Đặt an toàn lên hàng đầu

Chia sẻ

Theo Bộ Y tế, để đạt được miễn dịch cộng đồng, Việt Nam đang hướng tới mục tiêu đến cuối năm nay và đầu năm 2022, sẽ phải tiến hành đợt tiêm chủng vắc-xin với quy mô chưa từng có trên phạm vi cả nước.

Đặt an toàn lên hàng đầu - ảnh 1 (Ảnh: minh họa (Nguồn: BYT))

Lợi ích thực sự của vắc-xin là gì?

Câu chuyện hơn 50 nhân viên y tế tại BV Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, dù đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin Covid-19 nhưng vẫn có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 mới đây, đã đặt ra không ít câu hỏi xung quanh hiệu quả của việc tiêm chủng vắc-xin.

Phân tích về vấn đề này, TS. BS Phạm Quang Thái - Trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: Vắc-xin không đem lại sự bảo vệ tức thì. Sau tiêm mũi 1 phải ít nhất 14 ngày sau mới bước đầu có tác dụng và mức bảo vệ lúc này chỉ đạt ở mức rất thấp. Sau tiêm mũi thứ 2 từ 1 tháng trở ra, vắc-xin mới đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu nhưng cũng chỉ ở mức khoảng 60-90% tùy theo loại vắc-xin. Dù hiệu lực của vắc-xin không phải 100%, nhưng đây vẫn là vũ khí hữu hiệu giúp phòng ngừa Covid-19 và tiến tới tạo miễn dịch cho cộng đồng.

“Vắc-xin Covid-19 không bảo vệ tuyệt đối, nhất là khả năng bảo vệ cơ thể không mang mầm bệnh. Điều này có nghĩa là khi đã tiêm vắc-xin, chúng ta có thể không mắc Covid-19, nhưng vẫn có khả năng trở thành người mang virus và lây bệnh cho người khác. Kết quả nghiên cứu cụ thể những ca nhiễm Covid-19 tại BV Nhiệt đới Trung ương hay ở Điện Biên trước đây, cũng có những trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 khi đã được tiêm vắc-xin Covid-19 cho thấy, khả năng lây nhiễm thứ cấp từ những người này hầu như không có và tỷ lệ lây truyền virus là rất thấp” - TS. BS Phạm Quang Thái thông tin.

Cũng theo TS. Thái, nghiên cứu ban đầu ở Việt Nam cho thấy, những người đã khỏi Covid-19 có tỷ lệ miễn dịch vô cùng thấp. Trong khi đó, nghiên cứu tại Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ gần đây, tình hình lại rất khả quan đối với những người tiêm vắc-xin: Chỉ sau khi tiêm mũi thứ nhất 1 tháng, 90% số người tiêm đã sinh kháng thể. Kết quả này chỉ ra vắc-xin đã có hiệu quả bảo vệ, mặc dù có thể chưa đủ mạnh. Đây là lí do chúng ta phải tiêm mũi 2 để đạt hiệu quả cao nhất.

Bên cạnh đó, tiêm vắc-xin Covid-19 cũng giúp bảo vệ người được tiêm khỏi rơi vào thể nặng và phải nhập viện. Cho đến thời điểm này, vắc-xin được sử dụng tại Việt Nam đã được chứng minh trên thực địa khi chưa có trường hợp nào tiêm đủ 2 mũi bị bệnh nặng hay tử vong. Các trường hợp nhân viên y tế đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin nhưng có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 thuộc BV Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh là một minh chứng: Hầu hết các trường hợp hoàn toàn không có triệu chứng.

Tuy nhiên điều này cũng cảnh báo rằng không thể chủ quan sau khi tiêm vắc-xin Covid-19. “Dù đã được tiêm vắc-xin, người được tiêm vắc-xin vẫn rất cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh khác, đặc biệt là thực hiện biện pháp 5K để bảo vệ bản thân, gia đình, đồng nghiệp và cộng đồng” - TS. BS Phạm Quang Thái nhấn mạnh.

Các đối tượng cần lưu ý khi tiêm vắc-xin Covid-19

Hướng tới chương trình tiêm chủng vắc-xin Covid-19 trên quy mô toàn quốc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định: Bộ Y tế luôn đặt vấn đề an toàn tiêm chủng lên hàng đầu.

Các cơ sở tiêm chủng phải bảo đảm tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng và tổ chức tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế; các bệnh viện luôn sẵn sàng, thường trực công tác cấp cứu, đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho người được tiêm.

Bộ Y tế cũng đã lập Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng, tập hợp các chuyên gia, giáo sư đầu ngành của các lĩnh vực để sẵn sàng trợ giúp địa phương trên toàn quốc để đảm bảo an toàn tiêm chủng.

Mới đây, Bộ Y tế còn ban hành văn bản hướng dẫn nhằm phát hiện, phân loại các trường hợp đủ điều kiện tiêm chủng, cần thận trọng khi tiêm chủng, các trường hợp trì hoãn tiêm chủng và các chống chỉ định tiêm chủng.

Theo đó, những trường hợp đủ điều kiện tiêm chủng là những người trong độ tuổi tiêm chủng theo khuyến cáo trong hướng dẫn sử dụng vắc-xin của nhà sản xuất và không quá mẫn cảm với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào liệt kê trong thành phần của vắc-xin

Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác; người có bệnh nền, bệnh mãn tính được điều trị ổn định; Người mất tri giác, mất năng lực hành vi; người trên 65 tuổi; người có tiền sử giảm tiểu cầu hoặc rối loạn đông máu; người có bệnh mãn tính có phát hiện thấy bất thường... phải cẩn trọng, khám sàng lọc kỹ và cần được tiêm chủng tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức cấp cứu.

Người đang mắc bệnh cấp tính hoặc mãn tính đang tiến triển, chưa kiểm soát được; người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch nặng, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù...; trường hợp trong vòng 14 ngày trước có điều trị corticoid liều cao, hoặc điều trị hóa trị, xạ trị; đã mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng, phụ nữ mang thai hoặc đang nuôi con bằng sữa mẹ… nên trì hoãn tiêm chủng.

Người có tiền sử phản vệ từ độ 2 trở lên với bất kỳ dị nguyên nào, có bất cứ chống chỉ định nào theo công bố của nhà sản xuất… không chỉ định tiêm chủng.

 THẢO HƯƠNG 

Tin cùng chuyên mục

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

(PNTĐ) - Nang tuyến giáp là bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Dù đa phần bệnh mang yếu tố lành tính nhưng cũng gây ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Xu hướng điều trị mới, can thiệp không phẫu thuật hay can thiệp tối thiểu như phương pháp tiêm cồn tuyệt đối đang ngày càng được quan tâm, vì tính hiệu quả, nhanh chóng và ít tốn kém hơn so với phẫu thuật.