thứ tinh khôi như tôi vừa được tái sinh già nửa số tế bào trong cơ thể quá niên trạc ngoại tứ tuần của mình vậy. Đừng nuốt, mà cũng đừng ngậm như kẻ súc miệng nước chè; chiêu một ngụm nhỏ mà nuốt không hết, để vị ẩm ướt, để chút láng nước ngâm tẩm đầu lưỡi và vòm họng mình nhé. Vị trà thấm sâu, ngọt thoang thoảng, chát hậu và cái gì đó mê muội tràn lên. “Trăng tròn còn có đêm 16/ trà đượm hương nồng nước thứ hai”. “Trà ngon cái cặn cũng ngon/ Yêu em chẳng lọ chồng con mấy lần”… Nước thứ hai, thứ 3, nàng trà cổ thụ mới lộ chân tướng.

“Ta về quê chữa vết thương giang hồ”

Trong rừng chè cổ thụ, thân cây mốc thếch và u mấu, đôi khi leo núi trợt da chân, ngã đè lên mớ lá chè non, cái mùi ngan ngát do nhựa chè len lén bốc lên sau cơn vò nhàu. Có khi, tôi nằm thiếp đi giữa nương chè, lúc tỉnh dậy, các cọng chè bị đè bẹp và bị hơi ấm cơ thể con người làm nhàu héo đi một chút. Ông nghiện chè nhổm dậy, chưa kịp định thần giữa đám mây thoáng có thoáng không ngoài bìa núi, quay lại đã thấy các cọng chè ngơ ngác vươn lên sau cơn áp bức nồng nàn. Ngồi thật lâu, đến cả con ngươi của mắt cũng đừng láo liên nữa. Lũ chim rừng tưởng ta là tượng Phật, chúng chun mỏ bỗ nhau âu yếm, tiếng ngoe ngóe gần dần, con ngươi không cựa mà cố chú mục xem trước mắt mình là cái gì. Là con rắn khoang trắng khoang vàng đang nuốt một con nhái. Khi loài người rút đi sự quấy đảo của mình, thì thiên nhiên lên tiếng thống trị. Và, lúc đó, bạn sẽ hiểu thế nào là hương hoa chè dìu dịu mà ma mị. Mới hiểu cái màu trắng shan tuyết bám như một thứ yêu thuật đầy quyến rũ quanh cọng chè khô nó hùng thiêng trong lòng người tiên ẩm ra sao.

Tôi thấy thư thái khi nhúng trà thứ sậm giọng vào chính cái lưỡi vừa sân si, đôi lúc có cả tục tằn của mình. Hãy ủ nước chè đặc sâm sấp trên chốc lưỡi, và thấy lưỡi mình như bị vị đắng ngái ngậy thơm nó làm cho quăn lại. Quăn như bạn thả miếng cá hồi sống lát mỏng vào bát nước chanh pha sẵn ớt tươi rồi mù tạt thật cay nồng ấy. Rồi cảm nhận hương vị đích thực của đời. Có một chút mùi tục lụy, có chút cô đơn cô quả trong cái hữu hạn kiếp người và cũng có nhiều thanh tao phiêu lãng ở đó. Bạn đã bao giờ sởn gai ốc, rùng mình tỉnh mỉnh khi một vài cọng chè vừa chạm phải nước sôi làm bay lên cái mùi tannin nghiện ngập hoặc ít ra là cái mùi khói tẩm ướp trong thứ ma túy lành lẽ nhất quả đất kia chưa? Có thể, một ngày nào đó, bạn sẽ nghiện đến mức tiếc nuối không muốn cọ cái ấm pha trà kĩ hơn, tráng nước nóng thôi. Cứ để cái chất quánh nâu kia két mãi vào bộ đồ nhuốm màu như “những miếng trần gian trong tủy cạn”. Cao trà đó, sẽ từ vài năm trước, tỏa ra, đi vào chén trà trong sương sớm hôm nay. Giống như linh hồn, nhựa sống, mùi mồ hôi hay năng lượng tích cực nào đó của bạn thường hay ngấm vào ngôi nhà kí ức gỗ lạt của gia tộc, tỏa ra với cánh đồng làng lộng lẫy gió tươi ở nơi chôn nhau cắt rốn. Để rồi lúc bạn cô đơn mệt mỏi như con thú bị thương về nơi hang ổ cuối cùng: thì, đến lượt nó các năng lượng kí ức bí ẩn kia sẽ tỏa ra, hà hơi tiếp sức cho bạn.

Thế nên, thi sỹ này mới viết: “Gió đồng rửa mặt tha hương/ ta về quê chữa vết thương giang hồ".

Viết từ các gốc chè cổ thụ, cuối năm 2020

Bút ký của ĐỖ DOÃN HOÀNG

Tin cùng chuyên mục

Xúc động xem MV huyền thoại saxophone Kenny G quảng bá vẻ đẹp Hà Nội

Xúc động xem MV huyền thoại saxophone Kenny G quảng bá vẻ đẹp Hà Nội

(PNTĐ) - Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV “Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc "Going Home" tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.
Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

(PNTĐ) - Vừa qua, tại tỉnh Điện Biên, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức ra mắt, giới thiệu bộ sách 6 cuốn Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân (tiếng Việt và song ngữ gồm 5 ngoại ngữ: Việt - Anh, Việt - Pháp, Việt - Tây Ban Nha, Việt - Trung, Việt - Ả rập) nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.