Báo chí luôn tiên phong trên các mặt trận “nóng”
Luôn luôn có mặt trên tuyến đầu các mặt trận “nóng” để đưa tin nhanh chóng, tuyên truyền kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các nhiệm vụ trọng tâm và đột xuất, tạo được sự đồng thuận, đoàn kết trong nhân dân, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế... là những đóng góp tích cực của báo chí Việt Nam thời gian qua.
Nhân dịp kỷ niệm 96 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực (PCT TT) Hội Nhà báo Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Báo Phụ nữ Thủ đô về những đóng góp thầm lặng của lực lượng báo chí trong các sự kiện lớn của đất nước thời gian qua, cũng như những thách thức mà báo chí Việt Nam đang phải đối diện trong bối cảnh hiện nay.
Nhà báo Hồ Quang Lợi – Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam
Khơi dậy bồi đắp niềm tin của nhân dân với Đảng
PV: Trong năm 2020, 2021, nước ta đã diễn ra nhiều sự kiện chính trị lớn, đánh dấu bước ngoặt lớn như: Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, ông đánh giá như thế nào về vai trò cũng như đóng góp của lực lượng báo chí vào thành công của các sự kiện quan trọng này?
PCT TT Hồ Quang Lợi: Tính từ đầu năm 2020 đến nay, trong vòng 18 tháng qua, đất nước chúng ta có nhiều sự kiện lớn, đồng thời phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong các sự kiện ấy, báo chí đều tham gia với vai trò rất tích cực, hiệu quả.
Với sự kiện Đại hội Đảng bộ các cấp và tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, qua tuyên truyền của báo chí đã bừng lên niềm tự hào về đất nước, về dân tộc, khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, bồi đắp niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng CNXH ở Việt Nam. Những quyết sách quan trọng từ các cấp, các ngành, địa phương, đặc biệt là dấu ấn lịch sử của Đại hội Đảng lần thứ XIII đã được báo chí phản ánh hết sức sâu đậm. Hiệu quả tuyên truyền của báo chí đi sâu vào trong nhận thức, tình cảm của từng người dân.
Trong tuyên truyền về Đại hội Đảng, chúng ta giải quyết được hai vấn đề lớn. Thứ nhất là tuyên truyền rất tốt những nội dung, quyết sách, kế sách, những biện pháp trong từng lĩnh vực, cũng như mang tính chất tổng thể về xây dựng và phát triển đất nước. Thứ hai, báo chí tuyên truyền sống động công tác xây dựng Đảng bằng việc chọn được những cán bộ ưu tú vào các cấp lãnh đạo, đồng thời là dịp để chúng ta làm trong sạch bộ máy, củng cố tổ chức Đảng từ cơ sở đến trung ương.
Cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2016 là cuộc bầu cử trong hoàn cảnh đặc biệt, diễn ra khi làn sóng Covid-19 lần thứ 4 bùng phát. Thế nhưng qua sự phản ánh của báo chí, chúng ta thấy cuộc bầu cử đã diễn ra rất thành công, với số lượng người dân đi bầu chiếm tới 99,6%. Tất các khu vực bầu cử đều thực hiện đúng quy định của pháp luật, an toàn, kết quả rất tốt đẹp. Cuộc bầu cử này một lần nữa thể hiện sức mạnh của hệ thống chính trị, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Để tạo được hiệu quả tuyên truyền đó, các nhà báo đã có mặt trên các điểm bầu cử từ vùng núi đến hải đảo, từ nông thôn đến thành phố, từ các điểm cách ly, bệnh viện đang điều trị bệnh nhân Covid-19 bất chấp nguy hiểm, khó khăn, vất vả.
PV: Ngoài sự tham gia hiệu quả, tích cực trong các sự kiện chính trị lớn của đất nước, báo chí còn có đóng góp gì trên các lĩnh vực khác, thưa ông?
PCT TT Hồ Quang Lợi: Song song với đó, báo chí vẫn không ngừng đẩy mạnh cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, phát hiện nhiều vụ việc. Trong quá trình xử lý các vụ án lớn có sự đóng góp hiệu quả của báo chí. Hội nghị tổng kết công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, giai đoạn 2013-2020 đã đánh giá cao vai trò quan trọng của báo chí.
Một việc tôi thấy cần nhấn mạnh, đó là trong năm 2020, miền Trung bị lũ lụt, thiên tai khốc liệt chưa từng có. Báo chí cũng đã nhanh chóng vào cuộc, có mặt ở những nơi gian khổ, khó khăn nhất để đưa tin, nêu bật được tinh thần dũng cảm của các lực lượng trên tuyến đầu cứu dân, giúp đỡ dân. Tinh thần vì dân được thể hiện sáng ngời trong các tác phẩm báo chí. Những hành động vì sự an toàn tính mạng của người dân, sự hỗ trợ rất kịp thời của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, sự ủng hộ của nhân dân, đối với đồng bào lũ lụt ở miền Trung, những vụ lở đất kinh hoàng… qua sự phản ánh của báo chí gây sự xúc động sâu sắc.
Một thành công lớn nữa mà báo chí đóng góp không nhỏ, đó là trong thời gian qua, chúng ta đã rất thành công trên mặt trận đối ngoại, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế. Báo chí làm nổi bật hình ảnh một đất nước Việt Nam chủ động, linh hoạt, đoàn kết, nhân ái, thực hiện thành công mục tiêu “kép”, vừa kiểm soát dịch tốt, vừa phát tiển kinh tế - xã hội, thu hút tốt đầu tư...
Tiên phong trên tuyến đầu chống đại dịch Covid-19
PV: Một trong những mặt trận “nóng” mà thời gian qua lực lượng báo chí đã dũng cảm dấn thân vào đó là phòng chống đại dịch Covid-19. Theo ông, trên mặt trận này, báo chí đã để lại “dấu ấn” đặc biệt gì?
PCT TT Hồ Quang Lợi: Chúng ta đã và đang kiểm soát đại dịch thành công, có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân hàng đầu là chúng ta đã làm công tác tuyên truyền rất tốt mà báo chí luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Ở đâu có hoạt động chống dịch, dù là ở biên giới, khu cách ly, các trung tâm điều trị bệnh… luôn luôn có mặt của phóng viên báo chí, đưa những thông tin chính xác, tin cậy, bổ ích, để từ đó tạo một thế trận lòng dân chống dịch.
Do kiểm soát dịch bệnh tốt và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, sáu tháng đầu năm nay, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được nâng hạng tín nhiệm do các tổ chức uy tín hàng đầu thế giới xếp hạng.
Đặc biệt gần đây, Chính phủ quyết định thành lập Quỹ vắc-xin phòng chống Covid-19. Báo chí đã tuyên truyền rất tốt ý nghĩa nhân văn, sâu sắc của Quỹ này. Đó là quỹ của lòng dân, của lòng nhân ái và đại đoàn kết toàn dân tộc… thể hiện ý chí quyết thắng dịch bệnh, huy động mọi nguồn lực của đất nước để chống dịch. Nhờ sự tuyên truyền tốt của báo chí, Quỹ vắc-xin đã trở thành phong trào toàn dân, trong mỗi đồng tiền đóng góp đều thể hiện trách nhiệm, ý chí của người Việt Nam, thể hiện niềm tin của người dân vào trận chiến chống dịch.
Nỗ lực vượt khó khi nguồn thu báo chí giảm sút
PV: Đại dịch Covid-19 đã khiến cho vấn đề kinh tế báo chí đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Theo ông, trong thời gian qua, các cơ quan báo chí đã phải nỗ lực vượt qua "cơn bão" này như thế nào?
PCT TT Hồ Quang Lợi: Vấn đề kinh tế đã được đề cập từ nhiều năm nay và càng ngày càng nóng bỏng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa xác định được thật rõ ràng các biện pháp phù hợp để giải quyết vấn kinh tế báo chí. Hiện nay, từng cơ quan báo chí vẫn đang thực hiện tháo gỡ khó khăn kinh tế theo cách của mình, để giải quyết vấn đề nội tại của từng tờ báo. Nhìn tổng thể, còn thiếu sự bài bản, tính hệ thống và tính bền vững.
Đặc biệt, vấn đề này càng trở nên cấp thiết hơn khi báo chí phải đối mặt với những khó khăn thách thức trong đại dịch Covid-19. Báo in vốn suy giảm nghiêm trọng từ nhiều năm nay, càng khó khăn khi đại dịch diễn ra. Có những tờ báo đã phải giảm kỳ và số lượng phát hành, thậm chí có những tờ báo đã phải đình bản trong một thời gian. Hầu hết các báo điện tử hiện nay chưa có nguồn thu từ nội dung tác phẩm báo chí, mà chỉ trông chờ vào quảng cáo và các bài PR quảng bá sản phẩm, thương hiệu. Nguồn thu này cũng đang gặp những khó khăn rất lớn, do “miếng bánh thị phần” quảng cáo đang bị thu hẹp một cách nghiêm trọng. Theo con số tính toán gần đây, báo chí Việt Nam chỉ chiếm lĩnh được 20% thị phần quảng cáo, còn lại 80% rơi vào các nền tảng công nghệ xuyên biên giới.
Tuy nhiên, trong khó khăn, các cơ quan báo chí cũng đang nỗ lực vượt khó. Thực tế, vẫn có những tòa soạn, cơ quan báo chí có cách làm sáng tạo để đứng vững và phát triển, nguồn thu tương đối tốt, duy trì hoạt động của tòa soạn, đảm bảo đời sống của cán bộ, viên chức. Điều đó chứng tỏ tinh thần vượt khó, sáng tạo, linh hoạt của các cơ quan báo chí để tiếp tục giữ được số lượng phát hành ở mức độ tương đối ổn định, trong bối cảnh hiện nay. Một vài tờ báo điện tử bắt đầu có được nguồn thu từ nội dung, mốt số tờ mở thêm các hoạt động khác như tổ chức sự kiện, hội thảo, các hội chợ, cuộc thi báo chí…
PV: Để tháo gỡ cho những khó khăn kinh tế của các cơ quan báo chí bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, năm ngoái, Hội Nhà báo Việt Nam đã có công văn gửi Chính phủ và Bộ Tài Chính đề nghị hỗ trợ các cơ quan báo chí. Vậy năm nay, Hội có tiếp tục đề nghị về vấn đề này nữa không?
PCT TT Hồ Quang Lợi: Từ năm 2020, dưới tác động của đại dịch, Hội Nhà báo đã có công văn gửi Chính phủ và Bộ Tài Chính, đề nghị Chính phủ quan tâm hỗ trợ báo chí với ba nội dung: Được sử dụng Quỹ phát triển sự nghiệp để phục vụ công tác nghiệp vụ trong đại dịch Covid-19; Sử dụng một phần quỹ đó để điều tiết thu nhập, bảo đảm đời sống cho anh em nhà báo trong khi báo chí gặp khó khăn trong năm 2019; Đề nghị giãn thuế, không phạt khi chậm nộp thuế. Các cơ quan báo chí và các cấp Hội rất hoanh nghênh đề nghị đó của Hội Nhà báo Việt Nam. Chính phủ đã quan tâm và Bộ Tài chính cũng đã có công văn hướng dẫn cụ thể để các cơ quan báo chí thực hiện.
Năm nay, Hội vẫn tiếp tục đề nghị Chính phủ quan tâm tháo gỡ khó khăn cho các cơ quan báo chí bị tác động ảnh hưởng lớn bởi đại dịch Covid-19.
Trân trọng cảm ơn ông!
THU HÀ (thực hiện)