Hàn Quốc đau đầu với nạn "quay lén"

Chia sẻ

Trong những năm gần đây nạn quay lén hoành hành ở Hàn Quốc như "dịch bệnh". Phụ nữ không thể tránh bị quay lén trong các trung tâm mua sắm, nhà vệ sinh công cộng hoặc thậm chí trong phòng tắm của chính mình.

Hậu quả nghiêm trọng

Cuối năm 2019, cảnh sát Hàn Quốc điều tra một vụ tự tử kỳ lạ. Tháng 10 năm đó, một nữ nhân viên bệnh viện được phát hiện đã chết tại nhà ở Tây Nam nước này. Theo lời người thân, cô đưa ra "quyết định cực đoan" kết liễu cuộc đời mình. Người thân của nạn nhân cho biết, thời gian cuối cô gái bị những cơn ác mộng dày vò khiến cô không thể chống chọi được với những tổn thương tâm lý.

Theo nhận định của gia đình và cảnh sát, nguyên nhân khiến nạn nhân tự tử là do sự cố xảy ra tại nơi làm việc. Một bác sĩ giải phẫu bệnh học của bệnh viện này đã khoan một lỗ trên tường phòng thay đồ nữ và lắp camera ẩn. Nạn nhân là bốn nữ nhân viên làm việc tại cơ sở y tế này, họ bị quay lén khi đang thay đồ. Cảnh sát phát hiện tên bác sĩ biến thái này còn bí mật chụp lén dưới váy phụ nữ, ngay cả khi hắn đang đi mua sắm cùng gia đình.

Theo người cha của nạn nhân, cô không chịu đựng nổi việc có người nhìn thấy mình trong những khoảnh khắc riêng tư kín đáo. Lo sợ rằng việc bị quay lén sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp của mình, cô xin bố mẹ không được kể điều này với bất cứ ai. Mặc dù được gia đình ủng hộ nhưng cô đã không thể vượt qua được bi kịch này.

Tên bác sĩ giải phẫu bệnh học quay lén nữ đồng nghiệp bị kết án 10 tháng tù cho những gì hắn ta đã làm. Đây không phải là vụ nổi tiếng duy nhất về những đoạn phim quay lén bị bọn tội phạm mạng đăng công khai trên các trang web khiêu dâm. Số lượng nạn nhân đang tăng lên hàng năm, nhưng vấn đề vẫn chưa được giải quyết. Ngược lại, càng ngày càng xuất hiện thêm những trường hợp mới và nghiêm trọng.

Thành viên của đội “săn camera giấu kín” của thành phố Seoul kiểm tra một phòng vệ sinh nữ.Thành viên của đội “săn camera giấu kín” của thành phố Seoul kiểm tra một phòng vệ sinh nữ.

Nguy cơ rình rập khắp mọi nơi

Tội phạm tình dục ngày càng trở nên phức tạp hơn đối với các nhân viên thực thi pháp luật Hàn Quốc. Trong năm 2018, khoảng 6800 nạn nhân đã tìm đến cảnh sát, trong đó 84% là phụ nữ. Để so sánh: trong năm 2012, số đơn tố cáo loại này mà cảnh sát nhận được là 2400. Điều này không có nghĩa là sự cố trong thực tế ít hơn. Có lẽ, nạn nhân chỉ đơn giản là không biết họ bị quay lén, hoặc cảm thấy xấu hổ không dám kể về điều đó.

Tháng 3 năm 2019, hai người đàn ông Hàn Quốc bị bắt vì tung lên mạng "video thân mật" của 1.500 khách tại các nhà nghỉ trên khắp cả nước. Theo đó, các camera giấu kín được đặt ở ba mươi khách sạn tại hàng chục thành phố, sau đó chúng tung các đoạn video quay lén lên mạng để kiếm tiền.

Trang web trả phí đăng hơn 800 đoạn video. Những kẻ tấn công đã sử dụng máy chủ nước ngoài để che giấu địa chỉ IP người dùng. Đây là lần đầu tiên xác định được tên tuổi những tên tội phạm nấp sau các trang web nước ngoài. Tuy nhiên, chúng đã kịp thu lợi bảy triệu won (6200 USD).

Hầu như không thể phát hiện máy quay lén do chúng thường là loại camera siêu nhỏ có đường kính chỉ khoảng 1mm. Tội phạm có thể giấu máy quay ở bất cứ nơi đâu: trong giá đỡ máy sấy tóc, bộ định tuyến, ổ cắm, thậm chí sau nhãn lọ sữa tắm. Không chỉ thanh thiếu niên mà đối tượng phạm tội còn có cả các thành phần được cho là "trí thức" như giáo sư, nhà lãnh đạo tôn giáo ở các độ tuổi, ngành nghề và trình độ học vấn khác nhau, thậm chí cả những người nổi tiếng.

Năm 2018, cả Hàn Quốc rung chuyển trước vụ bê bối xung quanh ngôi sao nhạc pop K-pop Jung Joon Young. Tòa án Hàn Quốc tuyên phạt sao này 6 năm tù vì quan hệ tình dục với một phụ nữ, quay lén quá trình này và tung lên mạng mà không được sự đồng ý của cô ấy. Nam ca sĩ thừa nhận đã lén quay clip thân mật với 10 người khác khác và gửi các đoạn phim lên chat cho bạn bè xem.

Ở Hàn Quốc, những tội ác như vậy có thể bị tuyên án lên tới 5 năm tù giam hoặc phạt tiền 30 triệu won (tương đương 26.500 USD). Tuy nhiên, các nhà hoạt động nhân quyền cho rằng trong số tất cả bị đơn tố cáo trong năm 2018, chỉ có 1/3 trường hợp phải ra tòa và chỉ 1/10 vụ kết thúc bằng án tù. Tại đồn cảnh sát, nhiều nạn nhân được thông báo rằng dù sao vẫn không xóa video khỏi Internet được, vì vậy trừng phạt kẻ tấn công sẽ không có ý nghĩa gì.

Thái độ thiếu nghiêm túc của cảnh sát khiến phụ nữ Hàn Quốc phẫn nộ. Năm 2018, tại Seoul, khoảng 70.000 phụ nữ đã tuần hành với khẩu hiệu “Cuộc sống của tôi không phải là phim khiêu dâm của các người”. Mặc dù phim khiêu dâm bị cấm ở Hàn Quốc, nhưng điều này không giúp ích gì cho cuộc chiến chống nội dung bất hợp pháp.

Dùng thiết bị dò camera quay lén là một phần trong công việc của những Nhân viên dọn nhà vệ sinh công cộng.Dùng thiết bị dò camera quay lén là một phần trong công việc của những Nhân viên dọn nhà vệ sinh công cộng.

Cuộc chiến không thành công

Tuy nhiên, nhà chức trách Hàn Quốc không khoanh tay đứng nhìn. Kể từ năm 2004, quốc gia này đã cấm bán điện thoại có thể tắt âm thanh của màn trập máy ảnh khi chụp. Tuy nhiên nó không ngăn được người dùng điện thoại thông minh tải xuống các ứng dụng cho phép họ chụp ảnh không gây tiếng động.

Người tạo ra ứng dụng chụp ảnh im lặng Silence Camera, ông Hong Sung Ying giải thích rằng tiện ích mở rộng này dành cho những người cần chụp ảnh trong thư viện hoặc những nơi khác mà họ không thể tạo ra tiếng ồn. Ứng dụng cũng thuận tiện hơn khi được dùng để chụp ảnh động vật phản ứng với tiếng động. Đây là một trong những ứng dụng phổ biến nhất trên App Store Hàn Quốc với khoảng 800.000 lượt tải xuống. Thêm vào đó, ứng dụng này hoàn toàn miễn phí.

Kể từ năm 2017, tại thủ đô Hàn Quốc bắt đầu có các biệt đội chống quay lén. Việc camera được gắn trên thang cuốn, trên ủng và quần áo của những kẻ vi phạm vẫn khó giải quyết. Tuy nhiên, máy quay lén ở những nơi công cộng như nhà vệ sinh, bể bơi, phòng thay đồ… đều đã bị cảnh sát vô hiệu hóa.

Các đội tình nguyện tìm kiếm camera giấu kín bằng máy dò, thực hiện phát tờ rơi và tuyên truyền về sự nguy hiểm của việc quay lén. Nhưng ngay cả thành viên của những đội đặc biệt như vậy cũng thừa nhận rằng công việc của họ rất ít tác dụng.

Ngoài ra, những kẻ ghen tuông bệnh hoạn còn nhờ đến sự hỗ trợ của camera gián điệp. Một số người đặt thiết bị ghi âm cỡ đầu kim tại nhà để theo dõi nửa kia của mình. Trong trường hợp này, thám tử tư có thể giúp những ai nghi ngờ đang bị người thân theo dõi.

Một trong số thám tử đó là Sang Hae Young. Hàng tháng công ty ông nhận được khoảng 500 cuộc gọi từ những nạn nhân bị quay lén. Các nhân viên của ông được trang bị những thiết bị chuyên dụng để phát hiện máy quay lén.

Theo Sang Hae Young, nhà nước không thể cung cấp cho các đồn cảnh sát những thiết bị như vậy vì chúng quá đắt. Do đó, chỉ những khách hàng cá nhân mới đủ khả năng giám sát như vậy. Ngoài ra, khác với thám tử tư, cảnh sát không có khả năng phát hiện camera ẩn, họ thậm chí không biết tìm ở đâu, cái tìm gì và tìm thế nào.

Có lẽ trở ngại lớn nhất của cuộc chiến chống quay lén là những kẻ muốn dòm ngó phòng thay đồ nữ hoặc dưới váy có thể dễ dàng mua được máy quay không chỉ trên mạng, mà ngay cả ở sạp hàng ngoài chợ. “Chúng được bán công khai và rẻ - chỉ khoảng 50 USD”.

Vấn đề chính là nguồn cung luôn có đủ ở những nơi nguồn cầu ổn định. Ở Hàn Quốc, không thiếu người tiêu dùng cho những nội dung như vậy.

AN HOÀ

Tin cùng chuyên mục

Tăng cường hợp tác ASEAN trong lĩnh vực thông tin truyền thông

Tăng cường hợp tác ASEAN trong lĩnh vực thông tin truyền thông

(PNTĐ) - Để công chúng hiểu rõ hơn về ASEAN, các cơ quan báo chí Việt Nam cần có những tác phẩm báo chí phân tích, nhận định chuyên sâu hơn về các cơ hội cũng như thách thức và thành tựu mà khối ASEAN đã đạt được. Đặc biệt là trong bối cảnh tình hình thế giới nhiều biến động.