“Bảo tàng làng” lưu giữ văn hóa truyền thống quê hương

Chia sẻ

Làng Yên Mỹ, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội là địa phương đầu tiên xây dựng nhà truyền thống để lưu giữ các hiện vật của địa phương, nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau. Trước sự tác động mạnh mẽ của đô thị hóa, “Bảo tàng làng” ấy vẫn chảy trôi như một mạch ngầm nuôi dưỡng tình yêu quê hương của bao lớp người.

Hơn 300 hiện vật tái hiện lại lịch sử của làng

Với mong muốn bảo tồn những ký ức, nét văn hóa đẹp của quê hương, những năm gần đây, người dân Yên Mỹ (Thanh Trì, Hà Nội) đã cải tạo, chuyển đổi Nhà văn hóa B thôn 2 thành một bảo tàng nhỏ, thu hút rất đông du khách tới tham quan, tìm hiểu. Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, Nhà Truyền thống đã thu thập trên 300 hiện vật, trong đó có hàng chục hiện vật trên 100 tuổi, do các hộ dân trên địa bàn quyên góp. Người đóng vai trò quan trọng thành lập Nhà Truyền thống là ông Nguyễn Viết Hùng, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Yên Mỹ.

“Với diện tích 150m2, Nhà Truyền thống trưng bày tư liệu, hiện vật với mong muốn tái hiện quá trình hình thành, phát triển làng Yên Mỹ xưa và nay, phản ánh nét đẹp truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của quê hương”- ông Trần Quang Khánh, Chủ tịch UBND xã Yên Mỹ cho hay.

Tự hào giới thiệu về “Bảo tàng làng”, ông An Đức Độ (80 tuổi) ở thôn 2, một trong số những người trực tiếp tham gia vận động, cho biết: “Khi tới tham quan, mọi người đều trầm trồ trước chiếc chum sành chứa được vài tạ thóc từng là vật dụng của gia đình ông Dạng ở xóm 9. Chiếc chum còn nguyên vẹn, không hề sứt mẻ, nước men bóng loáng, nhiều dân chơi đồ cổ đã trả giá hàng chục triệu nhưng gia đình ông nhất định không bán. Hay như chiếc bát có hình con gà từng được sử dụng trong bữa cơm gia đình ở thế kỷ XIX cũng được người dân tặng lại cho bảo tàng. Trong số các hiện vật còn có chiếc xe đạp Hữu Nghị mà Nhà nước đã tặng cho cụ Nguyễn Văn Năm, nguyên Chủ tịch xã Yên Mỹ thời kỳ 1957-1960. Khi xã kêu gọi quyên góp hiện vật, gia đình cụ Năm cũng thống nhất hiến tặng”.

Với số lượng hiện vật phong phú, chính quyền địa phương và nhân dân xã Yên Mỹ đã trưng bày, sắp xếp theo từng chủ đề, chủng loại riêng. Thế nên với những người yêu lịch sử, thích tìm hiểu về quá khứ, khi được hòa mình vào không gian này đều cảm thấy dung dị và gần gũi.

Anh Mai Hữu Đại, một khách tham quan cho biết: “Ngắm nhìn những hiện vật và lắng nghe câu chuyện từ các hướng dẫn viên không chuyên, tôi thực sự thấy xúc động. Chiếc xe đạp, cái mâm đồng, đôi quang gánh, chiếc máy khâu… đều mang trên nó dấu ấn sinh hoạt đặc trưng của làng quê Bắc Bộ, nếu biết gìn giữ, sắp đặt sẽ trở thành gạch nối quá khứ với hiện tại đầy ý nghĩa”.

“Bảo tàng làng” trở thành không gian gần gũi và thú vị cho người già, người trẻ trong thôn tới tham quan.“Bảo tàng làng” trở thành không gian gần gũi và thú vị cho người già, người trẻ trong thôn tới tham quan.

Trách nhiệm giáo dục truyền thống văn hóa cho đời sau

Phát huy tinh thần “Tuổi cao, gương sáng”, thời gian qua cụ Độ đã đóng góp tới 24 hiện vật. Một số hiện vật trên 100 tuổi như: Chiếc chõ sành dùng để đồ xôi được sử dụng từ đầu thế kỷ XX; Vò sành đựng mắm tép đã truyền qua 5 thế hệ…

Không chỉ vậy, cụ còn rất năng nổ trong việc vận động người dân trên địa bàn hiến tặng hiện vật cho nhà truyền thống. Cảm động trước tấm lòng chân thành của cụ, nhiều gia đình đã tự nguyện hiến tặng. Hai tay nâng niu chiếc chĩnh 6 tai - hiện vật do gia đình cụ Trần Văn Thụy (77 tuổi, xóm 7) hiến tặng, cụ cho biết: “Tôi tìm hiểu, được biết chiếc chĩnh này ước tính có niên đại từ thế kỷ XVII. Biết giá trị lịch sử này, trước đó đã có một vài tay buôn đồ cổ đến gạ cụ Thụy bán, nhưng rất may cụ đã từ chối. Khi biết trên địa bàn có Nhà Truyền thống, cụ đã tình nguyện hiến tặng”- cụ Độ cho hay. “Chúng tôi nghĩ việc giáo dục truyền thống văn hóa cho đời sau là trách nhiệm của thế hệ hôm nay”- cụ Độ chia sẻ.

Vì vậy, có một bảo tàng trưng bày những hiện vật này, các cháu sẽ dễ mường tượng hơn về công lao của các thế hệ đi trước. Tuy nhiên, để hình thành và thúc đẩy những mô hình bảo tàng như thế này trong cộng đồng làng, rất cần sự tham gia góp ý của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng để xây dựng được hệ thống sản phẩm hấp dẫn, độc đáo, mang đặc trưng riêng. Bảo tàng của làng cũng cần được tổ chức một cách khoa học hơn, bài bản hơn. “Nhất là khi, quá trình đô thị hóa đang ngày càng nhanh. Một ngày không xa, làng quê nơi đây rất có thể sẽ trở thành nhà cao tầng và phố xá. Các thế hệ mai sau cũng dần mất đi những ký ức về đời sống sinh hoạt của cha ông mình”- cụ Độ cho biết, đây chính là những điều mà các cụ - những người bỏ tâm huyết vào “bảo tàng làng” trăn trở.

Bài và ảnh: MAI CHI

Tin cùng chuyên mục

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

(PNTĐ) - Vừa qua, tại tỉnh Điện Biên, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức ra mắt, giới thiệu bộ sách 6 cuốn Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân (tiếng Việt và song ngữ gồm 5 ngoại ngữ: Việt - Anh, Việt - Pháp, Việt - Tây Ban Nha, Việt - Trung, Việt - Ả rập) nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.