Kỳ cuối: Đã có chế tài xử phạt những hành vi trục lợi bất chính

Chia sẻ

Trước thực trạng bát nháo trong quảng cáo, mua bán thuốc Đông y không rõ nguồn gốc, thuốc gia truyền tự phong gây họa cho người dùng được phản ánh trên báo Phụ nữ Thủ đô từ số báo 24-27, phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô đã có cuộc phỏng vấn TS Trần Minh Ngọc - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y Dược Cổ truyền, Bộ Y tế về vấn đề này.

Thưa TS. Trần Minh Ngọc, ông đánh giá như thế nào về tình trạng thuốc Đông y không nguồn gốc, không được cấp phép, thuốc gia truyền “tự phong” đang được rao bán công khai… hiện nay?

TS Trần Minh Ngọc: Việc kinh doanh, quảng cáo các sản phẩm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, thuốc chữa bệnh từ dược liệu trên môi trường mạng xã hội như: Facebook, youtube, google, zalo, tiktok...  không nguồn gốc, xuất xứ; thổi phồng công dụng, tác dụng, cắt ghép giả danh phóng sự của các đài truyền hình; mạo danh y bác sĩ quảng cáo công dụng của thuốc; không có chứng chỉ hành nghề, không có kiến thức y dược vẫn tư vấn, bán thuốc, cơ sở sản xuất không được cấp phép, bán thuốc ở bất cứ đâu như đầu đường, góc chợ… đúng là thực trạng nhức nhối đang tồn tại thời gian qua.

TS. Trần Minh NgọcTS. Trần Minh Ngọc (Ảnh: NVCC)

Có thể nói, việc sử dụng các mạng xã hội để bán các sản phẩm từ dược liệu “mạo danh thuốc cổ truyền” không rõ nguồn gốc, trục lợi bất chính, đã khiến không ít người bị ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng, kinh tế và còn làm ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của các thầy thuốc Đông y và nền Y học cổ truyền của dân tộc.

Vậy, thưa ông, thời gian qua, cơ quan chức năng trong đó có Cục Quản lý Y Dược cổ truyền đã có những biện pháp nào để chấn chỉnh tình trạng này?

TS Trần Minh Ngọc: Cục Quản lý Y Dược cổ truyền (QLYDCT), đã tích cực xây dựng và tham mưu cho lãnh đạo Bộ Y tế ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực y dược cổ truyền. Với chức năng quản lý được Bộ Y tế giao, Cục QLYDCT đã chỉ đạo Sở Y tế các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm minh các trường hợp sai phạm về hành nghề, kinh doanh, quảng cáo thuốc cổ truyền không phép theo đúng quy định.

Đồng thời, Bộ Y tế cũng đã có công văn gửi Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị phối hợp trong công tác quản lý quảng cáo, kinh doanh các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, thuốc chữa bệnh từ dược liệu không phép, mượn danh y học cổ truyền để thu lợi bất chính trên mạng xã hội và phương tiện thông tin đại chúng.

Có thể nói, chúng tôi đang tìm mọi cách để xử lý mặt trái và hạn chế việc kinh doanh và quảng cáo, đưa thông tin sai lệch về tác dụng, công dụng các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, thuốc từ dược liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ trên các mạng xã hội. Với các cơ sở sản xuất, cơ sở khám chữa bệnh đã được cấp phép nếu vi phạm sẽ bị các cơ quan quản lý y tế xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật.

Cũng có người hỏi, vì sao đối tượng bán thuốc không nguồn gốc vẫn rao bán công khai trên mạng mà chúng tôi không bắt giữ, xử lý. Thực tế, anh em trong Cục Quản lý Y Dược cổ truyền, cả các đồng chí lãnh đạo Cục đã nhiều lần đóng vai bệnh nhân, gọi điện thoại để hỏi mua thuốc của các đối tượng bán thuốc không nguồn gốc, xuất xứ để thu thập thông tin làm cơ sở xử lý theo quy định. Tuy nhiên việc xác định được các đối tượng này vô cùng khó khăn, vì các đối tượng này thường không có địa chỉ cụ thể, hoặc địa chỉ không có thực, chỉ giao dịch bán thuốc qua số điện thoại, hoặc qua các ứng dụng của mạng xã hội, nhận đơn hàng qua mạng, việc giao hàng thông qua dịch vụ chuyển phát... Để xử lý được sai phạm của các đối tượng này cần có sự tham gia, vào cuộc của cả xã hội và nhiều cơ quan liên quan như lực lượng quản lý thị trường, y tế cơ sở, chính quyền địa phương, Bộ Thông tin và Truyền thông…

Đúng như ông nói, tác hại mà thuốc không nguồn gốc gây ra vô cùng lớn. Xin hỏi, hiện nay chúng ta có kênh thông tin nào để cung cấp cho cơ quan chức năng cũng như người dân được biết về những tác hại, hậu quả không mong muốn của thuốc không, thưa ông?

TS Trần Minh Ngọc: Hiện  nay, chúng ta đã có nhiều kênh thông tin về sử dụng thuốc trong điều trị. Chẳng hạn, Trung tâm Quốc gia về Thông tin thuốc và Theo dõi phản ứng có hại của thuốc trực thuộc trường đại học Dược Hà Nội có nhiệm vụ tư vấn /cung cấp thông tin thuốc cho Hội đồng Thuốc, Cục Quản lý Dược, Cục Quản lý Y Dược cổ truyền, Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh… đưa ra quyết định quản lý phù hợp trong việc cấp hoặc không cấp hoặc rút số đăng ký hay cảnh báo nguy cơ phản ứng có hại của nhiều thuốc lưu hành trên thị trường Việt Nam; Người dân có thể đọc trực tuyến các thông tin tại bản tin trực tuyến theo địa chỉ http://magazine.canhgiacduoc.org.vn/. Bên cạnh đó, Cục Quản lý Y Dược cổ truyền cũng là đơn vị đầu mối quản lý thuốc; Sở Y tế các địa phương, các bệnh viện… khi tiếp nhận thông tin về tác dụng không mong muốn của thuốc đều có thông tin kịp thời tới cơ quan chức năng, người dân. Ở đây, cảnh báo không chỉ đến từ thuốc không nguồn gốc, thuốc kém chất lượng mà người dân vô tình sử dụng gây biến chứng, mà còn theo dõi ghi nhận các phản ứng có hại của thuốc trong quá trình điều trị. Đây là nguồn thông tin giúp các cơ sở y tế, người dân sử dụng thuốc an toàn hơn.

Vậy, người dân nên làm gì để không tự đưa mình trở thành nạn nhân của các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, thuốc Đông y không nguồn gốc?

TS Trần Minh Ngọc: Điều đầu tiên và quan trọng nhất đó là, lựa chọn các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, thuốc từ dược liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng đã được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép lưu hành. Nếu muốn chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh bằng Y học cổ truyền, người bệnh hãy đến các bệnh viện Y học cổ truyền, các khoa Y học cổ truyền thuộc hệ thống y tế công hoặc các cơ sở y học cổ truyền tin cậy, đã được các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề để được thăm khám, tư vấn và sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả.

Hiện nay, mạng lưới khám chữa bệnh bằng Y học cổ truyền ngày càng được củng cố, mở rộng. Bệnh viện Y học cổ truyền đã được xây dựng và hoạt động ở hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước. Bên cạnh sự phát triển của bệnh viện Y học cổ truyền, các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thành lập Khoa Y học cổ truyền, tổ Y học cổ truyền chiếm khoảng 88%, trong đó khoa Y học cổ truyền chiếm 63,2%. Mạng lưới khám chữa bệnh bằng Y học cổ truyền tại trạm y tế xã cũng được phủ rộng, đạt hơn 83,2% (tính đến 28/12/2019). Đây đều là những địa chỉ tin cậy, được cấp phép hoạt động, người dân có thể yên tâm tìm tới thăm khám, sử dụng thuốc điều trị bệnh bằng Y học cổ truyền.

Thứ hai, người dân cần tránh tâm lý chủ quan cho rằng thuốc cổ truyền, sản phẩm từ dược liệu an toàn, không độc hại. Không tự ý sử dụng các sản phẩm chăm sóc bảo vệ sức khỏe, thuốc từ dược liệu, thuốc cổ truyền trôi nổi, nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, không nên tin và mua các sản phẩm theo các lời quảng cáo trên mạng xã hội khi thông tin chưa được kiểm chứng và chưa được cấp phép của cơ quan có thẩm quyền, để tránh tiền mất tật mang.

Thứ ba, mỗi chúng ta cùng chung tay đấu tranh và nói không với thuốc cổ truyền, sản phẩm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe không có nguồn gốc xuất xứ, không phép và hãy trở thành người tiêu dùng thông thái để lựa chọn sản phẩm an toàn và hiệu quả cho sức khỏe.

Người dân cần cảnh giác với những quảng cáo thuốc gia truyền Người dân cần cảnh giác với những quảng cáo thuốc gia truyền "tự phong" giả danh phóng sự truyền hình như thế này (Ảnh: PV)

Đã có chế tài xử phạt những hành vi trục lợi bất chính

Thầy thuốc nhân dân, Lương y Nguyễn Hồng Siêm – Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Thành phố Hà Nội: Thầy thuốc cần lên tiếng khi hình ảnh bị lạm dụng

Nền y học cổ truyền Việt Nam với hàng ngàn năm lịch sử và vô vàn vị thuốc dân gian, dược liệu quý… đã và đang góp phần không nhỏ vào việc cứu sống nhiều người bệnh, đặc biệt người mắc bệnh mạn tính.

Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Hồng SiêmThầy thuốc Nhân dân Nguyễn Hồng Siêm (Ảnh: NVCC)

Tuy nhiên, tình trạng nhiều lương y bị đánh cắp hình ảnh để bán thuốc, người không có chuyên môn nhưng “mạo danh” lương y, ngang nhiên rao bán sản phẩm Đông y gia truyền “tự phong” trên mạng xã hội thời gian qua... đã làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của lương y gia truyền chân chính. Nguy hiểm hơn khi nhiều người không có chuyên môn, chỉ chạy theo lợi nhuận, người bệnh không được thăm khám nên rất dễ dẫn đến việc “bệnh một đằng, chữa một nẻo”, thậm chí có thể gây ngộ độc, nguy hiểm tới tính mạng.

Để hạn chế tình trạng này, thiết nghĩ cần sự phối hợp của nhiều bên, trong đó có người dân, cơ quan chức năng như thanh tra y tế, bộ phận quản lý an ninh mạng, quản lý thị trường... Đặc biệt, chính những người làm nghề y phải biết tự bảo vệ mình, chẳng hạn trong tình huống lương y bị lấy cắp hình ảnh để in lên pano, poster, đăng tải quảng cáo trên các trang mạng, diễn đàn... trái quy định. Thay vì chỉ lên mạng xã hội “giãi bày”, tự thanh minh hoặc giữ im lặng... lương y có thể đi đến cùng sự việc, đưa hành vi vi phạm kia ra pháp luật xử lý để bảo vệ hình ảnh của mình.

Bộ luật Dân sự 2015 đã ghi rõ, “nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh”. Đối với những hành vi “quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép”, pháp luật cũng quy định rất rõ hình thức và mức độ xử phạt.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng – Văn phòng luật sư kết nối, đoàn luật sư thành phố Hà Nội: Khám chữa bệnh bằng Đông y khi chưa được cấp phép có thể bị xử lý hình sự

Người hành nghề KCB phải là người được cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề. Để được cấp chứng chỉ hành nghề, người hành nghề phải có bằng cấp chuyên môn, Giấy chứng nhận là lương y hoặc Giấy chứng nhận có bài thuốc gia truyền; trải qua quá trình thực hành, có đủ sức khỏe để hành nghề… Hiện nay xuất hiện nhiều người tự xưng là “thần y” nổi tiếng trên mạng xã hội, nhưng chưa ai xác định họ có đáp ứng điều kiện hành nghề hay không.

Luật sư Nguyễn Ngọc HùngLuật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Ảnh: NVCC)

Theo quy định tại điểm a, khoản 7, Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ, người thực hiện KCB khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 30 đến 40 triệu đồng; Trường hợp gây chết người hoặc tổn hại sức khỏe cho người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp”, làm chết 1 người thì bị phạt từ 1-5 năm tù, làm chết 2 người trở lên bị phạt từ 5-12 năm tù. Nếu “Vô ý gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp”, tổn thương cơ thể của bị hại từ 31% trở lên sẽ phải chịu mức hình phạt cao nhất là 5 năm tù.

Trường hợp người KCB như trên biết hành vi của mình có thể gây chết người, hoặc gây thương tích, tổn hại sức khỏe cho người khác nhưng vẫn làm vì lợi nhuận hoặc động cơ cá nhân khác, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người” hoặc tội “Cố ý gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho người khác”, với khung hình phạt cao nhất lần lượt là tử hình và tù chung thân.

Nếu những “thần y” này còn có hành vi sản xuất, bán thuốc chữa bệnh giả cho người bệnh kiếm lời thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Sản xuất buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”. Tội này có hình phạt từ 2 năm tù đến tử hình.

LƯU Ý KHI MUA VÀ SỬ DỤNG THỰC PHẨM BẢO VỆ SỨC KHỎE Đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe, người tiêu dùng cần cảnh giác với các hành vi sau:

1. Quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế;

2. Gọi điện thoại tự xưng là bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế tư vấn, “bắt bệnh” và giới thiệu để bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe;

3. Gọi điện thoại tự xưng là bệnh nhân đã khỏi bệnh sau khi sử dụng sản phẩm để giới thiệu và bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Khi mua và sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe, hãy nhớ:

1. Thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời.

2. Tra cứu thông tin liên quan đến công bố và quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn/ và https://nghidinh15.vfa.gov.vn/ trước khi quyết định chọn mua sản phẩm;

3. Đọc kỹ nhãn sản phẩm, trên nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe luôn ghi dòng chữ: “thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; xem rõ về thành phần, tác dụng của sản phẩm để sử dụng cho phù hợp và bảo đảm sức khỏe;

4. Chọn mua các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và nhà sản xuất sản phẩm rõ ràng;

5. Mua sản phẩm phải có hóa đơn/đơn hàng của người bán để làm bằng chứng cho việc mua bán hàng hoá giữa hai bên (để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm khi cần).

(Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế)

 NHÓM PHÓNG VIÊN

Tin cùng chuyên mục

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.
Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.