Nữ đại biểu Quốc hội khóa VIII nói về Chủ tịch Lê Quang Đạo

Chia sẻ

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Lê Quang Đạo (8/8/1921-8/8/2021), Chủ tịch Quốc hội khóa VIII, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN (1994-1999), Báo Phụ nữ Việt Nam trân trọng giới thiệu đến độc giả bài viết của nhà văn - nhà báo Nguyệt Tú, cán bộ lão thành, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ, phu nhân của Chủ tịch Lê Quang Đạo

Năm 1987, anh Lê Quang Đạo được bầu làm Chủ tịch Quốc hội khóa VIII. Tôi mừng vì thấy anh được tín nhiệm cao. Nhưng lo vì anh chưa từng tham gia Quốc hội, nhất là đang bắt đầu Đổi Mới. Anh lại vừa qua khỏi trận ốm khá nặng. Quốc hội khóa VIII có gần một trăm đại biểu nữ. Tôi có dịp gặp một số chị em tiêu biểu. 

Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo gặp gỡ các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa VIII - ẢNH TƯ LIỆUChủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo gặp gỡ các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa VIII - ẢNH TƯ LIỆU

Phó Chủ tịch Quốc hội, bác sĩ Ngọc Phượng cho biết: "Gần như cả Quốc hội khóa VIII, buổi họp nào cũng sôi động. Tôi đã học tập ở anh Đạo rất nhiều. Anh là một trong những người lãnh đạo rất lo cho dân, rất chân tình". Có lần lo lắng về kinh nghiệm chính trị còn yếu nên chị băn khoăn muốn quay về với nghề y đã làm 30 năm. Chị nói: "Anh Đạo chân tình và thẳng thắn đưa ra lời khuyên: "Cô suy nghĩ như vậy là tốt. Theo tôi ở cương vị nào mà mình cảm thấy làm không hiệu quả thì mình thấy không hạnh phúc". Suy nghĩ thẳng thắn và tự nhủ rằng trong những thành tựu của tôi gần đây có sự động viên và đóng góp của anh Lê Quang Đạo".

Tháng 5/1990, anh Đạo dẫn đầu đoàn Quốc hội đi thăm Úc. Tiến sĩ, luật sư Ngô Bá Thành, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, cùng đi. Chị còn nhớ: "Khắc sâu trong ký ức của tôi hơn hết là phong cách lãnh đạo giản dị, cởi mở, trả lời linh hoạt, không công thức trước các vấn đề nêu ra, có sức thuyết phục, có hiệu quả của Chủ tịch Lê Quang Đạo. Đây là một chuyến đi quan trọng của Chủ tịch Quốc hội, góp phần xây dựng hình ảnh mới của Việt Nam trong thời kỳ đầu mở cửa ra thế giới bên ngoài".

Chị Nguyễn Thị Hoài Thu, Ủy viên TƯ Đảng, đại biểu Quốc hội khóa 8, 9, 10, nhớ mãi ba lần được làm việc với Chủ tịch Lê Quang Đạo: "Lần đầu là lúc chuẩn bị xây dựng "Luật làm luật", tức "Luật ban hành các văn bản pháp luật". Lúc đó, tôi chưa hiểu hết ý nghĩa của bộ luật này". Lần thứ hai là chuyến đi Liên Xô và Rumani đầu năm 1991, chị nhớ: "Tình hình lúc đó ở hai nước đang rất rối ren, vậy mà bác Đạo làm việc rất vững vàng, thông minh, rất bình dân, rất vui tính. Tôi rất thích những chuyện khôi hài bác kể". Lần thứ ba về thăm Tiền Giang: "Bác Đạo đi thăm nhiều nơi, đến đâu cũng động viên bà con sản xuất, biết rằng những năm đó hoàn cảnh đất nước ta còn rất khó khăn. Những nơi ở Tiền Giang xa xôi còn in dấu chân bác Lê Quang Đạo".

Đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX Hồ Thị Hồng Nhung kể lại câu chuyện cháu và gia đình chúng tôi đã thành một nhà như thế nào:

"Tôi còn nhớ rất rõ ngày ấy. Hôm ấy, bác hỏi cặn kẽ gia đình và bản thân tôi cùng đồng đội đã chiến đấu, đã bị địch bắt đánh đập tù đầy như thế nào. Đặc biệt, bác quan tâm đến sự hy sinh mất mát của cha mẹ, anh chị em tôi. Tôi đang kể, khi nhìn lại, nước mắt bác đã tràn dài trên má. Tôi nói đến đâu, bác khóc đến đấy. Khi tôi nói đến vết thương ở chân còn mang đạn, bác xót xa như cái đau của chính con mình... Rồi bác hỏi tôi: "Cháu có gọi bác là bố được không". Tôi trả lời: "Dạ được ạ! Ba của con cũng có tuổi như bác". Ba hôm sau, bác Lê Quang Đạo đã mời tôi về nhà bác để làm lễ "nhận làm con nuôi". Tôi thật bất ngờ và xúc động đứng bên vợ chồng bác giữa bàn thờ ông bà.

Ba tôi bảo với mẹ tôi: "Mình không sinh ra Hồng Nhung nhưng sao lại thương nó quá! Nó là con gia đình liệt sĩ, là hình ảnh của các gia đình truyền thống cách mạng ở miền Nam".

Lần đầu tiên sau khi nhận tôi làm con, Ba tôi về Bến Tre. Theo lịch làm việc thì không còn giờ rảnh nhưng Ba nhất quyết đến thăm mẹ chồng tôi, nói lời cảm ơn vì những năm tháng qua bà đã cưu mang, đùm bọc giúp đỡ tôi hạnh phúc và tiến bộ.

Tôi không bao giờ quên hình ảnh, dáng dấp của Ba, nhất là Ba dạy tôi nhiều điều quý giá. Ba tôi thường nói về đạo đức của con người, có trách nhiệm, năng động sáng tạo, làm ích nước lợi dân. Sống phải giữ truyền thống quý giá của gia đình, làm công tác phải có quan điểm quần chúng và nhớ bảo vệ hạnh phúc gia đình... Ba đã tiếp sức mạnh cho tôi trong công tác, trong cuộc đời ở những năm tháng đã qua, hiện tại và mãi về sau...".

* * *

Kết thúc kỳ Quốc hội khóa VIII, nhiều ý kiến muốn anh Đạo tiếp tục công việc, nhưng anh nhất quyết đề nghị thế hệ trẻ hơn lên thay. Chuẩn bị nhân sự cho kỳ Quốc hội khóa IX, anh rất chú trọng đến đại biểu nữ. So với Quốc hội khóa VIII, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khoá IX đã tăng từ 17,7% lên 18,5%, tức tăng gần 1%.

Nhà báo NGUYỆT TÚ

(Theo phunuvietnam.vn)

Tin cùng chuyên mục

Giải đáp những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động

Giải đáp những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động

(PNTĐ) -Ngày 24/4, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Đan Phượng tổ chức buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách năm 2024 với chủ đề "Những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động"; với sự tham dự của hơn 300 cán bộ công đoàn, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) huyện Đan Phượng.
Hơn 600 điểm cầu tổ chức tập huấn về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Hơn 600 điểm cầu tổ chức tập huấn về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

(PNTĐ) - Sáng 23/4, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố Hà Nội phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy tổ chức lớp tập huấn việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các Nghị định liên quan bằng hình thức trực tuyến từ điểm cầu Thành ủy đến 610 điểm cầu cơ sở. Đồng chí Đỗ Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố dự và phát biểu chỉ đạo.