Theo quan niệm truyền thống thì báo hiếu bằng dịch vụ là sai

Chia sẻ

Báo hiếu theo quan niệm truyền thống là con cái phải nghe lời cha mẹ, có trách nhiệm phụng dưỡng tuổi già, chăm sóc khi đau ốm. Việc báo hiếu đó, con cái phải trực tiếp thực hiện hàng ngày và không ai có thể làm thay. Với quan niệm này, thì báo hiếu bằng dịch vụ là không chấp nhận được trong không ít gia đình.

Theo quan niệm truyền thống, chăm sóc cha mẹ trực tiếp hàng ngày mới thể hiện đúng đạo hiếu (ảnh minh họa)Theo quan niệm truyền thống, chăm sóc cha mẹ trực tiếp hàng ngày mới thể hiện đúng đạo hiếu (ảnh minh họa)

Nghĩa vụ báo hiếu là của con cái chứ không phải của… người ngoài

Cả tôi và vợ đều là con một và đang có nghĩa vụ chăm sóc tuổi già cho tứ thân phụ mẫu cùng hai đứa con đang tuổi ăn học. Mấy năm gần đây, cha mẹ hai bên đều mắc bệnh phải đi viện điều trị thường xuyên, việc chăm sóc họ là cả vấn đề đối với vợ chồng tôi. Vì hàng ngày chúng tôi vẫn phải đi làm và đưa các con đi học. Do đó, mỗi lần bố mẹ vào viện, chúng tôi phải thuê người chăm sóc. Ban đầu, bố mẹ hai bên không chấp nhận để cho người ngoài chăm sóc mình khi đau ốm. Họ bảo đó là nghĩa vụ của con cái chứ không phải của người dưng. Do đó, mỗi lần bố mẹ vào viện, tôi và vợ đều phải thay nhau nghỉ phép để chăm sóc họ. Nhưng, kỳ phép của chúng tôi có hạn, trong khi bố mẹ một năm đi viện nhiều lần. Sau nhiều lần nghe con cái phân tích, bố mẹ hai bên mới miễn cưỡng chấp nhận dịch vụ chăm sóc người ốm ở bệnh viện mà chúng tôi thuê.

Báo hiếu cha mẹ trong thời hiện đại như thế nào? Báo hiếu bằng dịch vụ là sai, hay đúng? Và, nó có phải là xu thế của cuộc sống gia đình thời hiện đại hay không? Cha mẹ sẽ thích ứng với xu hướng này như thế nào? Để có cái nhìn đa chiều, mời bạn đọc thảo luận về vấn đề: "Báo hiếu bằng dịch vụ: Đúng hay sai?" Ý kiến tham gia thảo luận được đăng tải trên báo Phụ nữ Thủ đô được trả báo biếu và nhuận bút theo quy định hiện hành. Bài thảo luận xin gửi về: Chuyên mục Hôn nhân gia đình, Báo Phụ nữ Thủ đô, số 7 Tôn Thất Thuyết, Cầy Giấy, Hà Nội. Hoặc, email: baophunuthudo@gmail.com.

Thực tế, người già rất coi trọng việc báo hiếu của con cái trong cuộc sống hàng ngày. Họ luôn mong muốn điều đó được con cái thực hiện trực tiếp. Vì như thế mới thể hiện rõ tình yêu thương, sự quan tâm của con cái đối với cha mẹ. Do đó, nhiều người “bất mãn” với các dịch vụ do con cái thuê về làm thay cho mình. Hơn 15 năm nay, vợ chồng tôi quay cuồng trong nghĩa vụ báo hiếu với 4 người già theo ý nguyện của họ. Mỗi lần chúng tôi thuê dịch vụ nào là bị các ông bà mắng mỏ, giận dỗi, cho rằng con cái đang bỏ rơi mình.

Vợ chồng tôi sống cùng bố mẹ đẻ, bố mẹ vợ sống riêng chỗ khác. Khi chúng tôi thuê giúp việc về sống cùng ông bà thì họ nhất quyết không chịu, đòi vợ tôi phải dọn về bên đó sống. Cuối cùng, vợ chồng tôi phải chọn giải pháp bán nhà đất, mua ba căn hộ chung cư liền nhau, để bố mẹ hai bên sống cận kề bên con cháu cho... công bằng trong việc báo hiếu.

Tôi đồng ý rằng nghĩa vụ báo hiếu là của con cái, không phải của người ngoài. Nhưng, quan niệm về cách báo hiếu cần được người già "cởi trói". Các gia đình cần chấp nhận sự thay đổi trong phương thức báo hiếu cho cha mẹ. Mục đích cuối cùng là cha mẹ được chăm sóc tốt, còn việc đó được thực hiện bởi con cái hay bằng dịch vụ không quan trọng. Có như vậy thì mới thuận cho con cái trong việc thực hiện báo hiếu cha mẹ.

Lê Đình Thìn (48 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội)

Báo hiếu: Con có điều kiện sao không trực tiếp làm mà phải dùng dịch vụ?

Bao nhiêu năm nay, vợ chồng tôi mang tiếng "bất hiếu" trong mắt cha mẹ và họ hàng khi không chịu sống chung để trực tiếp thực hiện nghĩa vụ báo hiếu. Tôi quan niệm nghĩa vụ báo hiếu với cha mẹ của con cái không chỉ đơn thuần là chăm sóc họ về già và khi đau ốm, mà đó là phải tự chủ được cuộc sống của bản thân, không để bố mẹ lo lắng, nặng gánh khi về già. Do đó, chúng tôi đã chủ động xin ra ngoài sống riêng sau khi cưới để tránh sống chung mâu thuẫn làm cha mẹ phiền lòng.

Do năng động nên chỉ một thời gian ngắn, vợ chồng tôi đã có kinh tế dư giả. Thực hiện trách nhiệm với cha mẹ, chúng tôi hỗ trợ họ thêm một khoản tiền hàng tháng để chi tiêu. Ngoài ra, chúng tôi thuê dịch vụ giúp việc theo giờ để dọn dẹp, nấu ăn cho ông bà. Cuộc sống của cha mẹ và chúng tôi nhìn chung đều ổn. Thế nhưng trong suy nghĩ của cha mẹ, chúng tôi vẫn là con "bất hiếu". Bởi họ cho rằng chúng tôi vẫn chưa trực tiếp thực hiện trách nhiệm với cha mẹ. Việc chúng tôi thuê dịch vụ để chăm sóc họ vẫn không được ghi nhận, mà ngược lại còn bị cho là lười biếng, ỷ lại có tiền nên thuê người ngoài làm hộ. Cha mẹ tôi vẫn quan niệm, con cái báo hiếu bằng tâm chứ không phải bằng tiền. Nghĩa là, chúng tôi phải trực tiếp tự làm thì mới hiểu và yêu thương cha mẹ hơn, còn bỏ tiền ra thuê người dưng làm thì chẳng bao giờ biết thương và thấu hiểu cha mẹ.

Việc sống riêng, chúng tôi cho rằng nó tránh được mâu thuẫn giữa hai thế hệ khi sống chung, dễ nảy sinh mâu thuẫn giữa hai thế hệ, ảnh hưởng đến tình cảm lâu dài. Nhưng, họ lại nghĩ chúng tôi muốn "thoát nợ" chăm sóc cha mẹ già, sợ khổ, sợ phiền khi sống cùng, nên ra ngoài sống riêng… cho sung sướng.

Mỗi thời mỗi khác, việc chăm sóc, báo hiếu cha mẹ cũng giống như thế. Tôi nghĩ điều quan trọng là cả hai thế hệ phải dung hòa và chấp nhận cái mới để phù hợp với cuộc sống. Còn nếu chúng ta vẫn giữ quan niệm cũ thì dịch vụ báo hiếu sẽ không bao giờ được công nhận là đúng, dù nó đang trở thành một nhu cầu cấp thiết trong cuộc sống hiện đại.

ĐỖ QUANG HÒA (35 tuổi, Ba Đình, Hà Nội)

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.