Năm học 2021-2022: Ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch

Chia sẻ

Lễ khai giảng năm học mới 2021-2022 tại Hà Nội và nhiều địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đã chính thức được tiến hành theo một hình thức đặc biệt: Trực tuyến. Ngay sau lễ khai giảng, bài học đầu tiên đã đến với các em học sinh theo cách cũng thật đặc biệt.

Học sinh trường tiểu học Hoàng Hoa Thám với những tiết học đặc biệt đầu tiên của năm học mới (ảnh: TH HHT)Học sinh trường tiểu học Hoàng Hoa Thám với những tiết học đặc biệt đầu tiên của năm học mới (ảnh: TH HHT)

Xúc động hội ngộ qua màn ảnh nhỏ

Vừa qua, toàn bộ học sinh lớp 1 trường tiểu học Ba Đình (Hà Nội) đã được tham gia vào một buổi gặp mặt trực tuyến. Các con đã được xem clip giới thiệu về nhà trường, được nghe cô giáo hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Hà gửi lời chào năm học mới, được xem video giới thiệu về lớp cũng như giáo viên chủ nhiệm. Kết thúc buổi lễ chung của cả khối, học sinh trở về phòng zoom theo các lớp để làm quen với cô, với bạn. Chưa một lần được gặp mặt trực tiếp, nhưng hoạt động này đã giúp các em học sinh lớp 1 làm quen với nhau qua màn hình máy tính. Nhiều học sinh lúc đầu còn rụt rè, e ngại, nhưng sau đó đã rất tự tin phát biểu, giới thiệu về bản thân, hát và đọc thơ trước lớp.

Lễ chào đón học sinh lớp 1 cũng được trường tiểu học Hoàng Hoa Thám tổ chức qua ứng dụng zoom với sự tham gia của 291 học sinh và phụ huynh học sinh. Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Có lẽ đây là lễ đón học sinh đặc biệt nhất của chúng tôi trong cuộc đời làm nghề giáo. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhà trường đã cân nhắc rất kỹ và lên phương án chi tiết để dù không được đến trường, các con học sinh đầu cấp vẫn cảm nhận được không khí ấm áp, thân thiện của môi trường tiểu học, làm quen với trường, với lớp, với bạn, với cô để xóa đi những bỡ ngỡ buổi ban đầu”.

Theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT Hà Nội, sau ngày khai giảng 5/9, học sinh lớp 1 tại Hà Nội sẽ có 1 tuần đệm để làm quen với việc học trực tuyến. Từ ngày 13/9/2021, nếu chưa được trở lại trường, các em sẽ bắt đầu chương trình năm học 2021-2022 với thời lượng tối đa 3 tiết/ngày trong phòng trực tuyến với giáo viên. Với một số môn như giáo dục thể chất, âm nhạc, mỹ thuật, đạo đức, môn tự nhiên và xã hội, giáo viên có thể xây dựng bài học bằng video clip gửi cho phụ huynh học sinh để phụ huynh giúp con thực hiện các nội dung theo khung giờ phù hợp với từng gia đình.

Trường THCS Phan Chu Trinh năm học này có 2.057 học sinh từ lớp 6 đến lớp 9. Dù chưa thể đến trường nhưng 433 học sinh lớp 6 đã rất xúc động khi được nhà trường thiết kế một buổi tựu trường riêng theo hình thức trực tuyến. Thông qua bài giới thiệu của các thầy cô giáo, các em đã được thăm quan ngôi trường mình sẽ học tập, các mô hình học sẽ triển khai trong năm học mới, nghe giới thiệu về chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ triển khai với lớp 6 và cùng tham gia vào các màn biểu diễn mang màu sắc riêng của từng lớp 6.

Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành cũng đã mở đầu cho chuỗi sự kiện của năm học này bằng chương trình “Chào học sinh lớp 6 và 10” qua màn ảnh nhỏ để giới thiệu về các hoạt động giáo dục nổi bật của nhà trường cũng như lan tỏa hình ảnh tích cực của một số học sinh tiêu biểu. Với học sinh trường THPT Yên Hòa những bài học đầu tiên đến với các em là về các chủ đề như phòng chống Covid-19, hướng nghiệp, định hướng tương lai.

Mỗi giáo viên, học sinh là một chiến sĩ chống dịch

Năm học lịch sử 2021-2022 bên cạnh mục tiêu hoàn thành tốt các nhiệm vụ giáo dục còn là năm học đặc biệt gắn với phòng, chống dịch Covid-19. Khẩu hiệu thi đua của năm học này được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phát động chính là: “Toàn ngành Giáo dục đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2021-2022”.

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, sẽ có 4 nội dung trọng tâm mà các nhà trường cần thực hiện, đó là: Thứ nhất, mỗi trường học, mỗi cơ sở giáo dục là một pháo đài chống dịch; Bảo đảm trường học an toàn, tận dụng tối đa thời gian tổ chức dạy học trực tiếp; Trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp không thể tổ chức dạy học trực tiếp, thì tổ chức dạy học trực tuyến. Thứ hai, mỗi giáo viên, giảng viên, nhân viên, học sinh, sinh viên là một chiến sĩ, từng cá nhân thực hiện đầy đủ các yêu cầu của ngành Y tế và chính quyền địa phương về công tác phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời đoàn kết, chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn để thực hiện nhiệm vụ được giao. Thứ ba, ưu tiên cao nhất mọi nguồn lực để thực hiện công tác phòng, chống dịch, khích lệ nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, nhân viên, học sinh, sinh viên và phụ huynh nâng cao ý thức, tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống dịch bệnh và chung sức, đồng lòng hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn. Thứ tư, bảo đảm an toàn cho người học và giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý giáo dục, không để xảy ra tình trạng lây lan dịch bệnh trong nhà trường; Phối hợp tốt với ngành Y tế tổ chức tiêm phòng cho học sinh khi có điều kiện.

Với Hà Nội, theo Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương, năm học này, ngành Giáo dục Thủ đô sẽ bảo đảm triển khai các giải pháp để thực hiện mục tiêu không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau cũng như nỗ lực thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa tích cực phòng, chống dịch, vừa triển khai hiệu quả chương trình giáo dục. Năm học 2021-2022, thành phố Hà Nội sẽ thực hiện miễn giảm 50% học phí cả năm học cho học sinh các cấp với tổng nguồn kinh phí 900 tỷ đồng…

TRUNG THU

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.