Hà Nội chủ động các phương án đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho nhân dân

Chia sẻ

Chiều 19/7, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu Sở Công Thương rà soát lại toàn bộ hệ thống chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, cửa hàng bình ổn, lên danh sách cụ thể để khi hàng hóa về phân phối bảo đảm tiêu dùng. Tính toán từng loại sản phẩm để tiếp tục thực hiện liên kết chuỗi với các địa phương ở khu vực phía Bắc.

Báo cáo tại buổi làm việc, quyền Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cho biết: Trong nhiều năm, TP Hà Nội đã có chương trình bình ổn giá, điều này giúp giữ vững bình ổn thị trường. Từ năm 2020, khi dịch bệnh xảy ra, ngành công thương đã xây dựng 5 phương án liên tục bám sát tình hình dịch để có phương án sát nhất thực tiễn.

Với Hà Nội, Sở Công thương đã tính toán 17 mặt hàng thiết yếu và nhu cầu sử dụng 1 tháng với giá trị 21.000 tỷ đồng, từ đó, đề xuất doanh nghiệp tăng lượng dự trữ lên gấp 3 và dự trữ từ đầu năm với khoảng 194.000 tỷ đồng.

Hà Nội chủ động các phương án đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho nhân dân - ảnh 1

Suốt 7 tháng qua, diễn biến dịch bệnh phức tạp nhưng hàng hóa vẫn bảo đảm cung ứng tốt, chưa xảy ra tình trạng tăng giá đột biến. Các doanh nghiệp đã xác định được nguồn cung hàng hóa tương đối dồi dào, các doanh nghiệp đã chuẩn bị lượng hàng dự trữ theo sự chỉ đạo của Thành phố hiện tại đủ phục vụ nhu cầu người dân.

Về thương mại điện tử, trong điều kiện dịch bệnh nhưng phát triển tốt, nhiều doanh nghiệp có 1 - 3 trang thương mại điện tử để phục vụ người dân. Trong thời gian qua, thương mại điện tử tăng trưởng khoảng 30%.

Tại buổi làm việc, đại diện các doanh nghiệp phân phối hàng hóa trên địa bàn TP Hà Nội đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt của lãnh đạo TP đối với các diễn biến của dịch Covid-19 trên địa bàn. Đồng thời khẳng định, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, doanh nghiệp đã chủ động xây dựng kịch bản, làm việc trực tiếp với các nhà cung cấp để có kế hoạch sản xuất, lưu tại kho của các nhà sản xuất và các doanh nghiệp tại Hà Nội, từng điểm bán hàng cũng đang thực hiện trữ hàng hóa để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân…

Các doanh nghiệp khẳng định sẽ cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân trên địa bàn trong mọi tình huống.Cũng tại buổi làm việc, các doanh nghiệp đề xuất UBND TP Hà Nội kiến nghị với Chính phủ, Bộ Y tế ưu tiên cho những lực lượng phục vụ nhân dân (nhân viên lái xe chở các mặt hàng thiết yếu, nhân viên phục vụ, bán hàng tại các cửa hàng) được tiêm vắc-xin. Bên cạnh đó, qua thực tiễn từ tình hình dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh hiện nay, rau xanh và thực phẩm tươi sống đang thiếu, vì vậy, đề nghị ngành nông nghiệp Thủ đô cần tập trung chú ý hơn đến việc khuyến khích các huyện ngoại thành chủ động chuyển đổi trồng những sản phẩm rau xanh, gia cầm, thịt cá để phục vụ nhân dân Thủ đô trước khi trông chờ từ các tỉnh thành khác chuyển về.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh về tinh thần ưu tiên cho phòng, chống dịch Covid-19, phải bảo đảm sự an toàn cho người dân, cho xã hội. Vì vậy, sau cuộc họp, các ngành phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, các nội dung thảo luận, chia sẻ tại cuộc họp để triển khai cụ thể phương án của từng đơn vị. "Người đứng đầu các đơn vị phải nhập vai vào tình huống khi dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn để chỉ đạo ngay từ đơn vị mình" - Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

Với ngành Nông nghiệp, cần tính theo lộ trình dịch bệnh có thể tiếp diễn 14 ngày, 1 tháng hay nhiều hơn, vì vậy, cần tính toán ở bối cảnh cách ly thì ảnh hưởng như thế nào đến sản xuất. Từ đó xây dựng, rà soát lại ngành sản xuất, rà soát mùa vụ đang trồng loại rau sạch, củ quả nào; rà soát về gia súc, gia cầm, thủy sản... để có phương án tổ chức sản xuất cho phù hợp. "Tất cả phải theo tinh thần chủ động, tự cung, tự cấp một cách cao nhất, đáp ứng được nhiều nhất"- Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu.

Đối với ngành Giao thông vận tải, từ những thông tin cung cấp của Sở Công Thương về tổng hợp các điểm bán hàng để phân phối, Sở cần xây dựng phương án "luồng xanh" từ vùng sản xuất đến các cửa hàng phân phối, bảo đảm thông suốt, không ách tắc.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu Sở Công Thương rà soát lại toàn bộ hệ thống chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, cửa hàng bình ổn, lên danh sách cụ thể để khi hàng hóa về phân phối bảo đảm tiêu dùng. Tính toán từng loại sản phẩm để tiếp tục thực hiện liên kết chuỗi với các địa phương ở khu vực phía Bắc, đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân. Cần đa dạng vùng cung cấp, không chỉ ở một vùng để có phương án thay thế khi cần thiết.

H.N

 

Tin cùng chuyên mục

Hơn 600 điểm cầu tổ chức tập huấn về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Hơn 600 điểm cầu tổ chức tập huấn về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

(PNTĐ) - Sáng 23/4, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố Hà Nội phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy tổ chức lớp tập huấn việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các Nghị định liên quan bằng hình thức trực tuyến từ điểm cầu Thành ủy đến 610 điểm cầu cơ sở. Đồng chí Đỗ Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố dự và phát biểu chỉ đạo.
Phụ nữ cả nước hướng về Điện Biên

Phụ nữ cả nước hướng về Điện Biên

(PNTĐ) - Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), các cấp Hội Phụ nữ cả nước đã và đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm giáo dục truyền thống, tham gia chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đặc biệt là hội viên phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.