Xử lý như nào sàn Busstrade đột ngột bốc hơi?

Chia sẻ

"Việc tổ chức sàn Busstrade hay bất cứ sàn Forex nào khác hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam là trái luật. Đối tượng nào lợi dụng sự thiếu hiểu biết của các nhà đầu tư để môi giới, lôi kéo kinh doanh nếu có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật" - Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội khẳng định.

Trước đó, ngày 7/5, hàng loạt đơn tố giác của nhiều nhà đầu tư về việc bị chiếm đoạt tài sản do tham gia đầu tư tài chính trên sàn Busstrade đã được gửi tới cơ quan chức năng. Cụ thể, sáng 7/5, website của sàn giao dịch Busstrade bỗng bất ngờ bị "sập" khiến nhà đầu tư không thể đăng nhập vào tài khoản, trong khi các cấp lãnh đạo thì không thể liên lạc được.

Hàng trăm người Hàng trăm người "tá hỏa" vì ứng dụng Coolcat đột nhiên không thể truy cập. (Ảnh: VTV)

Theo quảng cáo, Busstrade là sàn giao dịch quyền chọn nhị phân, cho phép nhà đầu tư đặt cược dự đoán giá các đồng tiền ảo, cổ phiếu... sẽ tăng hay giảm, đoán đúng sẽ được nhận lãi. Thuận lợi hơn, sàn còn có đội ngũ "chuyên gia" chuyên bắn lệnh, người chơi chỉ cần copy và làm theo, không cần có kiến thức tài chính.

Busstrade tạo lòng tin với người tham gia bằng cách cam kết lợi nhuận đầu tư từ 20 - 30%/tháng và bảo hiểm vốn 100%.

Theo thông tin từ báo chí, ông Hải (TP HCM), là nhà đầu tư tham gia sàn từ 28/11/2020 và đã nộp vào Busstrade tổng số tiền lên tới 491.706.000 đồng. Khi sàn Busstrade sập, tổng cả vốn lẫn lãi ở thời điểm đó của ông Hải là 42.000 USD (hơn 960 triệu đồng).

Theo ông chia sẻ hiện các nhà đầu tư đang gửi đơn tố cáo đến phòng cảnh sát hình sự công an Quận 1, TP HCM và phòng PC03 Công an TP HCM. Hiện đã có khoảng 100 đơn tố cáo được gửi về trong khi những người khác đang chờ sao kê ngân hàng để hoàn thiện hồ sơ gửi tố cáo Busstrade.

Trước đó, vào ngày 22/4, sàn Busstrade từng tung chương trình dụ dỗ người tham gia nạp thêm tiền. Theo đó, tài khoản nào nâng vốn và đóng bảo hiểm 2% ngay trong ngày này sẽ nhận được ưu đãi hấp dẫn. Nộp 1.000 - 2.000 USD nhận ngay lợi nhuận 5%, nạp 5.000 USD lợi nhuận đến 7%. Riêng các tài khoản nâng vốn vào ngày tiếp theo là 23/4 vẫn miễn phí bảo hiểm và nhận lợi nhuận 2%.

Tuy nhiên, sau khi nhiều người đổ xô nạp tiền vào, thì ngày 23/4 sàn lại đột ngột thông báo "bảo trì", đến 5/5 sẽ mở lại. Lúc này nhiều người đã ngờ vực "sập" sàn Busstrade nhưng vẫn còn nuôi chút hi vọng. Đến ngày 5/5 sàn mở lại, nhưng không cho người tham gia rút tiền mà bắt phải chuyển tiền từ USD sang BToken, đồng tiền của sàn và không có giá trị gì. Busstrade cũng thông báo nếu người chơi không chuyển đổi, sàn sẽ khóa sau ngày 8/5 tuy nhiên sáng 7/5 thì website đã sập.

Trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010, Nghị định số 70/2014/NĐ-CP ngày 17/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là cơ quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về ngoại hối, hoạt động ngoại hối và hoạt động kinh doanh vàng, cụ thể:

- Quản lý ngoại hối và hoạt động ngoại hối đối với các giao dịch vãng lai, sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam; hoạt động kinh doanh cung ứng dịch vụ ngoại hối và các giao dịch khác liên quan đến ngoại hối; hoạt động ngoại hối khu vực biên giới theo quy định của pháp luật.

- Quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước theo quy định của pháp luật; mua, bán ngoại hối trên thị trường trong nước vì mục tiêu chính sách tiền tệ quốc gia; mua, bán ngoại hối với ngân sách, các tổ chức tín dụng (TCTD) quốc tế và các nguồn khác; mua, bán ngoại hối trên thị trường quốc tế và thực hiện giao dịch ngoại hối khác theo quy định của pháp luật.

- Công bố tỷ giá hối đoái, quyết định chế độ tỷ giá hối đoái, cơ chế điều hành tỷ giá hối đoái.

- Cấp, thu hồi văn bản chấp thuận kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

- Quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài theo quy định của pháp luật.

- Thực hiện quản lý hoạt động vay, trả nợ nước ngoài của người cư trú là các đối tượng được thực hiện tự vay, tự trả nợ nước ngoài theo quy định của pháp luật; hướng dẫn quy trình tổ chức, thực hiện việc đăng ký, đăng ký thay đổi, thu hồi hoặc chấm dứt hiệu lực văn bản xác nhận đăng ký, các nhận đăng ký thay đổi các khoản vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh; quản lý hoạt động cho vay, thu hồi nợ nước ngoài, hoạt động bảo lãnh cho người không cư trú của TCTD và tổ chức kinh tế.

- Quản lý hoạt động kinh doanh vàng, xuất nhập khẩu vàng, ngoại hối, phương án sản xuất vàng miếng của NHNN trong từng thời kỳ và các hoạt động khác liên quan đến vàng khi được Chính phủ giao; phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước, tổ chức huy động vàng của các tổ chức và cá nhân theo quy định của pháp luật.

Như vậy có thể thấy, việc cung ứng dịch vụ mua bán ngoại tệ, dịch vụ phái sinh đều do tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại được phép cấp phép đủ điều kiện kinh doanh. Việc tổ chức sàn Busstrade hay bất cứ sàn Forex nào khác hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam là trái luật. Đối tượng nào mà lợi dụng sự thiếu hiểu biết của các nhà đầu tư để môi giới, lôi kéo kinh doanh nếu có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Thực tế, trong thời gian qua đã có rất nhiều đối tượng trong nước cấu kết với các đối tượng ở nước ngoài thuê lập Website ở quốc gia cho phép kinh doanh tỷ giá chứng khoán, ngoại hối, … Sau đó, các đối tượng ở nước ngoài chuyển giao quyền quản lý cho các đối tượng ở Việt Nam điều hành quản trị sàn giao dịch này để tổ chức kinh doanh mời gọi các nhà đầu tư tiền với số lượng đặc biệt lớn. Các nhà đầu tư khi thấy các đối tượng quảng cáo (qua mạng xã hội Facebook, zaol, tikok,…. ) mời gọi đầu tư vào sàn giao dịch có nguồn gốc ở nước ngoài để tạo niềm tin đầu tư tiền cho chúng. Khi nhiều nhà đầu tư đã đã đổ tiền vào sàn giao dịch này thì các đối tượng bằng mọi cách để chiếm đoạt như không cho rút tiền, can thiệp tài khoản nhà đầu tư điều chỉnh thua, và sau đó dẫn tới khóa tài khoản và tiếp đến đánh sập luôn trang Website. Hậu quả các nhà đầu tư đã không truy cập được vào sàn giao dịch do chúng lập ra dẫn tới thiệt hại mất toàn bộ số tiền đã đầu tư.

Theo quan điểm của luật sư, các đối tượng khi mời gọi các nhà đầu tư tham gia sàn giao dịch đã có mục đích gian dối để nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân. "Với thủ đoạn rất tinh vi bằng hình thức công nghệ cao qua mạng Internet, có sự cấu kết chặt chẽ, phân công nhiệm vụ của từng đối tượng trong và ngoài nước để dụ dỗ, lôi kéo các nhà đầu tư tiền để nhằm chiếm đoạt tài sản. Xét hành vi của các đối tượng đã có dấu hiệu phạm Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 290 Bộ luật hình sự. Với số tiền chiếm đoạt đặc biệt lớn từ 500 triệu đồng trở lên thì các đối tượng phạm tội sẽ phải đối mặt với hình phạt từ 12 năm đến 20 năm" - luật sư Thơm cho biết.

Đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho những người dân phải hết sức cẩn trọng trước những lời hứa hẹn đường mật quảng cáo giới thiệu lợi nhuận cao khi đầu tư vào những loại hình kinh doanh không minh bạch và có dấu hiệu lừa đảo.

AN TÚ

Tin cùng chuyên mục

Xét xử cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng: Nhận tội nhưng không nhận lừa tiền

Bị cáo Đỗ Hữu Ca nhận tội nhưng không nhận lừa tiền

Bị cáo Đỗ Hữu Ca – cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng bị xét xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước toà, bị cáo thừa nhận cáo trạng mô tả hành vi phạm tội của mình là đúng, phù hợp với kết luận điều tra nhưng khi nói lời sau cùng lại khẳng định không lừa tiền vợ chồng Đước.