Kỳ 1: Hà Nội “có gì” để phát triển công nghiệp văn hóa?

Chia sẻ

Phát triển công nghiệp văn hóa là bước đi tất yếu trong công cuộc phát triển của mỗi quốc gia. Khi công nghiệp văn hoá phát triển sẽ trở thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, sản sinh ra các sản phẩm văn hoá có giá trị lớn trong đời sống, vươn tầm ảnh hưởng quốc tế.

Đã không còn sớm để Hà Nội bàn câu chuyện công nghiệp văn hoá, thời điểm này, Hà Nội đang cần những bước đi quyết liệt hơn để sớm phát triển nền công nghiệp văn hóa được xem là mũi nhọn của Thủ đô.

Là nơi gặp gỡ Đông - Tây, hội tụ đa dạng các di sản, của sức trẻ, sức sáng tạo, Hà Nội có nguồn lực vô cùng lớn để phát triển công nghiệp văn hóa. Nhiều chuyên gia nhận định, tại thời điểm hiện nay, công nghiệp văn hóa đang là “mắt xích” yếu trong chuỗi các giải pháp nhằm phát huy nguồn tài nguyên văn hóa trở thành “sức mạnh mềm” của thành phố.

Miền đất lý tưởng để phát triển công nghiệp văn hóa

Trong những thập niên gần đây, công nghiệp văn hóa được xem là một trong những hướng ưu tiên trong chiến lược phát triển của nhiều quốc gia, địa phương.

Tại Việt Nam, phát triển công nghiệp văn hóa đã được cụ thể hóa trong Quyết định 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Theo đó, các lĩnh vực của công nghiệp văn hóa được kỳ vọng sẽ trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt cả về chất và lượng. Bên cạnh đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, ngành công nghiệp này còn đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và xuất khẩu. Song song với đó, sự phát triển của công nghiệp văn hóa là phương thức bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của đất nước có nền văn hiến lâu đời; góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa, trong đó ưu tiên phát triển các ngành có nhiều lợi thế, tiềm năng.

Lễ hội làng Triều Khúc Hà NộiLễ hội làng Triều Khúc Hà Nội.

Phát biểu tại tọa đàm “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - Thực trạng và giải pháp” do Thành ủy Hà Nội tổ chức mới đây, TS. Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia nhận định: Hà Nội là vùng tài nguyên di sản giàu có nhất, đa dạng nhất của quốc gia. Tính đến cuối năm 2015, Hà Nội có 5.922 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 2.396 di tích đã được xếp hạng là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, di sản thế giới. Hà Nội có 1.793 di sản văn hóa phi vật thể được nhận diện, kiểm kê đưa vào danh sách để bảo vệ. Trong đó có: 1.206 lễ hội, 215 tập quán xã hội và tín ngưỡng, 175 nghề thủ công truyền thống, 106 di sản về tri thức dân gian, 79 nghệ thuật trình diễn dân gian, 14 di sản về ngữ văn dân gian. Hà Nội cũng là nơi nhiều thiết chế văn hóa bảo tàng nhất cả nước. 

Còn theo PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: Các nguồn tài nguyên văn hóa có mặt ở mọi ngõ ngách trong thành phố, từ hạ tầng đô thị với kiến trúc “nhiều lớp lịch sử” đến hạ tầng văn hóa đa dạng, phong phú, góp phần tạo nên sự gắn kết hài hòa trong đời sống giữa tự nhiên với con người. Những hạ tầng cơ sở cho sự phát triển công nghiệp văn hóa tại Hà Nội có thể được nhìn thấy trong nhiều công trình kiến trúc có lịch sử lâu đời, trong các công trình kiến trúc, các không gian công cộng và không gian sáng tạo mới của Hà Nội.

Bên cạnh đó, sự đa dạng của các sản phẩm thủ công, như gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, sơn mài Hạ Thái... và những sản phẩm của sự sáng tạo đã có mặt ở khắp nơi trong thành phố, từ các tuyến phố nội thành cho đến các làng nghề thủ công truyền thống của Hà Nội. Đây chính là nhân tố quan trọng tạo nên bản sắc riêng có của Hà Nội trong cách thành phố lưu giữ truyền thống, định hình hiện tại và hướng tới tương lai dựa trên phát huy nguồn tài nguyên văn hóa thành sức lớn mạnh của các ngành công nghiệp văn hóa.

Hà Nội còn là một thành phố có cơ cấu dân số vàng (51,7% dân số trẻ) và có hàng nghìn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa cùng với sự gia tăng về số lượng các tổ chức giáo dục với kết cấu hạ tầng hiện đại, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ. Đó là thế mạnh của thành phố trong kết nối quốc tế để chuyển hóa nguồn lực thành "sức mạnh mềm" văn hóa dựa trên sự sáng tạo gắn với công nghệ số...

Bài toán khó đặt ra cho Hà Nội

Với những thế mạnh hiện có, phát triển công nghiệp văn hóa chính là con đường để văn hóa Thủ đô tham gia cạnh tranh trên thị trường quốc tế, tăng cường sức mạnh tổng hợp nội sinh của đất nước.

Nắm bắt được xu thế tất yếu này, những năm gần đây, chính quyền thành phố đã tiên phong trong lĩnh vực đổi mới chính sách trong phát triển công nghiệp văn hóa, từng bước tạo nên sự tích hợp giữa những sáng tạo và biểu đạt đa dạng về văn hóa nghệ thuật trong nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào với khả năng ứng dụng kỹ thuật công nghệ, kỹ năng kinh doanh, năng lực sáng tạo trong hoạt động của các ngành công nghiệp văn hóa. Sự thay đổi này đã tạo nên những chuyển biến tích cực của một số ngành, đặc biệt là du lịch văn hóa, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn… trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, quảng bá hình ảnh và gia tăng sức hấp dẫn, thu hút khách quốc tế thưởng ngoạn văn hóa của Hà Nội. Đặc biệt, Hà Nội đã được UNESCO vinh danh là "Thành phố sáng tạo thuộc lĩnh vực thiết kế" đầu tiên của Việt Nam, nằm trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng nhận định rằng, trong thời gian qua, các ngành công nghiệp văn hóa của thành phố chưa tạo được bước phát triển đột phá, chưa thu hút, hấp dẫn thị trường. Thậm chí, Hà Nội đang giảm mức độ hấp dẫn trong một số lĩnh vực so với các thành phố khác như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... Một số hạn chế được chỉ ra là: Các sản phẩm văn hóa chưa đa dạng, chưa bản sắc, độc đáo xứng tầm với vị thế của Thủ đô trong tương quan khu vực và quốc tế; chưa nhận diện được giá trị văn hóa từ di sản một cách sâu sắc, gần gũi với sáng tạo văn hóa, chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu, thông tin chuyên ngành cho công nghiệp văn hóa; thiếu kỹ năng chuyên môn và quản lý trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa; cơ chế đầu tư cho công nghiệp văn hóa còn chưa hợp lý; thiếu liên kết chuyên ngành, hiệu quả cao giữa các cơ quan nhà nước với nhau, giữa cơ quan nhà nước với các tổ chức phi chính phủ, với các nhà sản xuất, doanh nghiệp có năng lực sáng tạo; thiếu tư vấn thiết kế, nhà sáng tạo ở trình độ cao, đẳng cấp quốc tế...

Dựa trên tình hình thực tiễn của thành phố, cũng như căn cứ vào kinh nghiệm quốc tế, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương cho rằng, muốn phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, thành phố cần tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ cho các ngành công nghiệp văn hóa. Do tính hấp dẫn của văn hóa đại chúng và nhu cầu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có nội dung số vừa phục vụ thị trường nội địa vừa hướng ra nước ngoài, việc phát triển các cơ sở hạ tầng cho các ngành công nghiệp này vô cùng quan trọng, thậm chí mang tính quyết định đến sự thành công của các sản phẩm văn hóa, nguồn tạo nên sức mạnh mềm văn hóa. Bên cạnh đó, cần tạo sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại trong các sản phẩm công nghiệp văn hóa, hướng đến tạo dựng bản sắc quốc gia vừa gắn với truyền thống vừa mang tính mới tương thích với các giá trị chung của toàn cầu trong một thế giới đa văn hóa, dung hợp văn hóa, ngày càng mở và đa dạng.

Mặt khác, tạo cơ chế đầu tư tài chính và thu hút vốn và hình thành hệ sinh thái thúc đẩy sự sáng tạo; có chính sách đầu tư và đào tạo nguồn nhân lực mang tính đột phá. Nếu không có sự đầu tư của Nhà nước, của xã hội và đầu tư tập trung vào lĩnh vực trọng điểm nào đó thì không thể có sản phẩm đủ sức cạnh tranh với sản phẩm của các nước.

Việc bồi dưỡng năng lực sáng tạo và tạo môi trường sáng tạo cho những tài năng văn hóa như tổ chức các cuộc thi, diễn đàn sáng tạo cũng là giải pháp rất căn bản của sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Nhạc sĩ Quốc Trung - Giám đốc, Tổng đạo diễn Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Gió mùa (Monsoon Music Festival) cho rằng: Việc xây dựng các không gian văn hóa đặc biệt cho lớp trẻ sẽ tạo nên một thế hệ văn minh, một thói quen thưởng thức lành mạnh và một môi trường phát triển công nghiệp văn hóa.

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Bùi Huyền Mai cho biết: Đảng bộ thành phố quyết định lựa chọn xây dựng Nghị quyết chuyên đề “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (một trong hai nghị quyết chuyên đề trong cả nhiệm kỳ) với mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có sự phát triển rõ rệt cả về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GRDP Thủ đô, đưa Hà Nội trở thành một trong 3 trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước.

Đến nay, đơn vị soạn thảo đã hoàn thiện nội dung Nghị quyết trình các cấp xem xét, phê duyệt.  Quyết tâm chính trị cao cùng những giải pháp có tính thực tế và đột phá của Hà Nội đang mang đến kỳ vọng thành phố sẽ vươn tầm thương hiệu công nghiệp văn hóa, định vị sức mạnh mềm văn hóa Hà Nội ở các sản phẩm – dịch vụ công nghiệp văn hóa trên bản đồ công nghiệp văn hóa thế giới.

KHÁNH NGỌC

Tin cùng chuyên mục

Minh chứng về sự kế thừa thành công của gia đình truyền thống nghệ thuật

Minh chứng về sự kế thừa thành công của gia đình truyền thống nghệ thuật

(PNTĐ) - Từ 20-25/4/2024, 100 tác phẩm hội hoạ đặc sắc của họa sĩ Văn Chiến sẽ được trưng bày tại triển lãm “Kỷ niệm và trải nghiệm: 100 tác phẩm nghệ thuật từ họa sĩ Văn Chiến”. Đây không chỉ là một triển lãm sưu tầm các bức tranh, tác phẩm nghệ thuật như thông thường, mà còn là buổi triển lãm được đúc kết từ khát vọng tôn vinh di sản nghệ thuật của cha, cũng như gìn giữ giá trị văn hoá.
Khi “Mỗi đứa trẻ là một triết gia“

Khi “Mỗi đứa trẻ là một triết gia“

(PNTĐ) - Trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc 2024, nhân dịp bộ sách "Thưởng thức triết học" ra mắt độc giả Việt Nam, Nhà xuất bản Kim Đồng và Viện Pháp tại Hà Nội tổ chức chương trình giao lưu và ra mắt bộ sách với chủ đề "Mỗi đứa trẻ là một triết gia".