Người cha có thể đối mặt với tội danh gì?

Chia sẻ

“Trong vụ việc này, cơ quan điều tra cần xác định rõ các hành vi của người cha, nguyên nhân dẫn đến tử vong của cháu bé để xử lý đúng người, đúng tội” – luật sư Phạm Văn Thuận, Công ty luật Bảo Tín, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết.

Liên quan đến vụ việc cháu L.H.A, 6 tuổi (trú tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) tử vong ngày 16/9, Công an quận Bắc Từ Liêm đã tạm giữ hình sự đối với ông L.T.C (SN 1978, bố cháu bé) để điều tra, làm rõ nghi vấn bạo hành con.

Luật sư Phạm Văn ThuậnLuật sư Phạm Văn Thuận

Theo báo cáo nhanh của UBND quận Bắc Từ Liêm, trong giờ học trực tuyến tối ngày 16/9, khoảng 11h ngày 16/9, ông L.T.C có đánh con. Sau đó, khoảng 16h cùng ngày, mẹ cháu cho cháu A ăn cháo và uống 1 viên Paradol thì cháu bị nôn nhiều. Do đó, gia đình đã đưa cháu vào Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu. Tuy nhiên, các bác sỹ xác định, cháu bé đã tử vong ngoại viện, trên người có dấu hiệu bị bạo hành nên đã báo cáo cơ quan công an.

Trao đổi với phóng viên về vụ việc này, luật sư Phạm Văn Thuận, Công ty luật Bảo Tín, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: Cha mẹ có nghĩa vụ chăm sóc, bảo vệ, nuôi dưỡng, giáo dục con cái. Tuy nhiên, pháp luật cũng nghiêm cấm bố mẹ có các hành vi đánh đập, bạo hành trong quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc con.

Cụ thể, Điều 37 Hiến pháp năm 2013 đã quy định “Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”. Luật Trẻ em năm 2016, Công ước quốc tế về quyền trẻ em và các văn bản pháp luật có liên quan cũng đã có rất nhiều quy phạm để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của trẻ em. Mọi hành vi gây tổn hại đến tính mạng, sức khỏe của trẻ em đều bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Đối với vụ việc cháu H.A, theo luật sư Thuận, người bố đã vi phạm pháp luật về quyền trẻ em và có dấu hiệu phạm tội. Cơ quan điều tra cần xác định rõ các hành vi của người bố, nguyên nhân dẫn đến tử vong của cháu bé để xử lý đúng người, đúng tội. “Nếu kết quả khám nghiệm tử thi thể hiện thương tích, nguyên nhân dẫn đến tử vong của cháu bé là do bị bố đánh, thì hành vi của L.T.C có thể bị truy tố về tội “Cố ý gây thương tích”, tội phạm và hành vi được quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015. Nếu kết quả giám định không xác định được thương tích, nguyên nhân tử vong của cháu bé, người bố cũng có thể bị truy tố về tội “Hành hạ con”, quy định tại Điều 185 Bộ luật hình sự năm 2015.Căn nhà nơi xảy ra vụ việcCăn nhà nơi xảy ra vụ việc

Nếu cơ quan điều tra xác định nguyên nhân dẫn đến tử vong của cháu bé là từ việc dùng vũ lực để dạy dỗ ngoài mức cần thiết của người bố, người bố dùng vũ lực tác động vào những vùng trọng yếu trên cơ thể cháu bé, đặc biệt là cháu bé còn non nớt, ít tuổi thì có thể bị truy tố về tội “Giết người”” – luật sư Thuận phân tích.

Luật sư Thuận cho rằng, đây là một vụ việc nghiêm trọng, xâm hại đến sức khỏe, tính mạng của trẻ em khiến dư luận hết sức bức xúc, phẫn nộ. Hành vi này đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội và có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Vụ việc cần được xử lý kịp thời, nhanh chóng và áp dụng chế tài phù hợp. Vụ việc cũng là hồi chuông cảnh tình cho các bậc làm cha, làm mẹ trong vấn đề giáo dục, dạy dỗ con cái và là bài học cho các cơ quan bảo vệ trẻ em trong việc giám sát việc thực thi pháp luật, tránh xảy ra những vụ việc tương tự.

“Từ vụ việc này, một lần nữa cho chúng ta thấy vấn đề bạo lực trẻ em đã và đang diễn ra ngày càng phức tạp, nhiều hình thức. Các vụ việc được phát giác chỉ như “phần nổi của tảng băng chìm”. Đặc biệt, khi cả xã hội đang giãn cách do tình hình dịch Covid-19, trẻ em đang phải thường xuyên ở nhà, tỷ lệ trẻ em bị bạo hành có thể sẽ gia tăng, các cơ quan có thẩm quyền cần đặc biệt quan tâm hơn nữa đối với vấn đề này” – luật sư Thuận lo ngại.

Hành vi bạo lực trẻ em cần phải được phát hiện nhanh chóng, xử lý kịp thời, đúng quy định pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy thuộc vào tính chất, mức độ nghiêm trọng và nguy hiểm của hành vi.

“Về xử lý hành chính, theo quy định tại Khoản 2, Điều 27, Nghị định 144/2013/NĐ-CP, hành vi bạo lực trẻ em có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng (tương ứng với từng hành vi đã được quy định cụ thể tại điều luật). Ngoài ra, căn cứ vào tính chất vụ việc, hành vi phạm tội, người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội “Giết người” (Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015) hoặc tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác” (Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015), tội “Hành hạ người khác” (Điều 140 Bộ luật hình sự năm 2015) hoặc tội “Ngược đãi hoặc hành hạ con” (Điều 185 Bộ luật hình sự năm 2015)…” – luật sư Thuận cho biết.

TÚ AN

Tin cùng chuyên mục

Xét xử cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng: Nhận tội nhưng không nhận lừa tiền

Bị cáo Đỗ Hữu Ca nhận tội nhưng không nhận lừa tiền

Bị cáo Đỗ Hữu Ca – cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng bị xét xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước toà, bị cáo thừa nhận cáo trạng mô tả hành vi phạm tội của mình là đúng, phù hợp với kết luận điều tra nhưng khi nói lời sau cùng lại khẳng định không lừa tiền vợ chồng Đước.