“Đánh đu" với cuộc hôn nhân này để làm gì?

Chia sẻ

Cô gái ấy mới sinh năm 1993, nhưng đã có đứa con 10 tuổi và suốt 10 năm qua, cô có chồng cũng như không. Lúc này, cô nói rằng không biết nên ra đi hay cố đánh đu với cuộc hôn nhân này.

Người thân, bạn bè, mỗi người mỗi ý, góp ý rất nhiệt tình, khiến cô càng thêm rối trí, không biết chọn lựa con đường nào cho đoạn đời tiếp theo của mình. Đó là lý do dẫn cô tới với các chuyên gia của văn phòng tư vấn tâm lý.

Cô gái tên Thảo ấy gặp người chồng tương lai và có “quan hệ” với anh ấy ngay sau ngày cô tốt nghiệp trung học phổ thông, vừa bước sang tuổi 18. Khi nói chuyện mình có thai, cô nói rằng “may mắn chồng cháu đồng ý cưới”, nếu không cô sẽ bị bố mẹ đánh mắng ác liệt vì bố mẹ cô cũng là người nghiêm khắc trong giáo dục con cái.

Khi cưới nhau rồi, cô mới biết chồng cô là một thanh niên hư hỏng, ăn chơi lêu lổng, không có bất cứ công việc gì. Bố mẹ chồng nói đã giáo dục đủ cách mà con trai vẫn vậy, sau này gia đình đành mặc kệ, bao giờ lấy vợ, may ra “vợ nó dậy được chồng”, hoặc cho rằng khi chồng cô có con rồi sẽ thay tâm đổi tính. Kinh tế gia đình thì tạm ổn, do mẹ chồng cũng làm cán bộ huyện, bố kinh doanh đồ gỗ, có chung tiền với mấy người mở xưởng.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Suốt ba năm đầu tiên lấy nhau, cô gái tên Thảo nói rằng không cảm nhận thấy sự quan tâm, chăm sóc, yêu thương của chồng. Vợ có thai, sinh con, vậy mà chồng vẫn đi chơi suốt ngày, thậm chí có đêm không về, không gọi điện báo, đến khi mẹ anh ấy gọi, anh ấy mới nói ở nhà bạn không về. Anh ấy đi đâu, chơi những gì, làm những gì, không ai được biết. Cứ vài tháng chồng cô lại vòi vĩnh bố mẹ tiền để tiêu vặt, để mua sắm quần áo, đổi xe, đổi điện thoại và trả nợ vì vay nóng bạn bè. Vì bố mẹ chồng bận, nên khi sinh con, Thảo xin bố mẹ chồng cho đem con về ngoại để nhờ bố mẹ và các em hỗ trợ chăm sóc em bé. Chồng thỉnh thoảng mới ghé qua thăm con một lúc, rồi thấy có điện thoại là lại tất tả dắt xe đi. Bố mẹ chồng nói trong 3 năm, ông bà mất gần 500 triệu do chồng Thảo phá.

Ở nhà không chịu làm gì, lại chơi bời, phá phách tốn kém, nên bố mẹ chồng Thảo quyết định chạy cho con trai một suất đi lao động xuất khẩu ở Đài Loan. Biết rằng chồng ở nhà cũng không giúp gì mình, nhưng giờ con nhỏ, chồng lại đi làm 4 năm xa nhà, Thảo buồn lắm, nhưng khó mà ngăn cản bố mẹ chồng, nên cô mặc kệ gia đình chồng quyết định.

Khi chồng đi Đài Loan, Thảo phải đưa con về nhà bố mẹ chồng ở cùng, vừa là để ông bà trông con giúp, vừa là cách ông bà “giám sát con dâu”. Bố mẹ chồng cũng thương Thảo vì họ biết con trai họ không tử tế, không mang lại hạnh phúc cho vợ con, nên ông bà không bắt Thảo đi làm, mà ở nhà nội trợ. Ngoài ra, thỉnh thoảng ông bà cũng cho Thảo một khoản tiền, nói là “con muốn mua sắm gì cho con thì tuỳ”. Thảo cũng cảm động vì cách ứng xử của ông bà. Nhưng cô cũng buồn, vì một cô gái ngoài 20, không được đi làm, không đi đây đi đó, không giao lưu bạn bè, chồng thì ở xa. Nhiều đêm cô thèm giống mấy người bạn, giờ mới có người yêu, có bồ, tối tối đi café vui vẻ với nhau, lâu lâu lại đi chơi xa. Có đêm nhớ chồng, cô cũng gọi điện thoại định nói chuyện với chồng, thì chồng chỉ hỏi vài câu rồi bảo bận, hoặc buồn ngủ…

Đùng một cái, Thảo nhận được tin chồng cô có bồ, họ chung sống với nhau như vợ chồng hơn năm nay rồi. Thảo đau khổ, khóc lóc, nói chuyện với bố mẹ chồng, thì ông bà nói nó ở xa, làm sao mà can thiệp được, kệ nó, bồ bịch chỉ là chơi bời, vợ con là mãi mãi. Bố chồng Thảo cũng nói, nó còn trẻ, xa vợ con, chắc không giữ được, chuyện nó có bồ là khó tránh khỏi, miễn là nó không gây ra chuyện gì rắc rối, phức tạp, vi phạm pháp luật nước bạn, bị đuổi về hoặc tù tội ở bên ấy thôi. Thương con dâu héo mòn vì ở nhà không làm gì được, bố mẹ chồng Thảo cho Thảo một số vốn để cô khởi nghiệp, bán hàng online, vừa có niềm vui, khuây khoả, vừa có tiền thêm để tiêu riêng. Cũng may, Thảo có duyên bán hàng, nên chỉ một thời gian ngắn, cô đã có lượng khách lớn. Sản phẩm cô kinh doanh chủ yếu là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thời trang phụ nữ.

Mong mỏi mãi cũng hết hạn 4 năm, chồng Thảo về nước. Nhưng anh không về nhà ngay, mà theo tình nhân về nhà cô ta. Vốn liếng đi làm mấy năm, họ góp chung với nhau. Sau khi cùng nhân tình sửa lại nhà ở, ổn định cuộc sống, mở cửa hàng kinh doanh… anh mới về nhà.

Anh ấy nói thẳng với bố mẹ là đã góp vốn cùng “cô bạn gái” để kinh doanh, nên sẽ bận, không có thời gian ở nhà nhiều. Anh ấy cũng biết bố mẹ chồng đã giúp Thảo có nghề kinh doanh online, nên bảo “em cứ sống ở đây, em thích làm gì thì làm, nghỉ thì nghỉ, bố mẹ anh không để em và con đói đâu. Còn em đừng quan tâm anh ở đâu, với ai, làm gì”. Cuộc sống như vậy kéo dài một năm nay. Thảo ở nhà chồng, nuôi con và chăm sóc gia đình chồng, còn chồng thì ở nhà “bạn gái”, làm ăn ở đấy, lâu lâu ghé qua nhà, cũng không quan tâm Thảo sống ra sao. Cô cảm thấy tủi nhục, chồng coi thường, bỏ rơi, có chồng cũng như không. Người khuyên cô mặc kệ, cứ sống thế này cũng được, không bị đói, có tiền tiêu, còn thèm tình yêu thì có thể cặp bồ, có bạn trai, vui chơi giải trí là chính, loại này trên mạng… đầy! Người bảo tội gì phải sống thế, sống có chồng phải ra chồng, không có thì thôi, chứ loại vợ mà không bằng “người giúp việc” thế thì sống làm gì.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Riêng Thảo, cô không thể chấp nhận việc vẫn có chồng mà lại cặp bồ với người con trai khác. Cô thấy mình còn trẻ, không lẽ cứ cam chịu cuộc sống ghẻ lạnh như thế này cả đời? Nhưng ly hôn thì cô sợ. Một là sợ không được nuôi con, sợ ông bà quý cháu, chồng cô sẽ làm mọi cách để giữ được đứa con cho bố mẹ anh ta nuôi. Hai là, việc kinh doanh hiện nay, khởi nguồn từ sự giúp đỡ của bố mẹ chồng, nay ly hôn, cô sẽ phải trả họ và chấm dứt công việc này. Thứ ba, ly hôn xong, cô không muốn về nhà bố mẹ đẻ, sợ ông bà buồn, mà cũng mất tự do. Nhưng đi ở nhà thuê, cũng tốn một khoản tiền, mà ở nhà thuê, sẽ không đưa con đi được. Cô bé 10 tuổi, con gái Thảo sống sướng quen rồi, chắc chắn nó sẽ không ở với Thảo, sẽ đòi về với ông bà nội. Đó là những điều khiến Thảo muốn ly hôn nhưng còn... sợ, chứ bản thân cảm thấy không thể tiếp tục sống như thế này được.

Các chuyên viên tư vấn đã lắng nghe câu chuyện dài của vị khách nữ trẻ, trao đổi với cô khá lâu và kỹ lưỡng. Chuyên gia tư vấn khuyên, cô cần trò chuyện thẳng thắn với chồng, với bố mẹ chồng về suy nghĩ và mong muốn của bản thân. Trong suốt gần 10 năm chung sống, cô toàn thụ động, làm theo những sự sắp đặt của người khác, nay cũng vậy. Cô phải đòi hỏi, nếu còn là vợ chồng, mỗi người phải có trách nhiệm với gia đình ra sao, đối xử với nhau như thế nào. Nếu anh ấy còn coi cô là vợ, còn duy trì cuộc hôn nhân, thì không thể muốn làm gì thì làm như hiện nay. Hôn nhân là chung sống, là ràng buộc, là có những luật lệ nhất định. Khi nào không thể điều chỉnh, thay đổi thì nghĩ đến việc chia tay chưa muộn. Khi chia tay, tất nhiên sẽ có xáo trộn cuộc sống, có những mất mát nhất định, nhưng rồi cuộc sống mới sẽ ổn định dần.

Ba điều cô gái trẻ sợ là những điều “không đáng sợ”. Thứ nhất, không ai có quyền tước đoạt quyền nuôi con của người mẹ, nếu cô ấy thiết tha nuôi con và ghi rõ trong đơn nguyện vọng nuôi con sau ly hôn. Thứ hai, sự nghiệp bán hàng online do cha mẹ chồng gây dựng cho cô, sau ly hôn, cô vẫn có thể tiếp tục làm. Kinh doanh, buôn bán là vấn đề con người, công sức, chất xám, kinh nghiệm và cái duyên của người bán hàng nữa chứ không phải chỉ là tiền bạc. Nếu bố mẹ chồng đầu tư số vốn ban đầu, hãy ngỏ lời “xin” ông bà, nếu ông bà không cho, hãy xin khất nợ và trả lại ông bà dần dần. Những khó khăn ban đầu cần trao đổi với con gái, cháu đã 10 tuổi, không phải là quá bé, sao cho con gái hiểu và thương mẹ, chấp nhận đồng hành cùng mẹ, chia sẻ buồn vui cùng mẹ. Điều này chỉ có chính người mẹ mới làm được thôi!

Nguyên tắc của tư vấn là không quyết định thay khách hàng, không xúi giục khách hàng làm những điều họ còn đang sợ, đang ngại, mà nhiệm vụ của tư vấn là chỉ ra cho khách hàng thấy bản thân người ấy có đủ nghị lực, sự tự tin để có cuộc sống độc lập, tự chủ, được tôn trọng và yêu thương.

Chuyên gia tư vấn tâm lý ĐINH ĐOÀN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.