Nhức nhối tệ nạn bạo lực trực tuyến khiến nhiều phụ nữ tổn thương

Chia sẻ

Đại dịch Covid-19 đã gây ra tổn thương sâu sắc với nữ giới không chỉ ở khía cạnh kinh tế. Nhiều phụ nữ cho biết họ đã và đang là nạn nhân của nạn bạo lực không chỉ về thể chất, tinh thần mà còn cả trực tuyến.

Theo một Hiệp hội Liên quan đến bạo lực tình dục đối với phụ nữ ở Hồng Kông, số nạn nhân đã tăng ít nhất ba lần kể từ khi đại dịch bắt đầu. Tuy nhiên, từ đại học Durham, giáo sư McGlynn cho rằng các con số được thống kê chính thức "chỉ là phần nổi của tảng băng chìm" bởi vì muôn vàn lý do khác nhau khiến các nạn nhân lựa chọn im lặng.

Một khảo sát của Liên hợp quốc được thực hiện tại chín quốc gia thuộc các khu vực Trung Đông và Bắc Phi đã chỉ ra rằng, nạn quấy rối trực tuyến là loại bạo lực vô cùng phổ biến, đặc biệt là đối với giới nữ trong thời gian giãn cách, phải ở nhà vì đại dịch. Những kẻ tội phạm đã coi internet là một “mảnh đất trù phú mới” để thực hiện các cuộc quấy rối. Nhiều phụ nữ đã phải chịu đựng “đòn tấn công kép” khi vừa là nạn nhân của bạo lực trực tuyến, vừa lo sợ bị gia đình và cộng đồng đổ lỗi.

“Quan niệm truyền thống tại nhiều quốc gia vẫn còn cho rằng phụ nữ không phải là nạn nhân mà là đồng phạm. Chính điều này đã khiến nạn nhân không dám đứng lên tố cáo kẻ ác, ngược lại, bị chúng kiểm soát nhiều hơn”, tiến sĩ Ibrahim Akel từ Viện Sức khỏe gia đình tại Jordan cho hay.

Một phụ nữ Liban trong cuộc biểu tình chống quấy rối tình dục, cưỡng hiếp và bạo lực gia đình ở Beirut.Một phụ nữ Liban trong cuộc biểu tình chống quấy rối tình dục, cưỡng hiếp và bạo lực gia đình ở Beirut.

Nhận định thủ phạm thường là những người thân quen, người tình của nạn nhân, giám đốc điều hành Trung tâm Trợ giúp pháp lý tại Jordan, Hadeel Abdel Aziz cho biết: “Ban đầu chỉ là các cuộc trò chuyện thông thường, sau đó thủ phạm sẽ tìm cách ghi lại những hình ảnh nhạy cảm của nạn nhân”. Chỉ đến khi sự việc phát triển thành những vụ tống tiền, nạn nhân mới sợ hãi tìm kiếm sự giúp đỡ. Tuy nhiên nhiều phụ nữ đã bị kỳ thị, đổ lỗi từ phía gia đình, điều này vô hình chung đã gây ra áp lực tàn phá sức khỏe tinh thần của họ. “Rất nhiều trường hợp rơi vào cảnh trầm cảm, thậm chí tự tử. Bởi theo các nạn nhân đó là cách duy nhất để giải quyết vấn đề”, Hadeel Abdel Aziz nói.

Liban đã ghi nhận mức tăng kỷ lục 184% tội phạm mạng trong năm 2020, trong đó có đến 41% nhắm vào trẻ em gái và phụ nữ từ 12 đến 26 tuổi. Hayat Mirshad, đồng sáng lập nhóm Fe-Male cho rằng: “Internet trong cuộc khủng hoảng Covid-19 như một “cứu cánh” giúp kết nối với thế giới bên ngoài, tuy nhiên, nó cũng là nguyên nhân khiến bạo lực với nữ giới lan rộng”.

Ai Cập cũng không ngoại lệ khi các vụ quấy rối đang dần chuyển từ đường phố sang mạng xã hội. Trong số các khiếu nại mà các tổ chức Ai Cập nhận được, có đến 70% là quấy rối trực tuyến - tăng 25% so với trước đại dịch. Thủ phạm trong một số trường hợp đã xâm nhập vào điện thoại của nạn nhân để đánh cắp những hình ảnh nhạy cảm. Ông Reda Eldanbouki, giám đốc điều hành Trung tâm Hướng dẫn và nhận thức pháp luật Ai Cập nhận định, do lo sợ sự kỳ thị của xã hội nếu việc bạo lực trực tuyến bị lộ ra nên nhiều gia đình đã hạn chế cho con em truy cập internet hoặc tịch thu điện thoại của chúng. Điều này cũng hạn chế việc học và làm việc trực tuyến của nhiều người.

Sophie Mortimer, quản lý đường dây nóng Revenge Porn do chính phủ Anh tài trợ, cho biết số người trưởng thành tìm kiếm sự hỗ trợ cho việc lạm dụng hình ảnh thân mật đã tăng gần gấp đôi vào năm ngoái, lên 3.146 trường hợp trong đó nữ chiếm 62% và phần lớn rơi vào tình trạng khủng hoảng.

Folami Prehaye, người sáng lập nhóm hỗ trợ VOIC có trụ sở tại Anh, khẳng định: “Đây là một hình thức lạm dụng. Cho dù đó là trực tuyến hay ngoại tuyến, đó vẫn là lạm dụng tình dục. Do đó thủ phạm cần phải được pháp luật xử lý!”.

Một nghiên cứu quốc tế được thực hiện bởi Đại học RMIT, Úc Đại học London cho thấy một tỉ lệ đáng lo ngại khi cứ trong ba người thì có một người ở các nước Úc, New Zealand và Anh đã từng trải qua một vài hình thức bạo lực tình dục trực tuyến dựa trên việc bị phát tán những hình ảnh nhạy cảm cá nhân.

Các chuyên gia đến từ nhiều quốc gia trên thế giới đã khẳng định, chỉ có giáo dục và nâng cao nhận thức mới là chìa khoá mang tính quyết định nhất nhằm có thể ngăn chặn triệt để bạo lực trực tuyến nói chung và lạm dụng hình ảnh nói riêng, cùng với đó là cần phải thiết lập các cơ chế hỗ trợ bài bản và chi tiết cho các nạn nhân.

NGỌC HÀ

Tin cùng chuyên mục

Bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

(PNTĐ) - Ông Phạm Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á, Bộ Ngoại giao vừa được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam. Đáng chú ý, ông Phạm Thanh Bình được tiến cử làm Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc với thời hạn nhiệm kỳ 5 năm thay cho ông Phạm Sao Mai.
Công dân Việt Nam vẫn an toàn giữa căng thẳng Iran-Israel

Công dân Việt Nam vẫn an toàn giữa căng thẳng Iran-Israel

(PNTĐ) - Đại sứ quán Việt Nam tại Israel và Iran tiếp tục ra thông báo khuyến cáo công dân các biện pháp bảo đảm an toàn trước tình hình xung đột leo thang phức tạp giữa Israel và Iran. Đồng thời, Đại sứ Israel tại Việt Nam khẳng định, Israel cam kết bảo đảm an toàn cho công dân Việt Nam.