Hành trang của phụ nữ 4.0 trong thế kỷ mới

Chia sẻ

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là sự kết hợp các công nghệ giúp xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học. Đây là xu hướng hiện tại của tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất.

Công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới, tác động đến các quốc gia trên nhiều phương diện, một cuộc cách mạng sản xuất gắn liền với những đột phá về công nghệ, liên quan đến kết nối internet, điện toán đám mây, in 3D, công nghệ cảm biến, thực tế ảo... Với sự chuyển động nhanh của cuộc cách mạng này, tương lai 15 năm tới, thế giới sẽ có một diện mạo mới.

Các đại biểu tham gia chương trình giao lưu điển hình tiên tiến Phụ nữ Thủ đô tiếp lửa truyền thống phong trào “Ba đảm đang” tại Hội LHPN TP Hà Nội.Các đại biểu tham gia chương trình giao lưu điển hình tiên tiến Phụ nữ Thủ đô tiếp lửa truyền thống phong trào “Ba đảm đang” tại Hội LHPN TP Hà Nội. (Ảnh: NT)

Thay đổi quan niệm đàn ông “hướng ngoại”, đàn bà “hướng nội”

Xã hội học đã khẳng định: Mỗi con người, mỗi nhóm xã hội, cộng đồng đều có vai trò và vị trí nhất định. Hai khái niệm này cần được cân bằng thì sẽ đạt tới sự công bằng xã hội. Hiểu một cách đơn giản thì vai trò là cái mà cá nhân, nhóm cống hiến cho xã hội, còn vị trí là sự nhìn nhận, đánh giá và tôn vinh của xã hội đó với các cống hiến của cá nhân hay nhóm. 

Trên thực tế, vai trò và vị trí của nam giới là tương đối phù hợp còn đối với phụ nữ thì có sự chênh lệch: Phụ nữ có vai trò rất lớn trong gia đình và xã hội khi họ đảm nhiệm các chức năng là người sản xuất, người mẹ (sinh đẻ và nuôi dạy con cái), người vợ (chăm sóc chồng con và các thành viên trong gia đình với vai trò nội tướng). Tuy nhiên, ngược với vai trò thì vị trí của phụ nữ còn thấp trong gia đình và xã hội. Điều này một phần phụ thuộc vào sự hạn chế về kiến thức của họ và tiếp đó là chính sách của Nhà nước, phong tục tập quán và nhận thức của nhân dân. 

Theo kết quả điều tra xã hội học của nhiều cơ quan nghiên cứu xã hội học và giới ở Hà Nội trong thời gian gần đây, thời gian lao động của nam và nữ ở Việt Nam có sự chênh lệch: Nam làm việc khoảng 7-9 tiếng/ngày còn phụ nữ lao động khoảng 12-15 tiếng/ngày do phụ nữ còn phải làm nhiều công việc không được trả công như sinh đẻ, nội trợ, chăm sóc, dạy dỗ con, cháu, chăm sóc chồng, người già trong gia đình. 

Hiện tượng này bắt nguồn từ phong tục đàn ông “hướng ngoại”, đàn bà “hướng nội” của Việt Nam từ thời phong kiến. Công việc “đầu tắt mặt tối” để phục vụ gia đình đã khiến phụ nữ không còn thời gian nghỉ ngơi, học tập. Vì vậy những “người thầy đầu tiên của con người” ngày càng trở nên kém cỏi. Đây là dạng “bạo lực lao động”, một trong bốn dạng bạo lực gia đình mà các nhà khoa học đã chỉ ra.

Các nhà sáng lập ra phong trào nữ quyền, điển hình là Ann Oakley, Betty Friedan, Simone de Beauvoir đều cho rằng việc làm mẹ sinh học của phụ nữ đã cản trở bước tiến bộ của họ, mãi đặt họ vào vị trí bị bóc lột và bị thống trị. Quan điểm này đã ảnh hưởng đến rất nhiều phụ nữ khi tham gia nữ quyền, đặc biệt là nữ trí thức phương Tây khiến họ chọn lối sống độc thân, không lập gia đình và sinh con. Chính đây là một trong những lý do gây ra khủng hoảng gia đình. 

Luật pháp Việt Nam đã khẳng định cả nam và nữ đều có cơ hội và điều kiện như nhau trong việc tiếp cận các nguồn lực, thị trường và công nghệ. Điều này thực sự là bệ phóng đã giúp phụ nữ có cơ hội giải phóng mình khỏi áp bức và đóng góp bình đẳng vào sự phát triển của nền kinh tế quốc dân.

Tuy nhiên, so với nam giới, phụ nữ vẫn là người chịu nhiều thiệt thòi, họ vẫn phải gánh trách nhiệm chính trong công việc gia đình. Phụ nữ hiện đại đang phải đứng trước sự chọn lựa: Nếu chỉ chọn sự nghiệp thì cuộc sống sẽ rất cô đơn còn nếu chỉ chọn gia đình thì phụ nữ sẽ phải sống phụ thuộc vào chồng con, sẽ đánh mất cơ hội được làm việc, cống hiến và phát triển, được bình đẳng với mọi người. Đối với phụ nữ Việt Nam, sự hài hòa giữa công việc và gia đình là niềm hạnh phúc lớn nhất. Người phụ nữ hiện đại, thông minh không phải là người “ôm” hết việc nhà vào mình và lùi lại phía sau để chồng, con phát triển mà họ cũng cần quan tâm đến các vấn đề lớn hơn, vượt ra ngoài cánh cửa của gia đình, đó là các vấn đề của cộng đồng, đất nước. 

Phụ nữ cần thay đổi những gì trong cuộc cách mạng 4.0

Kiến thức khoa học là một cánh cửa mở ra cho phụ nữ giúp họ có nhiều cống hiến và có địa vị trong xã hội. Từ đó họ lại được chồng con cảm phục và tôn trọng trong gia đình. Nếu không có thời gian và điều kiện được học tập thì phụ nữ không có hành trang trong thời đại 4.0. Phụ nữ sẽ bị đẩy lại phía sau, rất khó theo kịp được sự phát triển công nghệ phức tạp và đa dạng.

Sự biến đổi to lớn nhất đối với phụ nữ ngày nay là họ được công nhận cả những công việc “hướng ngoại” như nam giới và điều này làm biến đổi về chất sự phân công lao động theo giới. Điều này rất cần sự chia sẻ việc nhà có hiệu quả của nam giới. Những người đàn ông của nhiều nước phát triển rất thấu hiểu bình đẳng giới. Họ tình nguyện làm việc nhà cùng phụ nữ và coi đấy là trách nhiệm, niềm vui. Hình ảnh người đàn ông đẩy xe nôi ngoài công viên và lúi húi nấu ăn trong bếp rất phổ biến. Họ trở thành các “chàng hoàng tử” trong mắt vợ và bạn gái của họ. 

Nhiều người đàn ông ngoại quốc khi sang làm việc ở Việt Nam đã rất kinh ngạc về thái độ gia trưởng của một số đàn ông Việt khi đùn đẩy việc nhà cho phụ nữ, ngay cả khi vợ họ đang mang thai và cho con bú. Rõ ràng là mức độ bình đẳng giới ở Việt Nam còn thấp. Đã đến lúc, Việt Nam cần đưa vào luật pháp việc cân bằng trách nhiệm trong gia đình giữa nam và nữ rõ ràng và sát thực tế hơn. Cần xử phạt những kẻ dùng “bạo lực lao động” để thống trị vợ con như những hình thức bạo lực khác. Nhà nước cũng cần tiếp tục bổ sung chính sách bình đẳng giới thực chất và Hội LHPN Hà Nội cần tiếp tục tham mưu và đẩy mạnh giám sát việc thực hiện các chính sách này. 

Chủ tịch Hội LHPNVN Hà Thị Nga (giữa) trao đổi với các nữ đại biểu bên lề Đại hội Đảng lần thứ XIIIChủ tịch Hội LHPNVN Hà Thị Nga (giữa) trao đổi với các nữ đại biểu bên lề Đại hội Đảng lần thứ XIII (Ảnh: Int)

Báo chí góp phần thay đổi nhận thức về vai trò của phụ nữ 

Để có thể góp phần thay đổi cái nhìn của xã hội về vai trò của phụ nữ, động viên chị em tự tin vươn lên, không thể thiếu vai trò của báo chí. Báo Phụ nữ Thủ đô là cơ quan ngôn luận của Hội LHPN Hà Nội, 1 trong 3 tờ báo thuộc hệ thống Hội LHPN Việt Nam - tờ báo đại diện cho tiếng nói của phụ nữ Thủ đô càng có vai trò rất quan trọng. Theo tôi, báo Phụ nữ Thủ đô có thể bám sát chính sách của Nhà nước, Trung ương Hội LHPN Việt Nam và tình hình thực tiễn đặc thù của Thủ đô, từ đó tập trung tuyên truyền theo các chủ đề như:

Tiếp tục tuyên truyền về công, dung, ngôn, hạnh và các kỹ năng nuôi con khỏe, dạy con ngoan. Công, dung, ngôn, hạnh là những phẩm chất tốt đẹp của con người (Công: việc nhà; Dung: vẻ đẹp, sự khỏe mạnh cả về vật chất lẫn tinh thần của con người; Ngôn: nói năng có văn hóa; Hạnh: Phẩm hạnh, ứng xử của cá nhân). Vì vậy, chúng ta cần tuyên truyền cho đàn ông thực hiện mà không chỉ dành riêng cho nữ giới để bảo đảm hạnh phúc gia đình.

Mở rộng tuyên truyền các kiến thức mới về khoa học công nghệ cho phụ nữ, đặc biệt tuyên truyền sâu rộng về cách mạng 4.0. Có thể mở những số chuyên đề về vấn đề này để chị em thảo luận trong các câu lạc bộ, nhóm và liên hệ với trường hợp của các cá nhân. Cần có những cuộc thảo luận, giao lưu rộng rãi trên báo.

 Cần liên hệ với các nghiên cứu khoa học về phụ nữ, giới. Tuyên truyền về bình đẳng giới thực chất, quyền lợi và trách nhiệm của phụ nữ Thủ đô hiện đại, trách nhiệm của Nhà nước, của nam giới. Mở rộng tuyên truyền phong trào “Nam, nữ Việt Nam cùng giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Báo cần có những bài “đinh” về lý luận về bình đẳng giới và cách mạng công nghiệp 4.0.

Báo chí cũng cần tuyên truyền những tấm gương phụ nữ giỏi trong thời kỳ công nghiệp 4.0. Tôi tin rằng, làm tốt những điều này, chúng ta sẽ nắm bắt cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tự tin cống hiến, sáng tạo, sống có ích cho gia đình và xã hội.

GS.TS. LÊ THỊ QUÝ

Viện Nghiên cứu giới và Phát triển

 

Tin cùng chuyên mục

Biểu dương báo Phụ nữ Thủ đô đã tặng công trình an sinh tại tỉnh Điện Biên trị giá 450 triệu đồng

Biểu dương báo Phụ nữ Thủ đô đã tặng công trình an sinh tại tỉnh Điện Biên trị giá 450 triệu đồng

(PNTĐ) - Ngày 26/4/2024, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban triển khai nhiệm vụ công tác báo chí thành phố tháng 5/2024. Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học chủ trì Hội nghị.
Bài 2: Ý nghĩa và bài học lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ

Bài 2: Ý nghĩa và bài học lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Nói về chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 của dân tộc ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ví “Điện Biên Phủ như là một cột mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi dấu nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã; đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”.
Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh!

Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh!

(PNTĐ) - Lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam không chỉ khẳng định phụ nữ là lực lượng quan trọng trong lao động sản xuất với những phẩm chất cần cù, đảm đang, thông minh, sáng tạo, mà còn ghi dấu truyền thống yêu nước “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh” của phụ nữ Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Xây dựng tương lai chung bằng đổi mới và sáng tạo

Xây dựng tương lai chung bằng đổi mới và sáng tạo

(PNTĐ) - Sáng 26/4, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Trường Đại học Giao thông vận tải tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4) năm 2024.