Chính phủ đặt ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế xã hội

Chia sẻ

(PNTĐ) – Sáng 2/7, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày kế hoạch, phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025).

 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí DũngBộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo trước Quốc hội 

Chính phủ đã bám sát quan điểm phát triển kinh tế - xã hội của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và cập nhật, bổ sung tình hình, tác động của đại dịch Covid-19, nhất là từ đầu năm 2021. 

Mục tiêu tổng quát được đặt ra là bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, trên cơ sở tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô bền vững, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm (2016-2020), đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: “Chính phủ cũng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục có hiệu quả tác động của đại dịch Covid-19, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế. Phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam và sức sáng tạo của mỗi cá nhân. Từng bước xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; bảo đảm cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, tinh thần xuyên suốt là “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) đề ra 23 chỉ tiêu chủ yếu, tăng 2 chỉ tiêu so giai đoạn 2016-2020, với 8 chỉ tiêu về kinh tế, 9 chỉ tiêu về xã hội và 6 chỉ tiêu về môi trường.

Một số chỉ tiêu quan trọng là: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%; bội chi ngân sách nhà nước bình quân 3,7% GDP; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%...

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chính phủ đưa ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để tập trung thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm, bảo đảm bám sát và cụ thể hóa phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) đã được Đại hội lần thứ XIII của Đảng thông qua.

Trong đó, Chính phủ tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, nhưng căn cứ vào tình hình thực tế và địa bàn cụ thể để lựa chọn ưu tiên, quyết liệt triển khai các giải pháp phòng, chống dịch; khẩn trương triển khai chiến lược vắc xin toàn diện, hiệu quả, tổ chức chương trình tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho nhân dân, phấn đấu đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021, đầu năm 2022. Nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế khả thi, hiệu quả.

Trong 5 năm tới, Chính phủ cũng đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển kinh tế số, xã hội số; tăng cường huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực và tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án đầu tư của mọi thành phần kinh tế còn tồn đọng, kéo dài, tạo nguồn lực phát triển.

Theo đó, Chính phủ cũng đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông ở các vùng kinh tế trọng điểm và những vùng còn khó khăn; thúc đẩy phát triển hạ tầng số, hạ tầng kết nối các phương thức vận tải, logistics...

Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội. Không đánh đổi công bằng, tiến bộ xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Chính phủ tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính đi đôi với tạo dựng môi trường đổi mới sáng tạo; có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ và giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; phát huy hơn nữa ngoại giao văn hóa, quảng bá mạnh mẽ hình ảnh quốc gia và tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo thẩm traChủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo thẩm tra 

Báo cáo thẩm tra về kế hoạch trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, 

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề như: Việc triển khai chính sách, thực hiện các gói hỗ trợ đã góp phần khắc phục những khó khăn trong đời sống của Nhân dân, người lao động và hoạt động của doanh nghiệp, tuy nhiên, việc triển khai còn chậm, chưa đạt hiệu quả mong muốn, tỷ lệ giải ngân thấp, chưa tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Việc triển khai, tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam theo Nghị quyết của Quốc hội còn chậm. Chiến lược vắc-xin của nước ta gặp nhiều thách thức, tỷ lệ dân số được tiêm chủng còn thấp; nhiều nước Châu Á, trong đó có Việt Nam, có nguy cơ lỡ nhịp với nền kinh tế thế giới vì không có đủ nguồn cung và công nghệ sản xuất vắc-xin.

Một số khoản thu NSNN hoàn thành, tăng cao so với dự toán một phần là do việc lập dự toán thu NSNN chưa sát với thực tế. Thu từ cổ phần hóa, sắp xếp lại DNNN đạt kết quả rất thấp. Tình trạng thất thu thuế, buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế (đặc biệt là thuế thu nhập doanh nghiệp ở khu vực kinh tế tư nhân) vẫn còn diễn ra phổ biến, nợ đọng thuế tăng cao hơn so với cùng kỳ.

CPI bình quân 6 tháng tăng thấp nhất kể từ năm 2016, sức cầu trong nước yếu, tuy nhiên CPI tháng 5, tháng 6 tăng lần lượt 2,9% và 2,41% so với cùng kỳ, cùng với tình trạng bong bóng tài sản, tình hình giá cả thế giới có xu hướng tăng cao, có thể gây áp lực lạm phát cho những tháng tiếp theo; tình trạng sốt nóng thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán có thể gây hệ lụy cho kinh tế vĩ mô.

Đề nghị đánh giá rõ cơ cấu hàng hóa xuất khẩu sang Hoa Kỳ và nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc; kết quả công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, đầu cơ găm hàng, thao túng thị trường; cung cấp số liệu, làm rõ nguyên nhân thiếu hụt container, chi phí vận tải đối với một số ngành hàng tăng cao so với thời điểm trước khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra.

Giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 29,02% kế hoạch, thấp hơn mức 34% của cùng kỳ năm trước, vốn nước ngoài giải ngân rất thấp, chỉ đạt 7,37%; có 9 Bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn; 3 Bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 1%.

Các khoản nợ xấu tiềm ẩn còn ở mức cao, tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng là 483,2 nghìn tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 4,71%, nợ xấu nội bảng tiếp tục tăng (cuối tháng 4/2021 là 1,78%).

Công tác lập quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia còn chậm; nhiều ngành, địa phương vẫn tập trung vào việc điều chỉnh quy hoạch của thời kỳ trước; việc lập và phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh của một số địa phương vẫn chưa được thực hiện, có thể ảnh hưởng lớn đến việc đầu tư, phát triển của giai đoạn 2021 - 2025.

Tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần tăng, số lao động thất nghiệp tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn xã hội. Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng đã có hiệu lực nhưng nhiều văn bản hướng dẫn vẫn chưa được ban hành...

VÂN NGA

Tin cùng chuyên mục

Xây dựng tương lai chung bằng đổi mới và sáng tạo

Xây dựng tương lai chung bằng đổi mới và sáng tạo

(PNTĐ) - Sáng 26/4, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Trường Đại học Giao thông vận tải tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4) năm 2024.
Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

(PNTĐ) - Ngày 25/4, Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)”. Ban tổ chức đã nhận được gần 20 tham luận gửi đến Hội thảo đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật.