Nghề báo mang một sứ mệnh cao cả

Chia sẻ

Dưới tác động của đại dịch Covid-19, báo chí đã và đang phải thực hiện nhiệm vụ “kép”. Đó là vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa phải đảm bảo nguồn thu kinh tế để tồn tại. Làm thế nào để thực hiện thành công nhiệm vụ “kép" trong bối cảnh kinh tế báo chí vô cùng khó khăn, là vấn đề lớn đặt ra với không ít cơ quan báo chí.

Kỷ niệm 96 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam năm nay, hãy cùng báo Phụ nữ Thủ đô trò chuyện với các "nữ tướng" trong làng báo để hiểu rõ hơn về chuyện nghề, chuyện chèo lái kinh tế báo chí “vượt bão” trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây tác động không nhỏ đến mọi mặt của đời sống

Nhà báo Chu Thu Hằng - Tổng Biên tập báo Văn hóa (ảnh dưới): "Muốn trở thành cây bút thật sự, phải biết đi bằng chân của mình"

Nghề báo mang một sứ mệnh cao cả - ảnh 1Nhà báo Chu Thu Hằng - Tổng biên tập Báo Văn hóa(Ảnh: NVCC)

Đại dịch Covid-19 thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu của các cơ quan báo chí. Hầu hết các cơ quan báo chí đang tồn tại bằng hai nguồn chính: Bán báo và quảng cáo. Cả hai nguồn này đều bị sụt giảm mạnh do Covid-19, đặc biệt là nguồn thu từ quảng cáo.

Trong 6 tháng đầu năm, nguồn thu quảng cáo của chúng tôi giảm 70%. Những đơn vị quảng cáo từ năm 2020 hiện vẫn đang nợ tiền vì công ty của họ hoạt động cầm chừng, chưa biết khi nào mới hoạt động bình thường trở lại. Báo tôi có một ấn phẩm xuất bản chủ yếu đặt ở các trung tâm thẩm mỹ, các cơ sở làm đẹp... nhưng hiện tại các cơ sở này ở các thành phố lớn đang bị đóng cửa nên kế hoạch xuất bản ấn phẩm phải lùi thời gian, vì xuất bản ra cũng không biết đặt ở đâu. Chúng tôi cũng phải huỷ các sự kiện thường niên tạo nguồn thu như các chương trình ca nhạc, hay các diễn đàn kinh tế, lễ vinh danh các thương hiệu do tạp chí Forbes Việt Nam - một ấn phẩm khác của báo tổ chức. Để đảm bảo quỹ lương, quỹ nhuận bút trong bối cảnh nguồn thu giảm, chúng tôi phải tiết kiệm các nguồn chi chưa cần thiết. Chúng tôi cũng mở thêm những kênh khác để có thêm thu nhập, như tìm kiếm các gói tuyên truyền...

Phụ nữ làm lãnh đạo báo chịu áp lực gấp nhiều lần nam giới. Làm báo bây giờ chẳng khác một doanh nghiệp, thậm chí còn khổ hơn doanh nghiệp vì vừa phải làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, đúng định hướng; vừa phải làm kinh tế để trả lương cho lao động hợp đồng. Trong khi đó, báo lại hoạt động theo đúng tôn chỉ mục đích nên cạnh tranh ngoài thị trường là rất khó. Nam giới hết giờ làm việc về nhà có thể nghỉ ngơi nhưng phụ nữ thì không. Tôi vẫn phải đảm đương mọi việc của gia đình, từ đi chợ, nấu ăn, lau nhà, giặt quần áo... như mọi phụ nữ bình thường khác. Đêm, khi mọi người đi ngủ, tôi vẫn lọ mọ trong bóng tối duyệt bài. Nói chung, phụ nữ làm báo đã khổ, làm Tổng Biên tập thì khổ thêm 10 lần, thậm chí 20 lần.

Tuy nhiên, khi nhìn lại chặng đường vượt khó trong đại dịch Covid-19 vừa qua, điều khiến tôi hài lòng là Báo vẫn hoạt động bình thường, đời sống của cán bộ phóng viên ổn định, không ai bị cắt việc, cắt lương, thưởng, thậm chí chúng tôi còn hỗ trợ mỗi cán bộ, phóng viên, người lao động 1 triệu/ tháng. Ít nhưng là sự động viên ấm áp. Việc phản ánh dịch cũng khiến quỹ nhuận bút của chúng tôi bị đội lên 20-30%, nhưng chúng tôi vẫn cân đối được.

Tôi xuất thân từ phóng viên, giờ vẫn say nghề, có lẽ vì yêu nghề nên tôi mới gắn bó với nghề này cho đến hôm nay. Tôi thường nói với các bạn phóng viên trẻ, làm báo bây giờ sướng hơn thời của tôi, thông tin đầy trên mạng, đi họp thì có sẵn thông cáo báo chí. Nhưng đó cũng là rào cản. Nếu muốn trở thành một cây bút thật sự trong làng báo thì tốt nhất phải biết đi bằng chân của mình, đừng ngó ngàng gì đến những thông tin có sẵn kiểu “mì ăn liền” ấy mà hãy tự suy nghĩ và tìm ra những câu chữ của riêng mình.

Nhà báo Lê Thị Bích Ngọc, Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô (ảnh dưới)"Kinh tế tờ báo sẽ “ổn định” khi giữ vững được uy tín và giá trị tờ báo"

Nghề báo mang một sứ mệnh cao cả - ảnh 2Nhà báo Lê Thị Bích Ngọc - Tổng biên tập Báo Lao động Thủ đô (Ảnh: NVCC)

Tôi cho rằng, dịch Covid-19 đang thách thức kinh tế của mỗi tờ báo dù lớn hay nhỏ. Từ đây, nó cũng cho thấy bản lĩnh người đứng đầu và cả tập thể, phải làm thế nào để không chỉ vực dậy, giữ vững sự ổn định mà còn là phát triển giữa những rủi ro vẫn còn đó của dịch bệnh.

Bức tranh báo chí không chỉ có những gam màu tối, mà Covid-19 cũng cho thấy vẫn còn đó những thuận lợi với người làm báo: Đó là xác định và phục vụ đúng, trúng đối tượng độc giả của mình, tờ báo vẫn có chỗ đứng trong lòng độc giả và tạo dựng được tên tuổi vững chắc.

Vì vậy, phát huy sức mạnh tập thể và đồng hành cùng lợi ích của người lao động là “kim chỉ nam” của báo Lao động Thủ đô. Phát huy sức mạnh tập thể, người đứng đầu phải thể hiện được sự bình tĩnh, tầm nhìn bao quát tình hình báo chí nói riêng và đời sống xã hội nói chung để tìm ra hướng đi, từ đó “lên dây cót” tinh thần cho anh em cán bộ, phóng viên. Để, mỗi người đều nhìn thấy mình cần có trách nhiệm, vai trò cho sự tồn tại của tờ báo bằng cách tăng chất lượng bài báo, tạo dựng các mối quan hệ rộng và sâu hơn nữa.

Trong suốt thời gian qua, đặc biệt là thời điểm người lao động chịu ảnh hưởng ít nhiều của dịch bệnh, báo Lao động Thủ đô đã có một cách làm gần như riêng có trong báo chí Thủ đô - tổ chức đều đặn hàng tháng các buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến tại cơ sở với người lao động. Là tờ báo của công đoàn và trên 2 triệu người lao động Thủ đô, việc tổ chức giao lưu trực tuyến đã được báo thực hiện nhiều năm và có hiệu quả nhất định, thay thế được các hình thức phổ biến kiến thức truyền thống như phát tài liệu, mời báo cáo viên... Thế nhưng, ngay cả khi dịch bệnh gây ảnh hưởng phức tạp, chúng tôi vẫn quyết định thực hiện các buổi giao lưu trực tuyến. Ở đó, người lao động được các chuyên gia và lãnh đạo chính quyền địa phương giải đáp các thắc mắc về Luật Lao động, các chính sách về bảo hiểm, chế độ lương, thưởng, nghỉ phép và các vấn đề thời sự thiết yếu khác… một cách cực kỳ xác thực.

Thậm chí, từng có trường hợp được giải quyết triệt để ngay tại buổi giao lưu, có trường hợp được đích thân lãnh đạo địa phương giải quyết luôn theo thẩm quyền. Với cách làm này, không chỉ người lao động mà Báo cũng “vỡ ra nhiều điều”. Giúp người lao động gỡ rối đúng lúc cũng là góp phần tăng uy tín và vị thế tờ báo với chính người lao động và cả chính quyền địa phương.

Báo Lao động Thủ đô xác định rõ 2 nhiệm vụ: Làm chính trị, xây dựng thương hiệu và làm kinh tế cho tờ báo. Trong bất kỳ thời điểm nào, dù ngặt nghèo như dịch bệnh, thì có một nguyên tắc không thể thay đổi, đó là nhiệm vụ đầu tiên làm tốt thì mới thúc đẩy nhiệm vụ thứ 2 hoàn thành được. Một tờ báo không thể đòi hỏi được các doanh nghiệp, nhãn hàng quan tâm khi không có thương hiệu, không có sự uy tín với chính độc giả của mình.

Tôi nghĩ rằng, kinh tế một tờ báo sẽ “ổn định” khi mỗi cán bộ, phóng viên của tờ báo đều ý thức được phải giữ vững và ngày một nâng cao uy tín và giá trị tờ báo.

Nhà báo Vũ Thị Ánh Hồng – Tổng Biên tập tạp chí Hải Quan: "Trăn trở cùng ngành hải quan và doanh nghiệp vượt bão Covid-19"

Nghề báo mang một sứ mệnh cao cả - ảnh 3Nhà báo Vũ Thị Ánh Hồng - Tổng biên tập Tạp chí Hải quan (Ảnh: NVCC)

Trong hành trình thực hiện sứ mệnh phụng sự bạn đọc trong và ngoài ngành, phục vụ cho sự lớn mạnh của Hải quan Việt Nam, vì mục tiêu phát triển kinh tế và hội nhập, năm 2021, những người làm báo chúng tôi cũng có một bước chuyển là gạch nối lịch sử báo Hải quan - tạp chí Hải quan.

Với dấu mốc này, chúng tôi tiếp tục tìm tòi đổi mới, sáng tạo và có bước chuyển mình mạnh mẽ để tiếp tục là người bạn thân thiết, là diễn đàn trao đổi thông tin nghiệp vụ của cán bộ, công chức trong ngành, là cầu nối giữa cơ quan Hải quan với cộng đồng doanh nghiệp, kết nối giữa Hải quan Việt Nam với Hải quan các nước và cộng đồng quốc tế.

Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực thực hiện "mục tiêu kép", vừa thần tốc chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ sức khỏe nhân dân và cộng đồng, tạp chí Hải quan cũng không ngừng trăn trở, sáng tạo, tiếp tục phát huy, làm tươi mới hơn, chất lượng hơn các ấn phẩm phục vụ bạn đọc. Đội ngũ phóng viên khắc phục khó khăn tích cực xông pha nắm bắt cơ sở, thực tiễn để phản ánh kịp thời thực tế hoạt động kinh tế xuất nhập khẩu, chúng tôi đồng hành cùng cơ quan Hải quan để phản ánh những giải pháp cải cách hiện đại hóa, giảm thời gian thông quan và chi phí cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong đại dịch.

Đồng thời tạp chí Hải quan cũng chính là cầu nối gắn kết giữa doanh nghiệp với cơ quan Hải quan, nêu lên tiếng nói của doanh nghiệp chuyển tới cơ quan Hải quan và các cơ quan quản lý nhằm hoàn thiện chính sách, tiếp tục tạo thuận lợi cho doanh nghiệp… Chúng tôi cũng thường xuyên sát cánh cổ vũ cộng đồng doanh nghiệp đã có nhiều giải pháp sáng tạo, khắc phục và chống chịu trước những thách thức, khó khăn bởi đại dịch Covid-19, góp phần vào sự phát triển kinh tế và hội nhập của đất nước.

Với quan niệm trong khó khăn, thách thức sẽ tìm thấy những cơ hội, những tiềm năng mới, tạp chí Hải quan không ngừng tăng chất lượng thông tin đa dạng, chuyên sâu, tăng hàm lượng phân tích bình luận, đổi mới hình thức chuyển tải. Đồng thời, khai thác tối đa sức mạnh của công nghệ, kỹ thuật số và xu thế phát triển báo chí hiện đại vào các ấn phẩm in, điện tử, ấn phẩm tiếng Việt, tiếng Anh và các sản phẩm đa phương tiện.

Nhân kỷ niệm 96 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, xin được gửi tới đội ngũ nhà báo đồng nghiệp của chúng ta lời chúc sức khỏe, tiếp tục vững vàng vượt qua khó khăn thách thức và giữ được sự tâm huyết với nghề!

Nhà báo Trần Lan Anh – Phó tổng Biên tập báo Nhà báo & Công luận: "Việc dù khó cũng sẽ có lối đi"

Nghề báo mang một sứ mệnh cao cả - ảnh 4Nhà báo Trần Lan Anh - Phó Tổng biên tập Báo Nhà báo và Công luận. (Ảnh: NVCC)

Câu chuyện làm thế nào để vượt qua đại dịch để hoàn thành nhiệm vụ “kép” không phải là nỗi trăn trở của một mình Nhà báo & Công luận. Và cũng không phải đến bây giờ chúng ta mới bàn về vấn đề đó. Ngay từ khi dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện ở nước ta đầu năm 2020, báo Nhà báo & Công luận đã có vệt bài “Kinh tế báo chí nhìn từ đại dịch”, sau đó là Diễn đàn Tổng Biên tập “Báo chí và bài toán phát triển nguồn thu”. Diễn đàn này cũng được chúng tôi nối dài bằng chuyên đề đặc biệt trên số báo kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6/2020. Tất cả đều tập trung vào câu chuyện giải bài toán nguồn thu, mà theo tôi, quả thật là khó tìm lời giải.

Tuy nhiên, việc dù khó cũng sẽ có lối cho ta đi. Việc báo chí tự chủ về kinh tế đang là vấn đề nóng và cũng là vấn đề tất yếu của hệ thống báo chí nước ta hiện nay. Một tờ báo muốn phát triển bền vững, tự chủ về tài chính trước tiên cần khẳng định thương hiệu trên thị trường, thu hút được công chúng sau đó mới tính đến khâu phát hành, quảng cáo, sự kiện đem lại nguồn thu.

Vì thế, Ban Biên tập báo Nhà báo & Công luận luôn xác định tờ báo giống như một doanh nghiệp nhỏ đặc thù, phải bươn chải, cân đối thu chi hợp lý trong từng thời điểm, minh bạch, cụ thể trong vấn đề tài chính. Tuy nhiên, bên cạnh việc tăng doanh thu, chúng tôi vẫn chú trọng thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích để không bị thương mại hóa. Để có nguồn thu một cách bền vững, chúng tôi luôn đề ra những nhiệm vụ cấp bách và quyết liệt thực hiện: Phát triển thương hiệu tờ báo một cách bền vững, chú trọng đến đối tượng bạn đọc của mình; Làm báo đa phương tiện trên nhiều nền tảng khác nhau đáp ứng nhu cầu của bạn đọc trẻ. Khi đã có những thế mạnh về nội dung, để tăng nguồn thu cho cơ quan, báo xác định đồng hành cùng doanh nghiệp, tương trợ lẫn nhau mang lại hiệu quả cho cả hai. Bên cạnh đó, báo cũng đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc, tinh giản bộ máy, cải cách thủ tục hành chính. Gần hai năm nay, chúng tôi thực hiện mô hình tòa soạn hội tụ, tinh gọn bộ máy, một người làm việc bằng hai. Phát huy tối đa thông tin thời sự trên điện tử, thực hiện thông tin chuyên biệt trên báo in. Thời điểm này, cũng tạm gọi là có thể trang trải được.

Từ lâu, tôi đã không đặt nặng yếu tố giới tính trong công việc. Nữ giới từ lâu đã vươn lên làm lãnh đạo ở nhiều ngành, nghề, đâu chỉ ở nghề báo. Tỉ lệ ít không có nghĩa là bất lợi. Đã làm báo là có áp lực. Làm báo trong thời điểm này càng áp lực hơn. Công nghệ phát triển tạo ra những thay đổi sâu rộng trên nhiều mặt đời sống kinh tế, xã hội khắp thế giới. Báo chí cũng không nằm ngoài vòng xoáy mãnh liệt này, với vô số những đổi thay, thậm chí có những thời điểm sự thay đổi diễn ra ở tốc độ chóng mặt mà nhiều người khi đã đi qua ngoái lại nhìn vẫn chưa hết sững sờ.

Để gắn bó với nghề thì ai cũng phải tự trang bị cho mình những yếu tố tối thiểu để làm hành trang mà tồn tại với nghề. Kiến thức văn hóa và công nghệ, kỹ năng tác nghiệp và sức khỏe. Quan trọng nhất là tình yêu, niềm đam mê với các nghề mình chọn, vì nghề báo, không chỉ đơn thuần là nơi bạn kiếm sống, nó còn mang thêm sứ mệnh phản ánh, định hướng dư luận. Nếu không yêu, bạn sẽ không bao giờ dám dấn thân đến cùng vì nó.

Nhà báo Đặng Thị Phương Thảo, Phó Tổng Biên tập báo Thanh Niên: "Bốn trụ cột tạo nên thương hiệu tờ báo"

Nghề báo mang một sứ mệnh cao cả - ảnh 5Nhà báo Đặng Thị Phương Thảo - Phó Tổng biên tập Báo Thanh niên. (Ảnh: NVCC)

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động không nhỏ đến mọi mặt của đời sống, báo Thanh niên cũng không nằm ngoài quỹ đạo khó khăn chung của báo chí trong nước, đặc biệt là sụt giảm về doanh thu. Theo khảo sát, số lượng báo giấy hàng năm của Thanh niên giảm 10% và đến nay tiếp tục đang giảm nữa. Trước đây, báo Thanh niên phát hành khoảng 400 nghìn bản/ngày, giờ giảm còn một nửa, còn quảng cáo cũng giảm khoảng 30-50% tuỳ từng loại hình quảng cáo.

Do đó, thách thức đặt ra đối với lãnh đạo báo là vừa phải thực hiện tôn chỉ, mục đích của tờ báo, nâng cao chất lượng nội dung vừa đảm bảo kinh tế báo chí. Chúng tôi luôn xác định có bốn trụ cột tạo nên thương hiệu của tờ báo Thanh niên là “bạn đọc - nội dung - kinh tế báo chí và giá trị thương hiệu”, trong đó, phục vụ bạn đọc là cao nhất. Toà soạn trân trọng bạn đọc thì sẽ có nhiều thứ khác như thương hiệu, nguồn thu, vị thế… Cho nên, thông tin trên báo Thanh niên yêu cầu là vừa phải sớm, nhưng phải cực kỳ chính xác, giữ được sự chính trực, bảo vệ cái tốt, cái đúng trong xã hội. Độ xác tín của thông tin được đặt lên hàng đầu chính là sự tôn trọng độc giả, làm nên thương hiệu tờ báo Thanh niên trong suốt những năm qua.

Chúng tôi luôn khảo sát rất kỹ công chúng mục tiêu của mình. Bạn đọc trung thành nhất của Thanh niên là trong độ tuổi từ 24-45, chiếm khoảng gần 70% lượng bạn đọc của báo. Họ là những người trưởng thành và có thu nhập ổn định. Song song với chiến lược thông tin, chúng tôi luôn có phương cách khai thác kinh doanh từ phân khúc bạn đọc này một cách tích cực nhất. Chúng tôi nhắm tới câu chuyện tiêu dùng, lựa chọn những sản phẩm phục vụ cho những người trưởng thành như điện thoại, ô tô, bất động sản, du lịch, sản phẩm trung và cao cấp… Ngoài ra, lượng bạn đọc là Việt Kiều tại một số nước phát triển nên sản phẩm quảng cáo cũng luôn được sàng lọc phù hợp, vừa uy tín, vừa sang trọng.

Để tăng nguồn thu của Báo, chúng tôi thay đổi chiến lược làm kinh tế báo chí. Cách quảng cáo thuần tuý trên báo giờ đây không còn phù hợp nữa, mà thay vào đó là sự liên kết với các doanh nghiệp bằng các chương trình, dự án, tọa đàm để hỗ trợ và mở rộng trao đổi về chính sách, tạo hành lang pháp lý giúp cho doanh nghiệp phát triển. Bên cạnh kênh phát hành báo, chúng tôi đẩy mạnh tương tác và kết nối với công chúng bằng cách mở các cuộc thi viết, các chương trình tiếp sức mùa thi, tư vấn cẩm nang mùa thi, trực tuyến truyền hình, hội thảo chuyên đề, chương trình trực tuyến truyền hình khát vọng trẻ, các sự kiện thể thao… cũng mang lại tài chính ổn định cho báo. Đây cũng là hướng đi mới để tăng nguồn thu của Thanh niên trong thời gian tới.

Trong đợt dịch Covid-19, chúng tôi thực hiện quy định về giãn cách, hạn chế tập trung đông người, chia ekip làm việc 50-50 (50% làm việc tại nhà – 50% làm việc tại toà soạn), đồng thời lên kịch bản toà soạn dã chiến nếu chẳng may bị phong toả. Dù đứng trước nhiều khó khăn, các phóng viên của báo vẫn rất yêu và say nghề, vừa sẵn sàng lăn xả vào vùng tâm dịch vừa làm từ thiện xã hội.

Nhà báo Nguyễn Thị Mai Hương – Phó Tổng Biên tập Phụ trách báo Tri thức và cuộc sống: "Ngày 21/6, chỉ mong 4 từ “An lành – no đủ”

Nghề báo mang một sứ mệnh cao cả - ảnh 6Nhà báo Nguyễn Thị Mai Hương - Phó Tổng biên tập phụ trách báo Tri thức và cuộc sống. (Ảnh: NVCC)

Không hẳn do đại dịch Covid-19, mà nhiều năm trở lại đây, báo chí gặp khá nhiều thách thức, khó khăn: Từ lượng phát hành với báo in, lượng độc giả với báo điện tử, rồi thị phần quảng cáo tới 50% đã bị chia sẻ, rơi vào tay các nền tảng số xuyên biên giới như Facebook, Google ở Việt Nam... và cả quy hoạch báo chí.

Báo Tri thức và Cuộc sống vừa mới thành lập, hoạt động từ đầu tháng 1/2021 trên cơ sở sáp nhập bốn báo Khoa học và Đời sống, báo Đất Việt, báo điện tử Tầm Nhìn và báo điện tử Kiến Thức... thử hỏi gặp muôn vàn trắc trở không? Tuy nhiên, theo tôi, thay vì “than khó”, tại sao chúng ta không “biến nguy cơ thành cơ hội”? Covid-19 khiến kinh tế thế giới và Việt Nam lún vào suy thoái, theo đó kinh tế báo chí ảnh hưởng lớn; song nhìn nhận tích cực, lại thấy đây là lúc để các cơ quan báo chí - sau thời gian phát triển “nóng, trượt dài theo views”, cần định hướng lại chiến lược nội dung, khai thác giá trị gia tăng và vận hành, phát triển... Báo chí thời đại cách mạng 4.0, nội dung là vua thì công nghệ là nữ hoàng!

Là người đứng đầu một cơ quan báo chí, nữ hay nam đều ở vào tình cảnh “thập diện mai phục”, chịu đủ loại áp lực từ nhân sự, nguồn thu, các mối quan hệ đối nội và đối ngoại. Nữ tổng biên tập chắc chắn đặc thù hơn so với các nam tổng biên tập... ngay giới tính đã khác nhau. Ở vị trí tổng biên tập, ai cũng phải nỗ lực và bản lĩnh để vững tay chèo. Có chăng, bản năng phái đẹp là mềm dẻo và uyển chuyển hơn thôi.

Tới hôm nay, không rõ sức chịu đựng tốt hay gọi là bản lĩnh, người lao động Kiến Thức chưa từng bị cắt giảm thu nhập; còn Tri thức và Cuộc sống đang phấn đấu... Tôi tin rằng, chúng tôi đủ sức mạnh để vượt bão Covid-19. Như tôi đã chia sẻ ở trên, báo Tri thức và Cuộc sống mới hoạt động được 6 tháng, nhưng chúng tôi không non trẻ, mà đây là ngôi nhà lớn của bốn cơ quan báo chí thâm niên, sẽ phát huy sức mạnh nội sinh tổng hợp, tạo dựng thương hiệu là cơ quan báo chí của đội ngũ trí thức, là “tiếng nói” của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Tôi hài lòng vì chúng tôi đang dần ổn định và chúng tôi sẽ phát triển.

Trong ngày 21/6, tôi chỉ mong 4 từ: An lành - No đủ! Virus corona hãy tránh xa tôi, đồng nghiệp và cộng sự; còn người Tri thức và Cuộc sống mỗi ngày đều “sống khỏe”.

NHÓM PHÓNG VIÊN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục

Liên tục nợ thuế, Kim Oanh Group có đủ sức làm dự án 15.000 tỷ đồng?

Kim Oanh Group nợ thuế triền miên vẫn được Bình Dương chấp thuận làm dự án 15.000 tỷ đồng

Nhiều công ty nằm trong hệ sinh thái của Kim Oanh Group liên tục nằm trong danh sách nợ thuế, báo lỗ nhưng gần đây vẫn được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận cho làm dự án Đầu tư xây dựng Một Thế Giới – The One World (dự án Hoà Lân) với tổng vốn đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng.
Tập trung gỡ khó cho Hoài Đức sớm hoàn thiện các tiêu chí lên quận

Tập trung gỡ khó cho Hoài Đức sớm hoàn thiện các tiêu chí lên quận

(PNTĐ) - Sáng 19/4, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền - Phó trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận dẫn đầu đoàn công tác của UBND thành phố Hà Nội đã làm việc với huyện Hoài Đức về: Rà soát tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong công tác xây dựng và phát triển huyện Hoài Đức thành quận theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thành phố; đánh giá tính khả thi phát triển huyện thành quận của Hoài Đức đến năm 2025.