Mâm cơm đãi khách
(PNTĐ) - Những mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu đôi khi không đến từ chuyện lớn, mà chỉ là cách lau nhà, nêm nếm món ăn hay một câu nói vô tình. Nhưng rồi, chính một bữa cơm lại có thể giúp mọi người nhìn nhau bằng ánh mắt khác.
Trưa hè oi ả, Thúy phơi quần áo trên ban công, khi vừa treo xong chiếc sơ mi trắng thì bà Nhâm bước ra, nhìn thấy, chép miệng:
- Áo sơ mi thì nên giặt bằng tay, không thì nhanh sờn, mất nếp. Ngày xưa tôi mà giặt máy cho bố nó là bị mắng cho te tua rồi đấy!
Thúy nuốt lời phản biện vào trong vì ngày nào cô chẳng là quần áo cho chồng, cô không muốn tranh cãi. Nhưng trong lòng dần mỏi mệt. Quang từng bảo: “Thôi kệ mẹ, mẹ quen nói vậy mà”. Nhưng Thúy thì không quen được cái cảm giác bị lôi ra làm ví dụ cho mọi điều chưa đúng trong nhà.
Bà Nhâm có thói quen đi một vòng quanh nhà mỗi sáng, như một thói quen kiểm tra vô hình. Bất cứ điều gì bà cho là “không đúng chuẩn” đều được chỉ ra ngay. Có lần Thúy vừa lau nhà xong, mở quạt đứng cho sàn mau khô thì bà từ trong phòng đi ra, nhăn mặt:
- Lau nhà mà mở quạt? Đúng là chỉ giỏi lãng phí tiền điện.
Cô vội vàng tắt quạt, lấy khăn khô lau lại. Mồ hôi túa ra sau lưng, nóng bức như chính cái không khí âm ỉ trong lòng cô lúc ấy. Mọi nỗ lực để nhà cửa sạch sẽ gọn gàng, để bà vui lòng, đôi khi chỉ đổi lại một cái lườm hay lời phàn nàn không cần thiết.
Còn chuyện ăn uống thì... Thúy từng thử vài món lạ vì nghĩ nhà ăn mãi món truyền thống cũng ngán. Cô nấu món thịt bò sốt vang bằng rượu vang đỏ, quế hồi, cà chua và cà rốt được hầm nhừ. Khi dọn lên, ông Nam gật gù khen thơm, nhưng bà Nhâm chỉ cười nhạt:
- Mấy món này làm tốn gia vị thế không biết. Một nồi mà dùng cả nửa chai rượu đỏ với mấy cái thứ quế, hồi, đinh hương… Ăn xong chắc cũng... nóng người! Chưa kể là ninh hầm cả buổi vậy thì hết bao nhiêu là gas.

Thúy cười gượng. Cô đã từng nghe bà than “con dâu thời nay nấu được bữa cơm ra gì hiếm lắm”. Vậy mà giờ đây, chính một bữa cơm cô bỏ công nấu nướng lại bị chê lên chê xuống.
Thúy cười, bảo: “Dạ con cho đúng công thức thôi mẹ, không nhiều lắm đâu ạ”.
Lần khác, cô làm món trứng hấp ngũ sắc, tỉ mẩn xắt nhỏ cà rốt, nấm hương, đậu Hà Lan trộn đều với trứng, rồi hấp trong khuôn sứ. Cắt ra từng khoanh vàng ươm, mềm mịn, đẹp mắt như trong sách dạy nấu ăn. Quang ăn thấy lạ miệng, khen nức nở, nhưng bà Nhâm thì bảo:
- Cái này mất công mà ăn chẳng chắc bụng. Tôi thấy trứng luộc hoặc rán là dễ ăn nhất!
Nghe câu nói đó xong, Thúy chắc chắn một điều rằng, những món ăn ấy từ giờ sẽ không còn xuất hiện trong thực đơn nhà chồng nữa.
Ông Nam là người ít nói, nhưng tinh tế. Nhiều đêm, ông nhắc khẽ với vợ:
- Bà đừng soi con bé quá. Tôi thấy nó hiền lành, chịu khó lo toan việc nhà vậy là tốt rồi. Con gái thời nay hiếm được như vậy lắm.
Nhưng bà Nhâm chỉ xua tay:
- Ông bênh cái gì? May cho nó là nhà mình dễ tính, chứ gặp bà sui chồng tôi ngày xưa thì xin lỗi, đuổi lâu rồi!
Ông Nam không nói thêm. Ở cái tuổi gần 70, ông hiểu, góp ý với vợ là việc “nói cho hay” nhưng ít ra, ông muốn giữ cho con dâu cảm giác có người thấu hiểu.
Cuối tuần hôm đó, ông Nam báo tin vợ chồng người bạn thân từ thuở lính tráng sẽ ghé chơi. Thúy tất bật dọn dẹp, trang trí nhà cửa và lên thực đơn cho bữa cơm chu đáo.
Từ 5 giờ sáng, Thúy đã thức dậy. Cô đi chợ sớm, cẩn thận chọn từng nguyên liệu tươi ngon nhất cho mâm cơm đãi khách thân quen của bố chồng. Cô đã lên sẵn thực đơn từ trước: Canh cá nấu măng chua, gà hấp lá chanh, nộm gỏi tôm, nem cua bể…
Thỉnh thoảng bà Nhâm bước vào bếp, tay phe phẩy cái quạt giấy, nhíu mày nhìn vào nồi canh rồi thở dài thườn thượt:
- Nấu mấy món rau xào, gà luộc, giò chả… là được rồi, chứ bày vẽ ra như thế này không biết có ra gì không?
Thúy cố gắng không để cảm xúc lấn át, ngó lơ lời nói của mẹ chồng.

Đến 10 giờ, khi thấy Thúy vẫn đang hí hoáy lột vỏ tôm, bà Nhâm từ phòng khách vọng vào, giọng dửng dưng:
- Có mâm cơm đãi khách thôi mà làm như nấu cỗ cưới. Từ 5 rưỡi sáng đến giờ chưa xong là sao?
Thúy lau mồ hôi, gượng nói:
- Dạ, tại các món cũng hơi cầu kỳ, nhưng mẹ yên tâm sắp xong rồi ạ.
- Làm thì rề rà mà còn bày vẽ? Ngày xưa tôi nấu 3 mâm cỗ chưa tới 2 tiếng thôi đấy!
Bà vừa nói vừa thở dài, tay phe phẩy quạt, mắt vẫn dán vào tivi. Thúy không nói gì nữa, chỉ thấy trong lòng nghèn nghẹn.
11 giờ, khách đến. Ông Nam vui vẻ ra tận cửa đón. Vợ chồng người bạn cũ vừa ngồi xuống bàn ăn đã khen ngợi:
- Mâm cơm hấp dẫn quá! Món nem cua bể này, lâu lắm rồi tôi mới được ăn lại đúng vị như thế!
- Cả món canh cá nấu măng nữa… ngon lắm! Đúng là khéo nấu thật!
Bà Nhâm cười, đon đả đáp:
- Bác cứ quá khen, đây toàn là những món đơn giản mà nhà tôi hay ăn. Mấy món này tôi quen tay nấu từ ngày xưa. Về hưu rồi, có thời gian thì phải chăm lo bữa cơm cho chồng con chứ. Bác thấy đấy, giờ tụi trẻ bận đi làm từ sáng đến tối thì thời gian đâu mà vào bếp nấu cơm nữa, như con dâu tôi đây, rảnh lắm thì rửa được mâm bát thôi.
Thúy đứng ở góc bàn, nghe câu ấy mà sượng cả người. Cô không cần lời khen, nhưng câu nói phủ nhận hết công sức từ sáng khiến cô cảm thấy tủi thân đến tột độ. Cô cười gượng, quay vào bếp, giả vờ lấy thêm đĩa, chứ thật ra là không muốn nghe mẹ chồng tự khen mình nữa.
Sau bữa cơm trưa ấy, khi khách đã về, bà Nhâm ngồi một mình trong phòng khách, quạt nhè nhẹ, mắt nhìn ra khoảng sân trước nhà đầy nắng. Ông Nam đi tắm, Quang thì tranh thủ đưa con ra công viên chơi. Còn Thúy lặng lẽ rửa bát, thu dọn mâm cơm, rồi chui vào phòng không một lời.
Không khí trong nhà im lặng một cách lạ lùng.
Bà Nhâm bỗng thấy hơi lấn cấn trong lòng. Lúc nãy, khi khách khen món ăn, bà “trót” nhận công về mình, không hẳn là cố ý, chỉ là phản xạ... Nhưng ánh mắt Thúy lúc đó vừa ngỡ ngàng, vừa buồn khiến bà băn khoăn mãi.
Tối hôm ấy, bà không nói gì. Nhưng lúc chuẩn bị đi ngủ, bà đứng ngoài cửa phòng Thúy, nghe tiếng nước trong phòng tắm chảy nhẹ, rồi tiếng ho khan của con dâu.
Bà quay lại phòng, nhưng trằn trọc mãi không ngủ được. Bà bắt đầu để ý dạo này thấy con dâu da mặt xạm, mắt thâm. Cô vẫn làm việc từ sáng đến tối, hết việc cơ quan đến việc nhà, không kêu than, cũng không nhờ vả. Mọi việc nhà cửa bà cứ nghĩ mình "quản lý", hóa ra từ tay con dâu làm hết.
Sáng hôm sau, khi Thúy đưa con đi học, bà Nhâm mở tủ lạnh lấy rau ra định nấu bữa sáng. Bên dưới một hộp rau còn dán giấy nhớ: "Rau này mẹ thích, con rửa sẵn rồi, mẹ chỉ cần luộc nhé. Hôm qua con thấy chợ bán tươi, nên mua luôn".
Tay bà khựng lại. Bà thở dài, như thể một khối đá nào đó đang tan dần trong lòng.
Từ hôm ấy, bà không còn lời nào xét nét về con dâu nữa. Khi Thúy lau nhà, bà không ngó nghiêng nữa. Khi Thúy nấu món mới, bà không cằn nhằn "tốn gia vị". Khi Quang khen món cá kho khoai, bà chỉ nhẹ nhàng nói thêm: “Món này... đúng là con nêm khéo thật đấy”.
Lần đầu tiên, lời khen từ bà không mang theo vỏ bọc mỉa mai hay ra vẻ dạy dỗ. Thúy cảm nhận rõ. Cô không nói ra, nhưng mối căng thẳng vô hình trong lòng cô dường như giãn ra từng chút một.