Khi mẹ chồng nàng dâu đều thẳng tính

Chia sẻ

Bà Quyên tốt tính nhưng cực đoan và bị gọi là “lắm điều”; con dâu Hải thì thẳng thắn, chăm chỉ nhưng nhiều thói quen xấu có hại cho sức khỏe, nhất là trong ăn uống. Vì thế, hai mẹ con đáng ra đều là người tốt tính thì phải hòa thuận lại luôn va chạm và trở thành hai thái cực.

Do đó, khi Hải đi khám bệnh, bác sĩ ngạc nhiên vì huyết áp quá cao, có nguy cơ dẫn tới đột quỵ ở lứa tuổi còn quá trẻ thì bà Quyên đáng ra phải động viên lại tức giận mắng mỏ con dâu thậm tệ vì tội không bao giờ chịu nghe lời. Bà phản ứng bằng cách tuyên bố nếu Hải bị làm sao mà…“nằm đấy” thì trả về cho mẹ đẻ và lập tức tìm ngay dâu mới làm mẹ cho các cháu của bà.

Từ ngày Hải quen với An - con trai bà Quyên, bà đã tỏ rõ thái độ phản đối. Bà chê nhất Hải ở cái trán dô bướng bỉnh đua ra khỏi khuôn mặt gãy như luôn muốn thách thức, tuyên chiến với cả thế giới. Đã thế cái cổ lại to bành bạnh như sẵn sàng to giọng chửi người khác. Mặc cho An hài hước làm lành, lấy nhân vật trong phim dài tập mẹ yêu thích để khen làn da trắng mịn mượt mà phủ khắp cơ thể tròn đầy của con dâu tương lai là: “Mẹ chẳng hiểu gì cả, cái nọ nó “đập” vào cái kia, đứng trên quan điểm Hòa đại nhân trong phim “Lưu gù” (của Trung Quốc) mà nói thì làn da trắng mượt mà tươi nhuận của cô ấy sẽ bù cho cái trán dô để gương mặt lúc nào cũng thu hút, làn môi đỏ tự nhiên khiến cho mặt gãy rất ấn tượng. Mà cô ấy còn có cơ thể cân đối, cao ráo, thon thả nên lên cân một tý thì trở thành béo mà giảm cân một tẹo sẽ bị gầy”. Nhưng bà Quyên không để ý tới hình thức, bà cho rằng tướng mạo ảnh hưởng tới tính tình mới là quan trọng.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Chính vì thế, từ lúc Hải về làm dâu, bà Quyên luôn để ý quan sát và “bắt bài” con dâu út. Bà chê Hải bề ngoài tưởng rất phụ nữ nhưng hóa ra tính đàn ông, hay café cà pháo, hay trà đá quán xá lại toàn ăn đồ chiên nhiều dầu mỡ. Ban đầu Hải cũng tỏ thái độ muốn thân thiện với mẹ chồng, cô đùa lại: “Thế hệ chúng con bây giờ khác thế hệ của mẹ ngày xưa. Nhưng vì về làm con mẹ, con sẽ bớt café tăng cường… “cà pháo”; thôi khoản trà đá - quán xá ở nhà tắm gội sạch sẽ nằm đợi… chồng về”. Nói rồi Hải phá lên cười như nắc nẻ làm bà Quyên trố mắt nhìn rồi quày quả đi xuống bếp.

Kể từ đó, mâu thuẫn cứ ngấm ngầm diễn ra trong ngôi nhà nhỏ giữa hai người phụ nữ tốt tính. An hiểu những khoảng cách và sự khác biệt mang tính thế hệ giữa mẹ và vợ. Nhưng anh không thể nào thuyết phục được mẹ bởi từ lâu cả nhà vẫn biết mẹ anh tốt tính, luôn cặm cụi chăm sóc cả nhà nhưng hay nhiều lời và dễ khiến người khác ức chế. Hải thì vui vẻ, không để bụng để dạ, được khen là xinh xắn dễ thương. Cô có thói quen hay tụ tập trà đá - café với nhóm bạn thân, cũng toàn người dễ thương và nhất mực vun vén cho cặp đôi trẻ đầu tiên của nhóm nên An không có lý do gì để ngăn cản vợ hay cảm thấy khó chịu với thói quen này. Nhưng mẹ anh thì cho đó là việc không thể được với nàng dâu mới.

Những chi tiết nhỏ nhặt của đôi vợ chồng trẻ không lọt qua cái “camera… sống” mang tên “Mẹ chồng”. Bà gọi con trai ra chì chiết ngay trước mặt con dâu khi cặp đôi ngồi bên nhau trên ghế sô-pha ở ngay phòng khách mà con dâu gác cả hai chân lên đùi chồng, bà gằn giọng: “Nhà tôi không phải là cái công viên, phòng này để tiếp khách chứ không phải nhà nghỉ…”. An rất muốn cáu với mẹ vì cả tuần đi làm được ngày nghỉ hai vợ chồng thư giãn bên nhau chút lại bị mẹ để ý, nặng lời. Nhưng quay vào thấy điệu bộ ra hiệu của Hải, An lại thôi. Anh dịu giọng: “Chúng con sẽ rút kinh nghiệm, mẹ đừng cáu kỉnh nữa mà mệt người đấy!”. Hành động ra hiệu của Hải không qua được mắt bà Quyên, bà càng sôi máu hơn, quát tướng lên: “Ra là anh muốn biến cái nhà này thành cái chợ phỏng. Tôi đẻ anh ra, chăm chút từng ly từng tý, nuôi dạy anh ăn học nên người mà tôi nói anh định cãi, nhưng “mẹ trẻ” của anh vừa ra hiệu anh lại phải dịu giọng cơ đấy! Rồi xem nó có chửi cho không!”. Nói rồi, bà ức chế quẳng một cái lườm cháy mặt con dâu, đi sang hàng xóm trút bầu tâm sự.

Cứ tình trạng mẹ chồng - nàng dâu như vậy nhoằng cái đã tròn hai năm. Hải sinh bé trai đầu lòng được ba tháng. Do thói quen ăn uống và muốn tẩm bổ cho con nên Hải tăng cân đột ngột, cô vọt lên tới 70kg. Vì đẻ mổ nên Hải bị mất sữa, cô tiếp tục tẩm bổ để có nhiều sữa cho con bú khiến cân tiếp tục tăng vù vù. Cô duy trì cân nặng này trong suốt năm đầu tiên nuôi con nhỏ. Đi làm trở lại Hải càng ăn khỏe hơn và trông cô như… “biến dạng” so với thời con gái. Hội bạn thân cũng phải lên tiếng, nhưng Hải không thể kìm chế thói quen ăn uống của mình. Bà Quyên vốn đã khó chịu với con dâu giờ đây nhìn Hải càng ngứa mắt và đi rêu rao khắp nơi về những tật xấu của nàng dâu út.

An vừa thương vừa giận vợ bởi sự không kìm hãm được và các “chiêu” tác động của bà Quyên. Hải bực bội “đốp” lại chồng khi anh chê vợ ộ ệ khó coi: “Bây giờ tôi vừa già - vừa xấu - vừa béo rồi đấy, tôi chỉ biết ăn thôi khỏi phải lo lắng gì vì có mẹ anh lo hết, anh tính sao thì tính rồi báo nhanh một câu cho tôi hay!”. Bà Quyên ở bếp vểnh tai nghe thấy hết câu chuyện, mặt bà giãn ra đầy hài lòng, đắc ý khi những quan điểm của bà về nàng dâu út trước sau đã thành sự thực, bà lẩm bẩm: “Đã xấu còn hay làm cao…”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Căng thẳng đẩy lên kịch điểm khi Hải đi khám định kỳ và bác sĩ báo động tình trạng sức khỏe sau sinh của Hải có sự thay đổi tiêu cực và huyết áp tăng đột ngột, có nguy cơ đột quỵ. Hải về ôm mặt khóc tu tu rồi quẳng bộ hồ sơ khám bệnh lên bàn, bỏ mặc cả con, gọi hội bạn đi café giải sầu tâm sự. Bà Quyên nhìn sự bất lực của con trai khi không biết làm sao an ủi vợ, đùng đùng nổi giận gọi cho Hải và quát vào di động: “Cô đi được thì đi ngay khỏi nhà tôi từ lúc khỏe mạnh nhé, đừng có cái kiểu bất cần đời rởm trò ấy mà đổ vạ cho nhà tôi. Tuổi trẻ mà không hiểu biết gì cả. Bệnh huyết áp cấm café, không ăn mặn và hạn chế tối đa dầu mỡ trong khi ngày nào cô cũng tống táng mấy ly café vào miệng như vậy. Cái miệng làm hại cái thân!”. Hải ngắt máy không trả lời, cô đang định nhấn tắt hẳn thì chuông lại reo, bà Quyên thấy con dâu phản ứng kiểu đó không chịu được gọi lại quát to hơn: “Cô mà bị đột quỵ nằm quay lơ ra nhà tôi là tôi trả về cho mẹ cô rồi tìm ngay mẹ mới cho cháu tôi…”.

Hải không nói gì, tắt lịm máy và ngồi khóc như đứa trẻ trong vòng vây của đầy đủ nhóm bạn. An dỗ con ngủ rồi nhờ mẹ trông hộ, lao đi tìm vợ. Trước sự động viên của bạn bè và chồng, Hải lấy lại tinh thần, vui vẻ trở lại. Cô nhìn chồng nói như có lỗi: “Mẹ nói có lý, thực ra em đã không chịu nghe lời bà. Người ta nói các vị thánh nhân có thể tự điều phục cơ thể để không bao giờ bị bệnh tật hại chết. Em không phải thánh nhân nhưng em sẽ cố gắng để điều tiết bản thân và thay đổi tình trạng bệnh tật”. Theo tư vấn của hội bạn, tất cả sẽ xúm lại cùng Hải giải quyết những khúc mắc với mẹ chồng. Thực ra, bà tuy hay “soi”, nhiều quan điểm cực đoan nhưng cũng không phải quá khó để hoà thuận. Chỉ cần Hải biết sống tinh tế một chút, biết hy sinh, điều tiết một chút những thú vui, thói quen của mình thì mọi chuyện sẽ êm thấm. Hạnh phúc luôn đi kèm với sự hy sinh, hạnh phúc không tự nhiên mà đến, bởi vậy, Hải cần phải học những bài học về hạnh phúc từ những gì sơ đẳng nhất…

THƯƠNG KIỀU

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.