Đi qua mùa Vu Lan trong đại dịch

Chia sẻ

Đại dịch đã khiến cho nhiều gia đình đi qua một mùa Vu lan nhiều ly biệt. Đại dịch cũng khiến cho những người may mắn còn cha mẹ càng thêm trân trọng cơ hội được chăm sóc, báo hiếu đấng sinh thành và lan tỏa tấm lòng báo ân, yêu thương đối với cộng đồng xã hội.

Việc con cái gần gũi chăm sóc cha mẹ, giúp họ yên tâm vượt qua đại dịchViệc con cái gần gũi chăm sóc cha mẹ, giúp họ yên tâm vượt qua đại dịch (Ảnh: minh họa).

1 Khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg lần thứ hai, vợ chồng anh Nguyễn Văn Kiên (Hà Đông, Hà Nội) quyết định chuyển về sống chung với bố mẹ. Diễn biến của dịch bệnh phức tạp cùng với việc gia tăng các ca tử vong đã khiến cho vợ chồng anh thay đổi quan điểm sống cá nhân lẫn cách ứng xử trong gia đình. 6 năm nước, khi kết hôn, vợ chồng anh kiên quyết "đấu tranh" với bố mẹ để ra ngoài sống riêng. Lúc đó, họ cho rằng việc sống chung với bố mẹ sẽ khiến cả hai bên "mất tự do", những rắc rối từ mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu sẽ khiến tình cảm bị ảnh hưởng… Bố mẹ anh Kiên vẫn nặng tâm lý phải sống cùng con để cậy nhờ tuổi già. Nhưng, vợ chồng anh hứa không bỏ quên nghĩa vụ làm con khi ra ở riêng. Và, họ giải quyết vấn đề đó bằng việc thuê người giúp việc về sống cùng ông bà.

Những năm qua, dù sống gần bố mẹ nhưng vợ chồng anh chẳng mấy khi về thăm ông bà, bởi những bận bịu của công việc và cuộc sống gia đình riêng. Việc báo hiếu bố mẹ, họ dùng dịch vụ làm hộ. Quan niệm của họ, lo cho bố mẹ sống đầy đủ làm đã làm tròn bổn phận, việc làm trực tiếp hay gián tiếp không quan trọng.

Đại dịch Covid-19 ập đến và ngày một "dữ dội", thời công nghệ, những cảnh bi thương, ly tán, mất mát người thân được cập nhật và chuyển tải hàng ngày trên mạng xã hội. Và, "nỗi đau" của xã hội đã tác động mạnh đến suy nghĩ của hai vợ chồng, họ nhận ra ranh giới của việc có người thân bên cạnh chưa bao giờ mong manh như lúc này. Nếu không trân trọng từng phút từng giây, họ sẽ bỏ lỡ những tháng ngày có cha có mẹ. Vì vậy, mùa Vu Lan này đối với vợ chồng anh Kiên thật đặc biệt, thay vì mua quà bánh, mang tiền bạc về biếu bố mẹ cho đúng "thủ tục" như những mùa Vu lan trước, họ trực tiếp ở cùng chăm sóc, quan tâm từng bữa ăn hàng ngày cho ông bà. Chưa bao giờ, họ cảm nhận rõ ý nghĩa của đạo hiếu như thời điểm này.

- Chứng kiến cảnh bạn bè ở Sài Gòn mất người thân vì đại dịch, ngày đêm đau đớn dày vò, ân hận chưa báo hiếu được cho cha mẹ ngày nào, chúng tôi quyết định không sống riêng nữa. Khi dọn về sống chung với bố mẹ, vợ chồng tôi cố gắng khắc phục sự bất tiện giữa hai thế hệ để không nảy sinh mâu thuẫn. Đại dịch Covid-19 khiến tôi nhận ra vẫn còn được sống và chăm sóc, yêu thương bố mẹ ngày nào là hạnh phúc ngày đó. Tiền bạc, vật chất bù đắp cho bố mẹ nhiều đến mấy cũng không bằng hàng ngày cùng ngồi ăn với họ một bữa cơm đạm bạc - anh Kiên nói.

2 Bà Lê Hồng Vân, mẹ chị Nguyễn Thị Luyến (Nam Từ Liêm, Hà Nội) vốn là một phật tử thường xuyên lên chùa làm công quả. Trước đây, cứ đến mùa Vu lan, bà lại cùng con cháu lên chùa cung tiến, cầu nguyện, tri ân cho cha mẹ hiện tiền tăng phúc thọ, cha mẹ quá vãng được siêu sinh giải thoát miền cực lạc. Năm nay, đại dịch phức tạp, bà thực hiện lời kêu gọi của Giáo hội Phật giáo Việt Nam bằng hành động ý nghĩa trong mùa Vu Lan là phát tâm ủng hộ cho Quỹ Phòng chống Covid-19 và Quỹ Vắc-xin Covid-19 và khuyên con cháu làm theo mình. Vì thế, mùa Vu lan năm nay thay vì đi chùa cung tiến công đức để làm công quả tích đức cho cha mẹ, chị Luyến lại tham gia vào các hội nhóm giúp nhau trong mùa dịch trên mạng xã hội.

"Mẹ mình nói rằng, tích đức cho cha mẹ thiết thực nhất là biến nó thành hành động trong đời thực. Ở nhà hiếu thuận với ông bà, cha mẹ, ra ngoài giúp đỡ người khó khăn. Năm nay, mẹ bảo con cháu đừng mua quà bánh về biếu bà mà hãy dành tiền đó làm từ thiện, mua đồ giúp người khó khăn trong mùa dịch"- chị Luyến kể. Đó cũng là lý do, chị tích cực ủng hộ tiền, thực phẩm để chung tay giúp đỡ người khó khăn trong thời gian thành phố cách ly xã hội. Theo chị Luyến trong các hội nhóm chị tham gia, có rất nhiều người con hồi hướng công đức, báo ân cho cha mẹ trong mùa Vu lan năm nay giống như chị.

Trên cộng đồng mạng xã hội mùa báo hiếu, nhiều tài khoản là các bạn trẻ cũng bày tỏ sự "giác ngộ" về lòng hiếu thuận với cha mẹ. Trong đó có những người con "ngỗ nghịch" luôn làm cha mẹ buồn bởi tuổi trẻ nông nổi của mình cũng biết quay đầu hồi hướng khi chứng kiến đại dịch mang lại những nỗi đau chia lìa. Những ngày này, cả xã hội đã và đang đi qua một mùa Vu lan đặc biệt chưa từng có bởi đại dịch. Hình ảnh những người con quỳ lạy cha mẹ bạc phước qua đời bởi dịch bệnh mà không thể tận hiếu đến giây phút cuối cùng khiến bao trái tim nghẹn xót. Rất nhiều người nhận ra rằng đại dịch, thiên tai có thể ập đến gây mất mát, đau thương, chia ly với bất kỳ gia đình nào không thể đoán trước, nhưng nỗi ân hận không kịp hiếu thuận với cha mẹ thì vẫn có thể ngăn nó không xảy ra. Vì những người con còn cha, còn mẹ trên đời vẫn còn cơ hội để tận hiếu với họ hàng ngày.

NGUYỄN HUYỀN

Tin cùng chuyên mục

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.