“Cú hích” giúp doanh nghiệp chuyển đổi số

Chia sẻ

Dịch Covid-19 đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh rơi vào tình trạng khó khăn, đình trệ, nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng. Tuy nhiên, đây lại là cú hích để nhiều doanh nghiệp nỗ lực chuyển đổi số để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo Tổng cục Thống kê, 8 tháng đầu năm 2021, cả nước có 114 nghìn doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động; đồng thời, có tới 85,5 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Dịch Covid-19 là nguyên nhân chính khiến nhiều DN không đủ sức trụ lại trên thị trường.

Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội ở các tỉnh, thành phố, nhiều DN đã áp dụng hình thức làm việc tại nhà, họp, làm việc đều chuyển sang online. Đây chính là thực hiện chuyển đổi số trong tổ chức, DN, là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang DN số với việc áp dụng công nghệ mới như: Dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)... nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, tổ chức việc làm. 

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu để doanh nghiệp phát triển bền vữngChuyển đổi số là xu hướng tất yếu để doanh nghiệp phát triển bền vững

Chia sẻ về việc DN chuyển đổi số, ông Nguyễn Văn Minh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thái Bình Dương (Hà Nội) cho biết, là DN hoạt động đa ngành quen với kiểu làm việc truyền thống, chủ yếu dùng văn bản giấy tờ, bàn giao công việc trực tiếp. Trước nguy cơ phải ngừng hoạt động, ông Minh đã quyết định phải chuyển đổi số. Tất cả công ty làm việc qua mạng, mọi giao dịch chuyển sang online, thanh toán với khách hàng trên nền tảng ví điện tử... Chỉ hơn 1 tháng, DN tiết kiệm được thời gian đi lại, giấy tờ, mực in, tiền điện nước hiệu suất công việc lại tăng lên nhiều. 

Theo TS Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện phát triển doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI, lợi ích thấy rõ của chuyển đổi số là không phải dành ra diện tích để lưu trữ hồ sơ, giấy tờ, tài liệu; chi phí thuê mặt bằng; thời gian in ấn và sắp xếp tài liệu; tìm kiếm đơn giản hơn; việc số hóa dữ liệu kết hợp với những công cụ bảo mật tốt có thể tăng cường sự an toàn khi lưu trữ; dễ kiểm soát, lên kế hoạch.

Theo ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương, hiện cả nước mới chỉ có 15% DN đang có kế hoạch chuyển đổi số, còn hơn 70% DN, nhất là DN nhỏ và vừa vẫn gặp nhiều rào cản trong chuyển đổi số và phản ứng thụ động với thay đổi của thị trường. DN nhỏ và vừa chiếm 97% tổng số DN, song trình độ khoa học, công nghệ còn thấp, có 80-90% máy móc sử dụng trong các DN Việt Nam là nhập khẩu, gần 80% là công nghệ cũ từ thập niên 1980-1990.

Nhận định rằng chuyển đổi số là hành trình dài, buộc các quốc gia, DN, cá nhân phải chạy đua để thay đổi toàn diện, theo ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, ở nước có thu nhập trung bình thấp như Việt Nam quá trình này sẽ gặp nhiều khó khăn và chậm hơn kỳ vọng. Bởi khung pháp lý cho DN chưa hoàn thiện, hạ tầng công nghệ chưa đồng bộ, nguồn nhân lực công nghệ cao còn thiếu do giáo dục đào tạo chưa đáp ứng... Tuy vậy, dù khó khăn, DN vẫn phải là đơn vị tiên phong chuyển đổi số, đi đầu trong nền kinh tế số, không chỉ phát triển kinh doanh, mà vì tính sống còn.

Giáo sư Hà Tôn Vinh, Chủ tịch Tổ hợp Giáo dục và Tư vấn quốc tế Stellar Management cho rằng, DN và Chính phủ Việt Nam cần phải “khởi nghiệp" lại, xây dựng lại chiến lược, tầm nhìn làm việc để không bị các thị trường từ bỏ. Đặc biệt là khi xu hướng thế giới đang chuyển đổi số mạnh mẽ, phải thay đổi cung cách làm việc, bỏ đi những “hành lý” nặng nề, đừng để nó kéo ngã DN. Giáo sư Hà Tôn Vinh khẳng định: “Chuyển đổi số giờ không còn là nhu cầu, muốn hay không mà đã là yêu cầu bắt buộc phải làm”.

Ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định, để các DN chuyển đổi số, khâu đột phá là phải có một cơ chế về thu thập dữ liệu, xử lý dữ liệu, phân cấp dữ liệu, không cát cứ về dữ liệu, bảo vệ an toàn dữ liệu. Nhà nước đã bỏ ngân sách ra để làm cơ sở dữ liệu dân cư, đất đai, DN... đó phải xem như tài sản của toàn dân, hãy để người dân và DN được sử dụng. Ở cấp độ quốc gia, chuyển đổi số là chuyển đổi Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số quốc gia. Chuyển đổi số cần sự đồng hành của DN, Chính phủ và cả xã hội, và dịch Covid-19 được xem như một cú hích để hành trình đó diễn ra nhanh hơn.

VÂN NGA

 

Tin cùng chuyên mục

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

(PNTĐ) - Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi đến thăm Thượng tá, cựu chiến binh Đinh Văn Chiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội - người đã từng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Đã 49 năm trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng của một giai đoạn lịch sử vẫn còn mãi trong người chiến sĩ thương binh bộ đội Cụ Hồ anh dũng, quả cảm.
Những người trẻ yêu Tổ quốc trong thời bình

Những người trẻ yêu Tổ quốc trong thời bình

(PNTĐ) - Không còn chiến tranh, không còn chia cắt, đất nước Việt Nam giờ đây vươn mình mạnh mẽ hội nhập với thế giới. Thế hệ thanh niên ngày nay cũng hướng đến trở thành những công dân toàn cầu, ham học hỏi, đầy tài năng. Và hơn hết, trong trái tim mỗi người đều một lòng yêu nước nồng nàn, tha thiết.