Chưa hài hòa lợi ích doanh nghiệp và người dân

Chia sẻ

Hơn 10 năm qua, toàn thành phố Hà Nội mới cải tạo, xây dựng được 18 trong tổng số 1.579 chung cư cũ (CCC), chiếm tỷ lệ 1%. Người dân luôn nơm nớp lo sợ khi sống trong những chung cư cũ nát, xuống cấp trầm trọng, trong khi doanh nghiệp (DN) không mặn mà với việc cải tạo, xây dựng vì không thu được lợi nhuận.

Khu C, Khu tập thể ba tầng, phường Hà Cầu, quận Hà ĐôngKhu C, Khu tập thể ba tầng, phường Hà Cầu, quận Hà Đông (Ảnh: Vân Nga)

Nhu cầu cấp bách

Bà Đỗ Thị Minh Hương (64 tuổi) đã ở khu tập thể Nhà máy thuốc lá Thăng Long từ năm 1960. Lớn lên bà lập gia đình rồi lại mua nhà về khu tập thể này ở. Bà Hương cùng chồng và hai con sinh sống trong khu C, căn hộ tầng 2, diện tích chỉ chừng 20m2, trong đó 16m2 là sổ đỏ, còn lại là “chuồng cọp” cơi nới.

Bà Đỗ Thị Hương ở nhà C, khu tập thể Nhà máy thuốc lá Thăng LongBà Đỗ Thị Hương ở nhà C, khu tập thể Nhà máy thuốc lá Thăng Long (Ảnh: Vân Nga)

Bước vào khu tập thể với hành lang dài hun hút, hai bên là các căn hộ, ban ngày phải bật điện thì mới nhìn thấy. Không gian tối, bí, ẩm mốc lẫn với mùi nhà vệ sinh. Ở đây, mỗi tầng có 35 căn nhà, với 140 nhân khẩu (bình quân 4 người/hộ) nhưng chỉ có 2 nhà vệ sinh nữ, 2 nhà vệ sinh nam, hố xí xổm.

Bà Hương phân trần, khu nhà ở chủ yếu là công nhân nhà máy, thu nhập thấp, có những căn hộ chỉ có 8m2 cộng thêm 1-2m2 cơi nới. Trong điều kiện sống chật hẹp, người dân vẫn gắn bó nơi này bởi cũng không đủ sức đi nơi khác. “Chúng tôi rất mong được hỗ trợ xây dựng mới để được cải thiện môi trường sống” - bà mong mỏi. Gần chục năm trước, DN vào đo đạc, nhiều người dân vừa phấn khởi nghĩ về một nơi ăn chốn ở mới đã đến gần, song từ đó đến nay vẫn bặt tăm.

Bà Lê Thùy Hương, Chủ tịch Hội LHPN phường Khương Đình cho biết, các khu tập thể cũ trên địa bàn phường đang xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Các hộ dân chủ yếu là công nhân làm trong các nhà máy, nay nghỉ hưu với đồng lương ít ỏi, đa số được 2-3 triệu đồng/tháng, nhiều người chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng. Cuộc sống gặp nhiều khó khăn, nhiều gia đình ở 3 thế hệ trong hơn 10m2... Vì vậy, người dân mong muốn được nhà nước hỗ trợ, DN vào cuộc để cải tạo, xây dựng khu nhà mới cho người dân được nâng cao chất lượng môi trường sống.

Khu nhà tập thể ba tầng (được xây dựng từ năm 1976) ở phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, đã 2 lần được DN đến đàm phán với người dân nhưng chưa thống nhất được. Là một trong những người chưa đồng tình với phương án của DN, ông Lê Thanh Kiện (77 tuổi) ở tầng 1, nhà C cho hay: “Tôi ủng hộ việc xây dựng mới để cải thiện đời sống cư dân, song còn băn khoăn về pháp lý, ai là người ký quyết định phê duyệt dự án? Ông Kiện cho rằng, không thể chỉ DN làm việc với người dân mà phải là cấp chính quyền đứng ra; đồng thời phải công khai, hài hòa lợi ích của DN và người dân; hệ số đền bù và phần diện tích cơi nới mà người dân sử dụng nhiều năm nay cũng phải được chi trả hợp lý”.

Ông Lê Thanh Kiện cư dân ở Khu C, Khu tập thể ba tầng, phường Nguyễn Trãi, quận Hà ĐôngÔng Lê Thanh Kiện cư dân ở Khu C, Khu tập thể ba tầng, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông (Ảnh: Vân Nga)

Vướng từ cơ chế đến thực thi

Tiến sĩ Lê Xuân Rao, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội cho biết, cải tạo CCC trên địa bàn Thủ đô đang là thách thức và là một trong những nhiệm vụ được đề cập trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội.

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Luyện Văn Phương, toàn thành phố (TP) có 1.579 CCC, bao gồm 1.273 nhà thuộc 76 khu CCC và 306 CCC độc lập, được xây dựng từ những năm 1960-1990, quy mô từ 2-5 tầng với kết cấu tường gạch, bê tông lắp ghép, nhiều khu nguy cấp mức độ D có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Sau hơn 10 năm triển khai chương trình cải tạo xây dựng CCC, vẫn ì ạch chỉ có 18 CCC được cải tạo, xây dựng mới, chiếm hơn 1% và 378 CCC được kiểm định và đánh giá phân loại theo các cấp độ nguy hiểm tăng dần A, B, C và D.

Chia sẻ về những khó khăn trong việc cải tạo, xây dựng lại CCC, ông Luyện Văn Phương cho biết: "Đó là các vướng mắc về trình tự thực hiện dự án; quy định 100% chủ sở hữu đồng thuận; quy định việc cải tạo, xây dựng lại CCC phải triển khai theo nguyên tắc toàn khu; quy định khống chế về các chỉ tiêu dân số, chiều cao công trình, mật độ xây dựng...". Là DN tham gia cải tạo, xây dựng nhà CCC, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư bất động sản Toàn Cầu (GP.Invest) cho rằng, ách tắc trong cải tạo CCC còn do không có những quy định cụ thể về vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan như: Chủ sở hữu căn hộ; chủ đầu tư dự án; cấp chính quyền từ phường đến TP. Song vai trò, trách nhiệm của quận, phường hiện rất mờ nhạt. Ông Hiệp nói: “Đã là DN thì kinh doanh đầu tư phải có hiệu quả, còn cư dân thì trăm người trăm ý và luôn muốn bảo vệ quyền lợi cá nhân nên rất khó đạt được sự đồng thuận”.

Theo Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh, tiến độ cải tạo, xây mới các khu CCC thời gian qua chậm là do còn những khó khăn vướng mắc, trong đó chủ yếu liên quan đến quy định của Luật Nhà ở, Nghị định 101/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể, trong những quy định như phải đảm bảo 100% các chủ sở hữu nhà đồng thuận; quy định chọn nhà đầu tư; quy định về kết quả kiểm định nhà chung cư; quy định hệ số sử dụng đất, chiều cao công trình khu vực nội đô phải được Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận.

Vấn đề nguồn lực tài chính thực hiện còn khó khăn, cần phải huy động các nguồn lực xã hội hóa; việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo cơ chế, chính sách của TP chưa được người dân đồng thuận; với việc cải tạo, xây dựng mới toàn khu CCC, chủ đầu tư phải xây dựng mới hệ thống hạ tầng kĩ thuật, hạ tầng xã hội của khu làm tăng chi phí đầu tư...

Đây là việc của chính quyền thành phố

Để tháo gỡ nút thắt, khơi thông việc cải tạo, xây dựng nhà CCC, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, công tác quy hoạch cải tạo, tái thiết CCC cần có cơ chế đặc thù, cần sửa đổi một số văn bản pháp luật. Ông Nghiêm nói: "Quy hoạch cải tạo, tái thiết khu CCC phải được lập cho toàn khu, xác định rõ phạm vi nghiên cứu và lập quy hoạch. Các đồ án quy hoạch cải tạo đã lập cần công bố công khai, lấy ý kiến của cộng đồng dân cư và ý kiến rộng rãi của cơ quan, đơn vị. Từ đó, thẩm định phê duyệt có cân đối, hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, nhà nước và cộng đồng trong khu vực lập quy hoạch và có thể cân đối trong phạm vi toàn TP...".

Theo Chủ tịch Hội Xây dựng Hà Nội Nguyễn Văn Khôi, về quy hoạch nên nghiên cứu một số khu cho đặc thù về tầng hầm, chiều cao. Về nguồn vốn cần hỗ trợ lãi suất vay cho các DN tham gia cải tạo, xây dựng lại CCC, miễn giảm thuế nhập khẩu thiết bị, vật liệu xây dựng… để tạo điều kiện tối đa cho các DN tham gia. Cần phân cấp mạnh cho quận, huyện gắn với quy định đặc thù và cần thiết phải có Ban chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại CCC.

KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhấn mạnh: “Việc cải tạo CCC là vấn đề xã hội, Nhà nước phải có trách nhiệm chính, còn DN tham gia đóng góp có lợi nhuận. Lợi nhuận này được thừa hưởng ngay tại những khu CCC sau cải tạo, hoặc những quỹ đất khác, đây chính là việc của chính quyền TP, phải đảm bảo hài hòa lợi ích cho DN”.

KTS Lưu Quang Huy, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho rằng, các khu tập thể cũ của Hà Nội cần được cải tạo và giữ gìn phù hợp để có thể vừa lưu giữ hình ảnh một thời của Hà Nội, vừa đem lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Tại Quyết định số 947-QĐ/TU ngày 20/4/2021 do Thành ủy Hà Nội ban hành, Thành ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo cải tạo CCC trên địa bàn TP. Theo đó, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh làm Trưởng ban Chỉ đạo. Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh, công tác cải tạo CCC là rất quan trọng, cấp thiết. Chủ tịch Chu Ngọc Anh nhấn mạnh: "Còn một số vướng mắc nằm ở Luật Nhà ở và tới đây tổng kết, sửa đổi Luật Thủ đô, cần sửa đổi, bổ sung các nội dung chính sách đặc thù. Trước mắt là tập trung xem xét những vướng mắc còn lại tại Luật Nhà ở, báo cáo Chính phủ, Quốc hội để có nghị quyết cho TP thực hiện một số nội dung chưa có trong quy định pháp luật...".

 VÂN NGA

Tin cùng chuyên mục

Hội LHPN Hà Nội tập huấn công tác đối ngoại năm 2024

Hội LHPN Hà Nội tập huấn công tác đối ngoại năm 2024

(PNTĐ) - Chiều 19/4, Hội LHPN Hà Nội tổ chức tập huấn công tác đối ngoại năm 2024 với chuyên đề: "Hiệp định Giơnevơ - Ý nghĩa lịch sử với tình hình Việt Nam và thế giới hiện nay”. Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Thị Thiên Hương đến dự.
 Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

(PNTĐ) - Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04 - Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, lực lượng chức năng phát hiện nhiều gói ma túy được đóng gói và có thiết bị định vị, để rồi sau đó các đối tượng buôn bán trục vớt mang đi tiêu thụ.
Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

(PNTĐ) - Biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX là hình ảnh kết hợp cấu trúc chữ tượng hình từ số lần Đại hội, biểu hiện thông qua chữ số IX, là sự tích hợp các hình tượng tiêu biểu xoay quanh biểu trưng Thanh niên Việt Nam.