Kỳ 1: Gặp họa vì uống thuốc…..”mua góc chợ”

Chia sẻ

Thời gian qua, nhiều sản phẩm được quảng cáo là thuốc nhưng không nguồn gốc, mập mờ thành phần vẫn đang được chào bán tràn lan, thổi phồng công dụng. Nhiều bệnh nhân cũng dễ dãi mua về sử dụng dẫn tới hậu quả mất mạng, thiệt thân.

Phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô thực hiện loạt bài, phản ánh tình trạng vô tội vạ trong mua bán và sử dụng thuốc không nguồn gốc, qua đó cảnh tỉnh những người còn nhẹ dạ hãy thận trọng hơn khi dùng thuốc chữa bệnh. 

Bệnh nhân là một phụ nữ sống ở giữa Thủ đô Hà Nội sau khi tự tìm mua và uống thuốc được quảng cáo là Đông y gia truyền đã trở bệnh nặng, ngày 4/5/2021, bà được gia đình đưa vào bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cấp cứu. Nếu không nhờ sự tài tình, hết mình cứu chữa của các bác sĩ, nạn nhân có lẽ đã cầm chắc cái chết.

Phát hiện Suy gan, thận từ cơn nhồi máu cơ tim cấp

Đã hơn 3 tuần kể từ ngày được xuất viện, bà Hoàng Thị B.S, sinh năm 1944, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội vẫn chưa thể quên được những gì đã xảy đến với mình. Từ một người có sức khỏe tốt, không ghi nhận bệnh nền nghiêm trọng, nay bà vẫn phải nằm bệt vì đuối sức.

Chị Đào Hồng N, con gái bệnh nhân S kể: Ngày 4/5, mẹ chị thấy mệt mỏi, khó thở, nặng tức ngực, huyết áp tụt thấp nên được đưa vào bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cấp cứu. Các bác sĩ nhận định, mẹ chị bị nhồi máu cơ tim cấp có sốc tim, phải can thiệp đặt stent mạch vành cấp cứu. Sau ca can thiệp được các bác sĩ khoa Hồi sức Tim mạch thực hiện thành công, gia đình chị rất an tâm, nghĩ là tình trạng sức khỏe của mẹ về cơ bản đã ổn định. Nhưng không ngờ, những ngày sau mới là giai đoạn căng thẳng cực độ với cả các bác sĩ và gia đình.

Bệnh nhân S trong thời gian điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108Bệnh nhân S trong thời gian điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

Theo bác sĩ Phạm Sơn Lâm, khoa Hồi sức Tim mạch, việc cứu sống bệnh nhân S là một kỳ tích. Lẽ ra, sau khi được can thiệp đặt stent mạch vành, bệnh nhân sẽ dần hồi phục. Tuy nhiên, tình trạng của bệnh nhân S lại diễn tiến nặng bất thường, các chỉ số xét nghiệm đều chuyển biến xấu. Bệnh nhân bị suy gan cấp (chỉ số men gan tăng lên hơn 9.000 trong khi chỉ số bình thường chỉ ở ngưỡng dưới 40), da niêm mạc vàng đậm, rối loạn đông máu mức độ nặng do giảm nặng các yếu tố đông máu và tiểu cầu, toàn thân xuất huyết, kèm theo suy thận, vô niệu. Bệnh nhân đã thoát sốc tim, nhưng 3 lần phản vệ với các loại thuốc khác nhau (bao gồm thuốc cản quang, kháng sinh) phải cấp cứu tối khẩn cấp bằng các thuốc vận mạch, thở máy.

Để có thể tìm ra nguyên nhân gây bệnh cho mẹ, các con của bệnh nhân S cho biết họ đã mang một số gói thuốc mà bà S sử dụng tới kiểm định tại Trung tâm chống độc, bệnh viện Bạch Mai. Ngày 17/5, gia đình nhận được kết quả xét nghiệm cho thấy, trong gói thuốc được quảng cáo là “Đông y gia truyền” có cả hai thành phần Tây y là Paracetamol và Diclofelac… Theo bác sĩ Phạm Sơn Lâm, Paracetamol và Diclofelac có tác dụng giảm đau, chống viêm… Tuy nhiên, hai hoạt chất này nếu uống quá liều sẽ có nguy cơ dẫn tới các biến chứng không tốt cho sức khỏe, trong đó có nhiều biến chứng phù hợp với những gì đã diễn ra trên cơ thể bệnh nhân S

Bác sĩ Lâm cho biết, thông thường nhồi máu cơ tim cấp là hậu quả của bệnh lý xơ vữa mạch máu, một bệnh lý tiến triển mạn tính. Nhưng với bệnh nhân S, hình ảnh chụp mạch vành không có các mảng vữa xơ, mà tình trạng tắc mạch là do có cục huyết khối mới xuất hiện trong lòng mạch, kíp can thiệp đã tiến hành hút cục huyết khối kết hợp đặt stent để tái thông mạch vành. Sau khi thăm hỏi, gia đình cho biết bệnh nhân đang sử dụng một loại thuốc bán trên mạng được quảng cáo là Đông y gia truyền để điều trị đau khớp. Các bác sĩ đặt dấu hỏi phải chăng độc chất nào đó có trong gói thuốc mà bệnh nhân S uống đã gây ra tình trạng rối loạn đông máu, máu đông gây tắc mạch vành dẫn tới nhồi máu cơ tim cấp. Cùng với đó, các hoạt chất này còn gây suy gan, thận…

Để cứu tính mạng của bệnh nhân S, các bác sĩ đã phải sử dụng nhiều loại thuốc điều trị và biện pháp can thiệp. Rất may, bệnh nhân đáp ứng tốt với thuốc. Ngày 27/5, bệnh nhân được xuất viện với chức năng gan, thận… trở lại gần như bình thường. Tuy nhiên, tình trạng suy tim vĩnh viễn không thể cải thiện, bệnh nhân phải uống thuốc điều trị hàng ngày cho đến hết cuộc đời.

Trong giấy ra viện, bác sĩ kết luận bệnh nhân S “Chẩn đoán nhồi máu cơ tim thất phải biến chứng sốc tim, hiện tại đã thoát sốc, tổn thương gan cấp, suy thận cấp, rối loạn đông máu mức độ nặng do ngộ độc thuốc Nam - Phản vệ nguy kịch do thuốc 3 lần đã cấp cứu thành công, tăng huyết áp giai đoạn III”…

Thuốc Đông y gia truyền bán ở “đầu đường, góc chợ”

Liên quan tới gói thuốc “Đông y gia truyền” nói trên, bà S chia sẻ nghe mách loại này chỉ uống 1 gói sẽ khỏi đau khớp nên gọi điện mua, sau đó có người mang một túi 100 gói đến giao tận nhà. “Không ai thăm khám mà bảo tôi cứ uống sẽ khỏi. Quả nhiên, sau khi uống chỉ mấy ngày, cơn đau khớp của tôi giảm hẳn, tôi đi lại nhẹ tênh nên càng chăm chỉ uống. Nào ngờ…” - bà S ân hận kể lại.

Hai phụ nữ bán buôn thuốc “Đông y gia truyền” trong….căn hộ chung cư và sân chung cư. Ai cũng nói đây là thuốc do cơ sở của mình sản xuấtHai phụ nữ bán buôn thuốc “Đông y gia truyền” trong….căn hộ chung cư và sân chung cư. Ai cũng nói đây là thuốc do cơ sở của mình sản xuất

Từ lời tự thuật của bà S, phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô đã vào vai tìm mua thuốc Đông y gia truyền cho người nhà mắc bệnh khớp. Chúng tôi gọi vào số điện thoại ghi trên gói thuốc do bà S cung cấp, một phụ nữ nhấc máy. Sau khi khẳng định “nhà em không phải hiệu thuốc, chỉ bán thuốc xương khớp”, đồng thời hỏi “Chị muốn mua như nào, vì nhà em chủ yếu bán buôn” rồi chỉ chúng tôi tới căn hộ chung cư tại CT6 Xa La (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội).

Các gói thuốc được quảng cáo là “Đông y gia truyền” mà bệnh nhân S mua, cũng như thuốc mà chúng tôi trực tiếp thu thập từ hai địa chỉ bán thuốc online đều không ghi rõ cơ sở sản xuất; dạng bào chế; thành phần, hàm lượng, khối lượng hoặc nồng độ của dược chất, dược liệu trong công thức thuốc; không rõ cả số lô sản xuất, ngày sản xuất, hạn dùng, tiêu chuẩn chất lượng, điều kiện bảo quản; thiếu cả các dấu hiệu lưu ý và khuyến cáo khi dùng thuốc… vi phạm quy định tại Thông tư số 01/2018/TT-BYT của Bộ Y tế “Quy định về ghi nhãn thuốc, nguyên liệu làm thuốc và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc”. Tất cả chỉ là gói bột màu nâu, đóng trong túi nilon… Vậy mà, không ít người, trong đó có bệnh nhân S lại dễ dàng mua về sử dụng.

Đón chúng tôi vào nhà, người phụ nữ này mở tủ lấy ra mấy bọc nylon, mỗi bọc đựng 100 gói thuốc nhỏ, nói đây là thuốc Đông y được bào chế từ cây bách bệnh cùng một số loại thuốc Nam khác nên “thuốc rất lành tính, an toàn, không có biến chứng”. Để chúng tôi yên tâm, chị kể mẹ mình từng bị bệnh khớp, sau đó uống đúng 1 gói thì khỏi. Chị ngạc nhiên tìm hiểu thì phát hiện hóa ra thuốc do chính “họ hàng nhà mình ở vùng cao làm ra mà mình không biết”. Chị liền “phát tâm” mua 5.000 gói để tặng mọi người, ai uống xong cũng khen.

Khi chúng tôi hỏi có cần đưa người nhà tới để được thăm khám trước không thì chị trả lời không cần và chị không có chứng chỉ hành nghề thuốc mà chỉ thấy thuốc tốt thì bán. Trước khi tiễn chúng tôi ra về, chị trấn an chúng tôi yên tâm mua thuốc gia truyền mà dự trữ trong nhà vì thuốc này “mầu nhiệm lắm”. Bất cứ ai bị từ đau răng, đau khớp, trẻ nhỏ cảm, sốt, viêm nhiễm… chỉ cần uống 1-2 gói là khỏi. Nếu chúng tôi muốn mua thì gọi điện, sẽ có người ship tận nhà với số lượng bao nhiêu cũng có. Nhất là nếu muốn làm đại lý bán thuốc thì càng được… hoan nghênh.

Hai gói thuốc được quảng cáo là Đông y gia truyền, giống hệt nhau nhưng lại có địa chỉ liên hệ khác nhau.Hai gói thuốc được quảng cáo là Đông y gia truyền, giống hệt nhau nhưng lại có địa chỉ liên hệ khác nhau.

Rời nhà người phụ nữ này, chúng tôi tiếp tục tìm kiếm và phát hiện, một sản phẩm tương tự, giống hệt về mẫu mã, quảng cáo công dụng, bao bì… nhưng lại khác địa chỉ liên hệ… cũng đang được rao bán trên facebook và một trang web.

Gọi theo số điện thoại này, lại một phụ nữ nhấc máy, cam đoan gia đình chị mới là nơi đang sản xuất ra loại thuốc Đông y từ cây bách bệnh và hẹn chúng tôi tới chung cư HH3B, khu đô thị Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội. Tuy nhiên, khi chúng tôi tới nơi, chị này nói cứ đợi ở sân, chị sẽ mang thuốc xuống. Chị này cũng khẳng định thuốc Nam nên rất an toàn, ai uống cũng được chứ không cần liều lượng, thăm khám trước. Chị này toàn bán đổ buôn cho các tỉnh, thành và nhiều hiệu thuốc. “Em bán buôn cho nhiều nhà thuốc, rồi họ tự bán kèm với thuốc của họ, em đâu biết họ bán kiểu gì. Cũng có người bảo bọn em bớt đi lượng thuốc, 1 ngày bắt bệnh nhân uống 2 gói. Buôn bán thì người ta phải thế”.

Chúng tôi hỏi thêm thông tin về nguồn gốc thuốc, chứng chỉ hành nghề bán thuốc, chị này giận dỗi nói tưởng chúng tôi mua với số lượng lớn thì mới mang xuống bán, chứ nếu mua lẻ hoặc đang tìm hiểu thì… thôi. Chị này còn nhấn mạnh nếu tin thì hãy mua. Là người bán nên nếu có ai bảo không tin thuốc là chị “cảm thấy sao đó”, không muốn bán nữa.

Cuộc giao dịch giữa chúng tôi kết thúc ngay trên chiếc ghế đá sát gần khu chợ ở khu chung cư Linh Đàm. Người phụ nữ xách túi đựng thuốc quay ngược vào trong chung cư còn chúng tôi ra về với tâm trạng khó tả. Một sản phẩm liên quan đến tính mạng của con người, lại có thể được mua bán tràn lan, dễ dãi nơi góc chợ, đầu đường, căn hộ chung cư, do người không có chuyên môn bán như thế.

(Còn nữa)

NHÓM P.V

Tin cùng chuyên mục

Kỳ 2: Nhiều khó khăn trong thực thi chính sách

Kỳ 2: Nhiều khó khăn trong thực thi chính sách

(PNTĐ) - Ở nước ta, chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi (NCT) luôn được Đảng và Nhà nước chú trọng, thể hiện trong nhiều chính sách đãi ngộ, chăm sóc người cao tuổi. Tuy nhiên, tốc độ “già hoá” dân số tăng nhanh đang bộc lộ không ít “khoảng trống” đòi hỏi cần điều chỉnh kịp thời cơ chế, chính sách để hệ thống pháp luật hoàn thiện hơn.