Triển khai đồng loạt tại các điểm tiêm chủng

Chia sẻ

Theo kế hoạch triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 của Bộ Y tế, dự kiến từ tháng 7/2021 đến tháng 4/2022, Việt Nam sẽ triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử với mục tiêu bao phủ vắc-xin Covid-19 cho trên 70% dân số.

TS PGS.Dương Thị HồngTS PGS.Dương Thị Hồng (Ảnh: VGP/Ngô Nhung)

Để làm rõ hơn về chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn này, PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia đã có cuộc trao đổi với báo chí.

- Thưa bà, để thực hiện chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 năm 2021-2022 trên quy mô toàn quốc, chúng ta đã huy động các lực lượng và thiết lập hệ thống tiêm chủng như thế nào?

- PGS.TS Dương Thị Hồng: Mới đây, Bộ Y tế đã ban hành quyết định số 3355/QĐ-BYT về kế hoạch triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19, mục tiêu tạo miễn dịch cộng đồng nhưng vẫn đảm bảo an toàn tiêm chủng khi sử dụng vắc-xin.

Chiến dịch sẽ triển khai tại tất cả các xã, phường, thị trấn trên toàn quốc; Sử dụng đồng thời tất cả các loại vắc-xin đủ điều kiện từ các nguồn cung ứng khác nhau; Huy động hệ thống chính trị và tối đa các lực lượng (cơ sở trong và ngoài ngành y tế, lực lượng công an, quân đội, tổ chức chính trị... hỗ trợ triển khai tiêm chủng.

Về cơ bản, chúng ta sẽ sử dụng hệ thống tiêm chủng sẵn có với hơn 11.000 điểm tiêm chủng xã/phường. Mỗi xã, phường ở những vùng khó khăn lại có một số điểm tiêm chủng cố định đặt ở trạm y tế, như vậy có tới 15.000-17.000 điểm tiêm chủng trong hệ thống tiêm chủng mở rộng của Việt Nam. Ngoài ra, nếu huy động cả cơ sở y tế tư nhân, cơ sở tiêm chủng dịch vụ, dự kiến số điểm tiêm chủng có thể lên tới con số 19.000 điểm.

Trường hợp cần đẩy nhanh tốc độ, chúng ta sẽ bố trí điểm tiêm chủng tại nhà máy, khu công nghiệp để tiêm cho nhiều đối tượng trong cùng một thời điểm. Từ thực tiễn của tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và một số tỉnh miền Nam cho thấy, tại các điểm tiêm chủng này, chúng ta có thể tổ chức tiêm cả ngày, cả đêm, và mỗi một bàn tiêm, một dây chuyền tiêm có thể thực hiện 300-400 mũi tiêm/ngày. Như vậy, có thể tối đa hóa số lượng tiêm chủng vắc-xin và đảm bảo an toàn tiêm chủng. Tại mỗi điểm tiêm chủng, đều bố trí bàn cấp cứu tại chỗ và điểm cấp cứu lưu động đề phòng trường hợp cần hỗ trợ.

Về công tác bảo quản vận chuyển vắc-xin, ngoài hệ thống dây chuyền lạnh sẵn có của chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia có thể bảo quản 60 triệu liều vắc-xin cùng một lúc, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Quốc phòng thiết lập 8 kho phân khu, trong đó 7 kho phân khu theo khu vực địa lý và 1 kho phân khu Thủ đô để bảo quản vắc-xin liên tỉnh… Từ đó, xây dựng hệ thống vận chuyển, làm sao trong 1 tuần từ khi nhận vắc-xin về Việt Nam rồi có giấy xuất xưởng, giấy kiểm định tính an toàn, vắc-xin sẽ đến điểm tiêm trong một tuần, sau đó, trong vòng 3-5 ngày địa phương sẽ hoàn thành tiêm theo đợt cấp vắc-xin đó.

Cán bộ TTYT quận Cầu Giấy tổ chức tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho người dân (TH)Cán bộ TTYT quận Cầu Giấy tổ chức tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho người dân (TH)

- Thưa bà, người dân sẽ được tiêm những loại vắc-xin nào? Liệu Việt Nam có áp dụng tiêm phối trộn 2 loại vắc-xin khác nhau cho mỗi liều?

- PGS.TS Dương Thị Hồng: Hiện nay, chúng ta đã có 4 loại vắc-xin sẽ triển khai trong chiến dịch tiêm chủng mở rộng gồm: AstraZeneca, Pfizer/BioNTech, Moderna và Sinopharm. Sau này, chúng ta sẽ nhận tiếp vắc-xin Sputnik V. Mỗi loại vắc-xin này có hướng dẫn sử dụng tương đối khác nhau về liều lượng, cách thức pha, cách thức sử dụng an toàn theo quy định nghiêm ngặt của nhà sản xuất. Chẳng hạn, thời gian cách nhau giữa mũi 1 và mũi 2 của vắc-xin AstraZeneca là 8-12 tuần, nhưng của vắc-xin Pfizer từ 3-4 tuần, vắc-xin Moderna và Sinopharm là 4 tuần. Tới đây, khi vận chuyển đến các địa phương, cùng một tỉnh, một địa bàn tiêm chủng có thể có nhiều loại vắc-xin khác nhau.

Đến nay, tất cả các nhà sản xuất và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đều khuyến cáo rằng, tốt nhất là cùng tiêm một loại vắc-xin cho đủ hai mũi tiêm chủng, để đảm bảo hiệu quả và an toàn nhất. Cũng đã có một số quốc gia nghiên cứu và đưa ra số liệu nhất định về việc tiêm phối trộn (mũi 1 vắc-xin AstraZeneca, mũi 2 vắc-xin Pfizer), nhưng dữ liệu này chưa được WHO chính thức thông qua. Ghi nhận ở một số khu vực tại châu Âu cho thấy, hiệu quả trong phòng Covid-19 khi tiêm phối trộn có tăng lên, nhưng phản ứng phụ sau tiêm cũng nhiều hơn, tăng lên so với tiêm 2 liều vắc-xin cùng một loại.

Hơn nữa, thực tế cho thấy, tất cả các phản ứng tiêm tại chỗ như: Sưng đau, mẩn đỏ, sốt cao hay biểu hiện khó chịu, chán ăn, buồn nôn, mệt mỏi, thậm chí phản ứng hiếm gặp như sốc phản vệ… đều được ghi nhận ở tất cả các loại vắc-xin. Đồng thời, các vắc-xin này đều có hiệu quả bảo vệ tương đương nhau, từ 70% mũi 1 và sau mũi 2 có thể lên đến 80-90%.

Hiện tại, do nguồn cung vắc-xin còn hạn chế nên khi triển khai trên quy mô toàn quốc, vẫn có xét ưu tiên với các tỉnh/thành phố đang có dịch; Vùng kinh tế trọng điểm hoặc thực hiện đề án phát triển kinh tế của Chính phủ; Địa phương có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đông dân dân cư; tỉnh/thành phố có biên giới, giao lưu qua lại lớn, có cửa khẩu quốc tế

Tuy nhiên, Bộ Y tế đã xác định sẽ tiêm 2 mũi vắc-xin cùng loại cho mỗi người. Ví dụ khi cấp vắc-xin Pfizer cho một đơn vị có 100 người, sẽ phải cấp 200 liều luôn để đảm bảo tiêm đủ. Trong trường hợp nguồn cung không đủ, chúng ta có thể tiêm phối trộn 2 loại vắc-xin, nhưng cán bộ y tế phải theo dõi sức khỏe của người được tiêm một cách chặt chẽ.

- Hiện tại Việt Nam đã, đang triển khai tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho đối tượng từ 18-65 tuổi. Bà có thể cho biết, với đối tượng dưới 18 tuổi hoặc trên 65 tuổi, Bộ Y tế đã có kế hoạch tiêm chủng như thế nào?

- PGS.TS Dương Thị Hồng: Trong chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử lần này, Bộ Y tế đưa ra 16 nhóm đối tượng được tiêm chủng (trước đây chỉ có 8 nhóm đối tượng theo quy định tại Nghị quyết 21/NQ-CP về mua và sử dụng vắc-xin Covid-19). Theo đó, đối tượng tiêm chủng là toàn bộ người dân trong độ tuổi có chỉ định sử dụng vắc-xin theo khuyến cáo của nhà sản xuất (độ tuổi từ 18-65).

Dự kiến, đến hết 2021, sẽ có 50% người dân Việt Nam trong độ tuổi tiêm chủng trở lên được tiêm vắc-xin Covid-19, sau đó chúng ta sẽ tiêm nốt để đảm bảo bao phủ vắc-xin cho 70% dân số. Hiện nay, Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn chính thức về việc tiêm cho người trên 65 tuổi tại cơ sở y tế có đủ điều kiện xử trí, theo dõi sức khỏe.

Với đối tượng dưới 18 tuổi, một số quốc gia đã tiêm chủng cho trẻ vị thành niên từ 12 tuổi trở lên, và Pfizer là vắc-xin duy nhất được WHO phê chuẩn để sử dụng. Mới đây, Bộ Y tế đã có thỏa thuận với công ty Pfizer về việc sẽ cung cấp bổ sung 20 triệu liều vắc-xin cho trẻ vị thành niên lứa tuổi 12-17. Về thời gian triển khai, hiện phải đợi nhà cung cấp vắc-xin. Theo thỏa thuận ban đầu giữa hai bên, sớm nhất là trong quý IV năm nay, vắc-xin sẽ được cung cấp cho Việt Nam.

- Chiến dịch tiêm chủng lần này có quy mô trên toàn quốc. Để tránh tình trạng “ùn tắc”, nhầm lẫn và tạo thuận lợi cho người dân khi tham gia tiêm chủng, Bộ Y tế đã có giải pháp gì?

- PGS.TS Dương Thị Hồng: Để tránh tình trạng người dân đến tập trung đông đúc quá mức tại một điểm tiêm, để rồi bị từ chối tiêm hoặc nhầm lẫn khi tiêm... Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel để ứng dụng công nghệ thông tin về quản lý trong kỳ tiêm chủng.

Người dân có thể khai hồ sơ đăng ký tiêm trực tuyến qua trang web http://tiemchungcovid19.gov.vn hoặc phần mềm “Sổ sức khỏe điện tử”. Tại đây, người dân dễ dàng kê khai thông tin cá nhân, tiền sử bệnh lý… để được tư vấn đúng nhất về tiêm chủng. Với trường hợp có bệnh lý nền, bệnh nhân sẽ được bố trí tiêm vắc-xin ở bệnh viện hoặc cơ sở y tế có điều kiện cấp cứu, hồi sức tích cực tốt hơn, có giường bệnh để theo dõi sức khỏe trong thời gian nửa ngày, thậm chí 1 ngày thay vì từ 30-60 phút theo thông thường. Bên cạnh đó, thông qua kênh online này, người dân sẽ được cung cấp lịch tiêm để đảm bảo không tập trung đông người, tránh biến điểm tiêm chủng thành nơi có nguy cơ lây nhiễm Covid-19.

Đối với những khu vực thuộc vùng sâu, vùng xa, thậm chí ở khu vực thành thị, nếu người dân không có điều kiện sử dụng máy tính hoặc điện thoại thông minh, hệ thống y tế xã/phường sẽ được huy động song song để thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn người dân đăng ký tiêm chủng. Sau đó, số liệu người dân sẽ được cán bộ y tế cập nhật lên cổng thông tin để theo dõi. Nhưng tiến tới khi vắc-xin về nhiều, rất cần sự phối hợp, chủ động đăng ký theo hình thức trực tuyến của người dân để đảm bảo quá trình tiêm chủng thuận lợi, an toàn.

- Trân trọng cảm ơn bà!

Hà Nội sẽ triển khai tiêm đồng loạt khi đủ vắc-xin

Bà Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - cho biết: Đến thời điểm này, Hà Nội đã hoàn thành phương án tiêm chủng trên diện rộng. Người dân được đăng ký tiêm chủng với mục tiêu sớm, nhanh và an toàn nhất. Tới đây, khi đủ vắc-xin Covid-19, thành phố sẽ triển khai tiêm đồng loạt trên toàn địa bàn. Người dân sẽ được tiêm 2 mũi vắc-xin cùng loại. Trong chiến dịch này, số lượng người trong độ tuổi cần tiêm chủng của Hà Nội (lứa tuổi từ 18 đến 65) là trên 5,1 triệu người, đồng thời mở rộng sang các đối tượng khác. Các đối tượng tiêm được chia thành 10 nhóm theo thứ tự ưu tiên để bảo đảm tính chính xác, minh bạch trong việc tiếp cận vắc-xin.

Hiện, phương án đưa ra là sẵn sàng 1.200 dây chuyền tiêm. Nếu nguồn cung vắc-xin bảo đảm, thành phố phấn đấu đạt tối đa 200.000 mũi tiêm/ngày, đồng thời, huy động 100 tổ cấp cứu cơ động để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp xảy ra các phản ứng sau tiêm. Nhưng, đến thời điểm này, tiêm được bao nhiêu và mở các điểm tiêm như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào lượng cấp phát vắc-xin của Bộ Y tế.

T.H

  QUỲNH TRANG – THẢO HƯƠNG (thực hiện)

 

 

Tin cùng chuyên mục

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.
Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.