Bài 1: Quyết tâm sản xuất để phục hồi sau khó khăn

Chia sẻ

Khu vực “vùng xanh” của Hà Nội tập trung nhiều khu công nghiệp, chế xuất với số lượng lớn các nhà máy, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, dịch vụ, nhiều vùng chuyên canh nông nghiệp - chăn nuôi. Vì vậy, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh tại vùng xanh không chỉ đảm bảo cung cấp hàng hoá, nông sản mà còn góp phần phát triển kinh tế của thành phố.

Sau 3 đợt thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố (TP), bước vào đợt thứ 4, các địa phương ở “vùng xanh” như được giải phóng năng lượng để tập trung sản xuất, không để đứt gãy chuỗi sản xuất kinh doanh cung ứng cho thị trường Thủ đô và các tỉnh lân cận. Từ người nông dân đến các nhà máy bước vào thời kỳ mới với tâm thế quyết tâm tiếp tục sản xuất để phục hồi sau những khó khăn.

Chịu lỗ vẫn kiên cường giữ vững vùng rau 

Ở tuổi ngoài 60, ông Đào Việt Dũng, thành viên tiêu biểu HTX Việt Doanh ở xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh vẫn gắn bó với hơn 2 mẫu ruộng. Từ năm 2016 đến nay, ông trồng 800 gốc ổi lê Đài Loan, thu được 40 tấn/năm, được giá cũng cho thu nhập 500-600 triệu đồng mỗi năm. Nhưng 2 năm nay, dịch Covid-19 khiến gia đình ông thất thu bởi khó tìm được đầu ra. Đặc biệt, trong thời gian giãn cách xã hội toàn TP từ 24/7 đến nay, đúng vụ thu hoạch phải bán giá rẻ, chỉ 3.000-5.000 đồng/kg, trong khi giá bình thường 15.000-20.000 đồng/kg. Ông Dũng chia sẻ: “Đại dịch Covid-19 khiến người nông dân chúng tôi rơi vào khó khăn. Từ đầu năm đến nay, tôi mới xuất bán 15 tấn, mà đầu tư cây giống, vật tư 200 triệu đồng, ước tính thiệt hại lên tới 80%”. 

Ông Đào Việt Dũng hướng dẫn bà con chăm sóc cây ổi lê Đài LoanÔng Đào Việt Dũng hướng dẫn bà con chăm sóc cây ổi lê Đài Loan

Cùng với gia đình ông Dũng còn có 38 thành viên của HTX Việt Doanh. Bà con trồng ổi, rau ăn lá, củ đều trong tình trạng xuất bán khó khăn, giá giảm sâu. Riêng ổi lê Đài Loan là sản phẩm chủ lực của HTX Việt Doanh, ước sản lượng tháng 7, 8, 9 thu khoảng hơn 100 tấn mà chỉ tiêu thụ hơn 30 tấn, giá thành chỉ bằng 30-40% so với trước. Bình quân mỗi hộ phải chịu lỗ từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt, trường hợp hộ anh Nguyễn Ninh Hóa trồng hoa cúc nhà lưới 25.200m2 đã thiệt hại hàng tỷ đồng trong gần 2 tháng qua do bị lỡ lứa không bán được hàng. 

Giờ đây vào thời kỳ thuộc “vùng xanh”, chúng tôi đã họp, thống nhất kế hoạch sản xuất cho vụ tiếp theo. Khó khăn vẫn còn song ai nấy đều giữ vững tinh thần tiếp tục sản xuất, bám đất, yêu cây chứ không ai bỏ ruộng. ”- ông Dũng nhấn mạnh.

Đến với vùng rau Đông Cao, xã Tráng Việt huyện Mê Linh, trong điều kiện bình thường mỗi ngày HTX Đông Cao xuất 100-150 tấn rau củ. Từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 9, mỗi ngày HTX chỉ xuất được 30-40 tấn rau củ với giá giảm sâu chỉ còn 2.000-5.000 đồng/kg, so với giá trước là 7.000-10.000 đồng/kg. Ông Đàm Văn Đua, Giám đốc HTX Đông Cao cho biết, do thực hiện giãn cách xã hội, rau củ không xuất đi các chợ đầu mối ở các quận nội thành cũng như các tỉnh, thành phố khác nên bà con đã thiệt hại rất lớn. Bình quân mỗi ngày HTX xuất 100 tấn rau củ với giá 10.000 đồng/kg, thu được 1 tỷ đồng/ngày, hơn 1 tháng qua đã giảm chỉ còn 200 triệu đồng/ngày. Mặc dù vậy, 170 hộ dân nông dân thuộc HTX Đông Cao vẫn kiên trì sản xuất trên diện tích 134,68ha rau củ an toàn và 5ha rau củ theo tiêu chuẩn VietGap, 26ha cà chua. 

Từ 6/9, Mê Linh thuộc phân “vùng xanh”, nông dân thôn Đông Cao phấn khởi vừa chăm cây, thu hoạch vừa phòng chống dịch Covid-19 để giữ an toàn. Ông Đua cho biết: Thực hiện Chỉ thị 20 của TP, nông sản của HTX Đông Cao đã có cửa xuất đi các tỉnh, thành lân cận nên có thể nói giai đoạn khó khăn đã đẩy lùi. Chúng tôi đang cùng bà con tiếp tục thu hoạch vụ này và gieo trồng vụ tiếp theo để không đứt gãy trong sản xuất, đảm bảo cung ứng nông sản cho người dân Thủ đô. 

Với sản lượng rau, củ, quả toàn huyện Hoài Đức đạt khoảng 50 tấn/ngày, nông dân các xã Vân Côn, Song Phương, Tiền Yên, Cát Quế, Minh Khai, Vân Canh… vẫn duy trì sản xuất, phục vụ nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn huyện khoảng 35 tấn/ngày. Trong thời gian giãn cách xã hội, mỗi ngày các xã còn 10-15 tấn rau củ, đến kỳ thu hoạch cần tìm nơi tiêu thụ. Bà Nguyễn Thị Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hoài Đức cho biết, với tinh thần đoàn kết, chia sẻ khó khăn cùng nông dân, sau hơn 20 ngày triển khai chương trình hỗ trợ, các cấp Hội Nông dân huyện Hoài Đức phối hợp với các ngành, đoàn thể của huyện và UBND các xã, thị trấn đã kết nối tiêu thụ hơn 150 tấn rau củ, quả các loại, trên 10 tấn nhãn... 

Bà con nông dân xã Đại Thịnh gieo trồng cây rauBà con nông dân xã Đại Thịnh gieo trồng cây rau

Ôm nợ vẫn đầu tư… chuồng trại đầy đàn  

Giá thức ăn chăn nuôi thì liên tục tăng, trong khi giá gà con xuất bán rẻ, giảm đến 50% so với trước dịch Covid-19, hộ chăn nuôi gà chị Đỗ Thị Vẻ, ở xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên đã phải giảm số lượng đàn gà từ 1,4 vạn con xuống còn 6.000 con. Chị Vẻ nuôi gà ấp, gà con bán trước dịch Covid-19 được giá 12.000 đồng/con, nay chỉ còn 6.000 đồng/con. Trong khi chuồng trại phải bỏ không nhiều gian dù đã đầu tư nhiều, gia đình chị đã phải vay ngân hàng 1 tỷ đồng, phải trả lãi 12 triệu đồng/tháng, 3 năm nay chỉ cố gắng trả lãi mà gốc chưa trả được bởi có đến gần 2 năm khó khăn do dịch Covid-19. Giờ đây, địa phương thuộc “vùng xanh”, chị Vẻ cũng phấn khởi hơn với hy vọng xuất được gà và được giá. 

ông Lê Đình Bình ở xã Đông Yên, huyện Quốc Oai đang phát triển mô hình chăn nuôi gà đồi có quy mô trang trại hơn 1.000 con. Gia đình ông đang trăn trở, muốn ứng dụng công nghệ vào sản xuất, hiện chưa thực hiện được vì thiếu vốn. Theo ông Bình, để xây dựng chuồng trại quy mô khép kín, có hệ thống làm mát, máng ăn tự động... kinh phí khoảng 700-800 triệu đồng, số tiền không nhỏ với hộ nông dân. Vì vậy, hiện gia đình đang đầu tư từng phần, xây dựng chuồng trại khép kín để phòng chống dịch bệnh. 

Tại huyện Chương Mỹ, là một trong những doanh nghiệp đầu tư lớn vào chăn nuôi gà, Công ty CP Tiên Viên đang liên kết với 30 trang trại chăn nuôi vệ tinh, duy trì đàn gà 120.000 gà đẻ, thương phẩm. Công ty đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cho khu sơ chế, đóng gói sản phẩm trứng với công suất 200.000 quả/ngày để hoàn thiện chuỗi sản xuất. Hiện, do chưa đáp ứng yêu cầu về vấn đề cấp phép xây dựng nên công ty chưa xây dựng được nhà máy giết mổ công nghiệp hiện đại theo kế hoạch. Ông Đặng Đình Tiên, Giám đốc Công ty CP Tiên Viên cho biết, hiện công ty đang phải thuê giết mổ gia cầm ở bên ngoài với chi phí cao. Vì vậy, kiến nghị các sở, ngành tham mưu TP hỗ trợ thủ tục cấp phép xây dựng và kết nối hỗ trợ nguồn vốn để công ty sớm xây dựng nhà máy giết mổ công nghiệp hiện đại. 

Tại xã đảo Minh Châu, nơi có đàn bò lớn với 4.818 con trong đó có 1.875 con bò sữa, trong điều kiện giãn cách xã hội, bà con nông dân Minh Châu vẫn duy trì chăn nuôi, sản xuất trồng rau màu, chăn nuôi lợn 12.000 con. Mỗi ngày toàn xã xuất bán 20 tấn sữa bò cho công ty Vinamilk, 40-70 tấn rau củ, 4-6 tấn thịt lợn, tiêu thụ ổn định. Thời gian qua, do ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội, giá cả các sản phẩm giảm như: Giá thịt lợn giảm 20%, giá rau củ giảm 30%; Giá sữa giữ nguyên nhưng tăng chi phí phải test nhanh và chậm. 

Anh Phương Văn Trung (chồng chị Nguyễn Thị Kiều) ở khu 2 thôn Chu Chàng, xã Minh Châu cho bò ănAnh Phương Văn Trung (chồng chị Nguyễn Thị Kiều) ở khu 2 thôn Chu Chàng, xã Minh Châu cho bò ăn

Ông Nguyễn Danh Đạt, Chủ tịch UBND xã Minh Châu, huyện Ba Vì khẳng định: Bước vào giai đoạn mới, với mục tiêu bảo vệ an toàn, vững chắc “vùng xanh”, ngăn chặn không để dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn xã; Đảm bảo an toàn về sức khỏe, tính mạng, ổn định đời sống cho nhân dân, nhất là không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, UBND xã đã ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị 20 của thành phố. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng là tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho người dân, khuyến khích tập trung phát triển sản xuất, chuẩn bị vụ đông; cung ứng cây, con giống và các biện pháp hỗ trợ sản xuất cho nhân dân.

Theo ông Nguyễn Mạnh Phương, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, dù trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, thị trường tiêu thụ biến động, song ngành Nông nghiệp Hà Nội vẫn triển khai các giải pháp nhằm duy trì sản xuất, bảo đảm nguồn cung, không để hoạt động sản xuất rau bị đứt gãy hoặc đình trệ, không để xảy ra nguy cơ khan hiếm nguồn rau xanh sau khi dịch bệnh được khống chế, nhất là dịp cuối năm 2021.

(Còn nữa)

VÂN NGA

 

Tin cùng chuyên mục

Hội LHPN Hà Nội tập huấn công tác đối ngoại năm 2024

Hội LHPN Hà Nội tập huấn công tác đối ngoại năm 2024

(PNTĐ) - Chiều 19/4, Hội LHPN Hà Nội tổ chức tập huấn công tác đối ngoại năm 2024 với chuyên đề: "Hiệp định Giơnevơ - Ý nghĩa lịch sử với tình hình Việt Nam và thế giới hiện nay”. Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Thị Thiên Hương đến dự.
 Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

(PNTĐ) - Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04 - Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, lực lượng chức năng phát hiện nhiều gói ma túy được đóng gói và có thiết bị định vị, để rồi sau đó các đối tượng buôn bán trục vớt mang đi tiêu thụ.
Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

(PNTĐ) - Biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX là hình ảnh kết hợp cấu trúc chữ tượng hình từ số lần Đại hội, biểu hiện thông qua chữ số IX, là sự tích hợp các hình tượng tiêu biểu xoay quanh biểu trưng Thanh niên Việt Nam.