Kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội

Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày 16/5/2021, GS.TS Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam - đã công bố bài viết rất quan trọng:“Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.

Bài viết không chỉ tiếp tục khẳng định, làm sáng tỏ đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam mà còn là căn cứ lý luận và thực tiễn đầy thuyết phục để đấu tranh phản bác những luận điệu phủ nhận, xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay.

Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định trong bài viết: CNXH là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam (Ảnh: TTXVN)Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định trong bài viết: CNXH là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam (Ảnh: TTXVN)

Nhận thức đầy đủ để kiên định một cách sáng tạo con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở nước ta là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, bài viết đã đề cập đến những vấn đề cốt lõi và toàn diện nhất về con đường đi lên CNXH ở Việt Nam hiện nay. Tổng Bí thư đã luận giải sự lựa chọn đúng đắn con đường đi lên CHNX ở nước ta. Trong bài viết, đồng chí Tổng Bí thư khẳng định đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam là sự kế thừa, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng nước ta. Đó là: “Ngay khi mới ra đời và trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn khẳng định: CNXH là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam; đi lên CNXH là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam”.

Bài viết đã lược khảo đường lối xây dựng CNXH của Đảng từ Cương lĩnh chính trị năm 1930 đến Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011). Từ đó bài viết khẳng định đường lối phát triển đất nước của Đảng ta qua các thời kỳ lịch sử vừa có sự nhất quán, vừa có sự bổ sung, phát triển và ngày càng hoàn thiện hơn cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn: “Trong những năm tiến hành công cuộc đổi mới, từ tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận, Đảng Cộng sản Việt Nam từng bước nhận thức ngày càng đúng đắn hơn, sâu sắc hơn về CNXH và thời kỳ quá độ đi lên CNXH; từng bước khắc phục một số quan niệm đơn giản trước đây”. Đây là một nhận định khách quan, trên cơ sở của quá trình tổng kết thực tiễn về đường lối lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ đổi mới. Đồng thời trực diện phản bác những quan điểm cố tình xuyên tạc, bóp méo khi cho rằng đường lối cách mạng của Đảng ta “thể hiện rõ sự bảo thủ, thiếu đổi mới, sáng tạo”.

Thông qua bài viết, Tổng Bí thư cũng chỉ ra những đặc điểm cơ bản nhất của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta đang xây dựng, bài viết đã khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới và bảo đảm cho đất nước phát triển theo đúng định hướng CNXH. Từ việc chỉ ra những kết quả toàn diện trên các mặt mà nước ta đã đạt được, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng nổ trên phạm vi toàn cầu, đồng chí Tổng Bí thư đã khẳng định: “Việc thực hiện đường lối đổi mới đã đem lại những chuyển biến rõ rệt, hết sức sâu sắc và tích cực ở Việt Nam: kinh tế phát triển, lực lượng sản xuất được tăng cường; nghèo đói giảm nhanh, liên tục; đời sống nhân dân được cải thiện, nhiều vấn đề xã hội được giải quyết; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng được mở rộng; thế và lực của quốc gia được tăng cường; niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng được củng cố”.

Từ đó, đồng chí Tổng Bí thư đã đưa ra quan điểm mang tính khái quát, có tính quy luật với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Đó là: “sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam”(4). Quan điểm này có sự thống nhất với khẳng định của Đại hội XIII về nguyên nhân dẫn đến những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của nước ta qua 35 năm tiến hành đổi mới đất nước: “Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử là kết tinh sức sáng tạo của Đảng và nhân dân ta, khẳng định con đường đi lên CNXH của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam”.

Từ đó, đồng chí Tổng Bí thư dẫn lại nhận định của Đại hội XIII về tầm quan trọng của đường lối, cương lĩnh của Đảng: “Cương lĩnh chính trị của Đảng tiếp tục là ngọn cờ tư tưởng, lý luận dẫn dắt dân tộc ta vững vàng tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; là nền tảng để Đảng ta hoàn thiện đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới”.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng khẳng định: “Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”. Đây được coi là một trong những vấn đề “mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”.

Bài viết của đồng chí Tổng Bí thư không chỉ làm sáng tõ thêm, sâu sắc thêm những vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt mà còn khẳng định sự lựa chọn của Đảng ta về con đường đi lên CNXH là hoàn toàn đúng đắn. Sự lựa chọn đó không chỉ phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân ta mà còn phù hợp với điều kiện, thực tiễn của Việt Nam. Những kết quả đã đạt được của nước ta trên các phương diện, lĩnh vực qua 35 năm đổi mới được đồng chí Tổng Bí thư khẳng định lại trong bài viết chính là những bằng chứng không gì thuyết phục hơn để khẳng định đường lối lãnh đạo của Đảng chính là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đây cũng chính là luận cứ khoa học sắc bén để phản bác lại những luận điệu cố tình bóp méo, xuyên tạc, phủ nhận đường lối lãnh đạo của Đảng ta.

Đúng như đồng chí Tổng Bí thư khẳng định, con đường đi lên CNXH ở Việt Nam còn rất nhiều khó khăn, thử thách; đường lối lãnh đạo của Đảng vì thế cũng cần được tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo để luôn có thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống. Bài viết thể hiện sự thống nhất, sự tiếp nối từ Cương lĩnh quá độ lên CNXH ở Việt Nam năm 1991, Cương lĩnh quá độ lên CNXH ở Việt Nam (bổ sung, phát triển) năm 2011, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Một lần nữa Đảng ta khẳng định sự kiên định trong lập trường, tư tưởng và cũng là thể hiện bản lĩnh của một Đảng cầm quyền được Bác Hồ vĩ đại sáng lập, rèn luyện. Nhận thức đầy đủ để đi đến thống nhất trong tư duy và hành động của mỗi đảng viên, của mỗi cán bộ, của mỗi người dân Việt Nam tạo nên sức mạnh to lớn trên con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hùng cường đúng theo tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

TS. TỐNG ĐỨC THẢO 

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Giáo sư-Tiến sĩ Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân, Đại biểu Quốc hội khóa XIV (ảnh dưới):

Mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là sự sáng tạo riêng có của Việt Nam

Kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội - ảnh 2

Mô hình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) là sự sáng tạo độc đáo riêng có của Việt Nam sau 35 năm đổi mới. Đó là sự kết hợp tài tình giữa những ưu việt của nền kinh tế thị trường với kinh tế XHCN và khắc phục các khiếm khuyết của cơ chế thị trường bằng vai trò quản lý của Nhà nước.

Nền tảng phát triển của kinh tế thị trường là dựa trên chế độ tư hữu và sở hữu tư nhân trong khi nền kinh tế XHCN dựa trên nền tảng của chế độ công hữu. Sự kết hợp hài hòa trong mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN là sự tồn tại song trùng có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế.

Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố và phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Quan hệ phân phối trong nền kinh tế XHCN là chế độ phân phối dựa trên lao động để tiến tới phân phối theo nhu cầu trong khi nền kinh tế thị trường quan hệ phân phối dựa vào sự đóng góp của các nguồn lực đều được qui thành tiền.

Trong mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN, quan hệ phân phối thực hiện theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Cơ chế điều tiết trong nền kinh tế thị trường là qui luật giá trị lấy lợi nhuận là thước đo điều tiết các hoạt động kinh tế. Cơ chế điều tiết nền kinh tế XHCN là công cụ quy hoạch và kế hoạch hóa tập trung do Nhà nước điều khiển.

Trong mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN, Nhà nước quản lý nền kinh tế bằng pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch được xây dựng dựa trên đánh giá hiệu quả mang lại, đồng thời sử dụng các chính sách kinh tế dựa trên các qui luật thị trường, sử dụng các công cụ lợi ích vật chất để kích thích, điều tiết, thúc đẩy phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội.

VÂN NGA (ghi)

Tin cùng chuyên mục

17 tác phẩm xuất sắc được trao giải thưởng sáng tác tranh cổ động về Điện Biên Phủ và Bộ đội Trường Sơn

17 tác phẩm xuất sắc được trao giải thưởng sáng tác tranh cổ động về Điện Biên Phủ và Bộ đội Trường Sơn

(PNTĐ) - Tại Lễ tổng kết và trao giải thưởng cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn, Ban tổ chức đã trao giải cho 17 tác phẩm xuất sắc.
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội kiểm tra các dự án, khu chung cư tăng giá bất thường

Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội kiểm tra các dự án, khu chung cư tăng giá bất thường

(PNTĐ) - Bộ Xây dựng vừa có Công văn số 1488/BXD-QLN gửi UBND thành phố Hà Nội về việc tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản tại địa bàn. Theo đó, đề nghị UBND thành phố Hà Nội tập trung chỉ đạo có hiệu quả các nội dung này và có báo cáo gửi về Bộ trước ngày 20/4/2024.
Bà Văn Thúy Hoa tái đắc cử Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Bắc Từ Liêm

Bà Văn Thúy Hoa tái đắc cử Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Bắc Từ Liêm

(PNTĐ) - Với tinh thần “đoàn kết - dân chủ - trách nhiệm - sáng tạo - phát triển”, Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam quận Bắc Từ Liêm lần thứ III, nhiệm kỳ 2024-2029 đã hiệp thương dân chủ, cử ra Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Bắc Từ Liêm khóa III gồm 55 đại biểu. Bà Văn Thúy Hoa tái đắc cử chức danh Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Bắc Từ Liêm khóa III.